Chủ nhật, 28/04/2024 18:58 (GMT+7)

Chính sách tín dụng trong phát triển KT-XH vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

MTĐT -  Thứ bảy, 09/12/2023 10:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho vùng TDMNBB, nguồn lực tín dụng có vai trò rất quan trọng để hỗ trợ phát triển kinh tế tại chỗ của khu vực, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh, xã hội.

tm-img-alt
Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho vùng TDMNBB, nguồn lực tín dụng có vai trò rất quan trọng để hỗ trợ phát triển kinh tế tại chỗ của khu vực, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh, xã hội.

Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (TDMNBB) là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, có vai trò, vị trí chiến lược và tàm quan trọng đặc biệt về kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Đây còn là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, gắn bó lâu đời với bản sắc văn hóa riêng, đặc sắc. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho khu vực, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/07/2004, Kết luận 26-KL/TW ngày 02/08/2012 cho giai đoạn đến năm 2020, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW. Đến nay, vùng TDMNBB đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, như: Kinh tế của các tỉnh trong vùng tăng trưởng liên tục và tương đối nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ với thủy điện, kinh tế cửa khẩu, du lịch đang trở thành những ngành kinh tế quan trọng; quy mô nền kinh tế được mở rộng… Những thành tựu đó đã thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân khu vực trong việc thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng TDMNBB.

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung, vùng TDMNBB nói riêng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp luật tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh và triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do thiên tai, bão lụt, dịch bệnh và một số nguyên nhân bất khả kháng, góp phần quan trọng trong việc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng TDMNBB theo đúng chủ trương, định hướng tại Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ.

1. Về cơ chế chính sách tín dụng của Chính phủ, ngành Ngân hàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội vùng TDMNBB

Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho vùng TDMNBB, nguồn lực tín dụng có vai trò rất quan trọng để hỗ trợ phát triển kinh tế tại chỗ của khu vực, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh, xã hội. Ngoài các cơ chế, chính sách tín dụng chung trên toàn quốc, thời gian qua, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ về phát triển vùng TDMNBB, NHNN đã nghiên cứu, ban hành, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, sản phẩm cho vay ưu đãi phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho các lĩnh vực ưu tiên, đối tượng chính sách tại các khu vực, góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị của địa phương, cụ thể:

Thứ nhất, đối với tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, tín dụng đặc thù đối với ngành, lĩnh vực góp phần cung ứng vốn phát triển kinh tế khu vực TDMNBB:

NHNN đã trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các nghị định trên. Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với các giải pháp đột phá, cơ chế ưu đãi, phù hợp với thực tiễn nhằm khuyến khích các TCTD đẩy mạnh đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất kinh doanh, như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình; chính sách khuyến khích tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao; quy định về ân hạn đối với cây trồng lâu năm, đặc biệt là cây cà phê, cao su, hồ tiêu; chính sách xử lý nợ đặc thù.

Bên cạnh đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn là thế mạnh của vùng và các lĩnh vực ưu tiên khác theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN còn tích cực tham mưu cho Chính phủ triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực như: Chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở; một số chính sách tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Cho vay thực hiện các dự án trọng điểm, công trình cấp bách để phát triển cơ sở hạ tầng vùng TDMNBB.

Thứ hai, đối với các chương trình, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội vùng TDMNBB.

Hiện nay, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang triển khai thực hiện 26 chương trình tín dụng chính sách trên toàn quốc, trong đó tại vùng TDMNBB, NHCSXH đang triển khai cho vay 22 chương trình tín dụng tại khu vực như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay giải quyết việc làm… và một số chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, trong năm 2022, triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình MTQG, trong đó quy định cụ thể 6 chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm: chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Nghị định số 28/2022/NĐ-CP là một trong những chính sách quan trọng, tiên phong dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã được đề cập tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, mà trước hết cần tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ, giải pháp Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14 về “Đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của NHCSXH theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng vay đối với các dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.”

Có thể thấy so với các chính sách tín dụng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn trước, Nghị định 28/2022/NĐ-CP quy định các chính sách tín dụng với nhiều ưu đãi hơn về đối tượng vay vốn (bao gồm cả hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế), thời hạn cho vay (tối đa 15 năm, trong đó thời gian ân hạn 5 năm), lãi suất cho vay (dao động từ 3% - 3,96%/năm) và mức cho vay (đối với chính sách cho vay hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, tổng mức cho vay không vượt quá 45% tổng mức đầu tư dự án và không vượt quá 96 tỷ đồng đối với Dự án vùng trồng dược liệu quý, không vượt quá 92 tỷ đồng đối với Dự án trung tâm nhân giống); đặc biệt bổ sung thêm chính sách mới về cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý để phát huy thế mạnh của từng địa phương về góp phần tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án.

Đối với vùng TDMNBB – khu vực với hơn 30 dân tộc đang sinh sống, việc ban hành Nghị định 28/2022/NĐ-CP là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện thành công những mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ trong giai đoạn tới.

2. Kết quả triển khai các chương trình, chính sách tín dụng của ngành ngân hàng tại khu vực TDMNBB

2.1 Phát triển hệ thống mạng lưới chi nhánh ngân hàng trên địa bàn các tỉnh tại khu vực TDMNBB để phục vụ mọi thành phần kinh tế

Đến nay hệ thống mạng lưới tổ chức tín dụng tại khu vực TDMNBB đã được mở rộng, ngoài 14 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh trong khu vực có chức năng quản lý hoạt động ngân hàng trên địa bàn, còn có 1.248 điểm giao dịch của các TCTD, trong đó có: 182 chi nhánh cấp 1; 985 chi nhánh cấp 2 và phòng giao dịch; 108 Quỹ tín dụng nhân dân, để cung cấp nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng cho người dân tại khu vực. Bên cạnh việc phát triển mạng lưới hoạt động, các TCTD cũng rất coi trọng đến công tác xây dựng bộ máy quản lý, nâng cao chất lượng quản trị ngân hàng và chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên. Sự phát triển về quy mô, mạng lưới hoạt động của ngành ngân hàng luôn gắn liền với sự phát triển về mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, đã đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng, đặc biệt là các dự án, các chương trình kinh tế điểm, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

2.2. Kết quả hoạt động huy động vốn góp phần cung ứng vốn phát triển kinh tế khu vực TDMNBB

Trong những năm qua, hoạt động huy động vốn tại khu vực TDMNBB đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc cung ứng cho hoạt động đầu tư tín dụng trên địa bàn. Đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD tại khu vực đạt trên 508 nghìn tỷ đồng, tăng 8,28% so với cuối năm 2021 (cao hơn tốc độ tăng toàn quốc là 7,68%) và đáp ứng khoảng 89% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn. Dư nợ tín dụng của khu vực đạt trên 571 nghìn tỷ đồng, tăng 9,11% so với 31/12/2021 và chiếm khoảng 5% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Trong đó tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng: (i) Tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng trên 17,5% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế vùng TDMNBB; (ii) Tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 25,7% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế vùng TDMNBB; (iii) Tín dụng đối với ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng gần 56,8% so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế vùng TDMNBB. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng được coi là nguồn lực quan trọng để đầu tư phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

- Về chất lượng tín dụng, các TCTD trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng cho nền kinh tế. Cùng với việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay, thực hiện tốt việc phân tích nợ, đánh giá rủi ro để có biện pháp thu hồi nợ quá hạn và ngăn ngừa nợ quá hạn phát sinh. Do đó, chất lượng tín dụng tại các tỉnh TDMNBB luôn nằm trong phạm vi an toàn cho phép. Tỷ lệ nợ xấu tại khu vực TDMNBB chiếm khoảng 0,93%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của khu vực.

- Các TCTD đã chú trọng hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

(i) Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 256.824 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2021, chiếm 56,34% tổng dư no khu vực và chiếm 18,66% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

(ii) Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 112.492 tỷ đồng, tăng 5,39% so với cuối năm 2021, chiếm 19,68% tổng dư nợ khu vực và chiếm 5,22% tổng dư nợ cho vay DNNVV toàn quốc.

2.3. Kết quả cho vay các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước

Cùng với tín dụng thương mại, tín dụng chính sách của Nhà nước thời gian qua cũng góp phần hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng TDMNBB tạo sinh kế, tạo cơ hội cho con em đi học, đi xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực.

Đến 31/12/2022, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực TDMNBB đạt 58.302 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,5% trên tổng dư nợ của NHCSXH, với gần 1,4 triệu khách hàng còn dư Dư nợ tập trung vào một số chương trình lớn như: Cho vay hộ nghèo đạt 15.216 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo đạt 9.300 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 5.592 tỷ đồng.

Riêng đối với việc triển khai chính sách tín dụng thông qua NHCSXH tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến ngày 31/12/2022, NHCSXH tại khu vực đã thực hiện giải ngân 3.584 tỷ đồng cho vay ưu đãi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ- CP của Chính phủ đạt 82,01% kế hoạch năm 2022, trong đó dư nợ chương trình Cho vay vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt trên 478 tỷ đồng.

2.4. Kết quả triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp

Ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã tổ chức nhiều Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh TDMNBB cũng như thường xuyên có các văn bản chỉ đạo các NHNN chi nhánh các tỉnh phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội tại địa phương tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp chuyên đề về chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa NHTM và khách hàng trên địa bàn, đặc biệt là các khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất để nắm bắt nhu cầu thực tế hỗ trợ của doanh nghiệp, các khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời xử lý, tháo gỡ. Đến nay, đã có 55 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức tại khu vực, theo đó các TCTD đã cho vay mới với dư nợ đạt trên 60.000 tỷ đồng cho gần 6.000 doanh nghiệp và một số khách hàng khác; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ) đối với gần 450 doanh nghiệp và một số khách hàng khác với dư nợ trên 2.000 tỷ đồng và thực hiện các hình thức hỗ trợ khác (điều chỉnh giảm lãi suất, giảm phí,..) cho khoảng 3.800 doanh nghiệp và một số khách hàng khác đối với các khoản vay cũ có dư nợ hơn 8.100 tỷ đồng.

2.5. Tín dụng đối với các dự án trọng điểm của vùng

Các TCTD cấp tín dụng đối với 7 dự án BOT, BT giao thông với tổng hạn mức cấp tín dụng là 20.968 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng đến nay đạt 15.829 tỷ đồng. Một số dự án có dư nợ lớn như: Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến cao tốc Bắc Giang - Thành phố Lạng Sơn do Vietinbank tài trợ; Xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và Cải tạo, Nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình theo hình thức BOT do SHB tài trợ; Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 Đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT do Vietinbank, Vietcombank và Lienvietpostbank đồng tài trợ,...

3. Những thách thức trong hoạt động tín dụng ngân hàng tại khu vực TDMNBB

Kết quả hoạt động tín dụng nêu trên đã phản ánh nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc hướng dòng vốn tín dụng nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, tuy nhiên, đầu tư tín dụng cho khu vực TDMNBB còn gặp một số khó khăn, cụ thể:

- Đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khu vực TDMNBB thường gặp phải các rủi ro và khó khăn do đây là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, mưa đá, dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến trồng trọt chăn nuôi, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân.

- Việc phát triển các cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ có năng suất, chất lượng, đảm bảo tính ổn định nhằm thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp chế biến phát triển còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu sẵn có tại các địa phương trong vùng.

- Tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết một số nơi trong khu vực vẫn bộc lộ hạn chế; số lượng doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và quản trị để làm vai trò đầu mối của chuỗi liên kết chưa nhiều; khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu, xảy ra nhiều trường hợp tự phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm gia tăng đột biến, không tuân thủ kỹ thuật và cam kết trong hợp đồng liên kết; chế tài trong liên kết chưa nghiêm dẫn đến việc phá vỡ cam kết của hợp đồng liên kết gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người dân tham gia liên kết.

- Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn chưa mang tính vùng; chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị. Sản xuất công nghiệp còn manh mún, chế biến vẫn ở dạng chế biến thô và gia công. Du lịch phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao; thương mại chủ yếu tập trung vào thương mại biên mậu. Năng lực cạnh tranh của vùng và kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa phát triển, nhất là kết nối hạ tầng giao thông. Do vậy hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư tín dụng nói riêng đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ còn thấp.

- Doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh khu vực TDMNBB phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hạn chế về năng lực quản lý, điều hành và tài chính còn yếu và chưa minh bạch, do đó, chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn của ngân hàng thương mại.

4. Giải pháp hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực TDMNBB trong thời gian tới

Trong thời gian tới, trên cơ sở bám sát định hướng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng TDMNBB theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 9%/NQ-CP của Chính phủ, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển kinh tế cả nước nói chung và vùng TDMNBB nói riêng.

- Điều hành tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

- Tổ chức triển khai các chương trình, chính sách tín dụng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

(i) Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

(ii) Tích cực triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

(iii) Tiếp tục tạo điều kiện để NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác; đặc biệt là các chương trình tín dụng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông các cơ chế, chính sách đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng TDMNBB.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(Vụ Tín dụng các ngành kinh tế)

Bạn đang đọc bài viết Chính sách tín dụng trong phát triển KT-XH vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.