Chủ nhật, 28/04/2024 07:25 (GMT+7)

Chống sạt lở mới ở 'phần ngọn', bãi biển Hội An có nguy cơ bị xóa sổ

MTĐT -  Thứ năm, 14/03/2019 14:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, bờ biển này đang đứng trước thực trạng sạt lở.

Hiện giải pháp được nhiều nhà khoa học đánh giá cao là “nuôi bãi” kết hợp với giải pháp công trình là xây đê ngầm giữ chân bãi biển.

Theo thống kê chính quyền thành phố Hội An, hơn 10 năm qua, trên 7km bờ biển Hội An bị nước biển gây sạt lở. Nước biển lấn sâu vào đất liền với khoảng cách lớn nhất lên đến 190 mét; trong đó, đoạn bờ biển sạt lở nặng nhất kéo dài 4,5 km ở khu vực phía Bắc Cửa Đại, thuộc phường Cửa Đại, thành phố Hội An.

Để ngăn chặn sạt lở, bờ biển Hội An được Nhà nước, thành phố Hội An và doanh nghiệp làm du lịch đầu tư hàng trăm tỷ đồng gia cố, xây bờ kè mềm bằng túi vải địa kỹ thuật Geotube, xây kè chắn sóng những đoạn xung yếu trước mùa mưa bão.

Thời gian qua, hàng trăm tỷ đồng để ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển Hội An chưa giải quyết được vấn đề trên, hàng loạt giải pháp đã được đưa ra nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời.

Nước biển tiếp tục lấn sâu vào đất liền ở bãi biển Cửa Đại. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nhận xét, việc ứng phó tình trạng sạt lở bờ biển thời gian qua chỉ dừng lại ở khâu giải quyết “phần ngọn”, chưa có sự đầu tư nghiên cứu nguồn gốc khiến bãi biển Hội An có nguy cơ xóa sổ. Nguyên nhân khiến bờ biển Hội An sạt lở nghiêm trọng là do dòng chảy của sông Thu Bồn bị thay đổi. Lượng phù sa của dòng sông này mang về phía tận cùng hạ lưu ngày càng ít dần. Giải pháp nuôi bãi kết hợp đê ngầm cần nghiên cứu kỹ lưỡng, hạn chế thấp nhất việc ngăn sông để làm thủy điện phía thượng nguồn, cấm toàn bộ hình thức khai thác cát ven biển Hội An, đặc biệt là trên sông Thu Bồn, đồng thời trả lại dòng chảy tự nhiên cho con sông này.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia vùng Sông Biển (Viện Khoa học thủy lợi) chia sẻ, từ sau năm 2000 đến nay, bờ biển Hội An xói lở mạnh cả về quy mô lẫn tốc độ, đặc biệt 5 năm gần đây. Việc cứu bờ biển Hội An trước sự tàn phá của sóng biển nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, cũng như nhà đầu tư và chính quyền địa phương nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Khu vực được bảo vệ hạn chế sạt lở, khu vực không được bảo vệ ngày càng sạt lở nghiêm trọng. Hiện một số điểm tiếp tục sạt lở nặng hơn, lan rộng theo hướng Bắc và có xu hướng kéo dài đến biển An Bàng. Có thể nói, việc chống xói lở bờ biển Hội An thời gian qua chưa đạt như mong muốn.

Tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại xuất hiện hàng chục năm qua và diễn biến phức tạp trong 5 năm gần đây, nghiêm trọng nhất là khu vực từ bờ bắc Cửa Đại đến khu vực biển Cẩm An, thành phố Hội An với chiều dài khoảng 7,5 km. Phần lớn các nghiên cứu đều cho rằng: Nguyên nhân gây xói lở là thiếu hụt bùn cát nên không tái tạo được bãi biển. Theo các nhà khoa học, 3 giải pháp có căn cứ khoa học chặt chẽ và khả thi nhất trong việc chống xói lở bờ biển tổng thể, đồng bộ gồm: nuôi bãi và xây đê ngầm để giữ chân bãi; xây đập phá sóng xa bờ và nuôi bãi; xây kè mỏ hàn chữ T và nuôi bãi.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm về Quốc gia vùng Sông Biển cho biết: "Với bờ biển Hội An, nuôi bãi là giải pháp mang tính tự nhiên, có kết hợp giải pháp công trình là ưu việt và có tính khả thi cao nhất trong việc cứu bờ biển Hội An trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Đây chính là xu thế chung của thế giới”.

Đánh giá cao về cách làm nuôi bãi kết hợp với giải pháp công trình, các chuyên gia của Trung tâm nước và môi trường Việt Nam - Hà Lan (Đại học Thủy Lợi) nhấn mạnh, nuôi bãi và đê ngầm để giữ chân bãi; xây đập phá sóng xa bờ, nuôi bãi; xây kè mỏ hàn chữ T, nuôi bãi để khôi phục bờ biển Cửa Đại là giải pháp ưu việt nhất, phù hợp thực tiễn và tài chính để cứu bờ biển Cửa Đại vốn đã bị sạt lở nghiêm trọng thời gian qua. Nuôi bãi và đê ngầm giữ chân bãi; xây đập phá sóng xa bờ, nuôi bãi; xây kè mỏ hàn chữ T, nuôi bãi để khôi phục bờ biển Cửa Đại là giải pháp ưu việt nhất.

Theo ông Mai Văn Công - Giám đốc Trung tâm Nước và Môi trường Việt Nam - Hà Lan, từ thực tiễn nghiên cứu tác động đến bãi biển Hội An, giải pháp khả thi nhất là nuôi bãi kết hợp với đê ngầm để giữ chân bãi và tiết kiệm lượng cát phải nuôi. Tuy nhiên, hiệu quả phải dựa trên việc triển khai đồng bộ, toàn diện.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, để bảo vệ bờ biển Hội An bền vững phải xác định nguyên nhân của việc xói lở để giải quyết hiệu quả vấn đề trên. Ông Thanh cho rằng, muốn giải quyết tình trạng trên phải đảm bảo được dòng chảy tự nhiên của các con sông ra biển để ngăn chặn tình trạng lượng cát trầm tích ở vùng biển Hội An bị thiếu hụt - nguyên nhân chính khiến bờ biển Hội An liên tiếp bị sạt lở và mất dần. Chống sạt lở bờ biển Cửa Đại là mối lo không chỉ riêng tỉnh Quảng Nam mà của cả bộ, ngành, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Việc tìm nguyên nhân cũng như giải pháp hiệu quả để phục hồi bờ biển Cửa Đại là cấp thiết

                                                                                                                      Theo: TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Chống sạt lở mới ở 'phần ngọn', bãi biển Hội An có nguy cơ bị xóa sổ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề