Chưa đầy 1 tháng, châu Âu hứng chịu 2 đợt nắng nóng chưa từng có
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, các nước châu Âu đã phải hứng chịu 2 đợt nắng nóng kỷ lục. Hàng loạt các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Đức đã đưa ra những cảnh báo nắng nóng trong tuần này.
Hà Lan và Bỉ trải qua nhiệt độ cao chưa từng thấy khi đợt nóng gay gắt ập xuống vùng phía bắc châu Âu lần thứ hai trong hai tháng liên tiếp.
Cơ quan khí tượng Hà Lan KNMI thông báo nhiệt độ ngoài trời lên đến 39,1oC ở căn cứ không quân Gilze-Rijen gần thành phố miền nam Tilburg vào trưa 24.7, vượt qua kỷ lục trước là 38,6oC vào tháng 8/1944.
Tại Bỉ, nhiệt kế tại Kleine-Brogel tăng lên 38,9oC, cao hơn kỷ lục 38,8oC vào tháng 6/1947. Không dừng lại ở đó, các nhà dự báo thời tiết cho hay nhiệt độ còn có thể tăng vào ngày 25/7, theo Guardian.
Tại Pháp, gần như toàn bộ các khu vực đều có cảnh báo nắng nóng, ngoại trừ khu vực Đông Nam và cực Tây Bắc. Các cua-rơ của giải đua xe vòng quanh nước Pháp Tour de France cũng liên tục được tiếp 1 lít rưỡi nước mỗi giờ. Công ty điện lực Pháp (EDF) trong tuần này đã buộc phải cho ngừng hoạt động hai lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy Golfech, miền Tây Nam đất nước.
Tại thủ đô Paris, Cơ quan dự báo khí tượng quốc gia cảnh báo nhiệt độ ngày mai (25/7) có thể lên tới 41 thậm chí 42 độ C, phá vỡ kỷ lục 40,4 độ C của năm 1947. Chính quyền Paris đã phải kích hoạt kế hoạch đối phó cấp độ 3 trên thang cảnh báo 4 cấp độ.
Cơ quan Khí tượng Anh dự báo nhiệt độ tại nước này trong ngày 25/7 có thể vượt mức kỷ lục 38,5 độ C - từng được ghi nhận tại Faversham hồi tháng 8/2004.
Công ty điều hành mạng lưới đường sắt của Anh Network Rail cho biết đang giảm các chuyến tàu để đối phó với thời tiết cực đoan.
Theo Network Rail, nắng nóng có thể khiến dây điện phía trên tàu bị chùng xuống và hư hại nếu tàu chạy nhanh.
Do nắng nóng, nên người dân từ Pháp đến Na Uy đều tìm cách "hạ nhiệt" tại các sông, hồ, khiến tỷ lệ đuối nước gia tăng.
Tại London (Anh), cảnh sát đang tìm 3 người bị mất tích trên sông Thames khi đang bơi. Tại Hà Lan, một số trường mẫu giáo đã phải đóng cửa do lo ngại nắng nóng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Trong bối cảnh nắng nóng khiến mực nước trên các sông, hồ giảm mạnh, giới chức Pháp đã hạn chế việc sử dụng nước tại 73 trong số 96 khu vực hành chính, đồng thời kêu gọi người dân tránh để lãng phí nước.
Ở Tây Ban Nha, Cơ quan thời tiết quốc gia cảnh báo nguy cơ hỏa hoạn cao đối với các khu vực rộng lớn trong nước, trong khi Bồ Đào Nha đang phải hứng chịu những trận cháy rừng nghiêm trọng, với diện tích tăng 2.000 ha mỗi ngày.
Phát ngôn viên của WMO cho biết các sự kiện thời tiết cực đoan vẫn đang tiếp tục, và sóng nhiệt bắt đầu sớm hơn, ngày càng phổ biến và dữ dội hơn.
Theo Người phát ngôn Tổ chức Khí tượng Thế giới Clare Nullis, những gì đang diễn ra mang dấu hiệu của biến đổi khí hậu và các sự kiện thời tiết có tính chất ngày càng trở nên thường xuyên hơn: “Tình trạng nắng nóng bất thường tại châu Âu mang dấu hiệu của biến đổi khí hậu và dường như đang trở nên thường xuyên hơn. Những hiện tượng thời tiết như thế này bắt đầu sớm hơn và với mức độ ngày càng dữ dội hơn. Vì vậy, đây sẽ không phải là vấn đề sẽ chỉ xảy ra một lần. Tuy nhiên, với những cảnh báo về sức khỏe, những kế hoạch hành động về sức khỏe hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta hi vọng có thể tránh được những sự cố như từng xảy ra vào năm 2003”.
Cuối tháng Sáu vừa qua, nhiều nước tại châu Âu đã phải gồng mình vì nắng nóng, đặc biệt nhiệt độ tại Pháp đã phá vỡ nhiều kỷ lục từng ghi nhận trước đó.
Ngày 28/6, Pháp đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục nhất ở nước này từ trước tới nay, với nhiệt độ 45,9 độ C tại làng Gallargues-le-Montueux, thuộc khu vực Gard, ở miền Nam.
Ước tính nắng nóng sẽ khiến sản lượng rượu vang của Pháp giảm từ 6-13% so với năm 2018. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Didier Guillaume cho biết chính phủ sẽ yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ 1 tỷ euro cho nông dân ở các khu vực bị nắng hạn.
P.V(tổng hợp)