Chuyển đổi Xanh-Kinh tế tuần hoàn: Đức tăng tốc chuyển đổi năng lượng
Đức dự báo tiêu thụ tổng cộng 517 tỷ kWh điện trong năm nay, trong đó khoảng 52% được sản xuất từ năng lượng tái tạo, tăng so với tỷ trọng 47% của năm 2022.
Ngày 18/12, Hiệp hội Năng lượng Đức (BDEW) cho biết năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên hơn một nửa lượng điện tiêu thụ của Đức được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu sơ bộ của BDEW cho biết Đức dự báo tiêu thụ tổng cộng 517 tỷ kWh điện trong năm nay, trong đó khoảng 52% được sản xuất từ năng lượng tái tạo, tăng so với tỷ trọng 47% của năm 2022.
Chủ tịch Hội đồng quản trị BDEW, ông Kerstin Andreae, nhận định: “Các số liệu thống kê cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng.”
Đức đang đặt mục tiêu đạt 80% điện năng từ năng lượng gió và Mặt Trời vào năm 2030. Tuy nhiên, kế hoạch sản xuất năng lượng khử carbon ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã bị đảo lộn do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, dẫn đến quyết định Moskva cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho Đức.
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Đức đã khiến chính phủ nước này phải khởi động lại các nhà máy điện than vốn đã bị đóng cửa để giảm áp lực sản xuất điện chạy bằng khí đốt. Theo kế hoạch, các nhà máy nhiệt điện sẽ hoạt động đến tháng 3/2024.
Thống kê của BDEW cho biết Đức dự kiến sản xuất 508 tỷ kWh điện trong năm 2023, trong đó 25% sản lượng điện năng được sản xuất từ than đá, giảm so với tỷ trọng hơn 30% trong năm 2022.
Chính phủ Đức tuyên bố đang tuân thủ cam kết loại bỏ hoàn toàn than đá vào năm 2030. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng tốc độ vẫn còn quá chậm.
Trước đó, Đức cũng đã đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng hồi tháng 4 năm nay, một quyết định mà theo một số chuyên gia có thể khiến việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu trở nên khó khăn hơn.
Theo TTXVN