Chủ nhật, 28/04/2024 05:56 (GMT+7)

Đề xuất giải pháp tạo sinh kế  bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu cho người dân Bắc Kạn

MTĐT -  Chủ nhật, 13/08/2023 12:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Huyện Ba Bể (Bắc Kạn) thường bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH. Trong khi đó, hoạt động sinh kế của người dân lại chủ yếu là hoạt động nông nghiệp và lâm nghiệp.

Do đặc điểm điều kiện tự nhiên, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) chịu ảnh hưởng của 5 hình thái thiên tai chính gồm: Rét đậm rét hại, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng và mưa đá. Trong đó, loại hình lũ quét, sạt lở đất và mưa đá có tần suất thường xuyên, diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế xã hội của huyện. 

Theo kết quả “Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động sinh kế của người dân tỉnh Bắc Kạn”, TS Bùi Thị Thu Trang (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) nhận định, do địa hình đồi núi có độ dốc lớn, địa hình bị chia cắt mạnh nên Ba Bể thường bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH. Trong khi đó, hoạt động sinh kế của người dân chủ yếu là hoạt động nông nghiệp và lâm nghiệp, chiếm 60,59% tỷ trọng kinh tế toàn huyện.

Năng lực ứng phó của người dân còn thấp

Nghiên cứu cụ thể trong giai đoạn từ năm 2008 - 2018, các hiện tượng thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, mưa đá diễn ra với cường độ mạnh hơn, gia tăng về tần suất và biến đổi thất thường; gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động sinh kế của người dân tại địa phương, làm giảm năng suất cây trồng và vật nuôi.

ngap-lut-99094858dcc2.jpg
Mưa to gây ngập lụt ngô và bí xanh thơm vụ xuân 2022 của người dân xã Địa Linh, huyện Ba Bể

Qua khảo sát, lũ quét, sạt lở đất và mưa đá có tác động trực tiếp và nghiêm trọng đến hoạt động trồng trọt, đặc biệt là trồng lúa vì lúa nước chủ yếu được canh tác ở khu vực gần suối, dễ sinh ra lũ quét và sạt lở đất bờ ruộng làm ngập úng và vùi dập cây trồng. Về chăn nuôi, do điều kiện phát triển kinh tế còn hạn chế nên việc áp dụng những biện pháp chăn nuôi theo hướng hiện đại còn gặp nhiều khó khăn. Việc chăn nuôi của người dân còn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Thiệt hại chủ yếu là mất đất chăn nuôi, hư hại chuồng trại, gây dịch bệnh, vật nuôi chết.

Trong lâm nghiệp, lũ quét, sạt lở đất và mưa đá làm tăng dịch bệnh và làm giảm khả năng chống chọi của các hệ sinh thái rừng, làm chất lượng rừng bị suy giảm. Ngoài ra, BĐKH làm thay đổi thành phần và cấu trúc của một số hệ sinh thái rừng, buộc các loài phải di cư và tìm cách thích ứng với điều kiện sống mới.

Nghiên cứu đã đánh giá năng lực thích ứng BĐKH qua 5 nguồn vốn sinh kế của các hộ gia đình: Vốn con người, vốn nhận thức của người dân về BĐKH, vốn tự nhiên, vốn tài chính, cơ sở vật chất. Nhìn chung, năng lực thích ứng còn ở mức thấp.

Tại huyện Ba Bể, các hộ gia đình có thu nhập trung bình dao động khoảng 3 - 5.000.000 đồng/tháng. Thu nhập hộ gia đình thấp nhất là 2.000.000 đồng/tháng chủ yếu là các hộ sản xuất nông nghiệp và cao nhất là 10.000.000 đồng/tháng chủ yếu là các hộ kinh doanh, lái xe. Trong tổng số hộ phỏng vấn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 21% và hộ cận nghèo là 19%. Ngoài 30% số hộ gia đình được hỏi có nguồn thu nhập chính từ các ngành nghề phi nông nghiệp thì phần lớn các hộ gia đình đều không có việc làm ổn định khi gặp thiên tai dẫn đến thu nhập thấp, đặc biệt là những hộ nghèo và cận nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương, khi họ không có hoặc thiếu đất sản xuất cũng như không có khoản tích lũy.

Dù chịu nhiều tác động từ BĐKH, nhưng kết quả tổng hợp từ phiếu điều tra thể hiện nhận định của người dân. Họ cho rằng gười chịu trách nhiệm trong việc ứng phó với BĐKH thuộc về chính quyền địa phương (95%) và cán bộ môi trường của địa phương (82%), chỉ có 4% người dân cho rằng người dân địa phương là người chịu trách nhiệm ứng phó với BĐKH. Khi được hỏi về việc có sẵn lòng tham gia vào các hoạt động nâng cao khả năng thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng của BĐKH, hầu hết đều đồng ý. Theo TS Bùi Thị Thu Trang, thực tế cho thấy, vốn con người mặc dù dồi dào nhưng số lượng người lao động phụ thuộc vẫn còn ở mức cao, nhận thức và hiểu biết của người dân về BĐKH ở mức trung bình nên sinh kế sẽ dễ bị tổn thương do tác hại của các hiện tượng thiên tai; vì khi đó việc làm sẽ bị hạn chế, thu nhập từ những người lao động chính không đủ trang trải cho gia đình.

nha-sat-lo-914e0a28756f.jpg
Sạt lở gây thiệt hại nhà cửa của người dân tại huyện Ba Bể

Về cơ sở vật chất, nhà sàn, mái ngói là loại hình nhà ở chính của người dân tại đây, tuy nhiên, công trình không còn kiên cố, không an toàn trước các hiện tượng thời tiết cực đoan như gió lốc, lũ quét. Các điểm trường học không tập trung do địa bàn xã rộng, giao thông đi lại khó khăn, nhiều điểm trường học được xây dựng tạm bợ. Nhà văn hóa thôn gần như là không có, một số thôn có nhà văn hóa thì được dựng tạm bợ với diện tích nhỏ. Bên cạnh đó, đặc điểm của người dân tộc thiểu số vùng cao là sống rải rác giữa đồi núi nên việc trao đổi thông tin chủ yếu là trưởng bản đến tận nơi để thông báo. Như vậy, khi có thời tiết cực đoan xảy đến thì trưởng bản khó có thể thông báo được tới tất cả dân bản do hạn chế về đi lại. Mặt khác, năng lực ứng phó của các cơ quan đoàn thể như Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ còn nhiều điểm hạn chế.

Phòng tránh thiên tai, xây dựng mô hình sinh kế bền vững

Dựa trên các đánh giá , khảo sát thực tế, nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp ứng phó BĐKH dựa vào sinh kế của người dân. Trước tiên, cần ưu tiên lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất với mục tiêu bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng ở những vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cao, trong đó có vùng thượng nguồn sông Năng gồm hai xã Khang Ninh, Cao Thượng.

Cùng với bảo vệ rừng là tăng sức bền cho các bờ kè bằng cách trồng cỏ Vetive, chống cói mòn và sạt lở đất dọc theo taluy xã Địa Linh, Yến Dương, Hà Hiệu, và dọc theo bờ sông Năng.

Công tác tuyên truyền, giáo dục cần được thực hiện thường xuyên. Đối với cán bộ quản lý, cần đào tạo, nâng cao kiến thức BĐKH thông qua các khóa tập huấn, diễn tập về phòng chống và ứng phó với BĐKH, định kì 2 lần/năm. Đối với người dân, cần tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, họp cộng đồng về phổ biến các kiến thức về BĐKH và tư vấn áp dụng các mô hình sinh kế bền vững, định kỳ 3 lần/năm. Thông qua các phương tiện loa đài có thể tuyên truyền kiến thức về BĐKH hằng ngày nhằm tạo thói quen cho người dân.

Nghiên cứu cũng đề xuất 2 mô hình sinh kế dựa trên thói quen canh tác và điều kiện tự nhiên. Tại địa phương, mỗi năm có khoảng 87,6 ha diện tích canh tác ngô độc canh trên đất đồi thuờng xuyên bị xói mòn, suy thoái, rửa trôi, nguồn nước cạn kiệt dẫn đến năng suất thấp hoặc mất trắng. Vì vậy, nghiên cứu để xuất chuyển đổi sang mô hình trồng gừng xen chuối Tây. Gừng ta, chuối đều có đầu mối thu mua sản phẩm từ mô hình ngay tại địa phương. Đại đa số người dân có kinh nghiệm trồng ở quy mô nhỏ trước đây, cũng như kinh nghiệm trong bảo quản.

10125556_dao_17-12-27.jpg
Cây gừng là một trong các loại cây giảm nghèo ở Bắc Kạn

Điều kiện thuận lợi là chính sách của địa phương luôn khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả sử dụng đất, hạn chế đất bỏ hoang hóa, phủ xanh đất trống đồi trọc. Tuy nhiên, việc vận chuyển phân bón và giống, sản phẩm thu hoạch còn gặp nhiều khó khăn do địa hình dốc. Thị trường chuối chủ yếu là bán cho thương lái nên chưa đảm bảo tính ổn định trong tương lai do chưa nắm được nhu cầu thị trường một cách tổng thể.

Một mô hình khác được giới thiệu là trồng cây đậu xanh trên đất trồng lúa một vụ. Tại huyện Ba Bể, một số diện tích lúa vụ xuân canh tác không hiệu quả, năng suất thấp hoặc mất trắng do tác động của hạn hán. Trồng đậu xanh đơn canh hoặc đậu xanh xen ngô, thích ứng hạn, trên đất bỏ hoang hoặc trên đất lúa lúa một vụ, là hệ thống canh tác thích ứng với các hiện tượng thời tiết xấu như hạn và tính thất thường của thời tiết ở địa phương.

Tất cả các loại đất một vụ lúa mùa và bỏ hoang trong vụ xuân đều có thể trồng đậu xanh. Giống đậu bản địa được thị trường ưa chuộng, đa số người dân có kinh nghiệm trồng và bảo quản hạt giống. Loại cây này cũng có nhiều ưu điểm đáp ứng nhu cầu tăng thu nhập, không lãng phí đất đai của người dân.

Việc thực hiện các mô hình một cách nghiêm túc sẽ giúp đạt được các mục tiêu này và góp phần giúp người dân chủ động hơn, giảm tính dễ bị tổn thương. trước các tác động của BĐKH.

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất giải pháp tạo sinh kế  bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu cho người dân Bắc Kạn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Trung Nguyên/Báo TN&MT

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề