Thứ ba, 03/12/2024 10:13 (GMT+7)

Điểm danh những dự án BT cuối cùng trước giờ “khai tử”

Cẩm Anh -  Thứ sáu, 03/07/2020 17:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều đơn vị đang chạy đua với thời gian để có thể triển khai dự án trước giờ “khai tử”, khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, chính thức “khai tử” dự án BT, giai đoạn hiện nay có thể được coi là giai đoạn “nước rút” hoàn thành thủ tục của những dự án BT cuối cùng trước khi bị dừng triển khai. Hiện, nhiều đơn vị đang chạy đua với thời gian để có thể triển khai dự án trước giờ “khai tử”.

Chiều ngày 18/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tỷ lệ tán thành là 92,75% (448/456 đại biểu tham gia biểu quyết).

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, chính thức “khai tử” dự án BT. Ảnh minh họa. 

Từ sau ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thông qua, nhiều đơn vị đã công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, thông báo mời thầu dự án Xây dựng – Chuyển giao (BT).

Cụ thể như Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên xã Dũng Liệt - Tam Đa - Đông Phong (huyện Yên Phong) do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh mời thầu mới đây. Dự kiến tổng mức đầu tư tuyến đường là trên 429 tỷ đồng, với diện tích đất đối ứng cho nhà đầu tư khoảng 35ha.

Dự án này đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt theo đề xuất của Công ty xây dựng Minh Đạo (TNHH) vào tháng 1/2018.

Theo Quyết định phê duyệt đề xuất do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường ký vào tháng 6/2018, dự án sẽ xây dựng tuyến đường liên xã Dũng Liệt, Tam Đa, Đông Phong huyện Yên Phong (giai đoạn I) có tổng chiều dài tuyến 10,8km, điểm đầu giao với đường ĐT.286 tại xã Đông Phong, điểm cuối giao với đường đê sông Cầu tại xã Dũng Liệt. Mặt cắt ngang 14,5m, (3,5m+7,5m+3,5m). Mặt đường 01 mái dốc 2% về bên trái, hệ thống cống dọc D800 bên trái tuyến.

Xây dựng 3 cầu vượt mương tiêu trên tuyến bằng dầm bản giản đơn BTCT DƯL kéo trước, bề rộng cầu B=14,5m, có tải trọng thiết kế HL93, tải trọng 300Kg/cm2, gồm: Cầu Vạn An 01 nhịp dài 21m, Cầu Đồng Lâm 01 nhịp dài 24m; Cầu Phấn Động 01 nhịp dài 21m; Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước ngang, hoàn trả mương thủy lợi, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, vạch sơn biển báo theo quy chuẩn hiện hành.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 429 tỷ đồng. Trong đó riêng chi phí xây lắp 244,9 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng 113,9 tỷ đồng, còn lại là chi phí lãi vay 22,5 tỷ đồng, chi phí dự phòng (10%) 26,6 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 3,8 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 7,7 tỷ đồng, chi phí khác 9,6 tỷ đồng.

Dự kiến tỉnh Bắc Ninh giao Nhà đầu tư khai thác một phần giá trị quyền sử dụng đất tại các khu đất có tổng diện tích khoảng 35ha thuộc thị trấn Chờ (3,7ha), xã Thụy Hòa (14,0ha), xã Yên Trung (14,65ha), xã Đông Tiến (2,65ha), huyện Yên Phong để đối ứng cho nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. 

Ngày 27/6, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cũng đăng thông báo mời thầu Dự án Cầu Lộc Bình số 1, đường giao thông và Khu tái định cư xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn theo phương thức PPP, loại hợp đồng BT. Tổng mức đầu tư dự án là 359 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, thời gian phát hành HSMT từ 2/7 đến 31/8/2020.

Trước đó, ngày 13/12/2018, UBND huyện Lộc Bình tổ chức Lễ công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án Cầu Lộc Bình số 1, Đường giao thông và khu tái định cư xã Lục thôn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ 1/500.

Tại buổi lễ, Công ty cổ phần xây dựng Xuân Quang giới thiệu tóm tắt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng dự án Cầu Lộc Bình số 1, Đường giao thông và khu tái định cư xã Lục thôn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ 1/500.

Trước đó ít ngày, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã đăng thông báo mời thầu, phát hành HSMT Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường trung tâm hành chính thị trấn Vĩnh Trụ (Hà Nam), đoạn từ Quốc lộ 38B đến đường nối Đường tỉnh 499 với Đường tỉnh 492 theo hợp đồng BT từ ngày 29/6 đến 31/8/2020. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 111,51 tỷ đồng.

Cũng tại Hà Nam, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường DN2, PK2 và một phần tuyến PK-5, PK-1A, PK-1B thuộc Khu trung tâm hành chính huyện Thanh Liêm đang trong thời gian phát hành HSMT, thời điểm đóng thầu là 9 giờ ngày 7/7/2020. Một số dự án BT khác tại Hà Nam đã công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư với dự kiến tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong quý III năm nay.

Việc các nhà đầu tư đang muốn “cố đấm ăn xôi”, cố “chạy” hợp đồng để “kịp tiến độ” cần cẩn trọng trong việc lựa chọn đầu tư các dự án BT trong giai đoạn này đặt ra nhiều lo ngại. Trên thực tế, các dự án BT vẫn đang tồn tại nhiều bất cập chưa được xử lý, hình thức thanh toán cho dự án BT chưa được minh bạch, khó có thể đảm bảo được quyền lợi của chủ đầu tư khi tham gia dự án.

Bên cạnh đó, mặc dù những sai phạm trong hàng loạt các dự án BT đã được kiểm toán nhà nước chỉ ra nhưng đây cũng chính là “vết xe đổ đầy hấp dẫn” đối với các nhà đầu tư.

Chia sẻ với phóng viên, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất công bị thất thoát, bài toán hạ tầng tại các dự án BT bị bỏ ngỏ trong thời gian qua trước hết là do thiếu minh bạch. Cụm từ minh bạch không được quán triệt từ đầu đến cuối.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. 

Hầu hết các dự án BT hiện nay đều được trả một quỹ đất đối ứng có thể có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần so với “vật ngang giá” là hạ tầng công cộng mà nhà nước đặt hàng. Vì cơ chế tính giá đất chưa rõ ràng, minh bạch và công khai. Chưa có cơ chế để tính giá trị thực sự của mảnh đất đối ứng dẫn đến thất thoát rất nhiều.

Cũng vì tính giá quá rẻ, không tương xứng với giá thị trường và giá trị thực của miếng đất nếu được đầu tư hạ tầng nên “chiếc bánh lợi ích” dành cho ai có được dự án BT là rất lớn, vì thế nên nhiều nhà đầu tư tìm mọi cách để có được dự án, có thể bằng cách nào đó để được chỉ định thầu. Khi có được dự án rồi thì họ mải mê xây dựng nhà cửa trên miếng đất được đối ứng để kiếm lời trước, còn hạ tầng công cộng trả cho nhà nước thì dầm dề, liên tục chậm tiến độ…

Trong khi đó, giá đất đổi cho doanh nghiệp theo hợp đồng BT thì quá rẻ, còn giá công trình hạ tầng quy đổi thì lại quá đắt, thậm chí còn cho đội vốn nhiều lần, nên dẫn đến nhà nước bị thiệt rất lớn, còn nhà đầu tư thì lợi đơn lợi kép.

Cũng vì nhiều dự án không đấu thầu công khai, mà sử dụng hình thức chỉ định thầu không minh bạch nên nhiều doanh nghiệp không có năng lực tài chính cũng như năng lực triển khai dự án “chui lọt lỗ kim”, “vớ” được “miếng bánh hời” nhưng không thể hoàn thiện hạ tầng theo đúng tiến độ để trả lại cho Nhà nước.

Đó là những kẽ hở khiến cho dự án BT bị biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy và gây bức xúc trong dư luận”, bà An chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết Điểm danh những dự án BT cuối cùng trước giờ “khai tử”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới