Thứ năm, 02/05/2024 21:51 (GMT+7)

Ðiện Biên: Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh tại huyện Điện Biên

An Hạ -  Thứ sáu, 27/10/2023 09:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Xác định nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do vậy nhiều năm qua ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học.

Năm học 2023 - 2024, huyện Ðiện Biên có 45 trường tổ chức bữa ăn bán trú (26 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 6 trường trung học cơ sở). Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đã tổ chức tập huấn cho các trường tổ chức ăn bán trú về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thành lập đoàn kiểm tra đầu năm về công tác chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất tổ chức nấu ăn cho học sinh, chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc quy trình tổ chức ăn bán trú.

Phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Hợp đồng nhân viên nấu ăn đảm bảo yêu cầu về sức khỏe, có chứng chỉ nấu ăn; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Hợp đồng thực phẩm với cơ sở sản xuất đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng; nghiêm cấm mua thực thẩm tại cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các trường học.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân.

Năm học 2023 - 2024, Trường Mầm non xã Thanh Luông có 13 lớp, 338 học sinh, 100% trẻ ăn bán trú tại trường. Ðể đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, ngay từ đầu năm học, Trường đã lựa chọn và ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng, số lượng thực phẩm trước khi đưa vào sơ chế, chế biến, có sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ hàng ngày theo quy định.

Khu vực bếp ăn của nhà trường được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, chia thành các khu riêng biệt, như khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín. 

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Tại Trường Mầm non xã Thanh Hưng, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được nhà trường đặc biệt chú trọng. Hiện nay, chế độ ăn của nhà trẻ gồm 2 bữa chính, 1 bữa phụ; trẻ mẫu giáo gồm 1 bữa chính, 1 bữa phụ.

Thực đơn bữa ăn được thay đổi hàng ngày, theo tuần, theo mùa và có đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển khỏe mạnh cả về chiều cao và cân nặng. Ðội ngũ nhân viên nhà bếp, giáo viên được tập huấn thường xuyên về kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hàng tháng tổ chức cân, đo, theo dõi sức khỏe trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng.

Ngoài ra, Trường chủ động, linh hoạt, sáng tạo lồng ghép tuyên truyền giáo dục dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; trao đổi với phụ huynh để cùng giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Các trường học nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định; thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với tất cả khu vực thuộc trường học; cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, không để bán hàng rong xung quanh cổng trường để đảm bảo an toàn cho học sinh. Ðồng thời, các trường tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền tới học sinh, giáo viên, nhân viên nấu ăn về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Do số lượng học sinh bán trú, số trẻ được hỗ trợ ăn trưa tại trường ngày càng đông, nên bên cạnh việc quan tâm đến đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hoá, ngành Giáo dục Điện Biên cũng rất chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống nhà bếp, nhà ăn thoáng mát, hợp vệ sinh đảm bảo chất lượng.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tới các đơn vị trường học chủ động hướng dẫn học sinh ăn, nghỉ bán trú đảm bảo khoa học, hợp vệ sinh; tận dụng cơm canh thừa để chăn nuôi lợn, gà và trồng rau xanh nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú.

Ðối với nhân viên nấu ăn, phải đảm bảo có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do phòng Y tế cấp, kiểm tra sức khỏe định kỳ; được tập huấn kỹ năng nấu ăn theo quy trình một chiều... Hàng ngày, thực phẩm được tiếp nhận dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện nhà trường, đồng thời công khai thực đơn bán trú trong ngày, thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày 24/24 giờ theo quy định.

Bạn đang đọc bài viết Ðiện Biên: Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh tại huyện Điện Biên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Trường học xanh” - Mô hình giáo dục hiệu quả
"Xây dựng mô hình “Trường học xanh” từ cổng trường, khuôn viên đến bên trong nơi làm việc, phòng học... tạo nên một tổng thể không gian làm việc thoải mái, thân thiện, trong lành, hoà cùng thiên nhiên và mang lại hiệu quả giáo dục tốt nhất”.
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.