Chủ nhật, 28/04/2024 15:16 (GMT+7)

Đường Hồ Chí Minh cần vốn, cơ chế đặc biệt để thông toàn tuyến

MTĐT -  Thứ ba, 07/06/2022 09:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án đường Hồ Chí Minh vẫn còn 3 tuyến chính dài 171 km chưa hoàn thành do những bất cập liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), bố trí vốn… Các đại biểu đề xuất bố trí đủ vốn và có cơ chế đặc biệt để hoàn thành dự án.

Dự án đường Hồ Chí Minh mới hoàn thành 86,1 % khối lượng công trình, vẫn còn 3 tuyến chính dài 171 km chưa hoàn thành do những bất cập liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), bố trí vốn… Các đại biểu đề xuất bố trí đủ vốn và có cơ chế đặc biệt để hoàn thành dự án.

Kỳ vọng thông toàn tuyến trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV

Chiều 06/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, một số dự án thành phần GPMB rất chậm, một số dự án thành phần GPMB chưa xong, cắm mốc lộ giới chậm 2 năm, tiến độ hoàn thành dự án không đạt so với Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội. Nguyên nhân do ý thức của người dân trong việc chấp hành các chính sách GPMB chưa nghiêm; Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp có dự án đi qua chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB; Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan chưa lường hết những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án.

Đường Hồ Chí Minh cần vốn, cơ chế đặc biệt để thông toàn tuyến
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Trần Văn Tiến đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, giai đoạn 2021- 2025 tiếp tục đầu 4 dự án thành phần đã xác định nguồn vốn và 1 dự án thành phần chuyển tiếp với quy mô 2 làn xe. Tiếp tục đầu tư đường cao tốc theo quy hoạch đã có chủ trương giai đoạn sau năm 2035 căn cứ vào quy hoạch nguồn lực và nhu cầu giao thông đầu tư khoảng 634 km đường cao tốc.

Tuy nhiên, với kế hoạch này tuyến đường mang tên Bác qua 5 khóa Quốc hội chưa được thông tuyến, chưa rõ đến thời gian nào mới hoàn thành để thông toàn tuyến từ Pác Bó - Đất Mũi vì vẫn còn dự án thành phần đoạn từ Cổ Tiết - Chợ Bến dài 87,5 km chưa có kế hoạch đầu tư.

Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn để đầu tư hoàn thành tuyến đoạn tuyến Cổ Tiết - Chợ Bến dài87,5 km trong giai đoạn 2021-2025 với quy mô 2 làn xe để bảo đảm thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương nơi tuyến đường đi qua để tích hợp dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đồng bộ với quy hoạch đô thị; bố trí, sắp xếp tái định cư cho người dân bảo đảm tính khả thi của dự án; cùng với địa phương xây dựng tuyến đường này tiếp tục chủ trương xây dựng các Làng thanh niên lập nghiệp dọc trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, nhằm huy động thanh niên nằm trong vùng bị ảnh hưởng của dự án tham gia khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, cũng là tạo điều kiện để giáo dục, rèn luyện thanh niên cống hiến.

Đường Hồ Chí Minh cần vốn, cơ chế đặc biệt để thông toàn tuyến
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị Chính phủ cần có báo cáo đánh giá cụ thể hơn về tác động của dự án đến di dân, tái định cư, an sinh xã hội, phương án phục hồi kinh tế của người dân, trong đó làm rõ vai trò phối hợp của bộ ngành chủ quản với các chính quyền địa phương trong thực hiện các nội dung này.

Bên cạnh đó, dự án cũng phải lập dự toán nguồn kinh phí đền bù GPMB phạm vi hành lang toàn tuyến, cắm cột mốc lộ giới và quản lý hành lang toàn tuyến.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư hoàn thành toàn bộ 3 dự án thành phần còn lại trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 để đảm bảo tiến độ và hiệu lực của so với Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội về đầu tư dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị, cần phải có báo cáo đánh giá tác động về môi trường, kinh tế - xã hội các dự án thành phần đã hoàn thành để rút kinh nghiệm cho các dự án thành phần sắp tới, cũng như rút kinh nghiệm cho các dự án lớn tương tự, tránh tình trạng hoàn thành Nghị quyết này lại ảnh hưởng đến Nghị quyết khác. Đặc biệt là vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, tác động đến kinh tế - xã hội địa phương cần có những đánh giá nghiêm túc, bám sát để có những điều chỉnh phù hợp.

Tranh thủ triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả và tranh thủ triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường cao tốc, dự án Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Trong đó, tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương áp dụng hình thức chỉ định thầu, cho phép UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương nơi có dự án đường bộ cao tốc đi qua được khoanh định khu vực khoáng sản làm VLXD thông thường...

Đường Hồ Chí Minh cần vốn, cơ chế đặc biệt để thông toàn tuyến
Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu tại hội trường.

Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết về chủ trương triển khai dự án đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Cùng với quyết tâm biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đổi mới tư duy trong phân bổ nguồn lực, lựa chọn công trình có tính lan tỏa cao và xây dựng cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân là chìa khóa giúp cho những người làm giao thông sớm nối thông cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025, tạo tiền đề để đất nước sở hữu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, hiện nay Chính phủ mới chỉ trình Quốc hội bố trí vốn cho 2/3 tuyến chính chưa hoàn thành do việc thực hiện Nghị quyết 11 về giảm, hoãn đầu tư công, sẽ là một sự kéo dài, một sự lãng phí mang tính lịch sử. Đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn lực để giải quyết những vấn đề còn lại cũng như đầu tư cho giai đoạn tiếp theo của đường Hồ Chí Minh nhằm bảo đảm tuyến đường vận hành thông suốt toàn tuyến.

Đường Hồ Chí Minh cần vốn, cơ chế đặc biệt để thông toàn tuyến
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng chỉ ra rằng, các tuyến đường Hồ Chí Minh hầu hết đi qua những vùng chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, bão lũ, do đó cần phải được xử lý, duy tu, bảo dưỡng kịp thời, đặc biệt cần khắc phục những điểm đen trên tuyến đường giao thông này.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, vẫn còn có nhiều đoạn đường xuống cấp, mặt đường bị hỏng; một số đoạn qua khu dân cư chưa được đầu tư tuyến tránh, nhất là đoạn tránh qua thị trấn, qua TP Bắc Kạn. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm dành nguồn lực đầu tư công trung hạn; xây dựng, mở rộng các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn miền núi khó khăn, các tuyến đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ cũng cần phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong việc đầu tư nâng cấp tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; thực hiện đầu tư dự án mới trên tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng nhằm phát huy hiệu quả toàn tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch để không chỉ phát huy tối đa nguồn lực đầu tư mà còn quan trọng góp phần vào đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ phên dậu của Tổ quốc.

211 hộ dân sau hơn 10 năm chưa nhận được tiền đền bù

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc dự án Đoan Hùng - Chợ Bến trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, theo Tờ trình của Chính phủ do không bố trí được vốn nên đã tận dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21 hiện hữu để nối thông đường Hồ Chí Minh. Việc thông tuyến như vậy chỉ là thông tuyến về mặt vật lý, chưa thật sự thông tuyến theo tinh thần Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội.

Đường Hồ Chí Minh cần vốn, cơ chế đặc biệt để thông toàn tuyến
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An phát biểu tại hội trường.

Đối với đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, dự án được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3950 ngày 17/12/2007, có tổng chiều dài là 82,75 km, đi qua 4 tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và tỉnh Long An, các tỉnh này được giao làm chủ đầu tư các tiểu dự án GPMB. Trên cơ sở đó, tỉnh Long An có 1.254 hộ phải kê biên GPMB với 140,3 ha đất thu hồi để thực hiện dự án.

Tính đến tháng 4/2014, tỉnh Long An đã chi trả bồi thường cho 1.034 hộ/1.254 hộ. Tuy nhiên, dự án đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Long An tạm dừng theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Như vậy, đoạn qua địa bàn tỉnh Long An còn 211 hộ dân đã có quyết định thu hồi, các hộ dân đã bàn giao mặt bằng nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Trong khi nhiều hộ dân phải đi vay tiền ngân hàng để di rời khỏi phạm vi GPMB.

Đây là vấn đề bức xúc mà cử tri Long An đã kiến nghị nhiều lần với các cấp, các ngành từ địa phương đến Trung ương.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT sớm phân bổ nguồn vốn để đầu tư hoàn chỉnh các đoạn dở dang, trong đó có đoạn nằm trên địa bàn tỉnh Long An; bố trí đủ nguồn vốn để chi trả tiền bồi thường cho 211 hộ dân đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa nhận được tiền bồi thường trên địa bàn tỉnh Long An.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, việc này không thể chậm trễ và kéo dài nhiều hơn nữa vì sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp, điểm nóng, khiếu kiện và gây ra lãng phí rất lớn về tài nguyên đất đai tại địa phương.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT tư tiếp tục đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Long An bằng phương thức đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội khóa XIII.

Bạn đang đọc bài viết Đường Hồ Chí Minh cần vốn, cơ chế đặc biệt để thông toàn tuyến. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.