Thứ hai, 29/04/2024 07:29 (GMT+7)

Gỡ vướng trong việc liên kết dạy chương trình Giáo dục thường xuyên

Dương Thế Hoàn -  Thứ năm, 05/01/2023 10:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một trong những vướng mắc mà các địa phương nêu ra là vấn đề quản lý học phí (lập dự toán thu, chi học phí; thu học phí; xuất hóa đơn, báo cáo thuế; chi và báo cáo công khai tài chính…) trong việc cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với các Trung tâm GDTX

Những năm qua, việc dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (gọi tắt là dạy 07 môn văn hoá phổ thông) trong các trường trung cấp, cao đẳng nằm trong mục tiêu “kép” của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, học sinh học Trung cấp được học 4 môn văn hoá phổ thông trong chương trình trình đào tạo trung cấp; nếu có nguyện vọng học 7 môn văn hoá cấp THPT hệ Giáo dục thường xuyên (GDTX) thì sẽ được cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy.

Sau khi tốt nghiệp trung cấp, học sinh học 7 môn văn hoá sẽ có thêm bằng tốt nghiệp THPT theo chương trình GDTX để có thể liên thông lên đại học hoặc có thêm điều kiện thực hiện nguyện vọng học tập suốt đời.

Tuy nhiên, thực hiện Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, ngày 20/6/2019, Bộ GD&ĐT có Công văn số 2672/BGDĐT-GDTX chỉ đạo các sở GD&ĐT từ năm học 2020-2021 không cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT để dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT mà phải phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (gọi tắt là Trung tâm) để tổ chức dạy học.

Đến thời điểm bắt tay thực hiện nội dung công văn 2672/BGDĐT-GDTX, các Bộ, ngành và nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến về nhiều bất cập cần được tháo gỡ. Thậm chí Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành hữu quan và yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát lại các quy định liên quan đến dạy văn hoá trong trường nghề, trường nghệ thuật (dạy văn hoá phổ thông trong chương trình trình đào tạo trung cấp) trên tinh thần: “… vướng mắc cơ chế thì cần tập trung tháo gỡ nhằm đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, người học được học tập suốt đời”.

Đơn cử như trường hợp Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk mà dư luận quan tâm trong những ngày gần đây. Thực hiện nội dung công văn 2672/BGDĐT-GDTX của Bộ GD&ĐT, để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm học 2022-2023, từ năm 2020 nhà trường đã có các văn bản tham vấn các cơ quan chức năng. Theo hướng dẫn của  Sở GD&ĐT, việc quản lý kinh phí từ nguồn thu học phí được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 44/2000/TTLT/BTC-GD&ĐT-LĐTBXH ngày 23/5/2000 của liên bộ Tài chính - Bộ GD&ĐT - Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên vì Thông tư này chỉ áp dụng cho các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nên trường tiếp tục làm công văn hỏi Sở Tài chính. 

tm-img-alt
Giờ Tin học của học sinh Khoa Cơ điện Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk

Ngày 31/10/2022 Sở Tài chính có công văn hỏi Bộ Tài chính. Ngày 7/12/2022 Bộ Tài chính chuyển công văn số 3441/STC-HCSN ngày 31/10/2022 của Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk đến Bộ GD&ĐT (vì Bộ GD- ĐT là cơ quan ra công văn số 2857/BGDĐT – GDTX hướng dẫn tổ chức dạy Chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở GDTX, cũng như chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ - CP) để Bộ này chủ trì rà soát, nghiên cứu, hướng dẫn, nhưng đến nay tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền về vấn đề quản lý việc thu học phí!

Một trong những vướng mắc mà các địa phương nêu ra là vấn đề quản lý học phí (lập dự toán thu, chi học phí; thu học phí; xuất hóa đơn, báo cáo thuế; chi và báo cáo công khai tài chính…) trong việc cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với các Trung tâm GDTX tổ chức dạy học.

Từ năm học 2020 – 2021 về trước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực tiếp đăng ký, duyệt kết quả tuyển sinh với Sở GD&ĐT và tổ chức dạy học chương trình GDTX cấp THPT tại cơ sở, Sở GD&ĐT trực tiếp quản lý kiểm tra, đánh giá quá trình đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác quản lý học phí.

Từ sau năm học 2020 – 2021 đến nay, thực hiện Công văn số 2857/BGDDT-GDTX ngày 31/7/2020 của Bộ GD&ĐT, các trường cao đẳng, trung cấp nếu học sinh của trường có nguyện vọng đăng ký học chương trình GDTX cấp THPT phải liên kết với các Trung tâm, Trung tâm tổ chức dạy học theo Luật, quản lý giám sát chương trình dạy học, tổ chức kiểm tra đánh giá, báo cáo…

Tuy nhiên, việc quy định trách nhiệm đơn vị nào thu học phí chương trình GDTX cấp THPT chưa được quy định trong công văn số 2857/BGDĐT – GDTX, cũng như Nghị định số 81/2021/NĐ - CP quy định về “cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”. Đây là vấn đề gây lúng túng cho các cơ quan thẩm quyền và cho chính cơ sở giáo dục dục nghề nghiệp.

Xin nói thêm, cùng với việc tham vấn về thực hiện quản lý học phí, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk còn có văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc xin phép tuyển sinh 243 học sinh lớp 10 đào tạo Trung cấp nghề và văn hoá cấp THPT hệ GDTX; về đề nghị liên kết với cơ sở GDTX đào tạo chương trình THPT hệ GDTX; về việc xin được tận dụng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của trường để tiếp tục dạy chương trình GDTX.

Căn cứ vào một văn bản trong đó Sở GD-ĐT cho phép được tận dụng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nên trong khi chờ đợi phê duyệt kết quả tuyển sinh cũng như hướng dẫn về quản lý học phí, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk đã tổ chức dạy văn hoá 7 môn cho 243 học sinh này để bảo đảm tiến độ chương trình (nhưng chưa thu học phí, chờ có hướng dẫn chính thức) mà một số dư luận cho là “tuyển sinh chui”. Lãnh đạo nhà trường xác định nhận trách nhiệm về sai sót này, song đồng thời cũng tha thiết mong cấp có thẩm quyền sớm có hướng dẫn đầy đủ về việc đào tạo văn hoá cấp THPT hệ GDTX để tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ “kép” của mình.

Thiết nghĩ, với định hướng mục tiêu phát triển toàn diện người học và thực hiện đúng tinh thần của Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/10/2011 của Bộ Chính trị về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đang được Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành quan tâm quyết liệt chỉ đạo thực hiện thì nguyện vọng trên hoàn toàn chính đáng.

Đây cũng là nguyện vọng chung của các trường trung cấp, cao đẳng trong việc liên kết với các Trung tâm GDTX để dạy chương trình GDTX cấp THPT, các cấp thẩm quyền cần lưu tâm kịp thời tháo gỡ vướng mắc đã nêu trên đây.

Bạn đang đọc bài viết Gỡ vướng trong việc liên kết dạy chương trình Giáo dục thường xuyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.