Thứ bảy, 04/05/2024 04:11 (GMT+7)

Hà Nội: Nâng cao ý thức tự giác trong xử lý rác thải của các F0

MTĐT -  Thứ năm, 03/03/2022 09:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành phương án về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc COVID-19 trên địa bàn.

Ha Noi: Nang cao y thuc tu giac trong xu ly rac thai cua cac F0 hinh anh 1
Chất thải y tế được phân loại ngay tại nơi khám chữa bệnh, được chia thành các túi nylon theo mẫu quy định. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh từng ngày. Kéo theo đó, rác thải y tế từ các bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị lưu động và tại một số nhà dân có bệnh nhân F0 trên địa bàn đang gia tăng.

Nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch rất cao nếu mỗi người dân, cơ sở y tế không nâng cao ý thức tự giác tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.

Thu gom rác mỗi nơi một kiểu

Địa bàn thành phố Hà Nội những ngày này đang dồn dập thông tin về các ca F0. Đâu đâu người dân cũng chia sẻ cho nhau ai đó người quen vừa bị F0, cách điều trị ra sao, uống loại thuốc gì để nhanh khỏi bệnh.

Nhưng trong câu chuyện về COVID-19, ít ai đề cập đến việc xử lý rác thải của F0 như thế nào để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và bảo vệ môi trường, từ đó dẫn đến việc xử lý không đồng nhất trong câu chuyện rác thải của F0.

Anh V.Q.T ở phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) cho biết, vợ và mẹ anh nhiễm SARS-CoV-2 từ cuối tháng 1/2022. Anh đã tới Trạm Y tế phường khai báo theo hướng dẫn. Tuy nhiên, tại đây, anh không được hướng dẫn cũng như phát túi đựng rác thải y tế cho các F0 trong gia đình. Thế nên, rác thải của anh được gia đình cho vào túi để xử lý như rác thải sinh hoạt bình thường.

Chị N.T.T ở phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) cho biết, sau khi phát hiện mắc COVID-19 do lây từ con trai mình, ngày 1/3, chị đã khai báo qua mạng với Trạm Y tế phường. Từ đó đến nay, chị chưa nhận được khuyến cáo từ trạm y tế hay Ủy ban Nhân dân phường về việc phân loại xử lý rác thải đối với các trường hợp F0.

"Hiện tôi cho que test và một vài vật dụng khác của hai mẹ con (là F0-PV) ra một túi riêng, để đến tối gia đình bỏ rác ra điểm quy định như thường ngày, chứ chưa nhận được túi bỏ rác riêng cho các trường hợp F0," chị T thông tin.

Trong khi đó, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) ra văn bản thông báo gửi các tổ dân phố về việc hướng dẫn phân loại, xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly và tại nhà đối với F0. Ủy ban Nhân dân phường này hướng dẫn, các hộ dân bỏ rác của F0 vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào túi màu vàng thứ 2 buộc kín, khử khuẩn, sau đó đến 9 giờ đơn vị môi trường sẽ đến thu gom.

Bày tỏ lo ngại về việc nguy cơ lây nhiễm bệnh từ nguồn rác thải của F0, chị N.P.A (Hai Bà Trưng) phàn nàn: Chính quyền một số nơi còn chưa chủ động trong việc tiếp nhận thông tin, cũng như nắm bắt tình hình các ca F0, chưa hướng dẫn kịp thời các gia đình trong xử lý rác quy định, dẫn tới mỗi nơi, mỗi nhà làm một kiểu. Chị N.P.A chỉ ra, việc phân loại rác phụ thuộc nhiều vào ý thức của mỗi gia đình.

"Hiện nay, người người, nhà nhà test nhanh, trường hợp có kết quả âm tính thì không sao, nếu test dương tính mà rác thải và vật tư y tế cũng vứt bỏ như rác thải sinh hoạt sẽ vô cùng nguy hại. Nguy cơ lây nhiễm rất cao cho cộng đồng," chị N.P.A bày tỏ lo lắng.

Tuân thủ quy trình xử lý rác F0

Tìm hiểu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị-Chi nhánh Hoàn Kiếm được biết, theo danh sách từ Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, tính đến 10 giờ ngày 2/3, địa bàn này có 633 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nằm ở các phường.

Ha Noi: Nang cao y thuc tu giac trong xu ly rac thai cua cac F0 hinh anh 2
Công tác phun xịt khử khuẩn các thùng chứa chất thải đảm bảo được làm thường xuyên và liên tục. (Ảnh: VH/Vietnam+)

Qua danh sách này, chi nhánh môi trường xây dựng lịch trình thu gom rác, sau đó gửi các phường và phòng, chức năng để theo dõi. Xe thu gom rác thải của F0 được thực hiện vào ban ngày (việc thu gom rác thải sinh hoạt được thực hiện vào buổi tối và ban đêm - PV) từ khung giờ 12 giờ đến 18 giờ, áp dụng cho từng phường.

Quận Đống Đa (Hà Nội) đã từng là ổ dịch của thành phố nên đã sớm đưa ra phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải của các F0 trên địa bàn. Theo ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa, địa phương giao Ủy ban Nhân dân phường, Trạm Y tế phường chịu trách nhiệm hướng dẫn công tác phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm phát sinh tại các điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc COVID-19 trên địa bàn.

Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân phường, trạm y tế chịu trách nhiệm trang bị dụng vụ, vật tư y tế để thu gom từ các điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà và chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo đúng quy định.

Chứng kiến buổi làm việc của các công nhân môi trường chi nhánh Đống Đa mới thấy, công việc này đang phải đối mặt với nhiều hiểm nguy và vất vả. Cứ 8 giờ sáng hàng ngày, mỗi tổ thường bố trí 2 người, gồm công nhân và lái xe mặc quần áo bảo hộ y tế, đi trên xe tải nhỏ, chở thùng nhựa màu vàng khoảng 240 lít, có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2" thực hiện công tác thu gom vận chuyển rác thải từ các trạm y tế lưu động về điểm tập kết tập trung trên địa bàn quận.

Trước khi thu gom, rác phải được phun khử trùng, khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin B 1% hoặc dung dịch khử trùng có chứa 0,5% Clo nhằm đảm bảo dịch bệnh không bị phát tán ra môi trường trong quá trình thu gom.

Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Chi nhánh Đống Đa cho biết, trong quá trình thu gom rác thải của các F0, đơn vị đã chuẩn bị các thùng đựng chất thải có nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.

Song, một băn khoăn là, nếu những trường hợp F0 trên địa bàn không khai báo trung thực, dẫn tới để rác thải của người nhiễm lẫn rác thải sinh hoạt, sẽ gây nguy cơ lây nhiễm cho chính người thu gom và cả cộng đồng. Do vậy, mỗi người dân cần nâng cao y thức phân loại rác thải theo đúng quy định để đảm bảo dịch bệnh không bị lây lan ra cộng đồng.

Để tránh tình trạng người dân không tuân thủ các quy định về xử lý chất thải của các F0, cũng như thống nhất trong thực hiện, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành phương án về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc COVID-19 trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, mục đích của phương án trên nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý chất thải, đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh tại nơi cách ly, điều trị F0 tại nhà; bảo đảm an toàn cho người cách ly, nhân viên y tế, người tham gia quản lý chất thải; đồng thời, chủ động kiểm soát, điều tiết trong công tác xử lý chất thải y tế lây nhiễm khi dịch diễn biến phức tạp làm gia tăng khối lượng chất thải y tế lây nhiễm cần xử lý.

Tại phương án này, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tăng cường tuyên truyền để người dân nắm bắt và thực hiện quy trình, phương án phân loại, thu gom rác thải của các F0 nhằm tránh lây lan COVID-19 ra cộng đồng. Đồng thời, thành phố chỉ đạo lực lượng Công an thành phố xử lý các trường hợp vi phạm trong việc thu gom rác thải của các F0./.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Nâng cao ý thức tự giác trong xử lý rác thải của các F0. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.