Hạn hán đang trên đà trở thành 'đại dịch' tiếp theo
Khai thác nước quá mức và ô nhiễm nguồn nước đang làm cạn kiệt dần nguồn tài nguyên của con người. Để thế giới không còn đối mặt với hạn hán, con người cần phải hành động.
Có một thực tế là nước đang bị lấy từ thiên nhiên, rút cạn từ sông hồ rồi quay về thiên nhiên trong trạng thái ô nhiễm. Điều này cần phải dừng lại, bởi lượng nước sớm sẽ không còn nữa.
Ở nhiều nơi trên thế giới, nguồn cung nước đang không đáp ứng được nguồn cầu. Khi mực nước bề mặt và nước ngầm càng suy giảm thì sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nước.
Vấn nạn nước sạch ở Anh
Nước Anh nhỏ bé cổ kính đang phải giải quyết nhiều vấn nạn về nước: Kham hiếm, khai thác quá mức, ô nhiễm, đầu tư kém, sự quản lý thất bại của giới chức trách, ô nhiễm môi trường và vi phạm của các công ty, theo Guardian.
Lượng mưa trung bình năm của Anh là khoảng 1.100 mm, so với mức dưới 300 mm ở Pakistan hay gấp đôi so với Ai Cập. Bất chấp những cơn bão mùa đông, một số khu vực ở Anh đang chạm ngưỡng thiếu nước. Phần lớn lượng mưa tập trung ở Scotland, Wales và miền bắc nước Anh.
Ở phía đông nam nước Anh, lượng mưa chỉ khoảng 600 mm, tương đương ở Lebanon hoặc Kenya, khô hơn Sydney, Australia. Đây là khu vực đông dân nhất nước Anh, với khoảng 18 triệu cư dân trong 19.000 km2, trong đó có 1.500 km2 của London.
Số liệu của chính phủ cho thấy nước ở Anh có 28% tầng chứa nước ngầm, các lớp cát và đá xốp giữ nước dưới lòng đất, và tới 18% sông và hồ chứa, có nhiều nước bị khai thác hơn là được bơm lại. Điều này thể hiện sự không bền vững.
Không một con sông nào ở Anh được đánh giá là có sức khoẻ sinh thái tốt, kể cả địa hình suối phấn. Nhưng phần lớn người ta không biết rằng vấn đề một phần do con người gây ra. Hơn 1/2 lượng nước ngọt được khai thác dùng cho mục đích sinh hoạt. Một người Anh trung bình sử dụng 153 lít nước/ngày. Các dự bán thời tiết cho biết mùa khô ở Anh sẽ tăng tới 50%, lượng nước sẵn có giảm ít nhất 10-15%.
"Là đại dịch tiếp theo không có vaccine"
Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã coi khủng hoảng nước là một trong năm rủi ro hàng đầu với nền kinh tế toàn cầu. Một nửa dân số, gần 4 tỷ người đang sống ở những khu vực khan hiếm nước nghiêm trọng ít nhất một tháng mỗi năm, trong khi nửa tỷ người phải chịu cảnh kham hiếm nước nghiêm trọng quanh năm.
Chỉ có một lượng nước hữu hạn luân chuyển trong vòng tuần hoàn nước của chúng ta. Mỗi giọt nước trên Trái Đất đã tồn tại từ thưở sơ khai và được tái sử dụng liên tục. Cơ thể người trưởng thành có 60% là nước, khi chết và được hoả táng/chôn cất, nước đó sẽ được thải ra môi trường.
Thế nhưng, từ sông Hoàng Hà ở Trung Quốc đến sông Colorado ở Mỹ, nhiều con sông đã không còn đổ ra biển. Các con sông đã bị uốn thẳng, đắp đập nhân tạo, hút nước ra ngoài và dẫn tới các trang trại, khu công nghiệp và các hộ gia đình. Các hồ lớn từ Biển Aral ở Trung Á đến Hồ Umia ở Iran, gần như đã biến mất.
Các tầng chứa nước ngầm từ Ogallala và Thung lũng Trung phần California đến thượng nguồn sông Hằng ở Ấn Độ và hạ nguồn Indus của Pakistan, có tốc độ cạn nhanh hơn tốc độ hồi nước. Lượng nước ngọt ngày càng bị ô nhiễm do nước thải và phân bón, khiến tảo nở hoa, làm nước đục xanh và giết chết các hệ sinh thái.
Theo ông Torgny Holmgren, giám đốc điều hành tại Viện Nước Quốc tế Stockholm, nếu xu hướng này còn tiếp tục, con người sẽ cần thêm 50% nước vào năm 2050.
Covid-19 xuất hiện càng làm nổi trội vấn đề nước hơn. Gary White, Giám đốc điều hành cảu Water.org nói rằng: "Trước đây chúng ta chưa từng coi việc thiếu nước và điều kiện vệ sinh là một cuộc khủng hoảng toàn cầu".
Vào tháng 6/2021, Mami Mizutori, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai phát biểu rằng: "Hạn hán đang trên đà trở thành đại dịch tiếp theo và không có vaccine để chữa trị".
Phần lớn các cuộc khủng hoảng nước thường do sự quản lý yếu kém của con người, chứ không do khí hậu gây ra. Tuy nhiên, khi có biến đổi xảy ra, mô hình mưa thay đổi và những người tị nạn vì khí hậu buộc phải di chuyển, thời giờ để con người hành động ngày càng ngắn hơn. Chúng ta đang sống dựa vào nguồn nước cạn kiệt cuối cùng. Hoặc chúng ta có thể thay đổi cách tiếp cận trước khi quá muộn. Thế giới không cạn nước, mà con người đang thiếu nước.
Vào ngày 9/7/2020, Ủy ban Công cộng phản bác rằng tất cả cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp nước của Anh, gồm Bộ Môi trường Anh (Defra), Cơ quan Quản lý dịch vụ nước (Ofwat) và Cơ quan Môi trường của Bevan (EA) đã buông lỏng quản lý, cần phải hành động khẩn cấp để đảm bảo nguồn cung nước.
Nếu không hành động, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia (NAO) dự báo rằng nhu cầu sẽ vượt quá nguồn cung ở Anh không trễ hơn năm 2034. Do các công ty khai thác nước đã khai thác quá nhiều, dẫn đến suy thoái môi trường, làm cạn các dòng sông. Cần giảm 480 triệu lít mỗi ngày vào năm 2045 để hạ mức khai thác nước ngầm hiện tại xuống mức bền vững, nếu không Anh sẽ cạn nước trong vòng 10 năm tới.
Ảnh hưởng đến nông nghiệp
Andrew Tucker, Giám đốc sử dụng hiệu quả nước tại Thames Water, nói rằng có một số lý do dẫn đến tình trạng thiếu nước dự trữ tương đối lớn ở Anh. Đầu tiên, mỗi tấc đất ở Anh đã được sử dụng khá nhiều trong hàng nghìn năm qua và không còn chỗ để khai thác.
Thứ hai, phía đông nam tương đối bằng phẳng, không có thung lũng để đắp đập. Thứ ba, Anh có một lượng dân số không được giáo dục bài bản về việc tiết kiệm nước hoặc cách sống chung với hạn hán. Và khi nước quá rẻ thì nó không được coi trọng.
Khác với miền tây nước Mỹ, nơi có hệ thống tưới tiêu nhân tạo, nông nghiệp ở Anh hầu như hoàn toàn dựa vào nước mưa tự nhiên. Những cơn mưa ngày càng ít hơn.
James Alexander đến từ một gia đình làm nông ở Oxfordshire qua nhiều thế hệ, nói rằng: "Trong 3 năm qua, trời có lạnh một chút vào mùa đông nhưng không giống ngày xưa. Hai mùa đông vừa qua là hai mùa đông ẩm nhất được ghi nhận, nhưng mưa chỉ xuất hiện khoảng 6 tuần".
Ở bờ biển phía nam của nước Anh, Southern Water hiện đang trả tiền cho nông dân giữ nguyên cánh đồng cây trồng qua mùa đông thay vì để đất trống. Điều này không chỉ vì lợi ích bổ sung nước ngầm mà còn để giảm lượng nitrat từ hoạt động canh tác thông thường ngấm vào nước.
Gánh nặng
Chất thải trong hệ thống nước, sự ô nhiễm của các dòng sông, sự rò rỉ trong các đường ống nước ngầm, các dự án xây dựng nhà ở thiết kế hệ thống nước ẩu... cũng là những nguyên nhân cho vấn đề khủng hoảng nước.
Có rất nhiều điều mà con người có thể hành động, nhưng lại đều quy về tiết kiệm nước, thu gom nước mưa và tái chế nước xám. Tất cả những điều này nên là một phần trong quy trình hoạt động của các công ty cấp nước và quy định của các toà nhà. Ví dụ ở Bỉ, việc lắp bể chứa nước mưa khi xây nhà là bắt buộc, chứ không phải là một lựa chọn.
Con người có nên tắm bằng cách dội nước từ xô và tái sử dụng nước không? Đó không phải là một ý tưởng tồi.
Ở những nơi đã từng phân phối nước theo phần, như ở Cape Town hay các thị trấn khai thác mỏ ở Australia, điều này vẫn được áp dụng. Các khoản thanh toán dịch vụ quản lý đất đai môi trường của Defra có thể khuyến khích canh tác tái tạo và che phủ cây trồng, bù đắp cho việc khôi phục vùng đồng bằng ngập lũ. Điều này còn góp phần đưa hải ly trở lại, tái tạo và phục hồi các dòng sông và vùng đất ngập nước.
Con người đào kênh, xới đất, bơm nước ngầm quá mức, làm khô hạn vùng đất ngập nước, đốt than bùn, giết những loài động vật chủ chốt trong hệ sinh thái, tất cả đều tỉn rằng kỹ thuật hiện đại sẽ giúp con người không cần phụ thuộc vào tự nhiên. Cuộc khủng hoảng nước chính là hậu quả của khủng hoảng khí hậu.
Theo Bảo Châu / Zing News