Thứ hai, 29/04/2024 09:51 (GMT+7)

Hồn mới cho nhà cũ

MTĐT -  Thứ hai, 12/06/2023 09:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Di sản, trong đó trước nhất là nguồn tài sản kiến trúc hay đẹp, có đặc thù riêng nếu biết sử dụng đúng cách, điệu nghệ thì đều có đóng góp lớn cho cả văn hóa và kinh tế.

Một bạn trẻ làm địa ốc ở tận xứ sở kangaroo nhưng đang đi lại như con thoi từ Hà Nội đến nhiều thành thị lớn ở Việt Nam. Không phải đi du hí, cũng không phải tìm đất mà tìm nhà, “nhà cũ” và “nhà cổ”! Hỏi để làm gì, bạn nháy mắt: “Suỵt”!

Ô hô, không khéo “trâu chậm uống nước đục” bạn ơi! Thú săn “đồ cổ” từ cái xe đến cái nhà, từ lâu chẳng còn là bí mật.

Chơi biệt thự và phong cách thượng lưu

Nhớ hơn 20 năm trước, có một ông nhạc sĩ chỉ cần “đạp xe trên phố” mà mua được biệt thự cổ trên đất Sài thành. Ông mua được cặp đôi biệt thự tuyệt đẹp trên đường Trần Quốc Thảo, rồi mở nhà hàng Sinh Đôi, vang bóng một thời. Hồi ấy, dần dần nhiều biệt thự “ẩn dật” trên những con đường đài các như Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan hay Sương Nguyệt Anh, Phạm Ngọc Thạch... đã được săn lùng.

Cùng thời gian, cuộc truy tìm biệt thự xưa ở Hà Nội hướng vào phố cổ và khu phố Tây - khởi đầu từ khu vực Nhà hát Lớn tỏa ra các phố có tuổi đời hơn 70 năm, nhất là các biệt thự ven hồ. Những “cổ vật” này nếu may mắn thì còn nguyên khối, bất hạnh hơn thì đã chia năm xẻ bảy thành nhà tập thể nhếch nhác.

Hồn mới cho nhà cũ
Đền Hàng Buồm, (Hà Nội) sau trùng tu là nhà triển lãm và sinh hoạt văn hóa.

Đa số các biệt thự cổ ở Hà Nội và Sài Gòn được xây dựng trước 1945 hay kéo dài đến 1954, trước khi người Pháp khăn gói “về quê” sau trận Điện Biên Phủ. Nhiều biệt thự xây dựng theo lối Pháp hoàn toàn với phong cách các vùng miền khác nhau của chính quốc, song có không ít biệt thự mang phong cách Đông Dương, giao duyên văn hóa Đông - Tây. Đó thường là các tòa nhà có hành lang rộng và lan can bao quanh để đón gió mát. Nhiều hành lang có khung cửa to rộng, bên trên là vòm cong duyên dáng.

Ở những ngôi biệt thự trên, người sành điệu có thể nhận ra bên cạnh các họa tiết và tượng trang trí mang hình ảnh châu Âu cổ điển lại là một số hình tượng hoa sen, cành lá phương Đông xuất hiện trên nóc nhà hay các hàng cột và tường rào. Thêm nữa, ngoài mái ngói lớn phủ bóng trên nóc nhà, các tác giả còn thiết kế các mái ngói duyên dáng tô điểm cho các khung cửa nhỏ. Thiết kế xưa đẹp, giàu yếu tố nhân văn, cộng thêm vị trí thuận lợi và diện tích rộng rãi, những biệt thự như thế được phục hồi không chỉ để ở.

Hồn mới cho nhà cũ
Bên ngoài quán cà phê Highlands ở một ngôi nhà cổ trên Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM).

“Mắt xanh” của nhà đầu tư đã nhìn thấy nguồn lợi lớn khi hóa phép chúng thành những nhà hàng, quán xá và điểm hẹn sang trọng. Thuộc loại “lão làng” ở Sài Gòn, nhà hàng Tib của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nguyên là một biệt thự Pháp, nằm trong hẻm sâu trên đường Hai Bà Trưng. Tuy là nhà Tây nhưng nó có “biến tấu” cổng vào là mái ngói theo kiểu phủ đệ của Huế. Nội thất được làm mới thể hiện dáng dấp cung đình hoàng gia.

Trong khi ấy, nhà hàng Runam Vàng vốn là một biệt thự Tây yên tĩnh nhìn ra Nhà thờ Đức Bà đã được nhà đầu tư, cũng là kiến trúc sư, tạo dựng thành một salon tao nhã, hòa quyện chất châu Âu và Việt Nam quý phái, lịch lãm. Nhà hàng Ngon là một câu chuyện thành công khác ở cả TP.HCM và Hà Nội khi sử dụng những ngôi biệt thự lão niên để làm nhà hàng ẩm thực Việt Nam đẳng cấp cao.

Hồn mới cho nhà cũ
Bên trong quán cà phê Highlands ở một ngôi nhà cổ trên Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM).

Tuy vậy, không phải có biệt thự cổ là làm nên chốn thượng lưu, đủ sức dựng lại không khí vàng son của một thời. Chính chủ nhân cũ của những ngôi nhà đó, tùy trường hợp, cũng sẽ là một bộ phận quan trọng làm nên hồn cốt mới khi biệt thự chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà hàng. Thập niên 1990, bà luật sư Nguyễn Phước Đại đã làm nên một nhà hàng độc đáo mang tên Bibliothèque - Thư viện, trên đường Nguyễn Du. Đó chính là biệt thự của bà mà phòng ăn lại là thư viện đầy sách cổ. Tổng thống Pháp François Mitterrand khi thăm Sài Gòn đã thích thú dùng bữa với một nhân vật lịch sử trong không gian Francophonie.

Chơi nhà xưa và phong cách đại chúng

Cà phê Highlands có nhiều cửa hàng, bao gồm nhiều nhà mới và nhà xưa. Trước đây, cà phê Highlands thuê được một biệt thự cổ ngay góc Nguyễn Du - Pasteur, kế bên Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM. “Dân văn phòng” từ các công sở và các cao ốc kế cận hay ra đấy hẹn hò, nhâm nhi cà phê nói chuyện đời. Cách không xa, có dãy nhà xưa chạy đến góc Hàn Thuyên cũng có một loạt quán cà phê mang phong cách đại chúng, giá vừa phải.

Gần đây, cà phê Linh trên đường Phạm Hồng Thái, đối diện khách sạn New World, xuất hiện khá ngộ nghĩnh. Thay vì xây sửa một ngôi nhà gạch làm quán, chủ nhân biến nó thành nhà tôn, nhà gỗ, cứ như lấy về từ trong xóm lao động. Bên trong, chủ nhân dựng lại từ nước uống đến bàn ghế và trang trí đều mang dáng vẻ của một Sài Gòn bình dân 1960. Mới nhất, cà phê Linh vào tháng 5 này đã khai trương một quán mới ở góc đường Tôn Thất Tùng - Bùi Thị Xuân theo kiểu nhà gạch trung lưu Sài Gòn 1970.

Cùng gu này, S’mores Saigon caffè là một thương hiệu quán cà phê chuyên đặt ở các nhà xưa. Mới nhất, nhà kinh doanh chọn được một ngôi nhà ngay góc Trần Hưng Đạo - Ngô Quyền. Đây là ngôi nhà ba tầng trông rất xập xệ, đổ nát. Thế nhưng, chủ quán lại giữ nguyên vẻ ngoài “xù xì”, xấu xí của nó để tạo ra sự tương phản với nội thất mới mẻ bên trong. Mặt khác, bên trong quán lại mang phong cách Chợ Lớn vừa xưa vừa tân tiến. Trong đó nổi bật là làm bảng đèn chạy hình như kiểu đèn kéo quân với nhiều hình ảnh kiến trúc cổ của Chợ Lớn. Đáng chú ý hơn, quán còn là không gian triển lãm tranh ảnh rất đời thường!

Hồn mới cho nhà cũ
Quán S’mores Saigon caffè (quận 5, TP.HCM) với không gian thư giãn hòa quyện nét xưa và nay.

Hàng trăm quán cà phê phong cách Sài Gòn xưa, Hà Nội xưa đang nảy nở ở hai thành phố phồn hoa đô hội bậc nhất của cả nước. Chúng góp phần làm giàu pop culture - văn hóa đại chúng hiện đại ở Việt Nam. Trong đó nổi lên yếu tố kết hợp xưa và nay khá hấp dẫn với cả người lớn và giới trẻ. Cụ Nguyễn Gia Thiều từng mong “đập cổ kính ra tìm lấy bóng” thì nay với phong cách retro - phục cổ hay vintage - hiếu cổ, các thế hệ hậu sinh đã, đang có nhiều cách tạo ra hồn mới trên những vật liệu cũ và nền tảng truyền thống. Họ không chỉ sao chép các nét đẹp, hình ảnh xưa mà còn thử nghiệm tái tạo chúng với thẩm mỹ mới và cách làm mới, thông qua nhà hàng, quán xá, cửa hàng, hè phố...

Nhìn thấy sức sống đa dạng như trên, chúng ta càng tin di sản, trong đó trước nhất là nguồn tài sản kiến trúc hay đẹp, nếu biết sử dụng đúng cách, điệu nghệ thì đều có đóng góp lớn cho cả văn hóa và kinh tế. Và như vậy, ngành địa ốc hẳn vẫn còn nhiều dư địa chưa khai thác, trong đó việc “chơi” địa ốc di sản không thuần túy là đầu tư tiền bạc mà còn là tâm hồn và hiểu biết, rung cảm về lịch sử của quá khứ.

Bạn đang đọc bài viết Hồn mới cho nhà cũ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Phúc Tiến/nguoidothi.net.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.