Không phát hiện tritium trong cá gần khu vực xả thải của Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản cho biết, mẫu cá đánh bắt từ các vùng biển gần Nhà máy Điện Hạt nhân Fukushima, nơi bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ từ cách đây 1 tháng không chứa tritium.
Trên trang mạng chính thức, Cơ quan Thủy sản Nhật Bản cho biết không phát hiện tritium trong mẫu mới nhất của hai loại cá bơn ô liu đánh bắt ngày 24/9. Cơ quan trên cập nhật thông tin hằng ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động xả nước thải, nhằm xua tan những lời đồn tiêu cực ở trong và ngoài nước về tác động của hoạt động này đến môi trường.

Đến nay, không phát hiện tritium trong 64 mẫu cá đánh bắt kể từ ngày 8/8. Cơ quan trên có kế hoạch kiểm tra khoảng 180 mẫu từ nay đến cuối tháng 3/2024.
Tháng 3/2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần ảnh hưởng tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy này, đã phải xử lý ô nhiễm phóng xạ hơn 1 triệu tấn nước thải trong quy trình làm mát lò phản ứng.
Lượng nước thải này đã được loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ, trừ chất tritium. Lượng tritium còn lại được pha loãng đến tỷ lệ 1/40, mức cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản, trước khi được xả ra Thái Bình Dương qua một đường ống ngầm dài 1 km từ nhà máy trên. Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.
Thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Trận động đất khiến gần 20.000 người thiệt mạng, 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa và làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Nhà máy này đang tạo ra một lượng lớn nước có nhiễm phóng xạ vốn được dùng để làm nguội các lò phản ứng. Lượng nước thải phóng xạ này hiện là 1,2 triệu tấn được trữ trong các bồn trong khuôn viên nhà máy.
Đại Phong (T/h)