Lan tỏa phong trào phụ nữ khởi nghiệp
Sau hơn một năm thực hiện Ðề án 939, các cấp hội phụ nữ đã chủ động, sáng tạo triển khai những mô hình, việc làm phù hợp điều kiện từng địa phương, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế.
Sau hơn một năm thực hiện Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ (Ðề án 939), các cấp hội phụ nữ đã chủ động, sáng tạo triển khai những mô hình, việc làm phù hợp điều kiện từng địa phương, giúp đỡ hội viên, phụ nữ tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Bà đỡ của những mô hình
Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình phụ nữ khởi nghiệp, chị Lê Thị Vui, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ðông Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Chị em nào có vốn nhỏ, chưa từng kinh doanh thì chúng tôi hỗ trợ, tư vấn giúp khởi sự trước. Khi kinh doanh ổn định, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để giúp đỡ thành lập doanh nghiệp. Muốn chị em hình thành tư duy khởi nghiệp, Hội LHPN huyện hướng dẫn bằng những mô hình sống động ở cơ sở, để chị em nhìn thấy, học tập và làm theo”.
Là một trong những hội viên phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp, chị Lê Thị Thương, xã Ðông Minh, huyện Ðông Sơn cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, chị tham gia lớp học nghề may ngắn hạn và tự mở một cửa hàng nhỏ về may mặc, chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong thôn. Trong quá trình sản xuất, nhận thấy nhu cầu may đồng phục cho học sinh ở các trường học tăng cao, tại địa phương lại chưa có xưởng may đồng phục, chị mạnh dạn đầu tư mở xưởng may đồng phục với quy mô nhỏ.
Ðến năm 2017, được Hội LHPN xã Ðông Minh động viên, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, chị Thương quyết định thành lập Công ty TNHH một thành viên Thọ Thương, mở rộng xưởng may, mua thêm nhiều máy móc, chủ động mở rộng thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho 25 công nhân là phụ nữ tại địa phương, với mức lương từ bốn đến năm triệu đồng.
Xưởng may của chị Lê Thị Thương (xã Ðông Minh, huyện Ðông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được mở rộng sau khi nhận vốn vay hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện. Ảnh: Thúy Minh. |
Nắm bắt nhu cầu được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh doanh của phụ nữ, tháng 3/2018, Hội LHPN xã Ðông Ninh, huyện Ðông Sơn thành lập Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ khởi nghiệp. CLB phối hợp các ngành chức năng, các cấp hội phụ nữ tổ chức đào tạo, chia sẻ kiến thức khởi sự kinh doanh, hỗ trợ thành viên CLB vay vốn phát triển kinh tế, tạo điều kiện để các hội viên kinh doanh, khởi nghiệp.
Chị Lê Thị Tươi ở xã Ðông Ninh là một trong những thành viên của CLB chia sẻ: “Bén duyên với nghề làm hương từ năm 2013, tuy nhiên, những năm đầu, tôi chỉ làm quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp. Khi xã thành lập CLB phụ nữ khởi nghiệp, tôi cùng 24 hội viên phụ nữ đã tham gia. Qua các buổi sinh hoạt, tôi được tư vấn nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh; cách tìm kiếm mở rộng thị trường... Từ đó, tôi quyết định thành lập doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hương. Ðến nay, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 50 tấn hương”.
Sau khi triển khai thực hiện Ðề án 939, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa xác định tập trung hỗ trợ phụ nữ là chủ hộ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt khảo sát, lựa chọn các cơ sở sản xuất, kinh doanh có từ 10 lao động trở lên, có doanh thu khá để phát triển thành doanh nghiệp. Từ đó, vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh.
Hội LHPN tỉnh phân công thành lập ban chỉ đạo phụ nữ ở cơ sở để động viên, hỗ trợ chị em, đặc biệt những người có tiềm năng phát triển thì phải nắm bắt kịp thời những vướng mắc, băn khoăn để giải thích, hướng dẫn, để chị em mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp. Với nữ nông dân muốn khởi nghiệp, Hội hướng dẫn thay đổi phương thức sản xuất manh mún, kém hiệu quả lâu nay sang thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, giúp họ hình thành tư duy làm ăn kinh tế theo chuỗi giá trị.
Chị Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trong quá trình vận động chị em khởi nghiệp, cán bộ hội phụ nữ các cấp tập trung giúp đỡ chị em ngay từ ý tưởng, đến xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh. Khi kế hoạch được triển khai, chị em mong muốn tổ chức Hội LHPN đồng hành ở phương diện nào, thí dụ như cung cấp kiến thức, cách tiếp cận khoa học - công nghệ, hay vay vốn thì thông qua đó, Hội có điều kiện giúp đỡ kịp thời và đúng trọng tâm”.
Chị Thủy cũng cho biết, song song với việc đào tạo, Hội LHPN tỉnh đã tạo điều kiện cho chị em tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng thông qua phối hợp các hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chương trình, dự án, doanh nghiệp hỗ trợ vay vốn. Tuy nhiên, những nguồn vốn ký kết thông qua các kênh này còn hạn chế. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh mong muốn thành lập được Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp để hỗ trợ hội viên trực tiếp và hiệu quả hơn.
Ða dạng hoạt động hỗ trợ
Với chị Ðinh Thị Hương Thảo, một phụ nữ khuyết tật ở phường Trần Hưng Ðạo (TP Thái Bình), ngày 21-8-2018 là ngày đặc biệt trong cuộc đời chị. Sau bao năm ấp ủ dự định để hòa nhập cộng đồng chưa thành hiện thực, chị may mắn được tham gia mô hình nhóm “Phụ nữ khuyết tật tự lực khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh Thái Bình khởi xướng. Từ khi tham gia đến nay, chị Thảo cùng 24 hội viên khuyết tật được dự bốn kỳ sinh hoạt, tập huấn các kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính, xây dựng kế hoạch kinh doanh, quảng bá sản phẩm... Ý tưởng bán hàng trên mạng ấp ủ bấy lâu giờ đã thành hiện thực.
Chị Thảo bộc bạch, trong suốt thời gian tham gia nhóm “Phụ nữ khuyết tật tự lực khởi nghiệp”, các giáo viên truyền đạt rất nhiều kiến thức về kinh doanh. Ðó là cách quản lý đồng tiền mình làm ra, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng đối với mặt hàng bán trên mạng; hay như tự lên kế hoạch thu chi hợp lý cho nguồn tài chính hạn hẹp của người khuyết tật. Những kiến thức đó giúp Thảo kiên định theo đuổi niềm đam mê lập thân, lập nghiệp, vươn lên. Ðến nay, công việc của chị khá suôn sẻ và có nguồn thu nhập ổn định. Thảo thường xuyên chia sẻ cách làm với các thành viên, đồng thời được các cô, các chị trong nhóm cung cấp thêm những kinh nghiệm kinh doanh. Ở nhóm “Phụ nữ khuyết tật tự lực khởi nghiệp” hiện có nhiều người mở dịch vụ quy mô vừa và nhỏ như cơ sở vật lý trị liệu (tẩm quất, xoa bóp) của chị Nguyễn Thị Sim ở xã Ðông Xuân (huyện Ðông Hưng), cơ sở may của chị Bùi Thị Lý ở huyện Kiến Xương thu hút nhiều lao động vào làm việc...
Ðến nay, toàn bộ tám huyện, thành phố thuộc tỉnh Thái Bình xây dựng xong kế hoạch triển khai Ðề án 939. Hội LHPN tỉnh, với vai trò là cơ quan thường trực đã chủ động tập huấn, nâng cao kiến thức về xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, quản lý kinh tế, phát triển kinh tế tập thể cho chị em có nhu cầu kinh doanh, khởi nghiệp. Chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Bình cho biết: Ðể Ðề án 939 trở thành hiện thực, Hội khảo sát, chọn 120 phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp tại các địa phương. Sau đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh, ý tưởng kinh doanh cho 60 hội viên có nhu cầu khởi sự kinh doanh.
Năm 2018, Hội LHPN tỉnh tổ chức thành công Ngày Phụ nữ sáng tạo thu hút 60 ý tưởng, kế hoạch kinh doanh của 60 hội viên, qua đó lựa chọn hai kế hoạch, phương án kinh doanh khả thi của chị Trương Thị Ngoãn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nón Lá, xã Nam Hà (huyện Tiền Hải) và chị Nguyễn Thị Xuân là Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hàng túi, rổ xuất khẩu xã Ðông Phương (huyện Ðông Hưng) gửi về Hội LHPN Việt Nam tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” cấp T.Ư.
Chị Nguyễn Thị Phượng cho biết, thành công bước đầu trong triển khai Ðề án 939 ở địa phương chính là sự ủng hộ, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Ðối với một lĩnh vực khó như phát triển kinh tế tập thể, Hội LHPN tỉnh phối hợp chặt chẽ với Liên minh các hợp tác xã tỉnh Thái Bình thành lập bốn hợp tác xã và 12 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.
Mặc dù vậy, hành trình khởi nghiệp của phụ nữ còn gặp nhiều rào cản, khó khăn như: Thiếu kiến thức và kỹ năng quản lý kinh doanh; khó tiếp cận các nguồn vốn và thị trường. Cơ hội tham gia hoạt động thúc đẩy thương mại còn hạn chế do mạng lưới kinh doanh nhỏ hẹp. Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm tại một số địa phương có mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, từ đó giúp hội viên mở rộng tầm nhìn, nâng cao tư duy kinh tế, mạnh dạn đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực sở trường, có thị trường bền vững.
Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 939/QÐ-TTg, phê duyệt Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Ðề án đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, phù hợp chủ trương của các địa phương, nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương. Năm 2018, các cấp hội phụ nữ hỗ trợ 14.412 phụ nữ khởi sự kinh doanh, trong đó thành lập 341 doanh nghiệp và 7.640 phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp được hỗ trợ vay vốn với số tiền 85,3 tỷ đồng; thành lập 172 hợp tác xã và 1.139 tổ hợp tác/tổ liên kết; 8.123 doanh nghiệp nữ được tư vấn, đào tạo, kết nối vay vốn.
Theo Đại đoàn kết