Thứ hai, 29/04/2024 14:55 (GMT+7)

Lễ khánh thành dự án xây dựng cầu Cao Lãnh

MTĐT -  Thứ ba, 29/05/2018 14:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng chi phí xây dựng khoảng 7.500 tỷ đồng.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, sáng 27/5 tại xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh Đồng Tháp và Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Lễ khánh thành Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng MêKông.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Internet.

Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền có chiều dài 2,01km và tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống dài 21,45km đi qua địa phận huyện Cao Lãnh, Thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35km về phía thượng lưu, được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây: nhịp chính dài 350m; chiều cao thông thuyền 37,5m; trụ tháp chính hình chữ H cao 123,4m; mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m gồm 4 làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế là 80Km/h.

Các đại biểu cắt băng thông xe qua cầu Cao Lãnh. Ảnh: Internet.

Trước đó, ngày 19/20/2013, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng cầu Cao Lãnh. Sau gần 4,5 năm thi công, công trình đã hoàn thành và được Hội đồng nghiệm thu nhà nước chấp thuận nghiệm thu, đưa vào khai thác sử dụng.

Cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mêkông từ Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười lên Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi đưa vào khai thác và sử dụng, công trình sẽ nối liền hai bờ sông Tiền trên địa phận tỉnh Đồng Tháp, đáp ứng mong mỏi bao năm của người dân đồng bằng sông Cửu Long nói chung và người dân Đống Tháp nói riêng.

Dự án kết nối cùng với tuyến đường N2 hiện hữu, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang thi công, hình thành nên trục giao thông quan trọng kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nam Bộ, từng bước hình thành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường bảo đảm quốc phòng – an ninh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đoàn xe lăn bánh trên cầu Cao Lãnh trong ngày khánh thành. Ảnh: Internet.

Được biết, dự án được đầu tư bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng chi phí xây dựng khoảng 7.500 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (tiền thân là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận) là đại diện chủ đầu tư của Dự án; Tư vấn thiết kế và giám sát thi công là Liên danh tư vấn quốc tế CDM SMITH Inc (Mỹ) – WSP FINLAND Limited (Phần Lan) – YOOSHIN Engineering Corporation (Hàn Quốc).                                               

Bạn đang đọc bài viết Lễ khánh thành dự án xây dựng cầu Cao Lãnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Hữu Thông

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...