Luật Quảng cáo phải có những chế tài đủ mạnh để tạo môi trường lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo
Ngày 9/5, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH-TT&DL) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo với các đơn vị liên quan tại TP.HCM.
Phát biểu tại hội thảo, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở cho biết, hội thảo lần này nhằm lấy ý kiến đánh giá khách quan, tính khả thi và đề xuất góp ý để hoàn thiện Dự thảo của các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quảng cáo nhằm sớm hoàn thiện bộ Hồ sơ trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Bà Hương nhấn mạnh: “Cục và Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam mong muốn được các doanh nghiệp góp ý để tạo ra hành lang pháp lý phù hợp với sự thay đổi, biến chuyển của cuộc sống và phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện nay. Chúng ta cần xây dựng hệ thống pháp luật thuận lợi nhất cho các hoạt động quảng cáo để giúp doanh nghiệp phát triển nhưng cũng đảm bảo được biện pháp quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những người tham gia, tiếp cận và hưởng thụ từ hoạt động quảng cáo”.
Từ ngày 21/6/2012, Quốc hội ban hành Luật Quảng cáo. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó những hạn chế, bất cập nảy sinh trong hoạt động quảng cáo như: sự cân bằng các yếu tố văn hóa - kinh tế trong hoạt động quảng cáo; sự thích ứng của các doanh nghiệp quảng cáo trước các xu hướng quảng cáo mới trên thế giới....
Cần có chế tài với các hoạt động quảng cáo sai phạm trên nền tảng xuyên biên giới
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Đảo, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM đánh giá cao dự thảo hồ sơ trình Chính phủ về việc sửa đổi Luật Quảng cáo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, khi nêu bật được 4 nhóm chính sách và giải pháp thực hiện.
Cụ thể, 4 chính sách trong tờ trình của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, gồm: Sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài, và hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trong thị trường quảng cáo Việt Nam; Tính phù hợp và trung thực nội dung quảng cáo; Giới hạn thời lượng quảng cáo trên truyền hình; Trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Đảo cũng nhấn mạnh tồn tại chung của ngành quảng cáo hiện nay là quảng cáo không trong sáng, quảng cáo sai sự thật, trách nhiệm của người nổi tiếng trong quảng cáo, các sai phạm trong quảng cáo của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Vì vậy, ông Nguyễn Thanh Đảo đề nghị Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quảng cáo phải có những quy định, biện pháp chế tài đủ mạnh để xử phạt người vi phạm, đủ sức răn đe, tạo môi trường lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo.
Tương tự, ông Trương Gia Bảo (Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - phụ trách mảng quảng cáo số), cho rằng, hiện nay hoạt động quảng cáo trên các trang thông tin điện tử xuyên biên giới phát triển rầm rộ. Cùng với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, người dân dễ dàng tiếp cận với các hoạt động quảng cáo sản phẩm của tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua nền tảng mạng xã hội.
Do đó, nhiều sản phẩm quảng cáo có nội dung không phù hợp với pháp luật Việt Nam, gây bất ổn trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến uy tín của các doanh nghiệp trong nước. Ông Bảo cho hay, quảng cáo trên báo chí đòi hỏi doanh nghiệp phải cung cấp rất nhiều giấy tờ, nhưng nhiều kênh quảng cáo trên không gian mạng lại không yêu cầu bất cứ giấy tờ gì, nên khi không quản lý được sẽ tạo sân chơi không lành mạnh.
Ngoài ra, ông Bảo cho biết, hoạt động quảng cáo trên internet, mạng xã hội thông qua người nổi tiếng, người có ảnh hưởng chưa có sự kiểm soát của quy định pháp luật và của cơ quan quản lý nhà nước, gây ra hiện tượng quảng cáo tràn lan, thiếu chính xác. Câu chuyện về những nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh tràn lan trên các ứng dụng thời gian qua là ví dụ điển hình...
Cần có cơ chế quy hoạch cho quảng cáo ngoài trời tại các địa phương
Về quảng cáo ngoài trời, nhiều đại biểu tại hội thảo cho hay, sau 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo, nhưng TP.HCM và nhiều địa phương chưa có quy hoạch quảng cáo ngoài trời, dẫn đến nhiều doanh nghiệp vận dụng một số phương thức quảng cáo ngoài trời đôi khi sai phạm.
Ông Trần Việt Tân, Chủ tịch HĐQT Vinama JSC cho biết, quảng cáo ngoài trời là quảng cáo mà ngành rất mong mang tính ổn định, quy hoạch theo tiêu chí, số lượng thay vì quy hoạch theo số nhà như hiện nay. Hơn nữa, theo ông Tân, các doanh nghiệp mong bộ ban hành một quy hoạch quảng cáo ngoài trời mang tính chất đồng bộ từ T.Ư đến địa phương.
Theo ông Tân, Cục Văn hóa cơ sở cần tích cực có ý kiến bằng văn bản để TP.HCM và các địa phương chưa có quy hoạch sớm ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật. Luật Quảng cáo sửa đổi cần cân nhắc hạn chế phạm vi, đối tượng trong quy hoạch quảng cáo nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng không đáng có đối với doanh nghiệp.
Theo bà Trần Thị Thanh Trà, Chủ tịch Chi hội Quảng cáo Hà Nội, thì: “Qua quá trình làm việc thực tế, chúng tôi đề xuất nên bỏ quy định khống chế kích thước biển quảng cáo. Thay vào đó, Luật nên quy định từ bao nhiêu m2 trở lên phải xin giấy phép xây dựng của sở xây dựng đối với loại hình biển áp hông tường, áp mặt tiền nhà để ngành quảng cáo đảm bảo tính sáng tạo, mỹ thuật cao và tạo ra cả sự khác biệt như nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, các nước Châu Âu”.
Ngoài ra, đối với loại hình biển áp mặt tường không nên khống chế chiều cao mặt tiền nhà bởi sẽ lẫn vào biển cửa hàng cửa hiệu. Chúng ta chỉ cần quy định biển quảng cáo được làm cách mặt tiền nhà bao nhiêu cm để đảm bảo độ thoát hiểm khi có sự cố, bà Trà kiến nghị.
Theo Tiếp thị và Gia đình