Thứ bảy, 27/04/2024 16:38 (GMT+7)

Nâng cao nhận thức và tăng cường công tác BVMT trong các KCN-KCX trên địa bàn Hà Nội

Nguyễn Đăng Thái -  Thứ sáu, 22/12/2023 16:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở các Khu công nghiệp – Khu chế xuất (KCN-KCX) Hà Nội đã có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên cần nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố nhiều hơn nữa.

tm-img-alt
Khu công nghiệp Thăng Long - Hà Nội

Theo báo cáo của HĐND TP Hà Nội năm 2022 cho biết, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định, nằm trên địa bàn 17 quận, huyện, với khoảng 3.864 cơ sở sản xuất (hộ cá thể chiến 44,26%, Công ty TNHH chiếm 37,65%, Công ty cổ phần chiến 17,87%), tổng diện tích đất sử dụng theo quy hoạch là 1.686 ha, nộp ngân sách 1.100 tỷ đồng/năm, sử dụng khoảng 60.000 lao động. Báo cáo của Sở Công thương gửi đến HĐND TP chỉ rõ, 70 cụm công nghiệp chỉ có 26 cụm có hệ thống xử lý nước thải, nhưng trong đó có hàng loạt trạm xử lý nước thải không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả.

Cụ thể như Trạm xử lý nước thải tập trung cụm công nghiệp Tân Triều (Thanh Trì) có công suất thiết kế 500m3/ngày đêm. Chủ đầu tư xây dựng trạm này là UBND huyện Thanh Trì, sau khi xây dựng xong đã bàn giao cho Công ty TNHH đầu tư và phát triển xây dựng quản lý, vận hành. Do không đủ năng lực, tư cách pháp nhân trong lĩnh vực vận hành công trình xử lý nước thải nên công ty này không duy trì hoạt động thường xuyên, không bảo trì, bảo dưỡng nên dẫn đến trạm xử lý nước thải hư hỏng, xuống cấp. HĐND TP Hà Nội đánh giá những hạn chế nêu trên là do hệ thống xử lý nước thải do huyện làm chủ đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu quy định về bảo vệ môi trường, không tách riêng hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Một số cụm công nghiệp hệ thống xử lý nước thải lạc hậu, chất lượng nước thải sau xử lý chưa đạt yêu cầu, còn một số chỉ tiêu vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi xả thải ra môi trường… Qua khảo sát, HĐND TP Hà Nội cho biết, hiện có 11 cụm công nghiệp đã được UBND TP Hà Nội trình HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung bằng nguồn vốn ngân sách. TP Hà Nội đã giao cho Ban quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, hoàn thiện các thủ tục khởi công các trạm xử lý nước thải.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó tập trung điều chỉnh các quan hệ liên quan đến phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường. Cùng với các văn bản thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Nhà nước ta cũng đã ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy định về chế tài tài chính, hình sự, các chế tài tài chính (công cụ kinh tế) dựa trên cơ chế thị trường. Chính phủ ban hành các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó quy định cụ thể các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường bị xử phạt bằng hành chính. Nhờ đó, KCN, KCX đã hành động bảo vệ môi trường theo pháp luật quy định.

tm-img-alt
Khu công nghiệp phố nối A - Hưng Yên

Bảo vệ môi trường ở các KCN, KCX vừa là điều kiện vừa là mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường ở các KCN, KCX, như sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý nước, quản lý chất thải và bố trí hợp lý nơi ăn ở, điều kiện làm việc cho công nhân. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác động của môi trường đối với khu vực phát triển sản xuất, kinh doanh. Thử nghiệm các phương án, chính sách để tăng thêm sự tham gia của người dân khu vực trong các dự án sản xuất; đảm bảo tiếp cận lâu dài nguồn nước bằng cách tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mạch. Khuyến khích phát triển áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất ít chất thải, công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm môi trường. Các nhà máy, khu tập trung nguyên liệu, chăn nuôi tập trung có thể sử dụng khí đốt sinh học và phát triển năng lượng mặt trời, gió và các nguồn nhiệt năng khác. Tăng cường đầu tư phục hồi các vùng nguyên liệu đã được khai thác để không xuất hiện nguy cơ làm tổn hại đến môi trường.

Điều quan trọng là phải giáo dục ý thức, trách nhiệm và đạo đức môi trường, nếp sống văn hóa sinh thái trong toàn đội ngũ cán bộ, công nhân viên các KCN, KCX. Có chính sách khen thưởng cụ thể đối với người thực hiện tốt các quy định bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp và xử phạt nghiêm khắc đối với người vi phạm nguyên tắc bảo vệ môi trường. Nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường trong các KCN, KCX. Bảo vệ môi trường và các tác động về mặt xã hội ở các KCN, KCX là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm cho sự thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành và cộng đồng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống của cộng đồng mình. Tổ chức các hoạt động BVMT thông qua các sự kiện hàng năm như: Ngày Môi trường thế giới, Chương trình Giờ trái đất… Xây dựng hương ước, quy ước của địa phương để BVMT. Làm tốt việc biểu dương những tổ chức, cá nhân gương mẫu đồng thời phê phán những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nơi công cộng. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia BVMT. Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên. Đưa việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường vào nội dung nếp sống văn hóa của địa phương. Tăng cường giám sát hoạt động BVMT của cộng đồng, chính quyền và các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, truyền hình, pa nô, áp phích, tờ rơi, áp phích… cùng  các hoạt động tuyên truyền khác như biểu diễn văn nghệ, tọa đàm, triển lãm… có tác dụng chuyển tải thông tin, lan tỏa ý thức BVMT cho công dân,  tổ chức chính trị, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, hình thức tổ chức nâng cao nhận thức cộng đồng rất đa dạng, phù hợp với mọi đối tượng với các buổi trao đổi, tranh luận chính thức hoặc không chính thức, nơi cộng đồng tham gia vào các sự kiện môi trường, từ đó lồng ghép tuyên truyền, phổ biến thông tin về BVMT, tạo cơ hội khuyến khích cộng đồng nhằm phát huy sáng kiến, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia công tác BVMT.

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao nhận thức và tăng cường công tác BVMT trong các KCN-KCX trên địa bàn Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề