Nghệ An: Tuyên truyền, tạo đồng thuận để sớm triển khai dự án chống sạt lở núi
Mỗi năm khi mùa mưa bão đến, hàng chục hộ dân sống sát dưới chân hai ngọn núi Rày và núi Rậm (xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) lại bất an, lo sợ trước nguy cơ sạt lở núi.
Người dân luôn lo lắng, bất an
Từ nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Trọng Thấm (xóm 4, xã Hưng Yên Nam) luôn thấy bất an vì ngôi nhà nằm sát dưới chân ngọn núi Rày. Các năm trước, sau những trận mưa lớn kéo dài, đất đá lại sạt xuống sau căn nhà cấp 4, đe dọa đến tính mạng của các thành viên trong gia đình. Ông Nguyễn Trọng Thấm chia sẻ, tình trạng sạt lở tại núi Rày diễn ra từ năm 2020. Khi mưa lớn, đất đá trên núi liên tục sạt lở xuống phía dưới, uy hiếp các nhà dân. Trong vườn nhà ông vẫn còn nhiều tảng đá lớn từ trên núi lăn xuống do các vụ sạt lở. Rất may, chưa có thiệt hại về người, tuy nhiên người dân luôn lo lắng, bất an.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng (xóm 5, xã Hưng Yên Nam) cho biết, khi có mưa lớn kéo dài, bà con nơi đây không dám ở trong nhà vì sợ sạt lở núi vùi lấp tất cả. Tình trạng này theo từng năm càng nghiêm trọng hơn khi trên hai ngọn núi Rày và núi Rậm đã xuất hiện vết nứt, đe dọa sập xuống bất cứ lúc nào. Nguyện vọng của bà và nhiều hộ dân khác sống dưới chân hai ngọn núi này là chính quyền các cấp triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa lũ.
Hai ngọn núi Rày và núi Rậm có diện tích khoảng 5 ha nằm trên địa phận của ba xóm 3,4,5 thuộc xã Hưng Yên Nam. Dưới chân hai ngọn núi là hơn 500 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu; trong đó có khoảng 70 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do sống sát dưới chân núi. Hàng năm, mỗi khi mùa mưa đến, một lượng lớn đất đá trên hai ngọn núi này lại sạt lở tràn xuống khu vực nhà dân.
Điều đáng lo ngại là từ tháng 10/2020 đến nay, trên đỉnh núi đã xuất hiện vết nứt có đoạn rộng khoảng 40 cm, sâu khoảng 50 cm kéo dài hàng trăm mét. Nhiều cây cối bị sạt lở đất chỉ còn trơ rễ. Một số cây bị sạt lở xuống lưng chừng, chỉ chờ cơn mưa lớn, những phần đất, đá, cây cối này tiếp tục trôi xuống nhà dân phía dưới.
Cần sớm triển khai dự án chống sạt lở
Ông Nguyễn Kim Đoài, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam cho biết, khu vực núi Rày và núi Rậm trong những năm qua liên tục sạt lở đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân sống dưới chân núi. Để hạn chế tình trạng này, nhiều năm trước, cơ quan chức năng đã cho làm một dãy kè đá cao hơn 2 m chạy quanh dưới chân núi. Tuy nhiên, nếu đất đá sạt lở nhiều, kè đá này không thể đảm bảo an toàn.
Mỗi lần mưa lớn kéo dài, chính quyền xã Hưng Yên Nam thường xuyên cắt cử cán bộ, dân quân tự vệ túc trực, theo dõi sát diễn biến sạt lở; chủ động lên phương án vận động người dân sống dưới chân hai ngọn núi không ở lại trong nhà, di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn.
Về lâu dài, năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, huyện Hưng Nguyên đã thống nhất phương án, lên kế hoạch triển khai dự án chống sạt lở tại núi Rày và Núi Rậm. Theo dự kiến, cơ quan chức năng sẽ cắt đỉnh đồi để hạ tải tránh sạt lở; sau đó, đào bạt mái, cứ 5m giật một cơ rộng 3m, có xẻ rãnh để đảm bảo thoát nước; cuối cùng là trồng cây tạo gắn kết đất và cảnh quan.
Theo ông Nguyễn Kim Đoài, sau 2 năm, dự án chống sạt lở vẫn chưa thể triển khai do nhiều hộ dân không đồng tình, cản trở việc thi công. Những hộ dân này không bị ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng sạt lở núi. Vào mùa mưa lũ hằng năm, hơn 70 hộ dân sống sát dưới chân núi luôn bất an.
Ông Nguyễn Văn Hoài, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết, việc triển khai dự án chống sạt lở tại núi Rậm, núi Rày ở xã Hưng Yên Nam là cấp thiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Kinh phí triển khai dự án khoảng trên 25 tỷ đồng, lấy từ nguồn tận thu đất, đá trong quá trình thi công và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên môi trường theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Hiện dự án vẫn chưa thể triển khai do nhiều hộ dân chưa đồng tình, chưa hiểu được tính cấp thiết của dự án.
Trước mùa mưa bão 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Hưng Nguyên đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để sớm triển khai thi công dự án; đảm bảo ổn định đời sống của người dân, tránh tình trạng cứ mỗi mùa mưa bão lại phải di dân ra khỏi vùng nguy hiểm - ông Nguyễn Văn Hoài cho biết thêm.
Theo TTXVN