Chủ nhật, 28/04/2024 21:47 (GMT+7)

Nhận thức rõ những hạn chế, bất cập để điều chỉnh trong dự thảo Luật Cấp, thoát nước

MTĐT -  Thứ bảy, 03/02/2024 22:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực, quy hoạch cấp nước được đưa vào quy hoạch tỉnh, huyện, nhưng chưa cụ thể hóa, do vậy gây nhiều khó khăn trong xây dựng, phát triển và quản lý vận hành hệ thống cấp nước.

Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa có chuyến khảo sát thực tế một số nhà máy nước tại tỉnh Hải Dương. Cuộc khảo sát thực hiện trong bối cảnh Hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Cấp, thoát nước chuẩn bị bước vào giai đoạn xây dựng Dự thảo.

Nhận thức rõ những hạn chế, bất cập để điều chỉnh trong dự thảo Luật Cấp, thoát nước
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cùng đại diện lãnh đạo Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại buổi khảo sát. Ảnh: TTXVN

Từ thực tiễn quản lý, điều hành, ông Phạm Minh Cường - Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết, ngành cấp nước hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ trong xây dựng và quản lý vận hành hệ thống cấp nước, hiện Luật Đất đai quy định, công trình cấp nước là một trong các công trình được ưu tiên sử dụng đất; tuy nhiên khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng đất thì doanh nghiệp phải tự bỏ kinh phí để di chuyển hệ thống đường ống.

Bên cạnh đó, sau khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 có hiệu lực thì quy hoạch cấp nước được đưa vào quy hoạch tỉnh, huyện, nhưng mới chỉ có phương án phát triển chứ chưa cụ thể hóa, do vậy rất khó khăn trong xây dựng, phát triển và quản lý vận hành hệ thống cấp nước.

Ngoài ra, do các quy định pháp luật về cấp nước hiện nay có tính pháp lý chưa cao, nên công tác bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước chưa được thực hiện nghiêm, trong khi nguồn nước khai thác ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm, xâm thực mặn do nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa được xử lý triệt để và tác động của biến đổi khí hậu.

Ở những giai đoạn nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân tăng đột biến, đơn vị cấp nước phải khai thác vượt sản lượng giấy phép khai thác được cấp để có đủ nguồn nước phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, theo quy định, khai thác, sản xuất vượt quyền khai thác được cấp phép sẽ bị phạt, do vậy rất khó khăn cho đơn vị sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương, việc đầu tư xây dựng các hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải đòi hỏi sự phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ nguồn nước mặt phục vụ sản xuất nước sạch hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng nước thải chưa được xử lý triệt để xả thải vào nguồn nước.

Về quản lý cấp nước, thực tế hiện nay, với quá trình đô thị hóa nhanh, ranh giới đô thị và nông thôn luôn biến động đang tác động đến hiệu quả đầu tư và khả năng kế thừa, cải tạo công trình cấp nước nông thôn hiện hữu.

Các cơ quan, đơn vị quản lý tài sản cấp nước và các đơn vị cung cấp nước sạch cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc rà soát, thống kê, phân loại tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội góp ý thêm một số vấn đề của đề xuất xây dựng Luật, như cần làm rõ thêm phạm vi điều chỉnh, quy hoạch về cấp thoát nước, vấn đề tài chính, tính tương thích, đồng bộ với các hệ thống luật khác, cụ thể hoá các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước vào Luật…

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp và các kiến nghị đề xuất, tiếp tục xem xét cập nhật vào dự thảo Luật Cấp, thoát nước tới đây.

Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2023, Chính phủ đã nghe cơ quan chủ trì trình bày tóm tắt đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến xây dựng dự án luật; tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành; xem xét về quy trình, thủ tục chuẩn bị; các yêu cầu, nguyên tắc xây dựng Luật; tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; đồng thời phân tích sâu các vấn đề căn cơ và còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Chính phủ cũng dành thời gian thảo luận về phát triển cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất, hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; quản lý, vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước…

Bạn đang đọc bài viết Nhận thức rõ những hạn chế, bất cập để điều chỉnh trong dự thảo Luật Cấp, thoát nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Đỗ Quang/tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.