Thứ bảy, 27/04/2024 21:01 (GMT+7)

Nhiều địa phương khó khăn trong việc xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung

Lâm Hà -  Thứ tư, 08/11/2023 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Muốn xây dựng các nhà máy cần đảm bảo đủ công suất trong 1 ngày nên cần lượng rác lớn, nhưng một số địa phương kể cả đô thị trung tâm cũng chỉ có 200 tấn - 300 tấn rác/ngày nên rất khó khăn trong việc xây dựng các nhà máy để xử lý tập trung.

Đó là một trong những nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sáng 7/11/2023.

Quan tâm đến vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu câu hỏi về một số vấn đề tồn tại trong công tác này.

Dưới đây, Môi trường và Đô thị Việt Nam xin dẫn lại câu hỏi chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân và phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh.

Nguồn video: Truyền hình Quốc hội

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, qua báo cáo hiện nay tỷ lệ về thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất cao. Tổng hợp từ nguồn báo cáo của 57/63 địa phương, cụ thể ở đô thị tỷ lệ này đạt 96%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%, nông thôn đạt 71%. Tuy nhiên, qua giám sát và thực tế cử tri phản ánh, con số này chưa chuẩn xác, vì hệ thống quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa tốt và thiếu các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật về vấn đề này.

Tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận: Năm 2022 phải ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật định mức kinh tế kỹ thuật hướng dẫn xử lý rác thải để các địa phương có cơ sở thực hiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả thực hiện, nguyên nhân và giải pháp để giải quyết vấn đề này?

Trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết: Năm 2022 tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc có 67.110 tấn/ngày, trong đó các đô thị là 36.870 tấn, còn khu vực nông thôn là 29.455 tấn. Trong những năm qua, các địa phương cũng đẩy mạnh việc thu gom, xử lý rác thải, được quan tâm trong lĩnh vực này và có nhiều nhà máy đốt rác phát điện hoặc xử lý rác được xây dựng.

Hiện cả nước có khoảng 1.326 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay còn khoảng 65% số rác thải của cả nước cần chôn lấp, còn khoảng 16% tổng số rác thải được các nhà máy chế biến thu hồi và phát triển năng lượng.

Thực tế rác thải sinh hoạt như đại biểu trao đổi, theo báo cáo của địa phương là 96% rác thải đô thị, còn là 75% rác thải nông thôn được xử lý, nhưng đây là con số được xử lý bằng hình thức chôn lấp.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Hiện nay, chúng ta đang khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hoá xây dựng các nhà máy phân loại, xử lý rác, đốt rác phát điện. Ông Đặng Quốc Khánh nêu rõ 2 nguyên nhân như sau:

Thứ nhất: Chúng ta chưa có phân loại rác tại nguồn, chưa làm được triệt để.

Thứ hai: Các địa phương không đủ lượng rác để xây dựng các nhà máy. Muốn xây dựng các nhà máy cần đảm bảo đủ công suất trong 1 ngày nên cần lượng rác lớn, nhưng một số địa phương kể cả đô thị trung tâm cũng chỉ có 200 tấn - 300 tấn rác/ngày nên rất khó khăn trong việc xây dựng các nhà máy để xử lý tập trung.

Nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý CTRSH, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Hiện nay, Bộ TN&MT đã thực hiện một số giải pháp, hướng dẫn tại Thông tư 02 của Bộ TN&MT.

Thứ nhất là ban hành nội dung yêu cầu về kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH.

Thứ hai là yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển CTRSH.

Thứ ba là tiêu chí về công nghệ xử lý CTRSH.

Thứ tư là giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

Thứ năm là hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo khối lượng hoặc thể tích chất thải.

Thứ sáu là phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH áp dụng đối với các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải.

Thứ bảy là đóng bãi chôn lấp CTRSH.

Vừa qua Bộ TN&MT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về phân loại rác tại nguồn, gồm 3 loại chính để các địa phương chủ động trong công tác phân loại rác. Trong thời gian tới, đề nghị các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ TN&MT, quan tâm tập trung tuyên truyền vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn để xử lý rác thải một cách triệt để.

Nói về các giải pháp để giải quyết vấn đề tồn tại trong công tác quản lý CTRSH, người đứng đầu Bộ TN&MT khẳng định: "Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, các quy định về CTRSH trong thời gian tới, trong đó ưu tiên ban hành Bộ định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Hiện nay, Bộ đang xây dựng Bộ định mức về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, cố gắng hoàn thiện trong năm 2024. Tiếp tục tục rà soát, hoàn thiện chính sách quy chuẩn quốc gia về lò đốt CTRSH. Theo lộ trình triển khai Luật BVMT năm 2020, Bộ TN&MT đang triển khai để thực hiện. Tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu phát triển công nghệ, trong đó tập trung chuyển giao công nghệ xử lý CTRSH. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi thu hút đầu tư.”

Bạn đang đọc bài viết Nhiều địa phương khó khăn trong việc xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề