Thứ bảy, 27/04/2024 08:56 (GMT+7)

Những người lặng thầm sau cơn bão

MTĐT -  Thứ tư, 05/10/2022 16:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bão đi qua, người người nhà nhà tất bật dọn dẹp nhưng ít ai để ý rằng những công nhân môi trường đô thị phải vất vả gấp nhiều lần ngày thường. Với họ, mỗi trận bão là cả một gánh nặng không thể nói nên lời.

Nỗi lo sau bão

Vừa nhặt đống cành cây vương lẫn rác thải chất lên chiếc xe thùng chở rác, chị Đỗ Minh Nguyệt (công nhân môi trường của Công ty CP Môi trường đô thị TP Đà Nẵng) vừa thở hổn hển.

Gần 3 tiếng đồng hồ dọn dẹp, chưa dọn được 500m đường vì số lượng cành cây gãy đổ và rác rưởi sau trận bão số 4 (Noru). Phủi nhẹ vết bùn bám trên tay áo trong cơn mưa nhỏ sau bão, chị Nguyệt ngậm ngùi: “Công việc của công nhân vệ sinh môi trường nhìn vào rất đơn giản nhưng ẩn sau đó là sự nhọc nhằn với trăm nỗi khó khăn không phải ai cũng hiểu. Nhất là sau mỗi lần bão gió hay những sự kiện đường phố thì quả thực mỗi người công nhân phải dồn sức gấp nhiều lần để làm việc”.

Những người lặng thầm sau cơn bão -0
Công nhân môi trường dọn cát tràn trên đường ven biển.

Từ ngày 28-9, khi cơn bão Noru đi qua, gần 2.000 công nhân thuộc Công ty CP Môi trường đô thị TP Đà Nẵng và Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - chi nhánh tại Đà Nẵng, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng đều ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu gom cây ngã đổ trên đường phố. Do ảnh hưởng bão số 4 nên lượng rác, cây xanh ngã đổ trên các tuyến phố rất nhiều, các đơn vị đều huy động lực lượng tập trung thu dọn nhằm đảm bảo giao thông đi lại.

Anh Phúc, một công nhân của Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng chia sẻ: “Trước bão, nhiều cây xanh đã được cắt tỉa để đảm bảo an toàn mùa mưa bão. Tuy nhiên, số lượng cây xanh trong thành phố rất lớn nên vẫn còn nhiều cây chưa được cắt tỉa dẫn tới bật gốc, gãy cành. Sau bão, gần như tất cả cán bộ công nhân viên đều ra quân để thu dọn. Rất may, các đơn vị công an, quân đội đã tổ chức lực lượng cùng hỗ trợ để giải phóng nhanh các con đường nhằm đảm bảo giao thông sông suốt!”. Ngày cũng như đêm, những chiếc xe thu gom rác, xe cắt tỉa cây xanh đều hoạt động hết công suất. Những nam công nhân với cưa máy cầm tay, với những chiếc xe tải đầy ắp cây cành gãy đổ do bão được vận chuyển tới nơi tập kết. Phần còn lại là công việc của những người lao công quét rác.

Bình thường, công việc của những người lao công như chị Nguyệt không chỉ quét rác, mà còn thu gom rác vào thùng để nửa đêm về sáng xe rác đi qua sẽ thu gom. Công việc thường nhật ấy đã thành thói quen và đều được chị cũng như những đồng nghiệp khác hoàn thành. Nhưng, những ngày sau bão, lượng lá cây và rác vương vãi nhiều hơn, mặt đường lại ướt mưa nên việc dọn rác càng khó khăn gấp bội. Dụng cụ của các chị chỉ cần một cây chổi, một xe đẩy và một cây xẻng là đủ để hoàn thành công việc. Bão đi qua để lại những nhọc nhằn ít người biết.

Những nhát chổi miết xuống lòng đường cần nhiều sức hơn vì nặng, vì cây lá ướt đẫm. Những cánh tay nhanh mỏi hơn vì dùng nhiều sức và làm việc trong thời gian dài khiến người lao công mệt nhoài. “Công việc này, nếu làm cẩu thả sẽ không nhìn được”, một nữ lao công nói thế khi nhìn đoạn đường chị vừa dọn dẹp xong trong buổi tối mưa sau bão.

Đoạn đường chị Nguyệt phải quét dọn khá dài ở quận Liên Chiểu này, nhưng chị bảo vẫn còn đỡ hơn so với các đồng nghiệp ở phía bên kia thành phố, nơi ven biển, ở ấy cây cối ngã đổ nhiều hơn do hứng gió biển và cát bay từ bãi biển lên mặt đường nhiều, công việc vất vả hơn gấp bội. Chị Tấn (43 tuổi) cho biết, công việc nhiều, nhưng chỉ có 30 phút nghỉ ngơi giữa mỗi ca.

Quét rác đường phố lại không giống như quét sân, quét nhà. Chổi thì phải vừa tay, cán không cao quá, không thấp quá, phải buộc chặt thì khi quét mới đưa đi đưa lại thoải mái được.

Những ngày sau bão, nỗi lo về rác thải ngập tràn khiến những người lao công thấp thỏm hơn. Bởi, vẫn chỉ chừng ấy con người, chừng ấy dụng cụ, chừng ấy thời gian nhưng lượng rác thải, cây cối ngã đổ, cành lá vương vãi khắp mặt đường nhiều gấp bội. Tất cả đòi hỏi mọi người phải gồng mình để hoạt động nhiều thêm. Những chuyến xe rác chạy đi chạy lại tấp nập, những chuyến xe chở cây cành gãy đổ nườm nượp về điểm tập kết... công việc nhiều hơn và hình như mọi người đều dặn lòng cố gắng hết sức có thể.

Những người lặng thầm sau cơn bão -0
Những người lặng thầm sau cơn bão -1
Sau bão, công việc quét dọn của các nữ lao công càng thêm vất vả.

Người còn lại sau bão

Vệ sinh đường phố là một nghề công ích nặng nhọc. Đêm, họ vẫn lặng lẽ làm công việc của mình. Có chăng khác với ngày thường là chiếc khẩu trang dày hơn, khiến hơi thở nặng nề hơn những ngày sau bão.

Chị Nguyệt, chị Tấn cũng như nhiều người khác đến với nghề này là do cái duyên và do ý thức của mình với cộng đồng nên họ hết lòng tận tụy trong công việc, không quản ngại khó khăn. Mặc dù là nghề được đánh giá có mức độ ảnh hưởng và nguy hiểm cao đến sức khỏe nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc hằng ngày, dù thu nhập không cao so với mặt bằng chung. Thu nhập dù ít ỏi nhưng biết các chị vất vả, có nhiều gia đình thỉnh thoảng để vỏ lon, sách báo trước nhà một cách gọn gàng bên cạnh những túi rác để các chị lấy, giúp các chị có thêm đồng ra đồng vào.

Trong đêm phố biển Đà Nẵng sau ngày bão, những ánh đèn vàng vọt hắt bóng chị đổ dài trên mặt đường đầy lá và rác. Có những con đường vắng lặng chỉ xao xác tiếng gió và tiếng chổi tre cùng bóng người nhỏ nhoi như lạc giữa không gian đêm vô tận. Sau bão, cây lá rơi xuống đường nhiều hơn, điều đó khiến khối lượng công việc vệ sinh môi trường nhiều thêm, nặng nhọc hơn. Trong đêm nồng nàn hơi biển, những người lao công nhỏ bé bỗng trở nên đẹp lạ lẫm. Nhiều người ban đầu làm việc đều e ngại không phải bởi khối lượng công việc nhiều đã đành nhưng điều đáng quan tâm hơn đối với công nhân vệ sinh là hằng ngày phải đối mặt với mùi hôi thối từ rác, chất thải.

“Cứ nơi nào người dân tránh xa vì mùi hôi thối, bẩn thỉu thì người công nhân vệ sinh lại phải lao vào dọn dẹp, thu gom. Thông thường, chất thải sinh hoạt hằng ngày sau khi thu gom sẽ được đem về tập kết tại các nhà máy, bãi xử lý. Công việc của công nhân vệ sinh môi trường là làm hết việc chứ không phải làm hết giờ, chỉ khi nào hết rác thì người công nhân mới an tâm nghỉ ngơi. Sau bão, mỗi người phải gắng làm cho xong phần việc của mình mới dám nghỉ. Có người đã 3 ngày không về nhà vì công việc ngập đầu.

Tất cả đều cố gắng hết sức mình cho đường phố nhanh sạch đẹp”, nữ công nhân môi trường bộc bạch khi nghỉ tay uống nước bên đường.

Nhiều hôm rác nhiều, quét mãi không hết, dù đã đến giờ tan ca, người công nhân vẫn miệt mài quét, ca làm 8 tiếng nhưng thường công nhân phải làm đến mười mấy tiếng mới xong. Như các chị bảo, công việc này không dành cho người vô tâm. Bởi lẽ, để gắn bó được với nghề thì không thể chỉ biết đến miếng cơm manh áo mà phải thực sự nhận thức được ý nghĩa công việc mình mang lại, nên những người công nhân môi trường thường rất tận tâm và có trách nhiệm cao trong việc làm sạch đẹp thành phố.

Những hôm lễ, tết, khi các chị đang cặm cụi quét rác trên đường thì cán bộ địa phương, lãnh đạo công ty môi trường đô thị, hay có những bạn trẻ tình nguyện bất chợt đến thăm. Quà đôi khi chỉ là những chiếc bánh nóng hổi, chai nước hoặc chỉ là lời thăm hỏi.

Những người lặng thầm sau cơn bão -0
Công nhân công ty môi trường đô thị tất bật với việc dọn dẹp.

Thế nhưng, chừng ấy thôi cũng đủ để các chị thêm động lực làm việc. Chị Tấn bảo, công việc này ít người muốn làm vì vất vả và thu nhập không cao, nhưng nếu đã gắn bó rồi thì chẳng dễ gì từ bỏ. Những năm gần đây, công tác thu gom, dọn rác thải ở thành phố lớn đã có nhiều cải thiện. Ngoài nỗ lực của ngành vệ sinh môi trường, người dân cũng có ý thức hơn trong việc tập trung rác đến các địa điểm quy định.

Những nữ lao công bộc bạch, rằng làm công nhân quét rác hầu như không có ngày nghỉ, chỉ cần nghỉ một buổi thôi, rác lại tràn ngập đường phố. Thế nên, dù trời có lạnh giá hay giữa mùa nắng lửa, hay lúc mưa to gió lớn thì những chiếc xe rác vẫn kẽo kẹt một cách chậm rãi để chắc chắn rằng những nơi mình đi qua không còn rác bẩn. Rồi khi đêm xuống, trong khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, tiếng chổi tre của các chị lại vang lên. Những chiếc xe đầy ăm ắp rác lại được đẩy đi trên đường theo tiếng chổi tre. Với những người lao công, việc dọn dẹp phố phường sạch đẹp không chỉ là miếng cơm manh áo, là thu nhập hằng tháng, mà họ còn ấp ủ về ý thức môi trường trong mỗi người. Hóa ra, chiếc xe ấy đang chở biết bao số phận con người, trong đó có cả những ước mơ, hoài bão thật giản dị...

Sau bão, giữa những ngổn ngang vẫn vang lên tiếng chổi xé màn đêm với bao chuyện đời đáng ngẫm như thế. Và, khi bình minh lên, nhiều người sẽ vui hơn khi đường phố không còn tàn tích của cơn bão vừa qua./.

Bạn đang đọc bài viết Những người lặng thầm sau cơn bão. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Tiêu Dao/ Báo Công An Nhân Dân

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới