Thứ hai, 06/05/2024 18:14 (GMT+7)

Ở chung hay ở riêng?

Hải Vân -  Thứ hai, 12/12/2022 17:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Câu hỏi đó là nỗi băn khoăn của không ít bạn gái trước khi quyết định kết hôn với người mình yêu dấu. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, ai cũng mong muốn tìm được “nửa kia” có một gia đình đầm ấm với nền nếp gia phong đáng quý.

tm-img-alt
Ảnh minh họa .ITN

Tuy nhiên, để duy trì được điều đó mà phải chấp nhận cảnh chung sống nhiều thế hệ đã có không ít bạn trẻ “quay xe” chấm dứt mỗi quan hệ ngay sau ngày ra mắt. Vì đâu nên nỗi? 

Kinh nghiệm từ những người “đi trước”

Vì còn là một “thanh niên độc thân vui tính”, Mơ rất nhiều bạn bè và thường dành mọi thời gian rảnh để tranh thủ gặp gỡ, vui chơi. Bằng tuổi cô, hầu hết các bạn đã yên bề gia thất, duy chỉ có Mơ vẫn chưa chịu “gật” ai vì vẫn chưa tìm được mối nào khiến cô thấy yên tâm. Nhiều lần nghe các bạn chia sẻ về cuộc sống chuyển khỏi “màu hồng” sau ngày cưới, Mơ vẫn không thể hình dung cuộc sống sau hôn nhân cùng gia đình nhà chồng sao lại có nhiều điều đáng lưu tâm đến thế. 

Những bất tiện trong đời sống, sinh hoạt 

Là một đôi vợ chồng trẻ mới cưới, anh Nam, chị Ngọc -bạn của Mơ rất muốn có nhiều thời gian tự do và không gian riêng bên nhau. Ngày còn bé, ông nội chăm chút cho Nam nhiều lắm! Thương ông tuổi già nên Nam chỉ ước mơ cả cuộc đời mãi mãi được ở bên, chăm sóc và phụng dưỡng cho ông! Rắc rối bắt đầu xuất hiện khi vợ chồng Nam liên tục những bữa tối không kịp về đoàn tụ.

Cảnh ông nội và bố mẹ già đợi cơm khiến vợ chồng Nam áy náy không yên. Những bữa tiệc tiếp khách, những cuộc vui với anh em bạn bè, những lần đưa vợ về nhà ngoại sum họp... Cuộc vui mới kịp bắt đầu chưa được bao lâu thì đôi bạn trẻ đã phải vội vã ra về vì không muốn bố mẹ ra ngóng vào trông. Cả một tuần thức khuya dậy sớm đi làm xa nhà 40km, nhiều hôm chủ nhật hai vợ chồng muốn được ngủ bù một chút lại phải bật dậy dọn hàng. Lâu dần, vợ chồng Nam thấy gò bó, khó chịu vì cứ phải giới hạn tuổi trẻ sôi động của mình cùng nhịp sinh hoạt của các cụ già. 

Thiếu dinh dưỡng trong một gia đình giàu có

Câu chuyện tưởng như vô lý nhưng Mơ có phần chột dạ khi nghe bạn V kể về nỗi ấm ức khó nói của mình! Từ ngày về làm dâu, V đã quên mất khẩu vị của chính mình! Kể từ ngày về chung sống, mọi món ăn do chính tay chị nấu đều phải chiều theo khẩu vị của người thân! Vốn là một người mê tít các gia vị theo cách chế biến hiện đại, vậy mà mỗi lúc nấu ăn đều phải nêm nếm thêm chút tương quê theo khẩu vị mẹ của chồng.

Nhiều hôm gắp miếng thức ăn vào bát, nước mắt muốn trực rơi nhạt nhoà bởi những hương vị khó ăn. Nhịn thì đói, ăn thì nuốt không muốn trôi! Cùng cảnh ngộ chung sống nhiều thế hệ, chị T lại quá tủi phận vì lối sống tiết kiệm của bố mẹ chồng. Tan 5 tiết dạy với thân thể rã rời mệt mỏi, chị hồ hởi chị trở về bên mâm cơm trưa, ước ao được một bữa no để bù lại cả nửa ngày nói khô cổ.

Mở chiếc lồng bàn đậy sẵn, cổ họng chị nghẹn đắng khi thấy mâm cơm đơn sơ với mấy hạt lạc rang cháy, đĩa rau muống luộc và 2 bìa đậu luộc. Cảm thương trước gương mặt bần thần, mẹ chồng gặng hỏi mãi xem “ở trường có chuyện gì làm con không vừa lòng” mà chị chỉ biết ôm mặt khóc! Rõ ràng, hàng tháng vẫn gửi tiền cho mẹ, vò võ đi làm chỉ mong đc bữa cơm ngon mà cuối cùng phải ôm bụng đói meo vì lẽ : mẹ tiết kiệm giữ cho các con!

Không giống như hai cô bạn cùng bàn thời Đại học, T lại có phúc phận được quây quần hàng ngày với cả bố mẹ chồng, chị dâu và 3 thằng cháu con anh chị chồng! Bữa cơm gia đình hôm nào cũng ríu rít tiếng cười. Ai có nghĩ đâu, trong cái không khí vui tươi ấy có một người cứ héo mòn dần. T đi làm cả buổi về con mới được gặp mẹ, thằng bé mải ti, mải nghịch, mải đòi, quằn quại bám riết đánh đu lấy mẹ suốt bữa ăn, lúc đến lượt mẹ được ăn cũng là lúc thức ăn nguội ngắt và đàn cháu vô tư đang tuổi lớn đã chén sạch.

Bữa trưa đã vậy, bữa tối trở nên ám ảnh hơn vì cả nhà đều mập chỉ muốn ăn kiêng, mọi người bán hàng ở nhà, ra vào có đồ ăn vặt nên đến bữa dửng dưng không đói, chỉ có T đi làm về thân xác rã rời, muốn được bù lại năng lượng sau một ngày làm việc mệt nhoài, mà xem ra không phải lúc nào cũng dễ dàng chủ động sắp xếp mọi thứ theo ý mình.

Ngày qua ngày, cuộc sống như thế cứ lặp đi lặp lại. Bạn bè cứ thắc mắc mãi rằng “Rõ ràng nhà chẳng thiếu thứ gì mà sao con bé cứ quắt queo xám xịt?” T chỉ chua chát mỉm cười vì chỉ có tự cô ấy hiểu rằng bản thân đang thiếu thứ gì? Lặng lẽ như một cái bóng, Mơ không khỏi thương cái thân thể ngày càng gầy gò, tiều tuỵ của bạn mình trong một gia đình cả nhà khoẻ mạnh, vô tư.

Khó chịu với những món đồ chung đụng

 Sống cùng nhà đã không dễ chịu, dùng chung đồ càng khó chịu biết bao! Cảnh sống chung đã khiến nhiều nàng dâu cảm thấy bực bội trong người khi mọi thứ đồ dùng cá nhân trở thành đồ công cộng! Nhiều lần nghe chị V ấm ức: quần áo, giày tất, khăn sữa, yếm dãi của con mình... mua rất nhiều mà cứ đi đằng nào hết! Thì ra ở chung nhà nên mọi thứ cứ dung chung! Hai chị em dâu sinh nở cùng lứa với nhau, bà nội trông cháu nên tất cả thành chung hết, từ đồ ăn, đồ mặc, bỉm sữa đến đồ dùng...

Nhiều lúc chạnh lòng và có chút không ưa vì tất cả bị đem ra thành đồ tập thể! Chưa kể đến việc một đứa trẻ rất dễ ăn dễ mặc, trong khi con mình ăn kén, khó chăm. Nhìn những thứ quý giá dành dụm cho con cứ bị hao hụt khi chưa kịp dùng mà thêm "xót ruột". Đám trẻ ở cùng nhà chơi đùa, xô đẩy, tranh giành đồ chơi, nhiều khi một chút ganh đua do không nhường nhịn nhau dễ trở thành chuyện trẻ con mất lòng người lớn. 

Xã hội còn muôn hình vạn trạng các kiểu sống chung nhiều thế hệ. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhiều bạn bè của Mơ đã lập gia đình cảm thấy khổ tâm, ức chế khi sống chung đã lâu nhưng sợi dây tình cảm không thể kết nối được. Trong cảnh bữa cơm sum vầy còn phân biệt: mọi thức ăn mình mua bố mẹ không đụng đũa bao giờ! Cũng có những nàng dâu bực bội thấy đời tư bị xâm phạm khi mẹ chồng cứ liên tục vào phòng dọn dẹp và phàn nàn chê con “ở bẩn”. 

Vẫn còn đó những gia đình truyền thống

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều mô hình gia đình mới đã xuất hiện, trong đó mô hình gia đình hạt nhân (gia đình chỉ có 2 thế hệ) là loại hình gia đình chiếm nhiều nhất về số lượng. Đây mà một xu hướng phát triển của xã hội, nhưng không vì thế mà mô hình gia đình “tam, tứ đại đồng đường”, bị mất đi.

Trái lại, ngày càng xuất hiện nhiều gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc, hòa thuận dưới một mái nhà. Ở đó, mỗi thế hệ có một cách sống, cách nghĩ khác nhau nhưng mỗi thành viên luôn đặt tình yêu thương, sự kính trọng lên hàng đầu và mọi người luôn cảm thấy vui vẻ, hoà hợp.

Các thành viên trong gia đình được giáo dục giá trị truyền thống về đạo đức làm người, tinh thần tương thân tương ái, gắn bó máu mủ, ruột già, đoàn kết, hướng về cội nguồn, yêu thương quê cha, đất tổ. Mơ nhớ đến ngôi nhà của mình đang sinh sống, dù có đến 4 thế hệ nhưng luôn rộn rã tiếng cười. 

Ông bà, bố mẹ luôn là tấm gương mẫu mực, tận tâm chỉ bảo những điều hay lẽ phải, luôn luôn che chở, nâng đỡ và đùm bọc cháu con.  Ngày ba mẹ bận đi công tác, cũng nhờ có sự yêu thương chăm sóc dạy bảo của ông bà mà anh em Mơ học hành chăm chỉ thành tài.

Những bữa cơm chiều ấm áp, biết ông bà răng yếu nên dù là mẹ hay là Mơ nấu cơm cũng luôn có ý để một góc nồi cơm hơi nát và hầm một vài món ăn thật kỹ để ông bà dễ ăn. Có đứa cháu nhỏ con anh chị đang bi bô tập nói, mỗi ngày đi làm về Mơ lại nâng niu cưng nựng, chỉ muốn chăm chăm ngắm nghía váy áo xinh tươi làm đỏm cho cô cháu gái đáng yêu.

Anh trai và chị dâu cũng luôn hết lòng hỗ trợ Mơ trong công việc, cuối tuần rảnh lại tranh thủ gửi ông bà bố mẹ trông con để du lịch đó đây. Cuộc sống chung tuy có bất tiện một chút nhưng ai cũng tự bỏ đi cái tôi một chút để chung sống thuận hoà.. 

Câu chuyện ở chung hay ở riêng với bố mẹ chồng mà các bạn của Mơ kể mỗi lần gặp nhau vẫn dài lê thê không có hồi kết. Cả đám bạn tỏ vẻ tán dương khi mới hôm qua, chuyện cái My “quay xe” kết thúc mối quan hệ với bạn trai vì ngày đầu về ra mắt bố chồng tương lai ra điều kiện “sau này phải sống chung cho vẹn tròn chữ hiếu với ông bà cha mẹ”.

Cảm thương với những người bạn đang phải chịu những bất tiện chưa thể vượt qua khi chung sống nhiều thế hệ, nhưng Mơ vẫn không thôi ước ao sẽ tìm được một gia đình như chính nhà mình. Ở đó, có bố mẹ, có ông bà, có anh chị em và tình thân không gì so sánh được.

Tranh thủ đến lớp tập Gym cuối giờ làm việc, Mơ muốn nhanh nhanh để kịp về sum họp bữa tối bên những người cô hết mực thương yêu! Chuyện lấy chồng Mơ vẫn chưa tính đến, cô muốn để mọi chuyện thuận theo lẽ tự nhiên. Không lựa chọn tiêu chuẩn được sống chung hay sống riêng mới gật đầu đồng ý, Mơ nghĩ ngợi mông lung và ước có thêm một gia đình - nơi cá tính mỗi người được tôn trọng và vẫn hoà hợp với cuộc sống chung để yêu thương nảy nở. Cô hiểu rằng, chiếc chìa khoá vàng mở ra hạnh phúc hay khổ đau vẫn nằm trọn trong bàn tay nắm giữ của chính mình. /.

Bạn đang đọc bài viết Ở chung hay ở riêng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Chia sẻ khó khăn cùng người dân trong mùa hạn, mặn
Do ảnh hưởng của tình hình hạn, mặn kéo dài làm cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thiếu nước sinh hoạt, thời gian qua, các cấp Hội tại Long An đã có nhiều việc làm thiết thực để hỗ trợ nước sinh hoạt.
Bài thơ: Em thương anh...
Em thương anh! Thương mọi điều anh ạ///Cả tiếng cười, cả giọng nói ấm êm//Cả những chuyện anh vẫn kể hàng đêm///Từng câu chữ nhát gừng nhưng mộc mạc 
Khai mạc Giải Vô địch đá cầu tỉnh Bắc Giang năm 2024
Giải Vô địch đá cầu tỉnh Bắc Giang năm 2024, quy tụ 145 vận động viên tiêu biểu đến từ 9 địa phương gồm: TP Bắc Giang và các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Thế, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động.

Tin mới