Phú Thọ: Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Phụ Thọ đã ban hành văn bản số 338/SGD&ĐT- GDTrH về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh năm 2024.
Theo đó, tiếp tục hực hiện Văn bản số 598/SGD&ĐT-GDTrH, ngày 12/05/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2030. Qua nắm bắt tình hình thực tế ngày 25/3 đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm tại xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa làm tử vong hai em học sinh lớp 8 của Trường THCS Văn Lang.
Để đảm bảo hiệu quả trong việc triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2030 và tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước (PCTNĐN) năm 2024, Sở GD-ĐT yêu cầu phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành; các đơn vị trực thuộc Sở; các trung tâm GDNN - GDTX tiếp tục tăng cường quán triệt và triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan về PCTNĐN đối với người học, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức các lớp học bơi, kỹ năng an toàn PCTNĐN trong thời gian tới, đặc biệt là thời gian các em nghỉ hè. Kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt..., nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước.
Tổ chức các lớp tập huấn, các hội nghị, hội thảo, các cuộc thi, giao lưu, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng năng PCTNĐN cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh. Lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh trong các hoạt động giảng dạy ở nhà trường, đặc biệt chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo không được tự ý đi bơi, tắm, chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.
Các cơ sở giáo dục phối hợp các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cha mẹ học sinh tăng cường quản lý học sinh tham gia các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, khoảng thời gian từ nhà đến trường và ngược lại. Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước và tổ chức cảnh báo kịp thời.