Thứ hai, 29/04/2024 09:59 (GMT+7)

Phú Yên: Cần kiểm tra mỏ đá ốp lát Kim Sơn có khai thác “nhầm” vị trí nhiều năm không?

Minh An -  Chủ nhật, 23/07/2023 16:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mỏ đá hoạt động rầm rộ, nhiều thiết bị cơ giới, đường điện 3 pha được kéo vào tận công trường khai thác. Tuy nhiên, việc xác định mỏ đá có được cấp phép hay không còn chờ cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên xác định.

Sáng 20/7, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Nguyễn Ngọc Tường cho biết: Huyện đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn lập kế hoạch để kiểm tra, xác minh và thông tin báo chí.

tm-img-alt
Hoạt động khai thác mỏ đá ốp lát Kim Sơn đang diễn ra rầm rộ trên địa bàn xã Hòa Quang Bắc có đúng quy định?

Mỏ đá ốp lát Kim Sơn có khai thác “nhầm” vị trí ?

Theo tìm hiểu của PV, tại khu vực đồi núi cách đường tỉnh 643 khoảng 1km, có 1 bãi đá hoạt động quy mô cấp mỏ, với nhiều phương tiện cơ giới: máy đào, máy khoan, xe cơ giới, công nhân hoạt động rầm rộ. Hàng trăm khối đá lớn nhỏ được đào, tách rời từng khối, nhiều nơi khác đang được công nhân vận hành máy đào sâu vào vách núi, san gạt đất để tiếp tục đưa các khối đá ra khỏi đồi núi.

Để xác thực khu vực đang khai thác đá do đơn vị nào quản lý, chúng tôi gặp một người tên T. đứng cạnh chiếc xe tải đang chở nhiều khối đá to, chị này cho biết: Mỏ đá này là mỏ đá ốp lát Kim Sơn do Công ty cổ phần IDP có trụ sở tại 04 Lê Lợi, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên quản lý, vận hành.

tm-img-alt
Hiện trường khai thác và bảng thông tin tại mỏ Kim Sơn.

Trao đổi với người đàn ông tên B., người này xác nhận khu vực bãi đá đang khai thác là của Công ty cổ phần IDP và hoạt động theo đúng quy định, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, không ai dại hoạt động không phép để bị bắt. Tuy nhiên, khi đề nghị cung cấp giấy phép, tọa độ thì ông B. đưa lý do đang họp, hẹn hôm khác.

Với nhiều nghi vấn về hoạt động của mỏ đá ốp lát Kim Sơn, chúng tôi tìm đến UBND huyện Phú Hòa, tại đây Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Tường đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiếp nhận thông tin và phối hợp để kiểm tra. Nhưng việc xác nhận về mỏ đá có được cấp phép hoạt động tại vị trí PV cung cấp hay không vẫn chưa thể xác định?

tm-img-alt
Quyết định cấp mỏ khai thác đá ốp lát Kim Sơn thuộc xã An Thọ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Trong quá trình tìm hiểu, ghi nhận thực tế cùng cán bộ địa chính xã Hòa Quang Bắc với sự hỗ trợ của Công an xã, đến việc xác thực bảng công bố hoạt động mỏ đá ốp lát Kim Sơn được cắm tại nơi đang khai thác đá vẫn chưa rõ. Một cán bộ chuyên môn của xã Hòa Quang Bắc cho biết: Qua tìm hiểu ban đầu, trên địa bàn xã không có mỏ khoáng sản nào của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) cấp phép đang hoạt động?

Tưởng chừng mọi việc đi tìm nguồn gốc mỏ đá nêu trên đi vào ngõ cụt, bởi vị trí khai thác mỏ nằm trên khu vực giáp ranh với 3 địa phương, không rõ thuộc địa phận nào? Ai chịu trách nhiệm pháp lý trong hoạt động khai thác mỏ đá ốp lát Kim Sơn?

tm-img-alt
Vị trí khai thác khoáng sản đang diễn ra cách vị trí được cấp phép năm 2001 khoảng 1km?

Ngày 20/7, PV tìm đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, tại đây Giám
đốc Sở TN&MT Đặng Ngọc Anh ghi nhận thông tin và yêu cầu phòng chuyên môn cung cấp giấy phép, vị trí mỏ khai thác của mỏ đá ốp lát Kim Sơn, phối hợp kiểm tra, làm rõ, thông tin cụ thể đến báo chí.

Dựa vào thông tin Sở TN&MT tỉnh Phú Yên cung cấp, căn cứ vào giấy phép khai thác khoáng sản số: 1953/ GP-ĐCKS, ngày 29/8/2001 do Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), trong nội dung nêu: Cho phép Công ty sản xuất – xuất nhập khẩu công nghiệp Phú Yên khai thác mỏ đá ốp lát Kim Sơn, xã An Thọ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, diện tích khu vực khai thác 11,23ha được giới hạn bởi 10 điểm tọa độ; trữ lượng khai thác 100.000m3 đá ốp lát, sản lượng 4.000m3 đá ốp lát/năm, thời hạn khai thác 25 năm từ thời điểm cấp phép mỏ.

Theo 10 điểm tọa độ ghi trong giấy phép mỏ đá ốp lát Kim Sơn, toàn bộ vị trí khai thác nằm trên ngọn đồi cách vị trí đang có nhiều hoạt động khai thác đá được PV ghi nhận khoảng 1km, nay thuộc địa phận TP Tuy Hòa. Riêng các hoạt động khai thác đá rầm rộ thì đang diễn ra thuộc địa phận xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa?

tm-img-alt
Hoạt động đổ thải sau khai thác tại mỏ đá Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Phú Yên có đúng quy định?

Sự sai lệch về vị trí khai thác, khác biệt địa danh so với thời điểm được cấp là thế nào? Có hay không việc mỏ đá ốp lát Kim Sơn đang hoạt động “nhầm” vị trí được cấp phép? Đã có bao nhiêu khối đá đã được khai thác tại vị trí thuộc địa bàn xã Hòa Quang Bắc trong suốt nhiều năm? Cơ quan nào của tỉnh Phú Yên chịu trách nhiệm quản lý mỏ đá ốp lát Kim Sơn trong hàng chục năm qua?

Nhiều hoạt động khai thác khoáng sản cần được kiểm tra. Ngoài các hoạt động khai thác mỏ đang cần được kiểm tra, xác minh được nêu trên, thì cạnh đó là mỏ đá Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Phú Yên (xã An Thọ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đang có dấu hiệu đổ đất đá thải sau khai thác vào khu vực đất rừng không thuộc quyền sử dụng của đơn vị vận hành mỏ.

tm-img-alt
Hoạt động đào đất đá tại khu vực trạm trộn trên đường tỉnh 643 do cơ quan nào cấp phép?

Trên tuyến đường tỉnh 643, tại khu vực chế biến, sản xuất vật liệu trạm trộn  (thuộc địa phận xã An Mỹ, huyện Tuy An) trong quá trình vận hành có nhiều khói, bụi bay, phát tán ra ngoài, ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia giao thông trên tuyến đường tỉnh khi di chuyển qua khu vực sản xuất đá. Ngoài ra, tại đây đang có hoạt động khai thác, đào đất, đá đưa đi nơi khác. Việc khai thác khoáng sản và vận hành thiết bị sản xuất tại đây có đúng quy định?

Để xác thực việc khai thác khoáng sản có đúng quy định và hoạt động sản xuất gây khói, bụi ảnh hưởng đến môi trường, an toàn giao thông. Đề nghị UBND tỉnh Phú Yên sớm chỉ đạo, kiểm tra.

Bạn đang đọc bài viết Phú Yên: Cần kiểm tra mỏ đá ốp lát Kim Sơn có khai thác “nhầm” vị trí nhiều năm không?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.