Chủ nhật, 28/04/2024 21:20 (GMT+7)

Sạt, lở đất khu vực miền núi: Cần quản lý công tác xây dựng theo luật định

MTĐT -  Thứ sáu, 15/09/2023 09:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian gần đây, ảnh hưởng của mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại nhiều địa phương trong cả nước. Đáng kể là những vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại các khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nguyên.

Đáng chú ý là liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất, bờ ta luy gây nhiều thiệt hại về người và tài sản như các vụ sạt lở đất trên địa bàn TP. Đà Lạt trong tháng 6, sạt lở tại đèo Bảo Lộc (thuộc Quốc lộ 20) vào ngày 30/7 mới đây. Vụ sạt lở đã làm thiệt mạng 4 người và gây chia cắt tuyến Quốc lộ 20 nối Đà Lạt và các tỉnh Đông Nam Bộ trong 2 ngày.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. TTXVN

Nguyên nhân sạt lở đất: Mưa hay các công trình nhân tạo?

Lở đất được định nghĩa là hiện tượng địa chất bao gồm một loạt các chuyển động của khối đất như đá rơi, sụp sườn núi và lũ bùn đá,... Sạt lở đất có thể xảy ra trên đất liền, ven biển hay ngoài khơi. Các định nghĩa khoa học về sạt lở đất trên thế giới đều khẳng định nguyên nhân là do sự phong hóa dần dần và dưới tác động của những trận mưa lớn.

Còn tại Việt Nam, theo cách lý giải của Tổng cục Phòng chống thiên tai thì lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đều có chung một đặc điểm là xuất hiện sau những cơn mưa lớn. Trên triền đồi, núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm nên vào mùa mưa luôn luôn trong trạng thái bão hòa nước, đồng thời rừng bị suy giảm, mặt đệm bị bào mòn nên không có khả năng giữ nước. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, thống kê 7 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra các loại hình thiên tai chủ yếu là mưa lớn kèm lốc xoáy, sạt lở đất gây hậu quả nặng nề, làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương. Thiên tai cũng khiến hơn 200 căn nhà bị hư hỏng, gần 200 ha cây trồng bị thiệt hại, nhiều cầu dân sinh, công trình thủy lợi, đường giao thông bị ảnh hưởng.

Nhiều đề tài nghiên cứu như: Nghiên cứu cơ sở khoa học, xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo trượt tự động tại một số khu đô thị trọng điểm khu vực Tây Nguyên; Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất giải pháp cảnh báp sớm tai biến sụt đất, trượt lở, lũ quét, lù bùn đá miền Bắc Việt Nam bằng công nghệ viễn thám và dữ liệu về cấu trúc địa chất,… của Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, thực hiện từ năm 2018-2021 cũng cho thấy mối liên kết nhân quả giữa lượng mưa, thời gian mưa và tình trạng sạt lở đất.

Các vụ sạt lở đất ở khu vực miền núi, trung du Bắc Bộ chủ yếu xảy ra vào mùa mưa và có quan hệ chặt chẽ với lượng mưa trong một ngày và lượng mưa tích lũy trong 10 ngày trước đó. Nếu lượng mưa trong 10 ngày trước đủ lớn thì trận mưa tiếp theo không cần có cường độ mạnh hay kéo dài cũng là cú “hích” để đất, đá trượt xuống. Xác suất trượt lở đất ở khu vực miền núi được xác định là 66%; 96,1% và 99,5% đối với chu kỳ lặp lại tương ứng là 1 năm, 3 năm và 5 năm.

Bên cạnh các yếu tố tự nhiên dẫn đến sạt lở đất thì dĩ nhiên con người cũng có tác động đến tiến trình phong hóa trên sườn dốc đồi, núi. Bất kỳ một công trình nào do con người tạo ra, nhất là ở vùng rừng núi, đầu nguồn các con sống, đều ảnh hưởng hoặc ít hay nhiều nhiều đến môi trường, trong đó có cả việc tác động đến đặc tính hóa - lý của các tầng địa chất ở một khu vực cụ thể. Việc làm đường, xây dựng nhà máy, nông trại, hồ chưa, đập nước, các công trình dân sinh đều cần đến một diện tích nhất định vốn là rừng cây hay đồi, núi. Diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp, được thay bằng rừng trồng ở vị trí khác khiến khả năng giữ nước bị thay đổi, taluy vách đồi, núi được xẻ cao làm mất thế cân bằng ổn định của mái dốc được tạo ra qua hàng triệu năm,… Đây là sự tác động trực tiếp để “kích hoạt” cơ chế chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở đất. Bên cạnh đó, các công trình nhân tạo cũng có thể tác động tới tình trạng sạt lở đất một cách gián tiếp, thông qua việc ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu, tình trạng mất cân bằng của tự nhiên.

Qua quá trình khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân sạt lở, sụt trượt đất đai tại một số điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, ông Đỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam đại diện Đoàn công tác của Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Cục Địa chất Việt Nam, Bộ TN&MT) nhận định, các điểm đã khảo sát đều có hiện trạng là các cung trượt, nằm ở nơi giao nhau của các vị trí đứt gãy. Các khu vực này đều có đặc điểm chung là bất ổn về mặt địa hình, địa chất, hiện đang tiếp tục có dấu hiệu diễn biến phức tạp nên cần thời gian theo dõi, đánh giá tổng thể. Nêu một số nguyên nhân gây ra sạt lở, TS. Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản lý giải, với những sườn núi, sườn đồi tự nhiên, sự phong hóa đất, đá xảy ra từ từ. Đất đá lở từ từ tạo thành trườn dốc tự nhiên và ổn định. Khi có sự thay đổi bề mặt từ đất rừng sang đất trồng cây hay san phạt đất làm nhà, đường, xây hồ thủy điện…, cấu trúc của mặt đất đã thay đổi, dẫn tới nguy cơ sạt lở khi có lượng mưa lớn.

Mùa cao điểm mưa lũ ở Tây Nguyên mới được nửa chặng đường, nhưng thời gian qua, tình trạng sạt lở đất diễn ra rất phức tạp, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Dự báo trong thời gian tới, diễn biến mưa lũ sẽ phức tạp hơn khi các cơn bão bắt đầu “đổ bộ” vào Biển Đông, khiến nguy cơ sạt lở tăng cao. Đặc biệt đối với những khu vực có địa hình đồi núi, độ dốc cao như: Thành phố Đà Lạt, huyện Di Linh, Đam Rông, Đạ Huoai, Lâm Hà,… Không những uy hiếp các khu dân cư, sạt lở cũng là mối đe dọa thường trực trên các tuyến đường giao thông, nhất là những tuyến đèo có địa hình đồi núi, độ dốc cao như: Bảo Lộc, Mimosa, Đại Ninh, Tà Nung.

Áp dụng công nghệ tiên tiến xử lý các sự cố thiên tai

Gần đây, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc tăng cường ứng dụng KHCN, máy móc thiết bị hiện đại để thực hiện việc quan trắc, đồng thời khẳng định “khoa học” là nền tảng quyết định trong việc ứng phó, xử lý các sự cố thiên tai. UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo rà soát toàn bộ các vai hồ, đập thủy lợi. Quá trình triển khai các công trình dự án cần tôn trọng dòng chảy tự nhiên, tính toán kỹ, hạn chế thấp nhất những tác động đến chân đồi, các khu vực địa hình đồi, dốc.

Còn theo ông Đỗ Văn Lĩnh, các địa phương cần bố trí nhân lực tiếp tục theo dõi, cảnh báo tại các khu vực sạt lở theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân. Về lâu dài, Đắk Nông cần khảo sát chi tiết để đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp phòng ngừa, khắc phục đối với tình trạng sạt lở, sụt trượt đất. Đây là vấn đề cấp bách trong thời điểm hiện nay và Đắk Nông cần tập trung làm ngay. Tỉnh cần đầu tư khảo sát, cảnh báo và dự báo tổng thể các vùng nguy cơ cao sạt lở đất trên toàn tỉnh. Cụ thể, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương phải theo dõi chặt các điểm sạt trượt và tỉnh sẽ ưu tiên đề xuất, tập trung xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở trên địa bàn toàn tỉnh.

Dưới góc độ chuyên gia địa chất, TS. Trần Tân Văn đề xuất, về giải pháp an toàn khi đắp đất nên tạo đường dẫn nước mặt nhằm hạn chế nước chảy vào khối đất đắp; che phủ không để nước mưa rơi trực tiếp xuống khối đất mới đắp; che phủ mặt mái dốc dựng đứng để nước mưa không xối vào.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải quản lý công tác xây dựng ở các đô thị miền núi theo luật định với các quy định cụ thể rõ ràng không có ngoại lệ, tuân thủ quy hoạch: Góc mái dốc và chiều cao mái dốc an toàn phải được cụ thể hóa cho từng địa phương với những đặc trưng của đất nơi đó; trên từng mái dốc phải quy định mật độ xây dựng cho phù hợp với cảnh quan thiên nhiên để không quá tải về hạ tầng kỹ thuật. Chiều cao lớn nhất của công trình xây dựng trên mái dốc cũng nên được quy định cụ thể đảm bảo tính mĩ quan, phù hợp với cảnh quan môi trường và không gây quá tải về tải trọng lên mái dốc.

TS. ĐÀO MINH ĐỨC
Viện Địa chất - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Sạt, lở đất khu vực miền núi: Cần quản lý công tác xây dựng theo luật định. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí TN & MT

Cùng chuyên mục

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Tăng trưởng xanh không thể chạy theo phong trào
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.