Thứ bảy, 27/04/2024 17:58 (GMT+7)

Tiến tới ‘quản lý bền vững’ dịch COVID-19

MTĐT -  Thứ ba, 30/05/2023 16:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

COVID-19 vẫn đang là vấn đề được quan tâm, nhất là khả năng đáp ứng chống dịch dài hạn. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, vấn đề phòng chống dịch COVID-19 tiếp tục được Quốc hội đưa ra thảo luận.

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại cơ sở y tế. Ảnh: PV

Chủ động mọi tình huống

Số ca mắc mới COVID-19 của Việt Nam đã có dấu hiệu giảm sau một thời gian bùng phát. Từ chỗ số ca mắc mới lên đỉnh điểm vọt mốc trên 3.000 ca mắc/ngày, những ngày gần đây, số ca mắc mới theo ngày đã giảm còn dưới 1.000 ca; số ca COVID-19 nặng và tử vong cũng đã giảm.

Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn đưa ra nhận định, dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, khó dự báo. Bộ Y tế vẫn tiếp tục khuyến cáo người dân vẫn cần duy trì thực hiện 2K, vaccine, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức người dân trong việc phòng, chống COVID-19 lâu dài.

Vừa qua, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng: Còn quá sớm để nói chúng ta có thể dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của COVID-19 trong tương lai. Chính vì vậy, việc công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch không có nghĩa là COVID-19 đã kết thúc. Đây chỉ là một tín hiệu rằng chúng ta cần chuyển hướng sang quản lý bền vững COVID-19.

Theo đánh giá của WHO, vừa qua, Việt Nam có các ca nhiễm có xu hướng gia tăng; cần tiếp tục theo dõi sát sao, có thể điều chỉnh các biện pháp ứng phó và theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở khám chữa bệnh; nhất là năng lực các cơ sở và chăm sóc đặc biệt (ICU) để đảm bảo rằng các cơ sở và nhân viên y tế không bị quá tải.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm đi rất thấp so với trước đây vào giai đoạn bùng phát mạnh năm 2021. Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong do COVID-19 hiện nay ở mức 0,37%, vẫn cao hơn nhiều so với những bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết tỉ lệ tử vong ở Việt Nam chỉ khoảng 0,09%. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan và vẫn luôn phải sẵn sàng ứng phó, sẵn sàng để nâng cao năng lực chuyên môn cũng như có các kế hoạch, phương án để linh hoạt, chuyển đổi đáp ứng điều trị khi cần thiết.

Theo các chuyên gia, hiện, tình hình dịch COVID-19 tại nước ta vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Các trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch...

Cần kế hoạch phù hợp

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành liên quan chuẩn bị hồ sơ theo quy định để chuyển dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch đối với dịch COVID-19, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo các chuyên gia, việc công bố hết dịch phải xem xét cả các điều kiện về chuyên môn như: Nguy cơ dịch COVID-19 có bùng phát trở lại, biến chủng tiếp theo có nguy hiểm không, số ca mắc có gia tăng bất thường, tính ổn định của dịch, hiệu quả và tính sẵn có của vaccine phòng COVID-19… Đồng thời, cũng phải căn cứ vào các điều kiện pháp lý dựa trên quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định về quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm hiện hành của Chính phủ.

Về việc tiến tới công bố hết dịch COVID-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rắng: Nếu muốn công bố hết dịch thì cần phải chuyển COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B. Tuy nhiên, nếu có xếp COVID-19 ở nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác, thì COVID-19 vẫn phải là bệnh có tính đặc thù vì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa công bố kết thúc đại dịch COVID-19. Đồng thời, WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng, chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch dịch bền vững, lâu dài. Với Việt Nam, cần có chính sách, kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, theo dõi được sát tình hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, không bất ngờ; vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân. Đặc biệt lưu ý các hoạt động giám sát, dự phòng cá nhân, tiêm chủng, truyền thông, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương…

Về việc chuyển dịch COVID-19 từ bệnh nhóm A sang nhóm B, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu chuyển COVID-19 sang bệnh nhóm B thì các ca mắc sẽ không được miễn phí điều trị; vấn đề này, các cơ quan chức năng cần có tính toán phù hợp. Hiện nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đã rất cao, chi phí cho điều trị COVID-19 có thể chi trả theo bảo hiểm y tế.

Về việc tiêm vaccine phòng COVID-19, trong kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2023 của Bộ Y tế đã nêu rõ, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 theo chiến dịch hoặc có thể lồng ghép với hoạt động tiêm chủng thường xuyên phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.

"Tuy nhiên, Bộ Y tế và cơ quan chức năng cũng cần có kế hoạch tiêm cụ thể như: Đối tượng nào cần tiêm vaccine trong thời gian tới, đối tượng nào tiêm bắt buộc, đối tượng nào tiêm theo khuyến cáo, lịch tiêm như thế nào; đối tượng nào được miễn phí, đối tượng nào phải trả tiền…", PGS.TS Trần Đắc Phu đề xuất./.

Bạn đang đọc bài viết Tiến tới ‘quản lý bền vững’ dịch COVID-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề