Thứ hai, 29/04/2024 09:58 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/12/2023

MTĐT -  Thứ hai, 25/12/2023 16:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 25/12/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 25/12/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành và đưa vào khai thác 4 dự án giao thông quan trọng

Các dự dán giao thông trọng điểm gồm: sân bay Điện Biên (Điện Biên), cầu Mỹ Thuận 2 (Vĩnh Long), cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (Tiền Giang), và cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang (Tuyên Quang). Đây là dấu mốc lịch sử lần đầu tiên khánh thành 4 dự án giao thông lớn tại 4 điểm cầu trên cả nước.

tm-img-alt
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó. Ảnh: VGP

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động khi có sự tham dự của 20 chiến sĩ Điện Biên đã tham gia chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu". Sân bay Điện Biên được mở rộng, nâng cấp để tiếp nhận máy bay cỡ lớn là món quà động viên tinh thần các cựu chiến binh đã cống hiến, hy sinh một phần xương máu cho chiến dịch năm xưa.

Các công trình đưa vào khai thác giúp tăng thêm 731 km cao tốc Bắc - Nam phía đông đưa vào sử dụng, tính chung đã có 1.900 km cao tốc cả nước đưa vào khai thác; cùng với gần 1.700 km cao tốc kết nối bắc - nam và đông - tây đang thi công. "Mọi việc suôn sẻ thì có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức Đại hội Đảng XIII đề ra là tới năm 2025 có 3.000 km cao tốc, tới năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng sẽ có trên 5.000 km cao tốc bắc - nam và đông - tây. Đây là việc khó nhưng chúng ta đã quyết tâm làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá cao 4 dự án đã vượt qua hàng loạt khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ từ pháp lý, nguồn vốn, vật liệu, giải phóng mặt bằng, nền đất yếu… để về đích. Nêu ví dụ dự án cầu Mỹ Thuận 2, theo Thủ tướng có "5 cái hơn" so với công trình cầu Mỹ Thuận 1. Cụ thể, cầu Mỹ Thuận 2 dài 1,9 km, đường dẫn 4,7 km; dài hơn, cao hơn và rộng hơn cầu Mỹ Thuận 1 (chiều dài 1,5 km).

Về nguồn vốn, cầu Mỹ Thuận 1 tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng nhưng phải vay 66%, trong khi cầu Mỹ Thuận 2 hơn 5.000 tỉ nhưng là "tiền của nhân dân, đất nước chúng ta". Thiết kế, thi công, tư vấn trước đây hầu hết là nước ngoài; còn hiện nay tất cả mọi việc là người VN. "Điều này rất quan trọng, cho thấy ngành giao thông đã trưởng thành, lớn mạnh và tự làm được những điều rất khó khăn", theo Thủ tướng.

Mặt khác, suất đầu tư của Mỹ Thuận 1 là 5.000 USD/m2, trong khi cầu Mỹ Thuận 2 chỉ còn 2.400 USD/m2, tiết kiệm được 50% do tự thiết kế, thi công và tự lo nguồn vốn; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân nhiều hơn.

tm-img-alt
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành dự án. Ảnh: VGP

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thành các hạng mục còn lại, thanh quyết toán; các nút giao cao tốc, làn tránh, trạm dừng nghỉ; khai thác hiệu quả các tuyến kết nối… Đặc biệt, người dân đã nhường nơi sinh sống cho dự án nay còn gì khó khăn thì phải tiếp tục hỗ trợ, với tinh thần nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Hoàn nguyên các điểm khai thác, thi công, đảm bảo môi trường. Bên cạnh đó, những nhà thầu, tư vấn, giám sát nào làm tốt, chứng minh được năng lực thì ủng hộ làm tiếp, mạnh dạn chỉ định thầu, miễn đừng có tham ô, lợi ích nhóm…

Hà Nội tăng lực lượng chốt trực tại hơn 100 vị trí nguy cơ ùn tắc

Theo đó, tại khu vực rào chắn thi công các công trình trọng điểm của thành phố, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ bố trí lực lượng thường xuyên duy trì, thực hiện phân luồng, hướng dẫn giao thông, xử lý các vi phạm nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ nhân dân đi lại an toàn, thuận tiện.

Thanh tra Sở cũng sẽ bố trí lực lượng chốt trực tại 106 vị trí có nguy cơ xảy ra ùn giao thông vào giờ cao điểm, huy động 212 thanh tra viên/ngày trực. Thời gian trực khung giờ cao điểm sáng từ 6h đến 8h30, chiều từ 16h30 đến 19h.

Tại khu vực các bến xe khách liên tỉnh, các đội Thanh tra giao thông vận tải bố trí 7 vị trí chốt trực, phân luồng hướng dẫn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông khu vực cổng ra, cổng vào của bến xe.

Cùng với đó, Thanh tra Sở sẽ phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các bến xe khách, các nút giao thông trọng điểm, các tuyến đường cửa ngõ ra, vào Thủ đô…

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cũng giao các Đội Thanh tra giao thông vận tải chuyên ngành bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực tại trụ sở đơn vị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông khi có tình huống ùn tắc giao thông xảy ra tại 5 vị trí cầu, cửa ngõ chính dẫn vào nội đô.

tm-img-alt
Hà Nội tăng cường lực lượng chốt trực tại hơn 100 vị trí nguy cơ ùn tắc dịp cuối năm, cao điểm Tết 2024. (Ảnh: Internet)

Đặc biệt, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, từ nay đến hết quý I-2024, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm tại khu vực bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, đường Kim Đồng, Giải Phóng, Trần Thủ Độ, Pháp Vân, Nguyễn Hoàng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng...

Các vi phạm được tập trung xử lý gồm xe khách tuyến cố định chạy sai hành trình vận tải; phương tiện kinh doanh vận tải không có phù hiệu, không gắn camera, thiết bị giám sát hành trình theo quy định; dừng, đỗ, đón, trả khách trái quy định tại các bến xe và các tuyến đường trên địa bàn, đặc biệt các xe bỏ bến ra ngoài hoạt động đón, trả khách trái quy định…

Bộ GTVT sẽ nâng tốc độ cao tốc 4 làn xe lên 90km/h

Để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và năng lực khai thác của các dự án, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn chủ động rà soát, đánh giá ngay trong quá trình thực hiện dự án và quyết định tốc độ khai thác tối đa (lên 90km/giờ) đối với các tuyến cao tốc quy mô 4 làn xe phân kỳ vừa được đưa vào khai thác trong thời gian qua, phấn đấu hoàn thành ngay trước Tết Nguyên đán sắp tới.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo khai thác đồng bộ toàn tuyến từ TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã chấp thuận (Quyết định số 3261/QĐ-UBND ngày 22/12/2023) nâng tốc độ tối đa tuyến Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lên 90km/h.

Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ do điều kiện địa hình, mặt bằng nên công tác tổ chức sự kiện diễn ra ngay trên chính tuyến, vì vậy lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết các phương tiện sẽ chính thức được lưu thông bắt đầu từ 7 giờ ngày 25/12.

Do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, năng lực cung ứng nguyên vật liệu trên địa bàn dẫn đến một số hạng mục đường gom, đường dẫn của Dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ chưa kịp hoàn thiện.

Ngay sau khi thông xe, khai thác tuyến chính để phục vụ đi lại của nhân dân, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu tập trung tối đa lực lượng, tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn nhất là về nguyên vật liệu, khẩn trương thi công hoàn thành các hạng mục còn lại của công trình, để đưa dự án khai thác đồng bộ trước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải khuyến cáo người tham gia giao thông cần chú ý quan sát, theo dõi và chấp hành nghiêm mọi hướng dẫn, chỉ dẫn, điều tiết của lực lượng chức năng để đảm bảo lưu thông an toàn, tránh ùn tắc giao thông.

Hiện Cục Đường bộ Việt Nam đã phê duyệt phương án tổ chức giao thông hai tuyến Cầu Mỹ Thuận 2, Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt phương án tổ chức giao thông tuyến Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.

Theo đó, các phương tiện được lưu thông trên tuyến với vận tốc tối đa 90km/h (riêng cầu Mỹ Thuận 2 để bảo đảm an toàn đối với công trình cầu lớn, tốc độ khai thác tối đa trên cầu là 80km/h); tốc độ tối thiểu của các phương tiện lưu thông trên tuyến là 60km/h.

Ngoài ra, để nâng cao an toàn giao thông trên tuyến, các phương tiện lưu thông bảo đảm khoảng cách ghi trên biển chỉ dẫn là 100m.

Trên các tuyến cao tốc này bố trí các vị trí (dải) dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5km/điểm trên cùng một chiều xe chạy. Các trạm dừng nghỉ đang được Bộ Giao thông Vận tải rà soát, để triển khai đầu tư đồng bộ trên các đoạn tuyến đường bộ cao tốc.

Để bảo đảm các dự án được đưa vào khai thác thông suốt, an toàn, giảm nguy cơ ùn tắc giao thông (đặc biệt vào đợt cao điểm dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2024 dự báo có lưu lượng phương tiện cơ giới lưu thông trên tuyến tăng cao), Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng ngành công an, giao thông và các đơn vị khác có liên quan tăng cường lực lượng cán bộ, công chức, người lao động tham gia điều phối, hướng dẫn, tổ chức giao thông tại các nút giao, tuyến đường kết nối ra (vào) các đường bộ cao tốc nêu trên.

Cục Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ trên đường cao tốc theo thẩm quyền; phối hợp với địa phương và các lực lượng của ngành Giao thông Vận tải để tổ chức điều phối, hướng dẫn tổ chức giao thông tại các nút giao, tuyến đường kết nối ra (vào) đường bộ cao tốc.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các khu quản lý đường bộ cử lực lượng cán bộ, công chức thực hiện các nhiệm vụ tổ chức giao thông theo thẩm quyền trên hệ thống Quốc lộ, đường bộ cao tốc; phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, các lực lượng chức năng của địa phương để tổ chức điều phối, hướng dẫn tổ chức giao thông tại các nút giao, tuyến đường kết nối ra (vào) đường bộ cao tốc.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu điều kiện cấp sổ hồng chung cư mini

Thông tin những điểm mới của Luật Nhà ở, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay Luật Nhà ở sửa đổi có 13 chương với 198 điều, có hiệu lực thi hành 1/1/2025. So với luật hiện hành, luật mới giảm 4 chương, tăng 15 điều.

Theo ông Sinh, luật mới sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư, nhà ở riêng lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở.

Riêng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (còn gọi là chung cư mini) để bán, cho thuê mua, cho thuê, luật bổ sung quy định theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện đầu tư xây dựng, nhằm bảo đảm an toàn tính trạng và tài sản của nhân dân.

Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, Điều 57, Luật Nhà ở 2023 quy định rất rõ điều kiện để phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê.

Theo đó, cá nhân có quyền sử dụng đất muốn xây dựng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ để bán, cho thuê mua, cho thuê phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở.

“Việc đầu tư xây dựng phải thưc hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, cũng như quy định khác liên quan”, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, theo quy định của luật, căn hộ chung cư mini (nhà ở từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có thiết căn hộ, hoặc từ 2 tầng, có quy mô 20 căn hộ trở lên) đáp ứng đủ điều kiện thì được cấp giấy chứng nhận (còn gọi là sổ hồng) theo pháp luật đất đai; được bán, cho thuê, thuê mua theo quy định Luật Nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Cá nhân có quyền sử dụng đất muốn xây dựng chung cư mini (nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ, tại mỗi tầng có thiết kế) chỉ để cho thuê, theo ông Sinh, phải đáp ứng 3 điều kiện.

Đầu tiên là đáp ứng yêu cầu về xây dựng nhà ở theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và tới đây sẽ có quy định cụ thể.

Thứ hai, là đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.

Điều kiện thứ ba là đáp ứng về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân theo quy định của UBND cấp tỉnh.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Liên quan chính sách về nhà ở xã hội, ông Sinh nêu một số điểm mới như Luật Nhà ở (sửa đổi) xác định rõ trách nhiệm dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của chính quyền địa phương, theo đó giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.

Luật bổ sung 2 hình thức mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Theo đó, bên cạnh việc được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì đối tượng công nhân, người lao động tại khu công nghiệp còn được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; đối tượng là lực lượng vũ trang nhân dân được mua, thuê, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng thời, đề xuất doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho công nhân, người lao động của mình thuê lại.

Điểm mới đáng chú ý là bổ sung quy định cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội cho thuê.

Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định cụ thể về điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo hướng cải cách thủ tục hành chính nhiều hơn, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp thuận lợi hơn khi đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Theo đó, Luật bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú khi mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ còn điều kiện về nhà ở và thu nhập; đối với trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, thu nhập, chỉ cần đúng đối tượng.

Sửa đổi, bổ sung nhiều ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp phần tăng nguồn cung nhà ở xã hội cũng là điểm mới được ông Sinh đề cập.

Như, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai; được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; được ưu đãi tối đa 20% tổng diện tích đất ở (hoặc 20% tổng diện tích sàn xây dựng của dự án) để xây dựng công trình, kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại theo chủ trương đầu tư dự án đã được chấp thuận.

Hà Nam: Khu dân cư trị giá 868 tỷ ở thu hút sự quan tâm của hai nhà đầu tư

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Khu dân cư dọc tuyến đường nối 2 tuyến đường ĐT.499 với ĐT.491, huyện Lý Nhân (LN-ĐT18.22).

Theo đó, 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án gồm: Liên danh Công ty TNHH Hà Phương - Công ty TNHH Hải Vượng; Công ty CP Sản xuất - Xuất nhập khẩu khoáng sản Việt San.

Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 798,748 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 69,672 tỷ đồng; tổng diện tích sử dụng đất khoảng 33,577 ha tại xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Quy mô đầu tư xây dựng 172 căn nhà ở liền kề (xây thô và hoàn thiện mặt ngoài); công trình thương mại dịch vụ cao 7 - 9 tầng; công trình hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng quy mô dân số khoảng 4.300 người.

Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện từ năm 2022 - 2026.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Trước đó, tỉnh Hà Nam cũng kêu gọi nhà đầu tư thực hiện loạt dự án khu đô thị nhà ở với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Có thể kể đến như: dự án Khu đô thị mới kết hợp chỉnh trang khu dân cư tại phường Duy Minh và phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên (DT-ĐT22.22) với tổng chi phí thực hiện gần 700 tỷ đồng.

Diện tích dự án dự kiến 22,5 ha; quy mô dân số dự kiến khoảng 2.086 người. Nhà đầu tư có trách nhiệm xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng. Về công trình nhà ở, nhà đầu tư xây thô, hoàn thiện mặt ngoài 171 căn nhà/438 lô đất; xây dựng khu tái định cư có diện tích 0,27 ha; công trình thương mại dịch vụ với diện tích 0,41 ha.

Hà Tĩnh: Công ty Cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh bị xử phạt 160 triệu đồng

Theo thông tin từ UBND TP Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh (địa chỉ tại Khu Bắc Tiến, Phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh). Vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra tại Khu du lịch sinh thái Greeneco, thuộc địa bàn phường Thạch Linh.

Cụ thể, công trình xây dựng tại khu vực này đã không tuân thủ quy hoạch, với những hạng mục như: Xây dựng 4 sân bóng cỏ nhân tạo với tổng diện tích là 5.917m2; Xây dựng 1 nhà gỗ 2 tầng kích thước 9m × 15,6m, xung quanh làm mái che kết cấu khung thép lợp tôn với diện tích 246,8 m2, 1 nhà vệ sinh kết cấu tường xây gạch lợp mái tôn có kích thước 30m2; Đang tiến hành thi công 1 nhà kết cấu gỗ 2 tầng kích thước 71,4m2, 1 nhà kết cấu tường xây gạch lợp mái tôn có kích thước 172,2 m2, 1 nhà vệ sinh kết cấu tường, xây gạch lợp mái tôn có kích thước 52,3 m2 cùng với hệ thống sân và đường nội bộ.

tm-img-alt

Vi phạm của Công ty Cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh được phát hiện trong quá trình kiểm tra tại Khu du lịch sinh thái Greeneco, thuộc địa bàn phường Thạch Linh.

Với những hạng mục xây dựng trên, Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh đã có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Hành vi trên của Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh đã vi phạm vào điểm c khoản 9 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ –CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Khung hình phạt từ 160 triệu – 180 triệu đồng.

Sau khi phát hiện những sai phạm trên, ngày 12/10/2023, BQL dịch vụ công ích và trật tự đô thị đã có báo cáo gửi Phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh. Tiếp đó Phòng Quản lý đô thị đã có báo cáo đề xuất gửi UBND TP Hà Tĩnh xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh.

Ngày 16/10/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2544/QĐ-XPHC đối với Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh.

Theo đó, căn cứ điểm c khoản 9 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ – CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh xử phạt Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh 160 000 000 triệu đồng (Một trăm sáu mươi triệu đồng), đồng thời yêu cầu đơn vị này khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh cũng nêu rõ, trong 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt, Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh phải nộp số tiền phạt trên vào Tài khoản ngân sách của Thành phố, đồng thời phá dỡ các hạng mục xây dựng vi phạm; Nếu quá thời hạn mà Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật.

Đến nay, sau gần 2 tháng kể từ ngày ra quyết định xử phạt, Công ty Cổ phần Xây dựng và Du lịch Hà Tĩnh vẫn chưa thực hiện các biện pháp cần thiết. Ngay sau khi quyết định được đưa ra, BQL dịch vụ công ích và trật tự đô thị TP Hà Tĩnh đã ra thông báo yêu cầu công ty này phải thực hiện nghiêm túc đến hết ngày 18/12/2023. Tuy nhiên, phía Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Hà Tĩnh vẫn “án binh bất động”.

Một lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh cho biết, sau khi ra thông báo lần thứ 3 và quá thời hạn quy định, nếu Công ty Cổ phần Xây dựng và Du lịch Hà Tĩnh vẫn không chấp hành, sẽ thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Hồ sơ liên quan đang được hoàn thiện để tiến hành các bước tiếp theo.

Thanh Hóa kêu gọi đầu tư hơn 233 tỷ đồng vào Khu dân cư Hoa - Phú Lộc

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư mới Hoa – Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

Theo đó, dự án được thực hiện tại xã Hoa Lộc và xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình thương mại dịch vụ… thuộc dự án, phục vụ nhu cầu về nhà ở, đất ở và nhu cầu khác cho người dân trong khu vực và vùng lân cận…

Quy mô diện tích đất sử dụng của dự án là 83.209 m2. Trong đó, công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm các hạng mục san nền, giao thông, hệ thống cấp nước, phòng cháy chữa cháy, thoát nước thải, trạm xử lý nước thải, cấp điện, bãi đỗ xe, cây xanh… Các công trình xã hội bao gồm nhà văn hoá và trường mầm non.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở của dự án gồm 171 căn nhà ở xây thô và lô đất xây dựng nhà ở, trong đó sẽ xây thô và hoàn thiện mặt trước 63 lô đất ở nằm tại mặt tiền tuyến đường nối Tỉnh lộ 526 với Tỉnh lộ 526B (không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới mọi hình thức phân lô, bán nền). Và 108 lô đất còn lại được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền.

Tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cũng quy định nhà đầu tư chỉ được kinh doanh, khai thác sau khi hoàn thành toàn bộ phần xây thô và hoàn thiện mặt trước đối với 63 căn thuộc các lô đất ở tại mặt tiền và hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 233,43 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ chi phí thực hiện dự án khoảng 220,5 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 12,92 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện dự kiến từ quý IV/2023 đến quý III/2026.

Đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng làm đường kết nối 2 tuyến cao tốc

Cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án tuyến nối 2 cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Tuyên Quang - Phú Thọ có chiều dài khoảng 2,6km theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 1.098 tỷ đồng.

Dự án có điểm đầu (Km0+00) kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và đường tỉnh 315B; điểm cuối tại Km2+600 (tương ứng khoảng lý trình Km2+600 đường Hồ Chí Minh hiện hữu), thuộc xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Tổng chiều dài dự án khoảng 2,6km, phạm vi đầu tư công trình bao gồm thiết kế các nút giao, vuốt nối vào các công trình hiện hữu, đường dân sinh, đường hoàn trả, hệ thống đường gom và công trình dân sinh, công trình phòng hộ, chiếu sáng và tổ chức ATGT.

Dự án được xây dựng để đạt đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 -100km/h theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc TCVN 5729-201.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tổng mức đầu tư Dự án ước khoảng 1.098 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 734 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 127 tỷ đồng. Phần kinh phí còn lại là tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và dự phòng.

Dự án dự kiến đầu tư bằng vốn Ngân sách Nhà nước (từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022). Trong đó, năm 2024 bố trí 250 tỷ đồng để chuẩn bị dự án, thi công xây dựng và giải phóng mặt bằng; năm 2025 - 2026 bố trí 848 tỷ đồng phục vụ thi công xây dựng hoàn thành công trình; thanh, quyết toán dự án.

Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất lựa chọn nhà thầu trong quý II/2024; khởi công công trình trong quý III/2024; hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng khoảng 18 tháng kể từ ngày khởi công (thời gian thực hiện phụ thuộc vào tiến độ công tác chuẩn bị dự án).

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ (thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Tây) là tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ với Thủ đô Hà Nội khu vực đồng bằng sông Hồng, các cảng khu vực phía Bắc.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.