Thứ năm, 12/12/2024 01:53 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/3/2024

MTĐT -  Thứ năm, 07/03/2024 16:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/3/2024. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/3/2024 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội xin ý kiến xây 3 tòa nhà cao tầng khi cải tạo chung cư cũ Thành Công

Tối 6/3, UBND quận Ba Đình tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn cải tạo, xây dựng lại cụm nhà chung cư Thành Công gồm các tòa: G6A, G6B, G22, G23, G24. Trong số này, G6A là tòa nhà chung cư được đánh giá nguy hiểm cấp độ D.

Trình bày phương án quy hoạch, ông Đỗ Hà Thanh, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình, cho biết theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 69 của Chính phủ, tòa G6A Thành Công thuộc diện nhà chung cư phải phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư hoặc công trình khác theo quy hoạch.

tm-img-alt
Phối cảnh minh họa cụm nhà chung cư sau khi được cải tạo, xây dựng lại.

Tuy nhiên để đảm bảo tính đồng bộ trong cơ cấu sử dụng đất của toàn khu tập thể Thành Công và tính khả thi của việc thực hiện cải tạo xây dựng lại chung cư cũ nguy hiểm, UBND quận Ba Đình đã lập phương án đề xuất về tổng mặt bằng cụm nhà chung cư 5 tòa trên.

Tổng diện tích đất nghiên cứu là hơn 20.200m2, trong đó gồm hơn 3.000m2 đất trong chỉ giới đường đỏ và hơn 17.100m2 đất ngoài chỉ giới đường đỏ.

Về phần đất ngoài chỉ giới, quận dự kiến quy hoạch hơn 4.200m2 diện tích đất thấp tầng cải tạo chỉnh trang theo hiện trạng; hơn 3.800m2 diện tích đất thuộc trường mầm non, 566m2 đất cơ quan và gần 2.700m2 đất xây nhà tái định cư. Còn lại gần 5.800m2 đất để xây dựng công trình thương mại dịch vụ, không có chức năng ở.

Riêng khu đất đề xuất xây dựng chung cư cao tầng phục vụ tái định cư cho các hộ dân, quận dự kiến thuộc phần đất tòa G6A và G6B hiện nay.

Theo cơ cấu đề xuất, vị trí khu đất dành cho tái định cư có cạnh phía tây tiếp giáp với đường Nguyên Hồng với mặt cắt khoảng 27m và nhìn thẳng ra công viên Indira Gandhi (đang được nghiên cứu cải tạo thành công viên mở).

"Đây là vị trí có đường kết nối giao thông thuận tiện, có cảnh quan đẹp đem lại điều kiện sống tốt nhất cho các hộ dân tái định cư. Phương án hướng đến việc xây dựng nhà tái định cư có chất lượng tương đương nhà ở thương mại", theo thuyết minh của lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình.

Theo phương án đề xuất của quận Ba Đình, tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch khoảng hơn 20.000 mét vuông. Trong đó, toà chung cư cũ G6A sẽ phá dỡ toàn bộ; sau đó trên nền toà nhà này sẽ xây dựng chung cư tái định cư có 5 tầng đế và 24 tầng cao, toàn bộ người dân ở các toà nhà G6A, G6B, G22, G23, G24 sẽ tái định cư tại toà nhà này, khoảng 220 căn hộ, toà nhà cũng sẽ có khoảng 70 căn hộ sử dụng mục đích thương mại, dịch vụ.

Ông Thanh cho biết, do là chung cư nguy hiểm cấp độ D , người dân toà chung cư G6a phải di dời ngay để đảm bảo an toàn (đã di dời từ trước đó); người dân của toà G6b cũng sẽ di dời đến nơi tạm cư, chờ sau khi có chủ đầu tư làm dự án bố trí phù hợp.

Khi tòa chung cư tái định cư hoàn thành, ngoài người dân các nhà G6a, G6b, người dân ở nhà G22, G23, G24 cũng sẽ về tái định cư, bàn giao đất để chủ đầu tư xây dựng 2 toà nhà dịch vụ thương mại.

“2 toà nhà dịch vụ thương mại không có chức năng ở. Toà 1 gồm 18 tầng nổi, 3 tầng hầm; toà thứ 2 gồm 24 tầng nổi và 4 tầng hầm”, ông Thanh nói đồng thời cho biết, phương án sơ bộ này được đưa ra để lấy ý kiến góp ý của người dân, trên cơ sở đó sẽ trình lên cấp có thẩm quyền nghiên cứu phê duyệt.

Đại diện một số hộ dân cho ý kiến tại hội nghị. Bà Đỗ Kim Vinh (cư dân nhà 104 tòa G6A Thành Công) cho biết gia đình bà cùng nhiều hộ dân đã đi tạm cư được tròn 6 năm, đón 7 cái Tết tại nơi tạm cư. Vì vậy hơn ai hết, những hộ dân tại đây mong mỏi phương án cải tạo trên sẽ được triển khai.

Bày tỏ sự đồng tình với chủ trương của thành phố về cải tạo lại chung cư cũ trên địa bàn song bà Vinh băn khoăn về phương án cải tạo, xây dựng nhà tái định cư cho các hộ dân của cả 5 tòa nhà lại chỉ có diện tích gần 2.700m2.

tm-img-alt
Bà Đỗ Kim Vinh đại diện cho một số hộ dân ở tòa G6A Thành Công nêu ý kiến tại hội nghị.

"Chúng tôi đề nghị thành phố và chủ đầu tư xây dựng công trình phải đảm bảo chất lượng với mặt bằng trên khu đất vàng có giá trị, đồng thời đền bù hệ số k (hệ số đền bù) thỏa đáng cho người dân chúng tôi", bà Vinh nêu kiến nghị.

Ông Nghiêm Xuân Tuy (nhà G6a) cũng cho biết, đã đi tạm cư từ cuối năm 2017, rất phấn khởi khi thấy có tiến triển mới của việc cải tạo lại chung cư cũ . Ông Tuy cho rằng, 3 toà nhà trong phương án quy hoạch đều rất “đắc địa”, nhưng lo ngại chất lượng tòa nhà tái định cư không bằng 2 tòa nhà thương mại, dịch vụ.

Ông Tuy cùng nhiều người dân đề xuất, cần tái định cư xen kẽ trong cả 3 toà nhà, không nên tách rời, để vừa đảm bảo chất lượng các toà nhà tương đương nhau, vừa đảm bảo người dân được tái định cư tại chỗ...

Giải thích thêm một số nội dung người dân băn khoăn, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết hầu hết cư dân ở tòa G6A Thành Công đã di dời. Do đó, quận tính toán sẽ khởi công xây dựng công trình trên phần đất của tòa G6A và G6B trước.

Liên quan đến hệ số đền bù, ông Chiến cho biết sau khi quy hoạch được phê duyệt, quận sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư và tiếp tục mời người dân đến để làm việc với các nhà đầu tư.

tm-img-alt
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến giải thích thêm một số nội dung người dân băn khoăn.

Lúc này, nhà đầu tư sẽ cam kết chất lượng, tiến độ, chủng loại vật liệu, đưa ra thỏa thuận về hệ số k và chính người dân sẽ lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với nguyện vọng.

Theo ông Chiến, nếu các công đoạn lấy ý kiến người dân, phê duyệt phương án được thuận lợi, dự kiến trong năm 2024, người dân có thể lựa chọn nhà đầu tư cho dự án cải tạo này.

Thái Nguyên chọn nhà đầu tư khu đô thị 250 tỷ đồng tại Đại Từ

Dự án ước tính tổng chi phí thực hiện khoảng 250,604 tỷ đồng, trong đó sơ bộ chi phí thực hiện là 178,926 tỷ đồng và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 71,678 tỷ đồng.

Diện tích sử dụng đất dự án là khoảng 91.392 m2 tại xã Yên Lãng, huyện Đại Từ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Sau khi hoàn thành xây dựng, nhà đầu tư sẽ giữ lại phần hạ tầng đô thị để đầu tư kinh doanh, bao gồm đất và các công trình xây dựng nhà liền kề, nhà biệt thự. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội sẽ được bàn giao cho địa phương quản lý.

Dự án dự kiến triển khai từ quý I/2024 đến quý IV/2027.

Hà Nam chọn nhà đầu tư Khu đô thị phía Tây Quốc lộ 21

Theo kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới phía Tây Quốc lộ 21, TP. Phủ Lý (PL-ĐT03.21-1) vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam công bố, 2 nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án là Công ty TNHH Hợp Tiến và Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Dịch vụ thương mại Nam Hà - Công ty TNHH Hải Vượng đều đáp ứng yêu cầu.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Dự án tại xã Liêm Chung, TP. Phủ Lý có tổng chi phí thực hiện sơ bộ là 491,103 tỷ đồng, trong đó bao gồm chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư là 59,851 tỷ đồng, trên diện tích 21 ha. Dự án dự kiến thực hiện từ năm 2023 đến 2027.

Do có 2 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm, Dự án sẽ được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước để chọn lựa nhà đầu tư thực hiện, tuân theo quy định pháp luật về đấu thầu.

Mời đấu thầu Dự án Khu đô thị phía Nam sông Như Ý hơn 4.000 tỷ đồng

Theo thông tin từ hồ sơ mời thầu, tổng chi phí dự kiến thực hiện Dự án (m1) là 4.016 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng (m2) là 129,158 tỷ đồng. Giá trị đề xuất nộp ngân sách nhà nước tối thiểu (m3) là 244,3384 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng không quá 96 tháng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Đô thị mới An Vân Dương nằm ở phía Đông của TP. Huế, với diện tích khoảng 2.150 ha, trong đó có khoảng 51,6721 ha được quy hoạch để thực hiện Dự án Khu đô thị phía Nam sông Như Ý. Diện tích dự kiến được giao cho nhà đầu tư thực hiện Dự án là khoảng 48,82 ha.

TP.HCM: Điều chỉnh tổ chức giao thông nhiều tuyến đường từ 7/3

Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ tổ chức Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 10 năm 2024, Sở GTVT thông báo hạn chế các loại xe lưu thông vào đường Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến Tôn Đức Thắng) và đường Lê Lợi (đoạn từ đường Đồng Khởi đến Pasteur), quận 1.

Thời gian hạn chế lưu thông trong 3 ngày.

Cụ thể, ngày 7/3, hạn chế phương tiện từ 18 giờ đến 21 giờ 30 phút. Ngày 8 /3, hạn chế phương tiện từ 6 giờ đến 10 giờ 30 phút và từ 18 giờ đến 21 giờ 30 phút.

Ngày 9/3, hạn chế phương tiện từ 18 giờ đến 21 giờ 30 phút.

tm-img-alt
Bản đồ đường chạy 5km thuộc Giải chạy bộ "RUN TO LIVE". 

Tương tự, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian tổ chức Giải chạy bộ RUN TO LIVE, Sở GTVT TP thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông 1 số tuyến đường.

Kể từ 13 giờ ngày 8/3 đến 11 giờ ngày 10/3, cấm các loại xe lưu thông trên đường Trần Bạch Đằng (đoạn từ đường R12 đến đường N13), phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức (đoạn đường hiện hữu chưa cho phép phương tiện lưu thông).

Đồng thời, Sở GTVT TP yêu cầu hạn chế lưu thông trên các tuyến đường theo các lộ trình của Giải chạy bộ RUN TO LIVE.

TP.HCM: Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi tích cực

Thị trường bất động sản TP.HCM đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng và chuyển biến theo hướng không âm. Doanh thu kinh doanh lĩnh vực này trong 2 tháng đầu năm nay ước tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước...

Vừa qua, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 3/2024.

tm-img-alt
Thị trường bất động sản trên địa bàn TP.HCM có dấu hiệu phục hồi tích cực trong 2 tháng đầu năm 2024 - Ảnh minh họa

Tại phiên họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, cho biết trong 2 tháng đầu năm 2024, nhiều điểm sáng có thể nhận thấy như thị trường bất động sản trên địa bàn có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, doanh thu kinh doanh bất động sản 2 tháng đầu năm 2024 ước tăng 20,1% so với cùng kỳ.

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cũng nhận định thị trường bất động sản đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng, có chuyển biến theo hướng không âm.

Ngoài ra, theo thông tin từ Sở Tài nguyên Môi trường, số lượng hồ sơ nhà đất trong 2 tháng đầu năm 2024 là 67.750 hồ sơ, tăng 18.801 hồ sơ so với 2 tháng đầu năm 2023. Nhờ vậy, nguồn thu từ đất tăng lên. Cụ thể, số thu 2 tháng đầu năm nay đạt 103.164 tỷ đồng (2 tháng đầu năm 2023 đạt 90.741 tỷ đồng). Trong đó, nguồn thu thuế từ mua bán nhà đất tăng rất mạnh, đạt 955,3 tỷ đồng (2 tháng đầu năm 2023 là 659,9 tỷ đồng).

Về các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, thống kê của Sở Xây dựng cho thấy hiện thành phố có 88 dự án nhà ở xã hội. Trong đó, có 33 dự án có khoảng 20% là đất ở thương mại, số còn lại rơi vào nhóm đất công, nhóm cổ phần hóa cần tiếp tục tháo gỡ.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết Sở cũng đang phối hợp với các ngành liên quan tổng hợp, đề xuất thành phố và chính phủ cập nhật nội dung nhà ở xã hội trong quy hoạch chung của thành phố.

“Qua rà soát sơ bộ thì cả thành phố có nhu cầu trên 340.000 căn nhà ở xã hội, trong khi đó, hiện thành phố có gần 600.000 căn nhà trọ với sức chứa gần 2 triệu người, trong đó 50% là công nhân thuê ở”, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thêm.

Cũng theo ông Quân, dự kiến đến ngày 30/4/2025, thành phố sẽ có nguồn nhà ở xã hội với trên 35.000 căn nhằm chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để đạt được chỉ tiêu trên, Sở Xây dựng chỉ các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục để khởi công dự án ngay trong quý 2 năm nay.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã ban hành chính sách hướng dẫn cấp phép cho người có nhu cầu xây dựng nhà trọ. Đồng thời, Sở Xây dựng và Công an TP.HCM cũng đã rà soát về công tác phòng cháy chữa cháy của các nhà trọ hiện hữu. Trong số gần 600.000 căn nhà trọ thì có hơn 10% chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. TP.HCM đã đề xuất chính sách hỗ trợ cho vay để các đối tượng này cải tạo, sửa chữa nhà trọ.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/3/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới