Chủ nhật, 28/04/2024 07:14 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 10/10/2023

MTĐT -  Thứ ba, 10/10/2023 16:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 10/10/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 10/10/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội: Khởi công tuyến đường kéo dài Đại lộ Thăng Long

Theo quy hoạch, tuyến đường này có chiều dài khoảng 6,7km, điểm đầu kết nối với nút giao hoa thị giữa Đại lộ Thăng Long với đường QL21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất.

Điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình tại vị trí giao với đường làng Văn Hóa, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất có mặt cắt ngang 120m - 180m.

tm-img-alt
Hà Nội đầu tư hơn 5.200 tỉ đồng làm cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn từ QL21 đến Hòa Lạc- Hòa Bình. Ảnh minh hoạ.

Trên tuyến có 4 công trình cầu (vượt sông, đường ngang) và 5 công trình hầm (1 hầm chui trực thông dọc tuyến chính phục vụ thành phần đường cao tốc và 4 hầm chui dân sinh ngang đường). Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.200 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và Trung ương hỗ trợ.

Trong quy hoạch các tuyến đường, trục hướng tâm và đường vành đai quanh TP Hà Nội, việc đầu tư tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ QL21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình nhằm từng bước hoàn chỉnh toàn bộ đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Tây và kết nối với tuyến đường Hồ Chí Minh.

Việc đầu tư tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ QL21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình nhằm từng bước hoàn chỉnh toàn bộ đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Tây và kết nối với tuyến đường Hồ Chí Minh.

Đại lộ Thăng Long với chiều dài khoảng 30 km (điểm đầu tại nút giao Trung Hòa - ngã tư giao cắt với đường Vành đai 3 và đường Trần Duy Hưng; điểm cuối tại ngã ba giao cắt với Quốc lộ 21 - Km31+064) là tuyến đường cao tốc hướng tâm phía Tây, nối trung tâm thành phố Hà Nội với Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc; đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ tháng 10/2010 với quy mô 6 làn xe cao tốc và đường song hành hai bên.

Khẩn trương giải ngân gói vay 120.000 tỷ đồng

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước cho biết, đơn vị này vừa có văn bản hướng dẫn nội dung về lãi suất cho vay, thời gian ưu đãi triển khai chương trình này.

Như vậy, hiện mới chỉ có 2 ngân hàng và 3 địa phương triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Tuấn - Phó trưởng Ban chính sách tín dụng Agribank cho biết, Agribank mới phê duyệt một Dự án khu nhà ở xã hội thuộc chi nhánh Quảng Ninh với hạn mức cấp tín dụng là 950 tỷ đồng (trong đó hạn mức cho vay là 750 tỷ đồng).

Tuy nhiên, hiện tỉnh Quảng Ninh chưa công bố danh mục NƠXH, do đó khách hàng đang chờ quyết định của tỉnh để đủ điều kiện tham gia vào chương trình 120.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã được triển khai từ đầu tháng 4/2023. Sau gần 6 tháng triển khai, theo báo cáo của NHNN, đến nay, mới có BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội (NƠXH)tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ/Nguồn: Internet

Ngoài ra, Agribank đang tiếp cận một số dự án NƠXH như: Khu nhà ở xã hội phường Long Trường, TP Thủ Đức (do Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư); Khu NƠXH tại khu CC-09 thuộc Khu Đô thị Long Vân, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn (do Công ty IEC làm chủ đầu tư); Dự án NƠXH tại Hà Nam của Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD); Dự án NƠXH cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (do Công ty CP Đầu tư nhà An Bình làm chủ đầu tư),...

Cũng vào tháng 7/2023, BIDV công bố tài trợ tín dụng dự án Khu NƠXH thấp tầng tại lô đất N02 (thuộc Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Minh Phương, TP Việt Trì, Phú Thọ). BIDV tài trợ dự án 99 tỷ đồng, trong đó cấp tín dụng 95 tỷ đồng và cấp bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai 4 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo số liệu được Bộ Xây dựng công bố đầu tháng 8, có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng cũng đã từng khẳng định quan điểm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không chỉ để "giải cứu" thị trường bất động sản trước mắt, mà đáp ứng mục đích lâu dài góp phần thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Để thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đạt mực tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, tạo động lực để phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung NƠXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư, việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.

Thêm phương án sân bay thứ hai ở phía Nam Hà Nội diện tích khoảng 1.700 ha

Thông tin được nêu tại hội nghị tham vấn định hướng Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 diễn ra mới đây.

Theo đó, ngoài hai phương án địa điểm sân bay đã được HĐND TP Hà Nội thông qua chủ trương vào tháng 7, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị chủ trì điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô) đưa ra thêm phương án sân bay thứ hai ở phía Nam.

Cụ thể, vị trí đề xuất xây sân bay thứ hai nằm ở phía Bắc của trục cao tốc Tây Bắc - quốc lộ 5, thuộc các xã Tân Dân, Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên và Đồng Tân, Minh Đức, Trung Tú, huyện Ứng Hòa (phương án 2A). Diện tích xây dựng sân bay là 1.700ha với khoảng 10.000 người chịu ảnh hưởng.

Ưu điểm của phương án trên là có trục không gian phía Nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay. Nhược điểm là nếu xây dựng sân bay ở vị trí này sẽ phải bổ sung tuyến đường sắt đô thị nối ga Hà Đông đến sân bay khoảng 32km và di chuyển đường điện 500kV ra khỏi ranh giới sân bay. Ngoài ra, tiếng ồn sân bay có thể ảnh hưởng quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn.

tm-img-alt
Sơ đồ liên kết Vùng Thủ đô Hà Nội trong định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Ảnh: Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội

Trước đó, Hà Nội đề xuất, sân bay thứ 2 vùng thủ đô Hà Nội nằm ở phía Nam Hà Nội, dự kiến có công suất 30 - 50 triệu khách/năm, diện tích 1.300 - 1.500ha, sẽ triển khai sau năm 2030, gồm hai phương án:

Phương án 1, sân bay đặt tại địa điểm tại xã Tân Ước và xã Thanh Vân (huyện Thanh Oai), xã Tiền Phong và Tân Minh (huyện Thường Tín). Diện tích chiếm đất của sân bay khoảng 1.300ha.

Ưu điểm của phương án này là khoảng cách vào trung tâm thành phố 20 - 30 km; gần đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL1A, QL21B, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; gần đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường sắt đô thị tuyến 2A, tuyến số 1 kéo dài.

Phương án 2, sân bay dự kiến đặt tại địa điểm xã Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Dường, Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa). Khu vực dự kiến xây dựng sân bay thứ 2 nằm ở địa bàn 7 xã của huyện Ứng Hòa, diện tích chiếm đất khoảng 1.700ha.

Ưu điểm của phương nán này là nằm ở phía Bắc của trục cao tốc Tây Bắc - quốc lộ 5, thuộc các xã Tân Dân, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) và Đồng Tân, Minh Đức, Trung Tú, huyện Ứng Hòa. Nơi có thể thuận lợi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu các dịch vụ cần thiết cho sân bay.

Tuy nhiên, cả 2 phương án đều có những khuyết điểm đáng kể đó là: Nếu chọn phương án 1 sẽ gặp phải một số nội dung cần giải quyết, đó là có thể phải điều chỉnh hướng tuyến của đường trục kinh tế phía nam, đồng thời cần nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị từ ga Hà Đông đi qua sân bay mới để kết nối trung tâm đô thị vệ tinh Phú Xuyên.

Hà Nội: Huyện Gia Lâm sẽ có đường rộng 22m qua xã Đình Xuyên

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5030/QĐ-UBND, phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường quy hoạch rộng 22m từ Cụm công nghiệp Đình Xuyên đến đường Dốc Lã - Ninh Hiệp - Phù Đổng, tỷ lệ 1/500, qua địa bàn các xã Đình Xuyên, Phù Đổng, huyện Gia Lâm.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 1,7km, điểm đầu giao với tuyến đường quy hoạch rộng 25m (được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1264/QĐ-UBND ngày 13-4-2022); điểm cuối giao với tuyến đường Dốc Lã - Ninh Hiệp - Phù Đổng.

Hướng tuyến phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỷ lệ 1/5000 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-UBND ngày 9-1-2013.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ/Nguồn: Internet.

Quy mô bề rộng mặt cắt ngang đường rộng 22m, gồm lòng đường xe chạy rộng 12m, vỉa hè hai bên rộng 2x5m (thành phần mặt cắt ngang đường sẽ được xác định cụ thể theo dự án đầu tư xây dựng tuyến đường được cấp thẩm quyền phê duyệt).

Các nút giao giữa tuyến đường với các đường ngang khác được thiết kế giao bằng. Chỉ giới đường đỏ tại các nút giao với các đường ngang sẽ được xác định cụ thể, bổ sung (nếu có) trong quá trình lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường hoặc các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường ngang được cấp thẩm quyền phê duyệt.

UBND huyện Gia Lâm có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các cơ quan liên quan tổ chức công bố công khai và bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ được duyệt cho UBND các xã Đình Xuyên, Phù Đổng để quản lý quy hoạch xây dựng dọc hai bên tuyến đường.

Các đơn vị tổ chức cắm mốc giới tuyến đường đồng thời với việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường để tránh lãng phí, chồng chéo trong công tác cắm mốc giới.

Thanh Hóa: Quy hoạch toàn bộ 5 xã thuộc huyện Hoằng Hóa rộng hơn 1500ha lên đô thị

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 3523/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị Thịnh Lộc, huyện Hoằng Hoá đến năm 2045.

Theo quyết định, ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các xã: Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh, Hoằng Thái, Hoằng Thành, Hoằng Lộc với quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là 1.525,3 ha.

Đô thị Thịnh Lộc có tính chất, chức năng là đô thị loại V, có chức năng tổng hợp (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục) và là đầu mối giao thông khu vực của huyện Hoằng Hóa.

Về quy mô dân số, dân số hiện trạng năm 2021 khoảng 26.624 người; quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 32.170 người; quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 40.000 người.

Về quy mô đất đai, đất xây dựng đô thị 1042,1 ha; đất dân dụng: 552,2 ha (trong đó đất dân dụng phát triển mới khoảng 117,4 ha tương ứng chỉ tiêu 87,8 m2/người).

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ/Nguồn: Internet

Đô thị Thịnh Lộc được phát triển theo mô hình tập trung trên cơ sở các khu vực hiện hữu phát triển lan toả về phía Đông và phía Tây để kết nối với Quốc lộ 10 kéo dài và Quốc lộ 1, hướng đến là một đô thị sinh thái phụ trợ TP. Thanh Hoá trong việc giảm các áp lực về dân số, môi trường.

Toàn bộ khu vực được chia làm 2 vùng phát triển là vùng phía Đông và phía Tây Đường tỉnh 510. Trong đó các khu vực hiện có chủ yếu ổn định về mặt không gian, giữ nguyên hệ thống công trình, chỉ cải tạo chỉnh trang về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tăng cường các không gian cây xanh, không gian công cộng. Tại mỗi vùng, phát triển các khu vực đô thị tập trung quy mô lớn để hình thành các khu vực đô thị mới đồng bộ, hiện đại.

Ổn định các khu trung tâm xã hiện có, định hướng lâu dài sẽ trở thành các trung tâm của đơn vị ở, dành quỹ đất để bố trí 2 khu vực trung tâm mới gắn với các vùng phát triển đô thị mới để tạo động lực phát triển đô thị, nâng cao chất lượng hạ tầng xã hội.

Hình thành các trục phát triển chính theo hướng Đông Tây nhằm kết nối không gian của đô thị và không gian dọc tuyến Quốc lộ 1. Bố trí các công trình hỗn hợp dọc các trục Đông Tây nhằm tạo điểm nhấn về mặt không gian.

Trong quy hoạch có 58,5ha là đất công nghiệp, sẽ mở rộng cụm công nghiệp Thái Thắng về phía Tây lên tổng diện tích 50ha, trong đó phần diện tích thuộc đô thị Thịnh Lộc khoảng 29,8ha.

Hình thành trục cảnh quan theo hướng Đông Tây gắn với các công trình biểu tượng, điểm nhấn để tạo nên đặc trưng riêng của đô thị.

Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, gồm: Mở rông cụm công nghiệp Thái Thắng; xây dựng bệnh viện đa khoa phục vụ khu vực phía Nam huyện; xây dựng mới trục Đông Tây phía Bắc và trục cảnh quan làm trục chính đô thị để phát triển các khu vực đô thị mới; xây dựng mới 2 tuyến đối ngoại Đông Tây phía Bắc và phía Nam đô thị; xây dựng 2 trục Bắc Nam (kéo dài đường từ cầu Bút Sơn đi Quốc lộ 10; xây dựng tuyến đường kết nối phía Đông); đầu tư các tuyến đường liên khu vực, đường chính khu vực; tiếp tục hoàn hiện hệ thống cấp nước sạch theo các dự án đang triển khai, đầu tư hệ thống thoát nước thải và thoát nước mặt đô thị, hệ thống cấp điện, chiếu sáng; đầu tư xây dựng các khu nghĩa trang tập trung tại xã Hoằng Đồng, Hoằng Thái, Hoằng Thành; đầu tư các khu đô thị mới trong phạm vi đô thị; cải tạo chỉnh trang các công trình công cộng, các khu dân cư hiện có...

Quảng Ngãi: Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và hệ số điều chỉnh giá đất

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và các thành viên UBND tỉnh đã thống nhất trình HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, giai đoạn II a, thành phần 2.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh (Ban) – Chủ đầu tư dự án Đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, giai đoạn II a, thành phần 2, dự án được HĐND tỉnh phê duyệt năm 2019, với chiều dài khoảng 18 km, nay Ban đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, giảm chiều dài 5,8 km để bổ sung tiếp tục đầu tư kéo dài dự án giai đoạn II b đến hết địa bàn huyện Mộ Đức từ nguồn tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng.

tm-img-alt
Quang cảnh cuộc họp.

Cũng tại cuộc họp, tập thể UBND tỉnh thống nhất nội dung trình HĐND tỉnh thông qua hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất và thuê đất đối với một số vị trí trên địa bàn tỉnh, gồm: Dự án xây dựng mở rộng Trường Cao đẳng Quảng Ngãi tại phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi; 39 lô đất ở thuộc dự án Khu dân cư số 2, cạnh Gò Đồn và Khu dân cư số 3 – Gò Bằng, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa; dự án Khu dịch vụ đô thị và du lịch biển Hàng Dương, xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi); dự án tại vị trí kinh doanh sách và văn hóa tổng hợp huyện Sơn Hà.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng thống nhất nội dung trình HĐND tỉnh thông qua danh mục bổ sung công trình, dự án thu hồi đất năm 2023 trên địa bàn tỉnh; thông qua danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Cũng trong sáng nay, UBND tỉnh đã cho ý kiến một số nội dung thuộc thẩm quyền liên quan đến việc giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư gồm: kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ Nam sông Trà Khúc, đoạn cầu Trà Khúc đến bến Tam Thương; đầu tư xây dựng kè chống sạt lở kết hợp tạo quỹ đất bờ Bắc sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh An và xã Tịnh Long; đầu tư xây dựng kè chống sạt lở kết hợp tạo quỹ đất bờ Bắc sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Long và Tịnh Khê.

tm-img-alt
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh điều chỉnh dự án đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh.

Riêng đối với nội dung liên quan đến việc khai thác cát trong 03 tháng mùa mưa lũ năm 2023 và hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh đã cho phép việc khai thác cát 03 tháng mùa mưa, điều này đúng theo quy định hiện hành. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các doanh nghiệp bổ sung thủ tục, giải quyết linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

TP Hồ Chí Minh đề xuất nâng ga Thủ Thiêm thành ga đường sắt trung tâm

Sở GTVT TP.HCM vừa có công văn gửi Bộ GTVT về phương án tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng thuộc Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn TP.HCM.

Theo đó, Sở GTVT TP.HCM cho rằng, hướng tuyến chung (đoạn qua địa bàn TP.HCM) được đề xuất trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cơ bản phù hợp với nội dung quản lý không gian theo Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010).

Sở GTVT TP.HCM thống nhất phương án bố trí tuyến đi “song song” về phía Nam của đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (phía bên phải đường bộ cao tốc theo hướng TP.HCM đi Đồng Nai). Đất dành cho kết cấu hạ tầng đường sắt thuộc Dự án cần được bố trí trong hành lang đã được quy hoạch và được quản lý ổn định dọc theo đường bộ cao tốc.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Để nghiên cứu, xác định cơ cấu tuyến đi trên cao/đi trên mặt đất (sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt), Sở GTVT TP.HCM đề nghị Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần cập nhật đầy đủ các nút giao thông lớn, quan trọng đã hoặc đang được xây dựng, hoặc đã được quy hoạch. Từ đó tránh các giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (trong việc xây dựng đường sắt ở các giai đoạn sau, có thể ảnh hưởng lớn đến việc khai thác đường bộ), và tránh những phát sinh, điều chỉnh trong giải pháp bố trí tuyến đường sắt khi triển khai thiết kế cụ thể hơn.

Liên quan đến vị trí và quy mô nhà ga, đề-pô, trạm bảo dưỡng kỹ thuật, Sở GTVT TP.HCM thống nhất vị trí ga Thủ Thiêm với tính chất giao thông “là ga đầu mối đường sắt xây dựng mới khổ 1.435 mm và có nhiệm vụ đón, trả hành khách lên, xuống, đón, phát tàu khách Bắc - Nam” và “là đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác (tại quảng trường ga Thủ Thiêm bố trí ga metro, bến xe buýt, taxi, bãi đỗ phương tiện cá nhân phục vụ việc thu gom và phân tán khách đi, đến ga)”.

Về xác lập cụ thể quy mô ga Thủ Thiêm, Sở GTVT TP.HCM cho biết, Bộ GTVT đã có Thông báo số 124/TB-BGTVT ngày 14/4/2021 về kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TP.HCM về tình hình thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Tại Thông báo số 124, lãnh đạo 2 bên thống nhất việc quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm sẽ do Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực ga đầu mối Thủ Thiêm để có cơ sở quản lý quy hoạch, thống nhất triển khai các dự án đầu tư với Thành phố.

Do đó, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo các bộ phận chức năng liên quan sớm hoàn thành nội dung đã được thống nhất trên, tổ chức lập quy hoạch nhà ga Thủ Thiêm như một trong những ga đường sắt trung tâm (railway terminal) của TP.HCM cho cả đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, có tổ chức kết nối đồng bộ và hiệu quả với tuyến đường sắt đô thị số 2 TP.HCM, giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm).

Liên quan đến vị trí quy hoạch đề pô cho tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Sở GTVT TP.HCM cho biết, theo ý kiến của Tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, có thể chuyển vị trí đề-pô (theo quy hoạch được đặt ở khu vực phường Long Trường phía TP.HCM) sang Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Sở GTVT TP.HCM - Cơ quan chuyên môn của TP.HCM nhận thấy phương án này là có cơ sở để xem xét.

Vì vậy, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Bộ GTVT yêu cầu các tư vấn (Tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) phối hợp xây dựng rõ các tiêu chí so sánh ưu nhược điểm về các mặt kinh tế - kỹ thuật của từng phương án vị trí đề-pô, để có căn cứ thuyết phục nhất và đề xuất chính thức trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

“Hiện nay, TP.HCM đang tổ chức lập Đồ án điều chỉnh “Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060” và Đồ án “Quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040”. Do đó, đối với các phương án lựa chọn vị trí đặt đề-pô, đề nghị Bộ GTVT quan tâm giải quyết sớm, để thành phố kịp thời bổ sung, điều chỉnh (nếu có) các Đồ án Quy hoạch đang được triển khai”, công văn của Sở GTVT TP.HCM nêu rõ.

Trước đó, Bộ GTVT đã có công văn số 8742/BGTVT – KHĐT gửi UBND TP.HCM để thỏa thuận phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng thuộc dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn đi qua địa phận thành phố.

Theo Bộ GTVT, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/0/2023 của Bộ Chính trị, căn cứ định hướng Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20501 , ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng Chính phủ, hiện nay bộ này đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Bộ GTVT dự kiến hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023, trình Bộ Chính trị trong tháng 11/2023; hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình, phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025.

TP HCM: Tái khởi động dự án cầu vượt thép tại ngã sáu Công trường Dân chủ

Sở GTVT TP.HCM cho biết mới đây Sở nhận được báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) kèm theo hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu vượt bằng thép tại ngã 6 Công trường Dân Chủ.

Sau khi xem xét hồ sơ và phối hợp lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, Sở GTVT nhận thấy nội dung chưa được rà soát, cập nhật đầy đủ.

tm-img-alt
Vòng xoay ngã 6 Dân Chủ. (Ảnh: Internet)

Đơn cử các phương án thiết kế đề xuất chưa có giải pháp tối ưu nhằm giải quyết mức độ ảnh hưởng đối với công trình trên tuyến; việc rà soát, đánh giá sự phù hợp quy hoạch của dự án với các đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000....

Ngoài ra, Ban Giao thông chưa rà soát, cập nhật ý kiến góp ý của Ban Quản lý đường sắt đô thị về tiến độ triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó là các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công đồng bộ các công trình trên tuyến.

Do đó, để có cơ sở hoàn thiện phương án thiết kế trước khi thực hiện hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Sở GTVT đề nghị Ban Giao thông rà soát, nghiên cứu kỹ, làm rõ các vấn đề trên.

Công trường ngã sáu Dân Chủ là một trong những nút giao thông trọng điểm của TP. Đây là điểm kết nối giữa các trục đường chính như Cách Mạng Tháng Tám - Võ Thị Sáu - Ba Tháng Hai nên mật độ xe luôn cao.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 10/10/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề