Chủ nhật, 28/04/2024 17:05 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 9/10/2023

MTĐT -  Thứ hai, 09/10/2023 16:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/10/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/10/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Báo cáo Quốc hội hàng loạt khó khăn, vướng mắc về nhà ở xã hội

Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài. Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Đó chỉ là hai trong vô số các khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội được Chính phủ nêu tại báo cáo việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực xây dựng, vừa được gửi tới Quốc hội.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Theo đó, Quốc hội đã yêu cầu hoàn thiện chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên bố trí đủ quỹ đất, thu hút nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để người dân mua nhà ở xã hội.

Chính phủ nhận định, nhìn chung, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trách nhiệm của địa phương cũng như doanh nghiệp sử dụng lao động trong khu công nghiệp.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2021-6/2023), cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn (trong đó có 105 dự án được cấp phép xây dựng mới, với quy mô xây dựng khoảng 85.662 căn).

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 9 dự án, với tổng số hơn 18.700 căn. Trong đó, nhà ở xã hội có 6 dự án quy mô 7.730 căn.

Triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế - Xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, để giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và gửi Ngân hàng Nhà nước.

Tổng dự án được công bố là 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả, báo cáo cũng nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc cần cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết, như các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành nhưng chưa đủ hấp dẫn, có nội dung chưa thực chất nên không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

Chính phủ cho biết, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở xã hội; hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở sửa đổi đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trong đó sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Chính phủ cũng hứa  quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Giải pháp tiếp theo được báo cáo Quốc hội là đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

Hà Nội xây dựng tuyến phố không dùng tiền mặt

Đây là một trong những sự kiện quan trọng hưởng ứng ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2023 của thành phố Hà Nội. Đây cũng là hoạt động mở đầu cho việc triển khai diện rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thủ đô.

Dự kiến một số tuyến phố đặc thù như phố đi bộ, phố sách, phố ẩm thực, trung tâm thương mại, chợ truyền thống… sẽ được thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt.

Tham dự sự kiện có 10 ngân hàng và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, giới thiệu rộng rãi tới người dân và các tổ chức các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, người dân, tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh được tiếp cận, sử dụng sản phẩm, dịch vụ một cách thuận tiện, dễ dàng.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Phấn đấu đến cuối năm nay sẽ đạt 100% tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh tại khu vực phố đi bộ Hoàn Kiếm thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong quá trình thí điểm, thành phốHà Nôị sẽ lấy đây làm cơ sở để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ra nhiều quận, huyện khác trên địa bàn.

Mục tiêu hướng tới là người dân, doanh nghiệp dù ở bất kỳ đâu, đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng các dịch vụ công, các ứng dụng số, nền tảng số, được cung cấp thông tin đầy đủ, được phục vụ kịp thời. Thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế số, chính quyền số nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng.

Tăng cường chạy tàu Hà Nội - Lào Cai vào thứ 5 và thứ 6 hàng tuần

Hàng ngày Tàu SP3 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 22h đến ga Lào Cai lúc 5h55’. Tàu SP4 xuất phát tại ga Lào Cai lúc 21h30’, đến ga Hà Nội lúc 5h25’. Giá vé từ 330.000 - 350.000 đồng/vé/lượt loại chỗ giường nằm khoang 4 giường điều hòa không khí.

Ngoài vé tàu, ngành đường sắt còn cung cấp dịch vụ bán vé xe buýt từ ga Lào Cai đến thị xã Sapa và ngược lại, giá vé 55.000 đồng/người/lượt. Các điểm đón, trả khách tại thị xã Sapa trong bán kính 2km tính từ nhà thờ Đá.

Theo Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, du khách đến địa phương tập trung chủ yếu vào các địa bàn trọng điểm như thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, các huyện: Bắc Hà, Bảo Yên, Bát Xát.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ/Nguồn: Internet

Nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc được tổ chức ở các địa phương như Lễ hội Đền Bảo Hà tại huyện Bảo Yên; Lễ hội mùa hè "Sa Pa - Xứ sở của tình yêu”; sản phẩm du lịch "Tái hiện Chợ tình Sa Pa”, "Sa Pa - Thổ cẩm và Hoa”… thu hút đông đảo du khách.

Qua 9 tháng của năm 2023, lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt mức kỷ lục với trên 6 triệu lượt, bằng 101% so với kế hoạch năm và tăng 71% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng thu từ khách du lịch từ đầu năm đến nay của Lào Cai đạt khoảng 18.563 tỷ đồng, bằng 90,6% kế hoạch năm, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Hợp đồng BOT dự án đầu tư mở rộng QL51 chưa thể chấm dứt sau 20 lần đàm phán

Bộ GTVT vừa có thông tin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL51 đoạn Km0+900 - Km73+600, trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án này đã tạm dừng thu phí từ ngày 13/1/2023, song đến nay vẫn chưa chấm dứt hợp đồng.

Sau nhiều lần đàm phán hợp đồng (19 lần), nhà đầu tư dự án (BVEC) đã bàn giao hạng mục công trình cho Khu Quản lý đường bộ IV tiếp nhận nhưng chưa thống nhất với cơ quan có thẩm quyền về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, để triển khai các bước tiếp theo cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Hợp đồng BOT, dẫn đến công tác bảo trì công trình không kịp thời, phát sinh hư hỏng, ổ gà, có nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ngày 13/9/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã gửi giấy mời tới doanh nghiệp dự án tiếp tục đàm phán lần thứ 20, về việc hai bên thống nhất thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, để cơ quan quản lý đường bộ có đủ cơ sở bố trí kinh phí bảo quản công trình theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

tm-img-alt
Dự án BOT Quốc lộ 51 sẽ phải tạm dừng thu phí từ 7h sáng 13/1/2023 nhưng đến nay vẫn chưa dừng thu phí. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, doanh nghiệp dự án đề nghị hoãn, vì muốn các nhà đầu tư trao đổi thống nhất nội bộ trước khi đàm phán.

Bộ GTVT cho biết, trường hợp hai bên không chấm dứt hợp đồng thông qua đàm phán, thỏa thuận. Cục Đường bộ Việt Nam với trách nhiệm là cơ quan ký kết hợp đồng dự án (được Bộ GTVT ủy quyền) sẽ căn cứ khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư theo phương thức PPP, sẽ thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn.

Trong thời gian chưa chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, doanh nghiệp dự án vẫn phải có trách nhiệm tiếp tục bảo trì công trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hợp đồng BOT đã ký, nếu để xảy ra tai nạn do nguyên nhân phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng BOT không đảm bảo yêu cầu.

“Hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam với thẩm quyền là cơ quan quản lý đường bộ đã chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ IV tăng cường tổ chức kiểm tra, chủ động phối hợp các đơn vị có chức năng bảo trì thực hiện bảo dưỡng, duy tu, khơi thông hệ thống thoát nước và tiến hành công tác đảm bảo giao thông trên tuyến”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thông tin.

Dự án BOT QL51 (đoạn từ Km0+900 đến Km73+600) đoạn Biên Hòa-Vũng Tàu có chiều dài 72,7km, tổng mức đầu tư được duyệt 3.970 tỷ đồng, đến nay đã thỏa thuận quyết toán 3.486 tỷ đồng, giá trị còn lại đang được Bộ tiếp tục xem xét thỏa thuận quyết toán theo quy định.

Dự án đưa vào khai thác từ tháng 4/2013, bảo đảm tiến độ, chất lượng và phát huy hiệu quả đầu tư.

Theo hợp đồng dự án, dự kiến thời gian thu phí khoảng 20 năm 6 tháng 11 ngày (từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 12/1/2030, bao gồm 4 năm thu phí tạo lợi nhuận).

Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian thu phí so với hợp đồng dự án đã ký do Cục Đường bộ Việt Nam đã cập nhật doanh thu thực tế, giá trị quyết toán và tính toán lại một số chỉ tiêu tài chính của dự án nêu trên

Khẩn trương hoàn thiện đồng bộ các dự án cao tốc Bắc-Nam mới thông xe

Hiện nay, các dự án cao tốc thành phần nêu trên đã được thông xe đưa vào khai thác, sử dụng tuyến chính. Tuy nhiên, sau khi các dự án thông xe, các nhà thầu chưa tập trung triển khai thi công hoàn thành các hạng mục công việc còn lại theo yêu cầu.

Trước thực trạng trên, Công điện của Bộ GTVT yêu cầu các Ban Quản lý dự án, doanh nghiệp dự án chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn tập trung thi công đảm bảo hoàn thành các hạng mục công việc còn lại của dự án như: Đường gom, hàng rào, đường ngang, cầu vượt ngang, các tồn tại (nếu có)… theo hợp đồng đã ký. Chậm nhất trong tháng 10/2023, các đoạn: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành các hạng mục còn lại theo hợp đồng.

tm-img-alt
Đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đã được đưa vào khai thác từ ngày 29/4/2023 tuy nhiên vẫn còn 1 số hạng mục phụ trợ vẫn trong quá trình hoàn thiện. (Ảnh: Internet)

Các hạng mục theo hợp đồng nhưng bị vướng mặt bằng hoặc hạng mục bổ sung ngoài hợp đồng (đường gom, hệ thống thoát nước...) theo kiến nghị của địa phương phải hoàn thành trước ngày 31/12/2023. Với các hạng mục bổ sung, các Ban Quản lý dự án cần phối hợp với địa phương để xử lý dứt điểm các vướng mắc về thủ tục, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thống nhất tiến độ cụ thể của việc hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng… Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể đảm bảo hoàn thành theo tiến độ yêu cầu. Trường hợp tiến độ GPMB tiếp tục chậm, bàn giao lại cho địa phương để đầu tư.

Công điện cũng yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động triển khai các thủ tục để làm việc với Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng ngay sau khi hoàn thành thi công các hạng mục theo yêu cầu thiết kế và khẩn trương hoàn thành hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng để được xem xét, chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình theo quy định, thực hiện bàn giao công trình cho đơn vị quản lý khai thác trong thời gian sớm nhất.

Đến cuối tháng 9/2023, trong tổng số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I 2017 - 2020 (tổng chiều dài 654km), có 8 dự án thành phần, với tổng chiều dài 519 km đã được đưa vào khai thác. Trong đó, 2 dự án thành phần được đưa vào khai thác năm 2022 là Cam Lộ - La Sơn, Cao Bồ - Mai Sơn, sản lượng hoàn thành 100% giá trị hợp đồng.

Đối với 6 dự án thành phần được đưa vào khai thác trong 9 tháng đầu năm 2023 (tổng chiều dài hơn 405 km) là: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, sản lượng hoàn thành đạt 98% giá trị hợp đồng. Toàn bộ tuyến chính của các tuyến cao tốc này đã được đưa vào khai thác.

Đắk Lắk : Xe khách 16 chỗ và xe tải tông nhau, 13 người thương vong

Thông tin ban đầu, vào khoảng 13h30 ngày 8/10, trên đường tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ đoạn Km 13+800 xảy ra vụ va chạm xe tải BKS 29H-076.25 do ông P.V.H. (tỉnh Thái Nguyên) cầm lái lưu thông theo hướng Gia Lai - Đắk Lắk với xe khách BKS 47F-002.03 do P.P.Q. (ngụ TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) điều khiển chạy theo hướng ngược lại. Trên xe khách chở theo 12 người.

Cú va chạm mạnh khiến xe khách 16 chỗ và xe tải bị hư hỏng nặng. Ngay sau đó, người dân và người đi đường phối hợp lực lượng chức năng đưa các nạn nhân đi cấp cứu.

tm-img-alt
Hiện trường vụ tai nạn ( Ảnh: Internet) 

Hiện, lực lượng cảnh sát giao thông đang phối hợp Công an thị xã Buôn Hồ khám nghiệm hiện trường, phân luồng và đảm bảo an toàn giao thông.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết, chiều cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận 13 nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông trên. 

Trong đó, có 1 ca đã tử vong ngoại viện, 1 trường hợp bị thương rất nặng đang được các bác sĩ cấp cứu tích cực. Các nạn nhân khác hiện đang tạm ổn.

Cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ thông tin vụ tai nạn. 

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 9/10/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.