Chủ nhật, 28/04/2024 00:49 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/6/2023

MTĐT -  Thứ tư, 14/06/2023 20:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/6/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/6/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Hà Nội: Xử lý trên 400 trường hợp trông giữ phương tiện không phép

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị này đã phối hợp kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 508 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, tổng số tiền xử phạt là hơn 2 tỷ đồng.

Cụ thể, số vi phạm về dừng, đỗ xe trái quy định là 75 trường hợp, phạt tiền 76,9 triệu đồng; vi phạm về trông giữ phương tiện không phép là 433 trường hợp, phạt tiền 2,013 tỷ đồng.

tm-img-alt

Hà Nội xử lý trên 400 trường hợp trông giữ phương tiện không phép trong gần 6 tháng đầu năm (Ảnh: Internet)

Thanh tra Sở GTVT thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu các cá nhân, tổ chức có các bãi trông giữ xe vi phạm cần giải tỏa ngay phần lòng đường chiếm dụng trái phép để trông giữ phương tiện, không tái vi phạm.

Trong số các trường hợp bị xử phạt, có 10 đơn vị được Sở GTVT thành phố Hà Nội cấp phép nhưng sử dụng quá diện tích được cấp trong giấy phép; 169 trường hợp chiếm dụng trái phép hè phố để trông giữ phương tiện; 131 trường hợp tổ chức hoạt động trông giữ phương tiện trái phép…

Để xử lý triệt để hơn, trong thời gian tới, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội sẽ tiếp tục bố trí lực lượng phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) - CATP Hà Nội, công an các quận, huyện, thị xã, chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra tại các điểm trông giữ phương tiện, các điểm đỗ xe trên địa bàn thành phố.

Cùng đó, rà soát, kiểm tra các điểm trông giữ phương tiện do Sở GTVT Hà Nội cấp phép cho các đơn vị trên địa bàn các quận, huyện.

Kiên quyết xử lý và giải tỏa các điểm trông giữ xe không phép, trái phép; đề xuất Sở GTVT Hà Nội thu hồi, điều chỉnh diện tích đối với các vị trí không còn phù hợp do có thay đổi về tổ chức giao thông hoặc các điểm trông giữ xe có nhiều vi phạm.

Hải Phòng dự kiến xây dựng thêm 8 bến xe liên tỉnh và nhiều bãi đỗ xe

Trong dự thảo quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn 2050 Hải Phòng dự kiến xây dựng mới 8 bến xe liên tỉnh, chuyển đổi các bến nằm sâu trong đô thị hiện hữu thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt. xây dựng bãi đỗ xe P&R tại khu vực nhà ga chính đường sắt đô thị.

Theo đó, xây dựng mới 8 bến xe liên tỉnh tại khu vực phía bắc (một bến tại huyện Thủy Nguyên), khu vực phía nam (hai bến dự kiến tại khu vực huyện Vĩnh Bảo và khu vực cảng hàng không Tiên Lãng), khu vực phía tây (hai bến tại khu vực cửa ngõ QL 5 cũ và khu vực KCN Tràng Duệ sát với QL 10), khu vực cửa ngõ gắn với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long (ba bến tại khu vực Tràng Cát, khu vực gần nút giao đường tỉnh 353, khu vực giao với đường tỉnh 354), xây dựng bến xe tại các huyện với chức năng chính là phục vụ xe buýt và xe khách nội tỉnh, lân cận.

tm-img-alt

 Hải Phòng dự kiến xây dựng thêm 8 bến xe liên tỉnh và nhiều bãi đỗ xe. (Ảnh: Internet)

Sẽ từng bước chuyển đổi các bến xe nằm sâu trong khu vực đô thị hiện hữu như Cầu Rào, Niệm Nghĩa, Lạc Long thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt kết hợp công trình dịch vụ, cây xanh.

Xây dựng và nâng cấp các bến xe hiện có và xây mới tại các vị trí gắn với khu vực cửa ngõ, ga đường sắt, cảng hàng không…

Về phương án phát triển các bãi đỗ xe chính, TP Hải Phòng tiếp tục thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe trên địa bàn.

Bên cạnh đó là đề xuất xây dựng bãi đỗ xe tại khu vực nhà ga chính đường sắt đô thị phát triển mô hình Park & Ride (P&R - bãi đỗ xe trung chuyển). Theo mô hình này, người dân từ các khu vực khi tiếp cận giao thông công cộng được tạo điều kiện thuận lợi để đỗ xe tại các bãi đỗ xe xP&R được xây dựng tại các nhà ga và chuyển sang sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng để tiếp tục hành trình.

Bình Thuận: Tàu SE2 bị trật bánh, tuyến đường sắt Bắc-Nam tê liệt

Cụ thể, tàu SE2 bị trật bánh khỏi đường ray khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn. Tàu SE2 trên hành trình từ TP.HCM đi Hà Nội thì bị sự cố trật bánh khỏi đường ray tại khu vực Sông Phan - Suối Vận (xã Tân Lập, H.Hàm Thuận Nam) Bình Thuận.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy đoàn tàu chỉ còn 3 toa, trong đó có toa bị trật bánh và 1 đầu kéo. Rất may sự cố không có thương vong về người.

Sau khi sự việc xảy ra, ngành đường sắt đã điều động lực lượng cứu hộ đến hiện trường. Một đội tiến hành khắc phục phần bánh bị trật, một đội khác thi công sửa chữa đường ray và đắp sỏi 2 bên ray để gia cố chắc chắn.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tại ga Suối Vận cách hiện trường 5 km, có tàu SE11 cũng đang dừng chờ và một số tàu chạy tuyến Bắc - Nam được điều tiết dừng tại ga Bình Thuận và các ga lân cận.

Sự cố tàu SE2 bị trật bánh đã làm ảnh hưởng đến tất cả các đoàn tàu đi và đến ga Sài Gòn.

Hoạt động trên tuyến đường sắt qua khu vực này bị gián đoạn hơn 5 giờ. Đến thời điểm này, có 5 đoàn tàu đang phải dừng tại ga Bình Thuận, xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam.

Tại hiện trường hiện chỉ còn 2 toa tàu ở phía sau toa bị trật bánh, các toa phía trước đã được đưa về ga Suối Vận. Hiện công tác sửa chữa, khắc phục đang được khẩn trương tiến hành để thông tuyến đường sắt bắc-nam trong thời gian sớm nhất.

Đến khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, tàu SE11 và một số tàu hỏa chạy tuyến Bắc - Nam đang được điều tiết dừng lại tại các ga lân cận để chờ khắc phục sự cố.

Hải Phòng: Mời gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội tại quận hải An 6.047 tỷ đồng

Tổng chi phí thực hiện khoảng 5.834 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 213,5 tỷ đồng; tổng diện tích sử dụng đất 28,14 ha. Cơ cấu sản phẩm, dịch vụ bao gồm: khu nhà ở xã hội (khoảng 4.004 căn hộ); khu nhà ở thương mại (khoảng 284 căn hộ liền kề); các công trình thương mại dịch vụ khoảng 23.097,3 m2; công trình trường học khoảng 17.155,4 m2.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Thời gian thực hiện Dự án trong 5 năm. Nộp hồ sơ đến hết 16h ngày 12/7/2023.

Có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội đã được cấp phép xây dựng

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng Sáu của Bộ Xây dựng diễn ra chiều 13.6, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, cho biết qua nắm bắt nhanh tình hình triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, tại các địa phương hiện có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói tín dụng này đã được cấp phép và đang triển khai đầu tư xây dựng.

Cũng theo ông Hải, đến nay, một số sở xây dựng đã rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét công bố danh mục dự án.

Có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội đã được cấp phép xây dựng
Ảnh minh họa. Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+

Cụ thể, tại tỉnh Bình Định có 6 dự án, nhu cầu vay vốn là 1.832 tỷ đồng; Phú Thọ có 3 dự án, nhu cầu vay vốn 441 tỷ đồng; Đà Nẵng có 3 dự án, nhu cầu vay vốn khoảng 545.6 tỷ đồng; Trà Vinh có 2 dự án, nhu cầu vay vốn là 420 tỷ đồng; Bắc Giang có 2 dự án, với nhu cầu vay vốn là 4527.6 tỷ đồng; Bắc Ninh có 6 dự án, nhu cầu vay vốn là 3.381,33 tỷ đồng.

Trong số các dự án trên, đã có Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh công bố danh mục 2 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng (tổng mức đầu tư 2 dự án là 1.492 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 420 tỷ đồng).

Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý trên thông tin báo chí và dư luận phản ánh về Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn còn vướng mắc lớn nhất là “chưa có dự án để cho vay.” Hiện Bộ Xây dựng đã rà soát, liên hệ trực tiếp với các địa phương và chủ đầu tư để xác minh thông tin.

Phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trong tháng 6

Bộ GTVT đã có báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Trong báo cáo nêu rõ, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) do nhà đầu tư đề xuất đang được tỉnh Bình Phước đang thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 6.

Tại văn bản số 658/TTg-CN ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Bình Phước làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Về nguồn cho dự án,tỉnh Bình Phước đã chấp thuận Liên danh Vingroup - Techcombank là nhà đầu tư đề xuất dự án.

UBND tỉnh Bình Phước đã đưa ra phương án đầu tư dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo hình thức đối tác công - tư (PPP) .

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Theo đó, dự án có chiều dài khoảng 128,8km, đi qua địa phận tỉnh Bình Phước (101km) và tỉnh Đắk Nông (27,8km), quy mô đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 24,75m, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt (quy mô 6 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25m).

Về hướng tuyến, điểm đầu tuyến từ Km1915+900 của Quốc lộ 14, tại đây tuyến đi về hướng bên trái Quốc lộ 14 thuộc xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông.

Điểm cuối tuyến từ điểm giao với cao tốc TP.Hồ Chí Minh  - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, xây dựng đoạn tuyến mở mới dài khoảng 2km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 25.987 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 16.609 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 4.640 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án tư vấn và chi phí khác 996 tỷ đồng; chi phí dự phòng 2.484 tỷ đồng; chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng 1.258 tỷ đồng.

Phía UBND tỉnh Bình Phước dự kiến, phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án khoảng 9.987 tỷ đồng (chiếm khoảng 38,43% tổng mức đầu tư), trong đó ngân sách Trung ương khoảng 5.987 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 4.000 tỷ đồng. Vốn nhà đầu tư huy động 16.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 61,57% tổng mức đầu tư, thời gian hoàn vốn dự án khoảng 21 năm 4 tháng).

Sau khi dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đắk Nông đi tỉnh Bình Phước về TP Hồ Chí Minh đồng thời tạo thuận lợi kết nối về sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); tạo bước đột phá cho vùng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo quốc phòng an ninh.

TP.HCM tổ chức lễ công bố đặt tên cầu Ba Son và cầu Thủ Thiêm

Tại khu vực chân cầu Ba Son và Thủ Thiêm, các đại biểu đã thực hiện nghi thức gắn biển tên cầu. Việc công bố đặt tên cầu Ba Son và Thủ Thiêm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 60/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM ngày 9/12/2022 về đặt tên 2 cầu bắc qua sông Sài Gòn nằm trên địa bàn Quận 1 và quận Bình Thạnh.

Cụ thể, cầu Thủ Thiêm 1 nối đường Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) với đường Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) được chính thức gắn biển mang tên Thủ Thiêm. Cầu có tổng chiều dài 1.250m gồm 6 làn xe, kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

tm-img-alt
Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển tên cầu Thủ Thiêm. (Ảnh: Internet)

Cầu Thủ Thiêm 2 được gắn biển mang tên cầu Ba Son. Cầu kết nối đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) có chiều dài hơn 1.400m, với tổng kinh phí đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng. Cầu được thiết kế độc đáo với dây văng được xem là cổng chào từ trung tâm TP qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Được biết, tên gọi Thủ Thiêm đã xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII. Trong đó, Thủ là đồn canh dưới thời phong kiến và cũng là chức vụ để chỉ người đứng đầu một tổ chức, đơn vị hành chính. Chính quyền thời ấy đã cho lập đồn binh ở Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn. Chữ Thiêm có thể do tên người chỉ huy đồn binh thời ấy.

Trong khi đó, tên gọi Ba Son có từ năm 1790, khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng "xưởng thủy" bên sông Sài Gòn. Ba Son được ghi dấu là cái nôi của ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu thủy của Việt Nam. Ngoài ra, tên gọi này cũng gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là niềm tự hào của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/6/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề