Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 13/6/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/6/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 13/6/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Miền Bắc bước vào đợt mưa lớn diện rộng
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết từ đêm 12/6, Bắc Bộ và Thanh Hóa bước vào đợt mưa lớn diện rộng với lượng phổ biến 40-70mm/ngày, có nơi trên 100mm. Thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm.
Ngày 14/6, miền Bắc bước vào cao điểm của đợt mưa lớn khi lượng mưa được dự báo 50-80mm/ngày, có nơi trên 150mm. Từ ngày 15/6, mưa dông duy trì ở nhiều nơi nhưng giảm dần về diện và lượng.
Cơ quan khí tượng cảnh báo người dân đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi. Đồng thời, mưa cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có thể đi kèm các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Mưa xảy ra trên diện rộng ở miền Bắc nhưng xác định vùng mưa lớn nhất sẽ tập trung ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, các tỉnh vùng núi trung du Đông Bắc Bộ.
Mưa xuống đúng vào thời gian mà mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang rất thấp. Nhiều sông suối miền Bắc cũng đang thiếu hụt lượng nước so với trung bình nhiều năm.
Với vùng mưa tập trung ở thượng nguồn các hệ thống sông miền Bắc, đợt mưa này sẽ giúp các hồ chứa lớn ở Bắc Bộ như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Thác Bà được bổ sung một lượng nước. Dự báo từ nay đến ngày 15/6, lưu lượng trung bình đến các hồ chứa lớn trên sông Đà sẽ tăng nhẹ.
Nếu tính theo phương án các hồ trữ lại nước và không phát điện thì mực nước hồ Lai Châu có khả năng tăng 4-4.5m; Hồ Sơn La tăng 1-1,3m; khu giữa hồ Sơn La - Hòa Bình: 400-500 m3/s.
Mực nước hồ Hòa Bình thì giảm 0.5-0.7m (đây là do các hồ Sơn La và Lai Châu không còn xả xuống, trong khi hồ Hòa Bình vẫn phát điện nên dù có nước về thì mực nước vẫn giảm).
Bên cạnh mặt tích cực là giúp bổ sung nước cho các hồ chứa thì trong đợt mưa này, người dân cần phải lưu ý đây là đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng xảy ra sau những ngày nắng nóng, vì thế cần phải đề phòng với hiện tượng dông lốc, sét và gió giật mạnh, ngoài ra khu vực vùng núi phía Bắc bắt đầu phải đề phòng với hiện tượng trượt lở đất đá.
Vùng đô thị như khu vực Hà Nội cần lưu ý tới hiện tượng mưa dông có thể gây ra tình trạng ngập úng cục bộ như vào trưa 12/6.
Như vậy, miền Bắc sẽ có mưa vừa, mưa to trên diện rộng, kéo dài liên tục đến khoảng thứ Bảy tuần này. Điều này giúp các hồ thủy điện ở miền Bắc cải thiện tình trạng thiếu hụt nước.
Nhóm Hà Nội Xanh dọn rác đem lại sự trong lành cho dòng sông “chết”
Thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội như Facebook và Tiktok xuất hiện rất nhiều video và bài đăng về một nhóm bạn trẻ với tên gọi “Hà Nội Xanh”. Các video này ghi lại những buổi dọn vệ sinh tại các con sông đen kịt do rác thải sinh hoạt của người dân thải ra tại Hà Nội. Dưới video và bài đăng nhận được rất nhiều sự ủng hộ, động viên và ngưỡng mộ từ cộng đồng mạng. Bên cạnh đó cũng có thêm rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường ngỏ ý xin được tham gia dọn dẹp tại các con sông cùng các thành viên của nhóm.
Là người khởi xướng dự án và sáng lập lên nhóm Hà Nội Xanh, anh Nguyễn Tiến Huy chia sẻ, bản thân đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội được gần 8 năm. Anh hiểu được mức độ ô nhiễm của các dòng sông, con kênh ở quanh Thủ đô vì vậy bản thân muốn làm một việc gì đó để giúp ích cho môi trường và thay đổi số phận cho những con sông ở đây. Chính vì vậy, cuối năm 2022, anh đã thành lập một nhóm các bạn trẻ để hàng tuần đi dọn rác trên các con kênh, con sông. Lúc mới thành lập, nhóm chỉ có 2 người, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại thành số lượng thành viên của nhóm đã lên đến gần 400 người đăng ký tham gia. Hiện tại, thành viên nhóm với nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mục đích là giúp cho môi trường trở nên trong lành, sạch đẹp hơn.
Với phương châm “Đi đến đâu sạch đến đó”, sau khi khảo sát mỗi khu vực để thực hiện, nhóm thường vệ sinh ở từng đoạn ngắn và cố gắng dọn kĩ càng để trả lại sự trong sạch cho những khu vực mà nhóm đi qua. Hà Nội Xanh cũng ưu tiên xử lý ở các con sông, dòng kênh đang bị ô nhiễm nặng và có lượng rác thải lớn tồn đọng từ lâu như sông Tô Lịch, sông Nhuệ.
Dưới cái nắng gay gắt của ngày hè Hà Nội, khi mọi người đều cố gắng hạn chế ra đường thì ngay cạnh cạnh khu đô thị Xa La Hà Đông, hàng chục thành viên của nhóm Hà Nội Xanh với những bộ đồ bảo hộ cao ngang ngực, chân đi ủng, đeo khẩu trang bịt kín lội xuống lòng sông Nhuệ đen kịt để vớt từng mảng bèo, hàng đống túi nilong, những mảnh gỗ nội thất đã mục nát... Thời tiết nóng bức cộng với mùi hôi tanh bốc lên từ con sông không khiến mọi người nản chí mà ngược lại, nó càng như động lực thôi thúc cả đội làm việc khẩn trương hơn.
“Khi lựa chọn làm việc này, là bọn mình đã phải nhìn thấy, đã phải chấp nhận bản thân sẽ gặp nhiều nguy hiểm nó tiềm ẩn bên dưới, mình không thể nhìn thấy được. Dưới dòng sông này rác thải nó có rất nhiều loại. Rất nhiều mảnh sành, kim tiêm và nhiều khi còn có xác động vật chết. Chính vì vậy môi trường nước rất bẩn, rất ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe. Thời gian đầu tất cả những thành viên sau khi tham gia thì các bạn ốm rất nhiều” anh Huy, đội trưởng đội Hà Nội Xanh tâm sự.
Lựa chọn một công việc nguy hiểm, vất vả và dẫu không được ai trả công, có lẽ phần thưởng lớn nhất mà các thành viên trong đội nhận được là niềm vui, sự hạnh phúc khi nhìn thấy nhưng dòng sông tưởng như đã “chết” đang dần được hồi sinh.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Công khai thông tin môi trường về các loại chất thải có nguy cơ gây hại
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc, hướng dẫn triển khai một số nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nhằm góp phần triển khai hiệu quả các quy định của Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
UBND tỉnh giao Ban Quản lý các KCN chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng BVMT và tăng cường công tác BVMT của KCN. Đôn đốc chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN thực hiện việc rà soát và yêu cầu các cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa của KCN; phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật BVMT có hiệu lực thi hành. Đồng thời, rà soát, yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng và các dự án trong KCN (được miễn trừ đấu nối, xả nước thải trực tiếp ra môi trường) hoàn thành việc thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải (tương ứng) cột A trong năm 2023 chậm nhất trước ngày 1/1/2024…
Sở TN-MT, Ban Quản lý các KCN, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện việc công khai thông tin môi trường theo quy định về các nguồn thải, các loại chất thải có nguy cơ gây hại tới sức khỏe con người và môi trường, giấy phép môi trường lên trang thông tin điện tử của cơ quan…
Cần Thơ : Lễ ra quân vệ sinh môi trường chợ nổi Cái Răng
Thực hiện kế hoạch số 1767 của sở Tài nguyên và Môi trường về việc tổ chức các hoạt động Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, tháng hành động vì môi trường năm 2023. Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cái Răng, Hội Liên hiệp phụ nữ quận, Quận đoàn, UBND phường Lê Bình và công nhân Cty CP Đô thị, tổ chức Lễ ra quân dọn vệ sinh môi trường chợ nổi Cái Răng.
Theo kế hoạch, từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6 năm 2023, Cần Thơ sẽ đồng loạt tổ chức các hoạt động cộng đồng như mít-tinh, ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn thành phố.
Bạc Liêu: Cần sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm tại kênh Rạch Dược
Kênh Rạch Dược, dài khoảng 800m, là con kênh thoát nước cho khu vực chợ Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Thực tế, nhiều năm qua, tình trạng các hộ dân xây dựng lấn kênh rất nhiều, làm hạn chế dòng chảy. Song song đó, tình trạng xả rác xuống kênh cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Người dân cho biết, sau khi lấp mất đầu nguồn, con rạch được coi là "Thị Nghè" của Gành Hào đang dần bị bức tử. Các hộ dân thì có nhiều ý kiến trái chiều, người muốn lấp, người muốn khơi dòng.... vì tình trạng nặng mùi kéo dài suốt nhiều năm qua.
Ông Huỳnh Văn Hẳng, ngụ ấp 2, thị trấn Gành Hào cho biết: "Hai chục năm trước, con kênh Rạch Dược rất rộng, là nơi thoát nước cho toàn khu vực này. Tuy nhiên, dân mỗi ngày một đông nên mỗi người lấn một chút ra kênh, riết rồi con kênh còn có chút xíu". Ghi nhận thực tế, nơi đầu nguồn của con kênh này rất khó nhận ra. Cứ sau mỗi trận mưa, đường sá nơi đây bị ngập cục bộ, nước không thể thoát kịp. Còn con kênh thì bị nghẽn lại bởi rác và bốc mùi nồng nặc.
Theo quan sát, đoạn đầu nguồn đã bị lấp khoảng 100m, nhà mọc lên san sát. Chú Bình, ngụ ấp 2, thị trấn Gành Hào, cho biết, do nhu cầu thực tế của các hộ dân, mạnh ai nấy xây dựng, bất chấp sự can thiệp của chính quyền và ngành chức năng. Rác thải tồn đọng dày đặc hai bên bờ kênh, kèm theo đó là mùi hôi thối nồng nặc bốc lên bởi rác và nước thải sinh hoạt. Người dân sinh sống quanh khu vực luôn phải chịu đựng cảnh tượng này trong suốt khoảng thời gian dài, tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Còn ông Huỳnh Tấn Khanh, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đông Hải, cho biết: "Phía huyện đã có phương án để xử lý tình trạng của con kênh này, sắp tới sẽ tiến hành nạo vét và làm đường kết hợp bờ kè cho hai bên bờ kênh. Riêng với việc xây dựng lấn chiếm kênh thì giao cho địa phương quản lý, đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường, không để tiếp diễn tình trạng mạnh ai nấy xả rác xuống kênh Rạch Dược”.
Với thực tế của kênh Rạch Dược như vậy, để giải bài toán môi trường thật không dễ. Nước, rác thải cùng tình trạng san lấp trái phép khiến dòng kênh bị bức tử. Cần sớm cải thiện tình trạng này để Gành Hào có một bộ mặt hiện đại, văn minh. Muốn vậy, phải có chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Ngoài ra, phải giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Không chỉ phạt tiền, cần thay đổi nhận thức của người dân.
Bên cạnh đó, quy hoạch, sắp xếp lại không gian quanh các con kênh và điều chỉnh hoạt động của người dân xung quanh các dòng kênh. Đây cũng là một trong những phần việc quan trọng để sớm đưa Gành Hào đạt chuẩn đô thị loại IV.
T.Anh (T/h)