Thứ hai, 29/04/2024 11:23 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 16/10/2023

MTĐT -  Thứ hai, 16/10/2023 17:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 16/10/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 16/10/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Lào Cai xây mới, sửa chữa nhà ở cho hơn 600 hộ nghèo, cận nghèo

Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh triển khai Dự án 5 “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo”.

Dự án là 1 trong 7 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai thực hiện nội dung này, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 2695/QĐ-UBND ngày 10/11/2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc tỉnh Lào Cai, đó là Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương và Bát Xát. Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ xây mới, hoặc sửa chữa nhà ở là 7.555 hộ, bao gồm 2.808 nhà xây mới và cải tạo, sửa chữa 4.747 nhà.

Tổng kinh phí thực hiện khoảng 414,5 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 207,2 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 20,8 tỷ đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác hơn 186,5 tỷ đồng.

tm-img-alt
Những ngôi nhà tạm, dột nát sẽ được thay thế bằng ngôi nhà kiên cố. (Ảnh: Internet)

Theo Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh Lào Cai quy định một số nội dung, mức chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, mức hỗ trợ xây mới nhà ở là 44 triệu đồng/hộ gia đình, trong đó có 40 triệu đồng từ ngân sách Trung ương và 4 triệu đồng từ ngân sách địa phương. Mức hỗ trợ sửa chữa nhà ở là 22 triệu đồng/hộ gia đình, bao gồm 20 triệu đồng từ ngân sách Trung ương và 2 triệu đồng từ ngân sách địa phương.

Nhưng tính đến thời điểm này, tiến độ giải ngân vốn và triển khai thực hiện Dự án 5 vẫn còn rất chậm so với chỉ tiêu đề ra. Theo Kế hoạch, 4 huyện sẽ thực hiện xây mới và sửa chữa 1.292 nhà trong năm 2023. Tổng kinh phí đã giao cho các địa phương là 44,682 tỷ đồng, nhưng tính đến ngày 10/10 mới chỉ giải ngân 8,912 tỷ đồng (đạt 19,9%) và triển khai xây mới, sửa chữa 682 ngôi nhà (đạt 52,7%) trong Kế hoạch năm 2023.

Trong đó, huyện Bắc Hà có tiến độ chậm nhất khi mới thực hiện được 16,8% số nhà được giao. Ngược lại, huyện Mường Khương đã xây mới và sửa chữa 240/250 nhà, đạt 96% chỉ tiêu. Hai huyện còn lại là Si Ma Cai và Bát Xát đều đạt tỷ lệ hơn 30%.

Theo báo cáo từ các địa phương, việc thực hiện Dự án còn gặp một số vướng mắc như kinh phí để xây mới nhà ở lớn nhưng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thấp; nguồn vốn đối ứng, năng lực tài chính của các hộ gia đình còn hạn chế; người dân chưa xây dựng nhà ở vì bận gieo cấy, thu hoạch vụ mùa, đi làm ăn xa hoặc chọn ngày, chọn tuổi để dựng nhà.

Một số hộ gia đình còn gặp vướng mắc trong việc điều chỉnh, sửa đổi thông tin giấy tờ pháp lý liên quan. Một số hộ gặp vướng mắc trong vấn đề đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, cũng có những hộ có nhu cầu xây mới nhà ở, nhưng không có tên trong danh sách được hỗ trợ.

Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu nghi bị đổ hóa chất phá hoại mặt đường

Ngày 16/10/2023, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình), xác nhận đơn vị này vừa gửi đơn trình báo khẩn cấp đến các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa về việc phát hiện nhiều vị trí nghi bị đổ hóa chất phá hoại mặt đường trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đoạn do tập đoàn này thi công.

Theo đó, vào ngày 15/10, Tập đoàn Sơn Hải phát hiện từ km382 - km384 thuộc địa phận xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) xuất hiện nhiều đoạn có dấu hiệu bất thường trên bề mặt đường.

Kiểm tra thực địa, đơn vị này phát hiện nhiều vị trí trên đoạn này có dấu hiệu bị đổ hóa chất. Ở vị trí có dấu hiệu mới nhất, mặt đường đã bị phân hủy lớp nhựa trên cùng với chiều dài khoảng 0,5m và chiều rộng khoảng 0,3m. 

Bề mặt của đường tại vị trí này vẫn còn một lớp hóa chất lạ màu đen bám lại. Hình dạng vị trí bị bong lớp nhựa đường bề mặt cho thấy hóa chất đã bị đổ từ trên xuống.

tm-img-alt
Mặt đường Cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu bị đổ hóa chất phá hoại. (Ảnh: Tập đoàn Sơn Hải cung cấp)

Dấu hiệu bong lớp nhựa bề mặt do tác động của chất lạ còn xuất hiện tại một số vị trí khác trên đoạn đường này. Có đoạn vết bong kéo dài hàng chục mét. Dấu vết tại hiện trường cho thấy lớp nhựa bề mặt đã bị phân hủy từ nhiều ngày trước.

"Chúng tôi đã gửi đơn trình báo đến cơ quan công an, chính quyền tỉnh Thanh Hóa và cả Bộ Giao thông vận tải để các cơ quan này vào cuộc xác minh chính xác. Nếu có dấu hiệu phá hoại thì phải có giải pháp ngăn chặn kịp thời", ông Hải nói.

Dự án đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu thông xe vào ngày 1/9 vừa qua. Trong đó, gói thầu XL01 từ Km380+000 đến Km389+900 do Tập đoàn Sơn Hải thi công 49%. Nhà thầu này cam kết bảo hành công trình trong 10 năm. 

Trước đó, năm 2015, trên QL1 qua Quảng Bình do Tập đoàn Sơn Hải thi công, cũng từng xảy ra việc mặt đường hư hỏng vì bị đổ hóa chất./.

Liên danh Đèo Cả lập đề xuất dự án đường sắt Vũng Áng - Mụ Giạ

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản chấp thuận Liên danh Công ty Thương mại dầu khí Lào (Petroleum Trading Lao Public company)- Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Deo Ca group join stock company) là nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ theo phương thức PPP (hợp tác công tư).

Trước đó, liên danh này gửi văn bản đến Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ chấp thuận liên danh là nhà đầu tư lập đề xuất dự án tuyến đường sắt Việt - Lào đoạn Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ theo phương thức PPP.

Nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ theo phương thức PPP, trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Luật Đường sắt và quy định của pháp luật khác có liên quan, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu nhà đầu tư khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tận dụng tối đa kết quả nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật trước đây đối với dự án để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.

Nhà đầu tư chịu mọi chi phí lập hồ sơ đề xuất dự án; chi phí lập hồ sơ được xác định trên cơ sở dự toán được thẩm định, phê duyệt theo quy định; các chi phí hợp pháp lập hồ sơ đề xuất dự án được tính trong tổng mức đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật của nhà nước.

Đồng thời chịu mọi rủi ro, chi phí, không được nhà nước thanh toán một trong các trường hợp sau: Hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư đề xuất không được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo phương thức PPP; báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; dự án không lựa chọn được nhà đầu tư để triển khai dự án theo phương thức PPP.

Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, việc lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức PPP và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án đường sắt chủ trì thực hiện đầy đủ nhiệm vụ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất theo quy định; Hướng dẫn việc hoàn thiện các thủ tục lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trì tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án, rà soát, trình thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật.

Dự án đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ thuộc tuyến đường sắt Viên Chăn (Lào) - Vũng Áng nằm trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình đầu tư trước năm 2030.

Đây là dự án quan trọng nằm trong tổng thể dự án đường sắt Việt Nam - Lào, là một trong những ưu tiên của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào được thể hiện trong quá trình triển khai các thoả thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng.

Tuyến đường sắt Việt - Lào, đoạn Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ có tổng chiều dài khoảng 103 km, gồm 8 nhà ga (1 ga chính, 7 ga trung gian) với tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng.

Đầu tư PPP tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với 18.120 tỷ đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Tờ trình số 8947/TTr – UBND đề nghị Bộ GTVT thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức PPP.

Đây là dự án do Liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện Liên danh các Nhà đầu tư).

Theo đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, điểm đầu Dự án tại Km59+798.33 (trùng với điểm cuối tại lý trình Km60+243.83 của Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; vị trí điểm cuối tại Km125+675, qua nút giao với đường Nguyễn Văn Cừ (khoảng 130m) thuộc TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án khoảng 66 km, trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km, tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km.

Hướng tuyến đường cao tốc cơ bản theo hướng tuyến trong bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022, có điều chỉnh cục bộ tại một số vị trí cho phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định về kỹ thuật.

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc được đu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 80km/h; quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh bề rộng nền đường 22m (4 làn xe ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục).

Tuy nhiên, trong giai đoạn phân kỳ, Dự án bố trí chiều rộng nền đường 17 m với 4 làn xe ô tô. Các đoạn nền đường đào sâu đắp cao tùy theo địa hình, địa chất của từng đoạn nghiên cứu mở rộng mặt cắt ngang theo giai đoạn hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 22 m theo nguyên tắc đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật của dự án.

Trong giai đoạn phân kỳ, Dự án bố trí không liên tục tuân thủ theo Tiêu chuẩn cơ sở 42:2022/TCĐBVN (đường ô tô cao tốc - thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng).

Dự án còn xây dựng các công trình phục vụ khai thác, trung tâm điều hành, hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí, trạm kiểm tra kỹ thuật dừng nghỉ trên tuyến… đảm bảo đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Tổng mức đầu tư Dự án (giai đoạn phân kỳ) là 18.120 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 2.821 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị 10.999 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 2.452 tỷ đồng, lãi vay trong thời gian thi công là 1.016 tỷ đồng…

Trước đó, vào cuối tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1386 QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức PPP.

Theo Quyết định số 1386, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66km; tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng (vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỉ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỉ đồng; và 9.095 tỉ đồng từ các nguồn huy động).

Giai đoạn phân kỳ sẽ thực hiện đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.

Quảng Ngãi: Dự án khu Bắc núi Thiên Bút tăng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng

Mới đây, UBND Quảng Ngãi đã chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án Chỉnh trang đô thị khu Bắc núi Thiên Bút (phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi).

Theo đó, tổng diện tích đầu tư khu dân cư giữ nguyên so với trước (hơn 20.000m2), thế nhưng cơ cấu đất dự kiến sử dụng thay đổi.

Cụ thể, đối với diện tích đất ở gần 11.256m2, phần xây dựng nhà biệt thự là 7 căn với 3.817m2, gồm 3 căn (tối đa 5 tầng) với gần 2.612m2 và 4 căn (tối đa 3 tầng) với khoảng 1.205m2; phần đất xây dựng nhà ở liền kề có 51 căn (3 tầng) gần 7.439m2. Đối với đất thương mại dịch vụ (3 tầng) 443m2; đất hạ tầng và cây xanh gần 8.391m2.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tại quyết định chủ trương đầu tư trước đó, cơ cấu đất dự kiến sử dụng gồm đất ở xây dựng nhà biệt thự 28 căn (tối đa 3 tầng) là 12.750m2; đất công cộng – thương mại dịch vụ (tối đa 5 tầng) gần 1.123m2; phần diện tích đất giao thông, trạm xử lý nước thải và đất cây xanh gần 6.217m2.

Cùng với điều chỉnh thay đổi về cơ cấu đất dự kiến để đầu tư khu dân cư, tổng mức vốn đầu tư cũng được nâng lên trên 520 tỷ đồng, tăng khoảng 205 tỷ đồng so với trước.

Dự án dự án Chỉnh trang đô thị khu Bắc núi Thiên Bút được cấp chủ trương lần đầu vào ngày 23/8/2022, với tổng vốn đầu tư 317 tỷ đồng, được thực hiện trong vòng 3 năm kể từ ngày nhà đầu tư được lựa chọn theo quy định.

Thời hạn hoạt động của dự án là 49 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất. Đây là dự án đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.

Việc đầu tư dự án này nhằm xây dựng khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị, xây dựng mới với hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, kết nối hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho khu vực.

Đồng thời tạo cảnh quan kiến trúc, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững, phù hợp với định hướng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; làm cơ sở cho việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở thương mại, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Thừa Thiên Huế: Đầu tư 1.143 tỷ đồng làm đường Tố Hữu nối dài

Dự án có tổng mức đầu tư 1.143 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án trong 4 năm.

Theo Kế hoạch, trong tháng 10/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế (Chủ đầu tư) sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 13 Tư vấn lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán toàn bộ phần xây lắp và thiết bị của Dự án; khảo sát địa chất, địa hình phục vụ lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (16,226 tỷ đồng) với thời gian thực hiện hợp đồng 90 ngày.

tm-img-alt
Nút giao QL1 với tuyến đường Thủy Dương - Thuận An (hướng từ thị xã Hương Thủy - TP Huế), phía trước là cầu vượt Thủy Dương trên tuyến Thủy Dương - Thuận An. (Ảnh: Internet)

Gói thầu số 20 Xây lắp đoạn tuyến có mặt cắt quy hoạch 36 m (đoạn 3 và đoạn 4 dài khoảng 3,49 km) và trạm biến áp trên tuyến (140,988 tỷ đồng) với thời gian thực hiện hợp đồng 720 ngày sẽ được đấu thầu rộng rãi trong quý IV/2023.

Tiếp đó, Gói thầu số 21 Xây lắp đoạn tuyến có mặt cắt quy hoạch 60 m (đoạn 1 và đoạn 2 dài khoảng 6,1 km) và trạm biến áp trên tuyến (721,067 tỷ đồng) được tổ chức lựa chọn nhà thầu trong quý I/2024.

Khởi công xây dựng cầu Đại Ngãi quy mô dự án gần 8.000 tỷ đồng                                

Ngày 15/10/2023, tại điểm đầu của Dự án (giao với QL54) thuộc xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, chính thức khởi công Gói thầu 11-XL - Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi 2 trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Theo Ban quản lý dự án 85 (Chủ đầu tư), Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư ngày 23/12/2022. Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt với tổng mức đầu tư của dự án là 7.962,148 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư bằng Ngân sách nhà nước. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 15,14km, điểm đầu giao với Quốc lộ 54, thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu, thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

tm-img-alt
Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương bấm nút khởi công

Dự án gồm 2 công trình cầu chính (cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2) được đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe, phần tuyến đầu tư phân kỳ với giai đoạn 1 gồm 2 làn xe với bề rộng mặt cắt ngang là 12,0m, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt đường cấp cao A1. Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 có chiều dài 2.560m, phần cầu chính dạng kết cấu cầu dây văng có chiều dài nhịp chính L=450m lớn thứ 2 Việt Nam sau khi hoàn thành (sau cầu Cần Thơ L=550m và bằng cầu Vàm Cống). Cầu Đại Ngãi 2 dài 862m, mặt cắt ngang cầu rộng cầu là 17,5m, cầu chính dạng kết cấu cầu đúc hẫng với tổng chiều dài 330m. Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành tiểu dự án riêng do UBND 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng tổ chức thực hiện, với tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 446,065 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, công tác chuẩn bị dự án cầu Đại Ngãi có tốc độ thần tốc, hoàn thành sau 11 tháng (so với các dự án khác thôngthường từ 22 đến 24 tháng). Dự án dự kiến gồm 2 gói thầu xây lắp, gồm: Gói thầu số 11-XL: Thi công xây dựng công trình cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công; đảm bảo an toàn hàng hải) và Gói thầu còn lại: Thi công xây dựng công trình cầu Đại Ngãi 1 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công; đảm bảo an toàn hàng hải). Nhà thầu thi công gói thầu số 11-XL (cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến) do Liên danh Tổng Công ty xây dựng số 1 - CTCP + Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trường Sơn + Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương + Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An- TAG thực hiện; thời gian thực hiện hợp đồng là 26 tháng; Tư vấn giám sát: Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng công trình giao thông Miền Bắc + Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam. Đối với Gói thầu xây lắp còn lại (cầu Đại Ngãi 1) hiện Ban Quản lý dự án 85 đang thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật.

Đại diện Liên danh nhà thầu thi công, ông Lê Bảo Anh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng số1-CTCP, cho biết: “Liên danh sẽ nỗ lực để đưa gói thầu về 2 đích đúng tiến độ, an toàn, chất lượng. Sử dụng đúng nguồn vốn huy động cho gói thầu. Phối hợp với chủ đầu tư, tư vấn giám sát, địa phương để giải quyết dứt điểm các khó khăn phát sinh trong quá trình thi công công trình”.

Trong khi đó, ông Lê Quang Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam (đại diện Liên danh tư vấn giám sát), cam kết luôn chú trọng trách nhiệm tư vấn giám sát, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ tư vấn ngiám sát. “Liên danh tư vấn vấn giám sát sẽ bố trí nhân sự chất lượng cao để thực hiện tốt nhất các yêu cầu của gói thầu tư vấn giám sát. Chủ động đề xuất chủ đầu tư các biện pháp xử lý tình huống phát sinh. Nêu cao tinh thần tuyệt đối nói không với tiêu cực, tham nhũng trong toàn bộ quá trình giám sát công trình cầu Đại Ngãi”.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tường Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, việc đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có ý nghĩa hết sức quan trọng; Dự án sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TP.Hồ Chí Minh, giúp phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và khu vực Tây Nam bộ, đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực ven biển phía Nam. Chính phủ đã quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho hạ tầng khu vực này. Do đó, chủ đầu tư, nhà thầu cần đặt nhiệm vụ thi công cầu Đại Ngãi với chất lượng cao, tiến độ nhanh, an toàn, phát huy hiệu quả cao nhất vốn đầu tư.

tm-img-alt
Nhộn nhịp xe máy tại Lễ khởi công cầu Đại Ngãi

Theo ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Cầu Đại Ngãi là cây cầu cuối cùng trong hệ thống 4 cầu lớn kết nối giữa Sóc Trăng-Trà Vinh, khi đưa vào sử dụng sẽ giúp giảm 80 km từ Trà Vinh-Sóc Trăng đi TP.HCM. Trà Vinh cũng đang hoàn thiện đường bộ ven biển. Đây là tiền đề quan trọng để thu hút nhà đầu tư vào các KCN trên địa bàn. Đến nay, Trà Vinh đã bàn giao 100% mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công.

Đề xuất xây cầu cạn khi triển khai cao tốc qua đồng bằng sông Cửu Long

Theo Bộ GTVT, điều kiện địa chất, địa hình của khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nét đặc thù riêng gây khó khăn khi triển khai dự án cao tốc tại đây.

Đáng chú ý, khu vực này có nền địa chất yếu trong khi địa hình lại bị chia cắt liên tục bởi hệ thống kênh rạch dày đặc.

Chịu ảnh hưởng của triều cường, nước biển dâng. Việc tiếp cận các công trường bằng đường bộ sẽ gặp khó khăn còn đường thủy lại không đủ chiều cao để thông thuyền.

Những yếu tố này sẽ là trở ngại không nhỏ khi tiến hành xây dựng đường cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhất là trong bối cảnh nguồn vật liệu chủ yếu ở nơi đây lại là cát.

tm-img-alt
Nghiên cứu khả năng xây cầu cạn khi triển khai cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa.

Vì vậy Bộ GTVT cho rằng việc lựa chọn giải pháp công trình, phương án xử lý nền đất yếu khi tiến hành nghiên cứu triển khai dự án cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần phải được tính toán, nghiên cứu tổng thể và  kỹ lưỡng.

Một trong những giải pháp được tính đến là xây dựng cầu cạn trên toàn tuyến, kéo dài cầu vượt sông, xử lý lún bằng cọc xi măng đất và sàn giảm tải.

Đặc biệt cần phải giảm tối thiểu việc sử dụng cát san lấp để giảm rủi ro trong quá trình thi công và khai thác dự án đường cao tốc.

Điểm hạn chế của giải pháp này là sẽ cần một nguồn kinh phí lớn  hơn khoảng 2,6 lần so với phương án đắp đất nền để thi công công trình. Điều này chắc chắn khiến suất đầu tư các dự án cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long cao hơn những nơi khác.

Do đó Bộ GTVT cho biết vẫn áp dụng giải pháp đắp nền bằng cát đối với các dự án cao tốc đã được phê duyệt và triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.

Giải pháp này sẽ đảm bảo chi phí đầu tư hợp lý nhưng hạn chế là cần thời gian xử lý nền lâu hơn cũng như nguồn vật liệu cát nhiều hơn.

Đối với giải pháp xây dựng cầu cạn, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá một cách khách quan, khoa học, cẩn trọng và toàn diện nhất.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 16/10/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.