Thứ hai, 29/04/2024 09:11 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/10/2023

MTĐT -  Thứ ba, 17/10/2023 16:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 17/10/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 17/10/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu kiểm tra chung cư mini cấp phép 3, xây 9 tầng

Được UBND huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ có quy mô 3 tầng và tum, chủ đầu tư đã xây 9 tầng, với quy mô hàng chục căn hộ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu Sở Xây dựng đôn đốc, phối hợp UBND huyện Thạch Thất rà soát toàn bộ các công trình nhà ở nhiều căn hộ trên địa bàn; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định pháp luật.

Tòa nhà trên được ông Nguyễn Kim Loan – Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cấp phép xây dựng vào ngày 17/4/2023. Theo giấy phép đây là công trình nhà ở riêng lẻ, tại thửa đất số 152, tờ bản đồ số 14 (thôn 1, xã Tân Xã), có diện tích 726,5 m2.

tm-img-alt
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đang yêu cầu làm rõ tòa chung cư mini cấp phép 3 tầng xây 9 tầng ở huyện Thạch Thất. Ảnh: Quang Phong

Công trình được huyện Thạch Thất cấp phép 3 tầng và tum. Trong đó, diện tích xây dựng tầng 1 là hơn 150 m2. Tổng diện tích sàn gần 492 m2. Mật độ xây dựng toàn thửa đất là 20,7%.

Đến nay, tòa nhà trên đã hoàn thiện, trở thành chung cư mini với quy mô 9 tầng với hàng chục căn hộ. “Sau khi có yêu cầu từ thành phố, chúng tôi thấy tòa chung cư đã bị đóng cửa. Những người thuê nhà ở đây đã dọn đồ đi nơi khác”, anh C.V.H., người trong thôn 1 (xã Tân Xã) cho hay.

Theo thiết kế, tầng 1 được dùng để đỗ xe, soát vé bằng thẻ tự động. Tầng 2 được thiết kế giống siêu thị, bếp ăn và một số căn hộ. Từ tầng 3 đến tầng 8 là căn hộ cho thuê, tầng 9 là quán cà phê và một số căn hộ. Theo giới thiệu, tòa nhà có 9 tầng với các căn hộ có diện tích từ 25 - 55 m2, giá thuê 2,9 - 5,5 triệu đồng/tháng.

Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu cấp đủ nước sạch cho khu đô thị Thanh Hà

Theo đó, Sở Xây dựng yêu cầu các công ty nước sạch trên địa bàn Hà Nội thông qua hệ thống cấp nước do Công ty nước sạch Hà Đông quản lý có trách nhiệm điều tiết nước ổn định cho khu đô thị Thanh Hà. Lượng nước điều tiết cung ứng cho người dân phải đảm bảo 2.000 m3/ngày đêm.

Về lâu dài, để đảm bảo nước ổn định cho khu đô thị Thanh Hà, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị đơn vị liên quan cải tạo trạm cấp nước cục bộ trong khu đô thị này.

Ngoài ra, Sở Xây dựng còn đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội kiểm tra đột xuất chất lượng nước tại khu đô thị Thanh Hà. UBND quận Hà Đông, huyện Thanh Oai cũng có trách nhiệm trong việc kiểm tra chất lượng nguồn nước khu đô thị này.

Từ đầu tháng 10-2023 đến nay, nhiều người trong khu đô thị Thanh Hà bị mẩn ngứa khắp người. Trong khi đó, nước sinh hoạt nặng mùi thuốc tẩy nên cư dân nghi nguồn nước do Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà cấp không đảm bảo chất lượng. Sau phản ánh, đối chất với đơn vị cấp nước, hàng nghìn người dân ở đây bị mất nước sinh hoạt.

Sau đó, Sở Xây dựng và huyện Thanh Oai cùng vào cuộc để đảm bảo nước sạch cho các hộ dân trong khu đô thị Thanh Hà. Tuy nhiên, những ngày này, hơn 3.000 người ở 3 tòa HH03A - HH03B - HH03C vẫn sống trong tình cảnh được cấp nước nhỏ giọt. Các hộ dân phải bỏ tiền mua nước sạch từ xe téc với giá từ 1,2 -1,5 triệu đồng/5m3 để sử dụng.

tm-img-alt
Do thiếu nước sạch, các hộ dân tại khu đô thị Thanh Hà (Thanh Oai, Hà Nội) phải bỏ tiền mua nước sạch từ xe téc với giá từ 1,2 -1,5 triệu đồng/5m3 để sử dụng. ảnh 1

Đại diện Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà, cho biết nhu cầu nước sinh hoạt ở khu đô thị là 3.000 m3/ngày đêm nhưng nguồn cung hiện nay chưa được 1.000 m3/ngày đêm.

Để giải quyết hiện trạng thiếu nước sạch tại khu đô thị Thanh Hà, UBND huyện Thanh Oai cho biết đang tính đến phương án cho đấu nối đường ống nước sạch từ ngã ba Xa La (Hà Đông) về khu đô thị Thanh Hà.

Ngoài ra, chính quyền huyện Thanh Oai cũng sẽ cùng cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra chất lượng nước cũng như đánh giá năng lực của đơn vị cung cấp nước cho khu đô thị này.

Hà Nội dự kiến tăng giá vé xe buýt cao nhất 20.000 đồng

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh giá vé xe buýt đối với các tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn kể từ ngày 1/1/2024.

Theo đó, với giá vé lượt, cự ly dưới 15km có mức điều chỉnh thấp nhất, từ 7.000 lên 8.000 đồng; 15-25km, từ 7.000 lên 10.000 đồng; 25-30km, từ 8.000 lên 12.000 đồng; 30-40km, từ 9.000 lên 15.000 đồng.

Mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40km là từ 9.000 lên 20.000 đồng.

Vé tháng có mức tăng trung bình 40%. Cụ thể, học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng), liên tuyến 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). Vé tập thể đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).

Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.

Ngân sách thành phố hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp; hỗ trợ 30% vé tháng với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.

tm-img-alt
Dự kiến giá vé xe bus tháng có mức tăng trung bình 40%. (Ảnh: Internet)

Lý giải cho đề xuất trên, Sở Giao thông Vận tải cho rằng từ năm 2014 đến nay thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng, tăng 75% so với năm 2014. Theo tính toán, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, tương ứng mỗi người chi 800.000 đồng "là chấp nhận được".

Sở cũng nêu các lý do khác như chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014. Tăng giá vé xe buýt giúp tăng thu, giảm mức trợ giá, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách của thành phố. Giai đoạn 2015-2019, ngân sách thành phố trợ giá xe buýt trung bình 1.370 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020-2022 khoảng 2.200 tỷ đồng/năm và năm 2023 dự kiến 2.750 tỷ đồng.

Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì thẩm định phương án điều chỉnh giá vé xe buýt trong tháng 12, áp dụng từ 1/1/2024.

Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến city tour, phủ đến tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 512/579 xã phường, thị trấn. Toàn thành phố có 2.034 xe buýt, trong đó 277 xe sử dụng năng lượng sạch.

Tạm dừng xe lưu thông trên 2 tuyến cao tốc qua Thanh Hóa, Nghệ An

Bộ Giao thông Vận tải vừa phát đi thông tin về việc tạm dừng khai thác tuyến Cao tốc Bắc-Nam các đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu, đoạn Km337-Km430 để phục vụ công tác tổ chức lễ khánh thành dự án.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu đã đưa vào khai thác tạm từ ngày 1/9, phục vụ nhân dân nhân dịp Quốc khánh 2/9/2023.

tm-img-alt
Tạm dừng xe lưu thông trên 2 tuyến Cao tốc qua Thanh Hóa, Nghệ An (Ảnh: Internet)

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan đã cơ bản hoàn thành các hạng mục còn lại như đường gom dân sinh, hệ thống thoát nước… đảm bảo thuận lợi, an toàn trong quá trình khai thác đồng bộ.

Được sự cho phép của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức lễ khánh thành hai dự án thành phần vào ngày 18/10 tới đây. Địa điểm tổ chức tại cửa hầm phía Bắc hầm Trường Vinh thuộc Km386+361 thuộc dự án đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu.

Để tổ chức lễ khánh thành và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đoạn từ nút giao Nghi Sơn - Bãi Trành (Km379+500) thuộc điểm cuối Dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (địa phận thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đến nút giao Quỳnh Vinh (Km389+970) thuộc Dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (địa phận thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) sẽ tạm dừng khai thác.

Thời gian tạm dừng từ 15 giờ ngày 16/10 đến 15 giờ ngày 18/10/2023.

Trong thời gian trên, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra phương án phân luồng phương tiện.

Cụ thể, các phương tiện đi theo hướng từ Bắc vào Nam khi đi đến nút giao Nghi Sơn-Bãi Trành (Km379+500) theo lối ra đi ra Quốc lộ 1, sau đó đi đến Km388+200 (Quốc lộ 1) rẽ phải vào Quốc lộ 48D và đi theo lối vào tại nút giao Quỳnh Vinh.

Các phương tiện đi theo hướng từ Nam ra Bắc đi đến nút giao Quỳnh Vinh (Km389+970), theo lối ra đi ra Quốc lộ 1, sau đó đi đến Km378+300 (Quốc lộ 1) rẽ phải vào đường Nghi Sơn-Bãi Trành và đi theo lối vào tại nút giao Nghi Sơn-Bãi Trành.

Lâm Đồng xin tạm ứng 500 tỷ đồng tái thi công tuyến tránh TP. Bảo Lộc

Ngày 16/10, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có văn bản trả lời kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, cử tri tỉnh Lâm Đồng phản ánh, tuyến tránh TP Bảo Lộc được khởi công từ năm 2017, là tuyến đường huyết mạch, vận chuyển hàng triệu tấn alumin về các cảng ở Đông Nam Bộ, vận chuyển hàng triệu du khách từ Đông Nam Bộ đến với cao nguyên Lâm Đồng.

Tuyến đường dài 15,6 km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi, tổng vốn đầu tư hơn 800 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hơn 6 năm qua vẫn chưa hoàn thiện. Mặc dù các đơn vị thi công gắn biển cấm, cọc tiêu, hàng rào chắn một số vị trí cấm các phương tiện lưu thông qua lại để bảo đảm an toàn, nhưng xe cộ vẫn lưu thông khá nhiều gây ra những vụ tai nạn vô cùng thảm khốc và nghiêm trọng.

Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ ngành liên quan đề xuất về cơ chế, chính sách tài chính để có nguồn vốn đầu tư dứt điểm điểm nghẽn của dự án để giải tỏa được nỗi bức xúc, khó khăn, nỗi khổ của cử tri.

Đề nghị cho địa phương xin tạm ứng nguồn dự phòng của ngân sách trung ương khoảng từ 500-600 tỉ đồng để triển khai thi công, bảo đảm an toàn giao thông vận hành thông suốt vào năm 2024. Địa phương sẽ cam kết với Trung ương bảo đảm hoàn trả lại nguồn vốn tạm ứng này trong thời gian 5 năm, từ nguồn phấn đấu tăng thu ngân sách trên địa bàn hàng năm và có nghị quyết HĐND tỉnh.

"Việc này đã có tiền lệ và giai đoạn 2010, 2020 địa phương đã áp dụng và thực hiện tuyến cao tốc Liên Khương - Đà Lạt trong quá trình thi công theo hình thức BOT đã hoàn trả lại ngân sách Trung ương dứt điểm vào trước năm 2020 khoảng 700 tỉ”, cử tri Lâm Đồng bày tỏ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cho biết tuyến tránh TP. Bảo Lộc là hạng mục được bổ sung vào dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+000 -Km123+105,17 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Bộ Giao thông vận tải phê duyệt bổ sung vào hợp đồng dự án với tổng mức đầu tư khoảng 760 tỷ đồng.

Nhà đầu tư triển khai xây dựng từ tháng 02/2017, được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó, theo phương án tài chính, nhà đầu tư được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào khoảng 361,937 tỷ đồng. Trong quá trình rà soát việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài và đề xuất sử dụng nguồn vốn dư của dự án, trên cơ sở đề nghị hỗ trợ của Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Lâm Đồng có cam kết “trường hợp không đủ vốn đầu tư, UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm bố trí kinh phí phần vốn còn thiếu từ ngân sách tỉnh Lâm Đồng để thực hiện”.

Nêu rõ khó khăn khiến dự án phải đình hoãn kéo dài và "mỏi mòn" chờ vốn, Bộ Giao thông vận tải cho biết quá trình thực hiện tuyến tránh phía Nam TP. Bảo Lộc, do kinh phí giải phóng mặt bằng địa phương phê duyệt có điều chỉnh giá đền bù dẫn đến phát sinh tăng.

Đồng thời, "việc hoàn thuế cho nhà đầu tư và thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào gặp vướng mắc dẫn đến nhà đầu tư thiếu kinh phí để hoàn thành tuyến tránh TP. Bảo Lộc", Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Trên cơ sở kết quả làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng và để phù hợp với tình hình thực hiện dự án, Bộ Giao thông vận tải đã xác định điểm dừng kỹ thuật, dừng thi công tuyến tránh từ ngày 07/10/2020.

Để đảm bảo an toàn, dự án chỉ đưa vào khai thác, lưu thông chính tuyến trên Quốc lộ 20 đã được khôi phục, cải tạo theo hợp đồng. Còn tuyến tránh TP. Bảo Lộc không đưa vào khai thác, được lắp đặt các biển báo, rào chắn cấm các phương tiện lưu thông trong thời gian dừng để chờ xử lý nguồn vốn.

Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn tìm cách lưu thông vào tuyến đường cấm nên xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông như ý kiến của Đại biểu đã nêu.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan đơn vị, nhà đầu tư bổ sung thực hiện, lắp đặt thêm biện pháp bảo vệ và bảo đảm an toàn giao thông, đến nay, cơ bản được khắc phục và xử lý. Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo UBND TP. Bảo Lộc tăng cường quản lý hành lang an toàn đường, xử lý các vi phạm nếu có với các phương tiện cố tình lưu thông trên tuyến tránh.

Phó Thủ tướng: Nhà thầu yếu kém phải rời dự án sân bay Long Thành

Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đối với dự án thành phần 3 - Sân bay Long Thành giai đoạn 1, ACV đã và đang triển khai đồng bộ các hạng mục và bám sát tiến độ. Hạng mục chính như nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn và hệ thống giao thông kết nối đã lần lượt được khởi công trong tháng 7 và tháng 8 năm nay.

Hiện trên toàn bộ công trường, các nhà thầu đã huy động gần 3.000 người trong đó trực tiếp hơn 2.000 cán bộ, chuyên gia giám sát, chỉ huy trưởng, cán bộ thi công, nhân viên, công nhân và các trang thiết bị máy móc để tập trung thi công 4 gói thầu chính, bao gồm: Gói thầu san nền thoát nước, gói thầu Nhà ga hành khách, gói thầu khu bay, đường cách hạ cánh, đường lăn sân đỗ máy bay và gói thầu giao thông kết nối.

Ông Nguyễn Tiến Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - cho hay các hạng mục chính của dự án thành phần 2 như nhà ga hành khách; đường cất hạ cánh, đường lăn và hệ thống giao thông kết nối đã được khởi công thời gian qua. 

Các nhà thầu hiện đang khẩn trương huy động, tập kết máy móc, nhân lực đảm bảo tiến độ thi công.

Cụ thể, công trường đang huy động gần 3.000 người, bao gồm 2.000 cán bộ, chuyên gia giám sát, chỉ huy trưởng, cán bộ thi công, nhân viên, công nhân và các trang thiết bị máy móc để tập trung thi công 4 gói thầu chính.

Các gói thầu cụ thể gồm san nền thoát nước; nhà ga hành khách; khu bay, đường cất hạ cánh, đường lăn sân đỗ máy bay và gói thầu giao thông kết nối.

Mặt khác, các công tác phụ trợ như xây dựng nhà điều hành công trường, phòng thí nghiệm, khu tập kết nguyên vật liệu, lắp đặt cẩu tháp, chuẩn bị máy móc thiết bị… cũng được triển khai khẩn trương.

"Chúng tôi đang tập trung huy động máy móc để chuẩn bị thi công cao điểm khi mùa mưa kết thúc vào tháng 11/2023", ông Nguyễn Tiến Việt khẳng định.

Ngoài ra, ACV đã làm việc với nhiều tư vấn hàng đầu về sân bay như NACO, TUNER, Artelia, Hill International, Misa... để thuê các chuyên gia hỗ trợ công tác quản lý dự án.

tm-img-alt
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tại công trường dự án sân bay Long Thành.  (Ảnh: Internet)

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Cảng HKQT Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội, Chính phủ và người dân quan tâm. Do đó các nhà thầu cần tăng tốc, đảm bảo tiến độ thực hiện các hạng mục để đưa dự án về đích đúng hẹn. Ông nhấn mạnh: Đây là một công trình có tính lịch sử đối với ngành giao thông, là bước nhảy mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thực tế chưa có công trình nào ở Việt Nam sánh được với sân bay Long Thành về kỹ thuật, quy mô, tổng mức đầu tư. Nếu dự án về đích chúng ta sẽ chứng minh được năng lực của các nhà thầu Việt Nam để trong tương lai, các nhà thầu này tiếp cận được thêm nhiều dự án lớn. Do đó cần đôn đốc nhân lực tăng tốc ở tất cả các hạng mục, không được phép chậm trễ.

“ACV cần xây dựng được sơ đồ tổng thể về công tác thi công, quản lý sâu sát, nhắc nhở các đơn vị liên quan để kịp thời xử lý. ACV phải áp dụng năng lực quản lý, tiêu chuẩn quản lý trên toàn bộ dự án. Ai làm tốt phải được khen thưởng động viên, ai làm sai sẽ bị xử phạt, kỷ luật. Nhà thầu nào yếu kém sẽ cho rời khỏi công trình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, đến nay chủ đầu tư, các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản khắc phục các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bàn giao mặt bằng thi công, đường công vụ, bảo đảm điều kiện pháp lý cho các gói thầu, xây dựng tổng sơ đồ tiến độ, cơ chế phối hợp giữa chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu và tư vấn giám sát, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai các dự án, hạng mục quan trọng…

Đối với dự án thành phần 3 (xây dựng các công trình thiết yếu), Phó Thủ tướng yêu cầu ACV tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý dự án, bao gồm xây dựng sơ đồ tiến độ tổng thể về không gian và thời gian kèm theo công cụ; tăng cường trách nhiệm của tư vấn giám sát kỹ thuật, áp dụng các công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý hiện đại; kịp thời giải quyết các xung đột trong quá trình thi công dự án, hạng mục thành phần.

Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ dự án; lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, uy tín để thực hiện dự án thành phần 4 (khu bảo trì máy bay, khu suất ăn, khu bảo trì phương tiện mặt đất, trung tâm điều hành của các hãng hàng không); đẩy nhanh việc thực hiện dự án thành phần 1 (các công trình, trụ sở cơ quan Nhà nước); kiểm tra, nghiệm thu chất lượng tại công trường; bảo đảm yêu cầu phòng, chống cháy, nổ chặt chẽ, nghiêm minh theo tiêu chuẩn cao nhất cũng như đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường.

Dự kiến đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng xây cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo đó, điểm đầu của dự án trùng với điểm cuối của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối dự án giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được thực hiện theo phương thức PPP. Dự án do UBND tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, với chiều dài 66km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11km (đi qua huyện Tân Phú); đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 55km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc).

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: 

Giai đoạn đầu, đường rộng 17m với 4 làn ôtô, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí các điểm dừng, dự kiến khai thác năm 2026. Giai đoạn hoàn chỉnh nền đường rộng 22m, 4 làn ôtô và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Trên tuyến còn xây dựng các công trình phục vụ khai thác, trung tâm điều hành, hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí, trạm kiểm tra kỹ thuật dừng nghỉ.

Tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn đầu là 18.120 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng hơn 2.820 tỷ; xây dựng, thiết bị gần 11.000 tỷ, chi phí dự phòng 2.450 tỷ đồng, lãi vay trong thời gian thi công là 1.010 tỷ đồng.

Trước đó, hồi cuối tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức PPP. Theo Quyết định này, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66km; tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng (vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỉ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỉ đồng; và 9.095 tỉ đồng từ các nguồn huy động).

Sang giai đoạn phân kỳ sẽ thực hiện đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc khi hoàn thành sẽ từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút nhắn thời gian kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20.

Đồng thời, góp phần cải thiện năng lực vận chuyển hàng hóa, thông thương, đối ngoại, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cho Quốc lộ 20 đang quá tải, đặc biệt là các điểm đen tai nạn tại khu vực đèo Bảo Lộc.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt mục tiêu nhằm tạo động lực phát triển đột phá kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung; góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian, xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trở thành một vùng đô thị hiện đại.

Bình Dương thí điểm phạt nguội xe quá tải trọng

Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương sử dụng thiết bị cân tải trọng xe tự động tại Trạm cân kiểm soát tải trọng xe trên đường ĐT.741 để xử phạt khi xe, người lái xe và chủ xe không còn ở hiện trường nơi phát hiện vi phạm - tương tự như mô hình được Cục Đường bộ Việt Nam triển khai tại Km78 của Quốc lộ 5. 

Sau khi xe di chuyển qua khu vực trạm cân, hệ thống sẽ ghi nhận và trả lại đầy đủ dữ liệu cần thiết bao gồm video, hình ảnh xe đi qua trạm cân; tải trọng trục, tải trọng tổng; biển số trước, biển số sau. 

Dựa vào biển số, hệ thống tự động truy vấn trực tuyến với dữ liệu đăng kiểm để tính toán và kết luận có quá tải trọng cho phép không, lập phiếu cân và chuyển cơ quan chức năng xử lý đối với trường hợp vi phạm.

tm-img-alt
Bình Dương thí điểm phạt nguội xe quá tải trọng. (Ảnh: Internet)

Bên cạnh việc đáp ứng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật với độ chính xác f10 và độ tin cậy trên 99%, hệ thống cân tại đây cũng được lắp đặt các AI Camera. Nhờ đó, hệ thống có thể tự động phát hiện hành vi xe không che bạt/ có che bạt nhưng vẫn làm rơi vãi vật liệu ra đường, để cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng xử lý kịp thời. 

Theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương, chỉ trong vòng 1 tháng vận hành trạm cân tự động tại đường 741, từ ngày 06/08 - 07/09/2023 đã ghi nhận 286.458 lượt xe, tổng số xe quá tải trọng trên 10% là 14.560 lượt xe, chiếm tỷ lệ 5,08%.

Những con số này cho thấy tình trạng xe quá tải trọng trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn giao thông. Bởi vậy, để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm như trên, sở đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải đưa hệ thống cân tự động tại đường 741 vào xử phạt nguội. 

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 17/10/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.