Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 18/10/2023
Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/10/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/10/2023 trên moitruongvadothi.vn.
Lào Cai sẽ có thêm 2 cặp cửa khẩu quốc tế
Thủ tướng phê duyệt, thời kỳ 2021 - 2030, sẽ mở, nâng cấp 08 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu song phương, 17 lối thông quan/ đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.
Dự kiến đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/ đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.
Theo quy hoạch, tỉnh Lào Cai sẽ có 2 cặp cửa khẩu quốc tế được mở, nâng cấp gồm: Mường Khương (Lào Cai) – Kiêu Đầu (Vân Nam); Bản Vược (Lào Cai) – Pả Sa (Vân Nam).
Trong 17 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương được mở thuộc 7 tỉnh, Lào Cai được mở 6 lối thông quan/ đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa gồm: Bản Quẩn – Sơn Yêu thuộc cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai (Lào Cai) – Hà Khẩu (Vân Nam); Na Lốc - Mã Hoàng Pao thuộc cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam); Lồ Cồ Chin – Lao Kha thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Mường Khương (Lào Cai) – Kiều Đầu (Vân Nam); Lũng Pô – Lũng Pô Chải thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Bản Vược (Lào Cai) – Pả Sa (Vân Nam); Y Tý – Ma Ngán Tý thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Bản Vược (Lào Cai) – Pả Sa (Vân Nam).
Định hướng đầu tư, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động cửa khẩu được đề ra trong Quy hoạch đó là: Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối cửa khẩu với nội địa, kết nối với cửa khẩu bên kia biên giới và giao thông trong khu vực cửa khẩu và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2012/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
Lào Cai: Tìm chủ đầu tư cho dự án nhà ở xã hội hơn 2.000 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai đang mời các nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu dân cư giáp đường B6 kéo dài, phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai.
Quy mô dân số của dự án gần 5.590 người và tổng diện tích xây dựng là 42.317m2. Quy mô đầu tư xây dựng 4 khối nhà ở xã hội cao tối đa 25 tầng, dự kiến cung cấp khoảng 2.192 căn hộ. Trong đó, 3 khối nhà ở xã hội với quy mô 25 tầng, không có tầng hầm, diện tích xây dựng khoảng 6.146m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 121.484m2.
Dự kiến sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp khoảng 1.382 căn hộ; 1 khối nhà ở xã hội với quy mô tối đa 25 tầng, có 1 tầng hầm, diện tích xây dựng khoảng 3.004m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 77.263m2, dự kiến cung cấp khoảng 810 căn hộ.
Tổng vốn đầu tư khoảng 2.085 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tiến độ thực hiện dự án trong thời gian 5 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất.Nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án khi vị trí thực hiện dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Trước đó, ngày 25/8/2023, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án dự án Nhà ở xã hội tại Khu dân cư giáp đường B6 kéo dài, phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai với hình thức lựa chọn nhà đầu tư đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ có 5 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất khoảng 14,22 ha. Các dự án dự kiến xây dựng gồm: Nhà ở xã hội khu Lâm Viên, phường Nam Cường với tổng diện tích xây dựng 4,70ha; nhà ở xã hội đường Điện Biên, phường Cốc Lếu với tổng diện tích xây dựng 0,55ha.
Hiện trên địa bàn tỉnh có một dự án nhà ở xã hội đang đầu tư tại thị xã Sa Pa là dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu dự phòng Tây Bắc với tổng diện tích đất là 2,53 ha, tổng diện tích sàn khoảng 51.994 m2, với 917 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho 3.700 người.
Khánh thành hai dự án cao tốc, rút ngắn thời gian từ Hà Nội về Nghệ An còn 3,5 tiếng
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km. Trong đó, 8 dự án thành phần được đầu tư bằng hình thức đầu tư công với chiều dài 477 km và 3 dự án thành phần được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với chiều dài 177 km.
Đến nay, đã có 8 dự án thành phần được hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng chiều dài 519 km. Trong đó, Dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km và Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km đi qua địa phận các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã đưa vào khai thác tạm từ ngày 1/9/2023, phục vụ nhân dân nhân dịp Quốc khánh 2/9/2023. Đến nay, Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan đã cơ bản hoàn thành các hạng mục còn lại và chính thức tổ chức lễ khánh thành hai dự án này.
Cao tốc thành QL45 - Nghi Sơn dài 43,28 km. Trong đó có 2 nút giao liên thông gồm: Nút giao Vạn Thiện - Km351+320 kết nối với QL45 và đường Nghi Sơn - Thọ Xuân; nút giao Nghi Sơn - Km379+500 kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Nghi Sơn - Bãi Trành và đường vào nhà máy xi măng Công Thanh. Cao tốc QL45 - Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 5.534 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, mặt đường rộng 16m; giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m.
Cao tốc thành phần đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km. Trong đó có 3 nút giao liên thông gồm: Nút giao Quỳnh Vinh - Km389+970 kết nối với QL48D; nút giao Quỳnh Mỹ - Km405+689 kết nối với QL48B; nút giao Diễn Cát - Km429+715 kết nối với QL7 (cách điểm cuối tuyến khoảng 300 m). Dự án có điểm đầu (Km380+000 trùng với điểm cuối dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn), thuộc địa phận thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; điểm cuối (Km430+00 trùng với điểm đầu dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt), thuộc địa phận huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.293 tỷ đồng do chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) thi công. Giai đoạn hoàn chỉnh cao tốc thiết kế là đường cao tốc thiết kế 6 làn xe, vận tốc đạt 100 - 120 km/giờ; giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Việc hoàn thành 2 dự án QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu tiếp tục nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc Nam phía Đông lên khoảng 1.050 km, góp phần nối thông tuyến đường bộ cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An dài 251 km, rút ngắn thời gian di chuyển còn khoảng 3,5 giờ so với 5 giờ như trước đây, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông trên QL1A.
Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị nỗ lực triển khai trong năm 2023 khánh thành dự án cầu Mỹ Thuận 2 dài 7 km và đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km. Tiếp đến, năm 2024 sẽ hoàn thành 2 dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 128 km và đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I 2021 - 2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Thanh Hóa: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị Hải Tiến
Cụ thể, điều chỉnh một phần diện tích (khoảng 0,3ha) đất dịch vụ du lịch (ký hiệu DVDL1) thành đất Dân cư hiện trạng - Du lịch cộng đồng (DLCD). Điều chỉnh hướng tuyến đường cảnh quan ven biển (đoạn từ vị trí phía Nam dự án khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường (DVDL1) đến đường Hoằng Trường 3); đồng thời mở rộng mặt cắt ngang từ 23,0 m lên 34,0 m đoạn tuyến đường từ phía Nam lô đất dịch vụ du lịch DVDL1 đến đường Hoằng Trường.
Điều chỉnh đất dịch vụ hỗn hợp (ký hiệu HH1, diện tích khoảng 3,4 ha) sang đất dân cư hiện trạng cải tạo (gộp vào lô đất ký hiệu DLCD9). Chuyển một phần diện tích (khoảng 1,6 ha) đất Dân cư hiện trạng - Du lịch cộng đồng (thuộc 02 lô đất ký hiệu DLCD8, DLCD9) sang đất dịch vụ du lịch. Điều chỉnh mở rộng diện tích đất cây xanh (CX01).
Điều chỉnh cải dịch hướng tuyến đường Hoằng Trường 1 về phía Đông Bắc khoảng 75 - 80 m (đoạn từ đường Trường Phụ đến đường cảnh quan ven biển). Điều chỉnh một phần diện tích (khoảng 0,5 ha) đất dịch vụ du lịch (từ lô đất có ký hiệu DVDL29, diện tích 1,2 ha) dọc tuyến đường Bắc - Nam 3 thành đất dân cư hiện trạng.
Phần đất của lô DVDL29 còn lại (0,7 ha) điều chỉnh thành đất Thương mại dịch vụ (TMDV) và điều chỉnh tầng cao từ 1-15 tầng thành 2-7 tầng; mật độ 20-25% thành 58-80%.
Cập nhật giữ nguyên tuyến đê biển hiện có tại khu vực xã Hoằng Thanh, xã Hoằng Phụ. Điều chỉnh lại hướng tuyến của tuyến đường Hoằng Phụ 1 cho phù hợp với tuyến đường tỉnh 510B hiện trạng. Điều chỉnh tăng diện tích đất thể dục thể thao (ký hiệu TDTT4) từ 3,9ha lên 4,6ha, đất cây xanh (CX10) từ 2,4ha lên 5,1ha do chuyển đất ở mới (DCM38, DCM39, DCM40, DCM41) sang. Vi chỉnh vị trí đất TDTT3.
Điều chỉnh, sắp xếp lại vị trí đất GD10, đất công cộng CC8. Điều chỉnh chuyển đất DVTM15 thành đất dân cư mới gộp vào DCM40, chuyển đất bãi xe (P5) thành đất HTCT. Điều chỉnh giảm diện tích các lô đất dịch vụ du lịch (DVDL21) và DVDL27) từ 25,5ha xuống còn 13,3ha do chuyển sang đất hành lang an toàn đê biển và bãi đậu xe (P5). Điều chỉnh chức năng đất dân cư mới (DCM50) thành đất dân cư hiện trạng (HTCT 72).
Điều chỉnh, sắp xếp lại vị trí các lô đất: Chuyển một phần diện tích đất dịch vụ thương mại (TMDV14, diện tích 1,2ha) sang đất HH12 và đất ở mới gộp vào đất DCM36. Điều chỉnh, sắp xếp vị trí đất cây xanh (ký hiệu CX16 có diện tích 1,4 ha) giáp đường Bắc Nam 5 và TMDV13 sang vị trí giáp kênh Phúc Ngư và đất dân cư phát triển mới (ký hiệu DCM35 có diện tích 2,9ha), giảm diện tích đất dịch vụ thương mại (TMDV13) cho đất hạ tầng kỹ thuật (XLNT4).
Quảng Ngãi: Điều chỉnh dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có Tờ trình gửi HĐND tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2.
Theo đó, quy mô đầu tư được đề xuất điều chỉnh là đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; chiều dài tuyến khoảng 12,2 km; bề rộng nền đường 12 m, mặt đường 11 m bằng bê tông nhựa và bê tông xi măng.
Dự án này được HĐND tỉnh Quảng Ngãi quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2019, sau đó điều chỉnh cắt giảm quy mô đầu tư từ chiều dài tuyến 25 km xuống còn 18 km để bổ sung cho dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb.
Trong quá trình triển khai thực hiện, dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb đã tiết kiệm tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục trình HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2 để cắt giảm quy mô đầu tư từ 18 km xuống còn 12,2 km để tránh trùng lắp khi bổ sung đoạn tuyến cắt giảm vào dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIb.
Theo đó, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn IIa, thành phần 2 để bổ sung vào giai đoạn IIb nhằm từng bước hoàn thiện tuyến đường ven biển theo quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo giao thông thuận lợi, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và tận dụng hết nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho dự án, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân vùng dự án.
Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đã được phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tại Quyết định số ngày 16/6/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, thuộc tuyến đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết tại Quyết định ngày 18/1/2010.
Tuyến đi qua Khu Kinh tế Dung Quất (huyện Bình Sơn) và các huyện, thành phố, thị xã gồm Bình Sơn, TP Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Mộ Đức và TX Đức Phổ, kết nối với đường ven biển tỉnh Quảng Nam và Bình Định, đồng thời là trục dọc số 01 (hành lang kinh tế kỹ thuật của tỉnh).
Ninh Thuận: Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng
Chiều 17/10/2023, có mặt tại tuyến Quốc lộ 27, đoạn đèo Ngoạn Mục (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn) hướng đi TP. Đà Lạt, PV Môi trường và Đô thị điện tử ghi nhận có nhiều vị trí sạt lở đất, đá, cây cối nằm vương vãi sát mép đường quốc lộ, gây cản trở cho việc lưu thông.
Theo quan sát, hiện các ngành chức năng chưa bố trí các bảng cảnh báo nguy hiểm, vì vậy, người dân khi đi qua khu vực trên cần cảnh giác, đề phòng tai nạn.
Đáng chú ý, một số thân cây to, mục gãy, bật gốc và một số đá tảng nằm trên cao có thể lăn xuống đường bất cứ lúc nào, nhưng cũng chưa được ngành chức năng di chuyển, hay có biện pháp đảm bảo an toàn.
Anh Pi Năng Sơn (thường trú xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn), lo lắng: “Nhà tôi có rẫy tại đèo Ngoạn Mục nên thường xuyên đi qua Quốc lộ 27. Từ hôm Chủ nhật tuần trước đến nay xảy ra tình trạng sạt lở, người dân chúng tôi khi đi lại rất lo sợ, bởi đất tràn ra đường và những hòn đá từ trên cao có thể rơi xuống trúng đầu bất cứ lúc nào”.
Đến 17 giờ cùng ngày, PV ghi nhận, nhiều xe ô tô, xe tải, xe gắn máy từ Ninh Thuận đi TP. Đà Lạt và ngược lại gặp nhiều khó khăn khi đi qua các điểm sạt lở. Nhiều phương tiện chạy ra giữa đường hoặc phanh gấp để né tránh đất, rất dễ xảy ra tai nạn.
Ông Kiều Tấn Thịnh – Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết, hiện Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình và Cục đường bộ Việt Nam đang kiểm tra các điểm sạt lở đoạn TP. Đà Lạt về Ninh Thuận. Đơn vị này thống kê có khoảng 11 điểm sạt lở và đang tiến hành cải tạo, sửa chữa lại trong thời gian sớm nhất để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông qua đây.
Lắp cửa chống ngập ba ga ngầm Metro Bến Thành - Suối Tiên
Mới đây, Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết nhà thầu vừa lắp đặt các cửa ngăn nước tại ba ga ngầm thuộc tuyến Metro số 1, gồm: Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son. Đây là hạng mục đã có trong thiết kế trước khi dự án được triển khai.
Các cửa này được thiết kế dựa trên số liệu về mực nước cao nhất có thể xảy ra nhằm chống ngập cho các nhà ga, trong điều kiện TP HCM chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, cửa cao hơn 30 cm so với mức lũ 100 năm, và có thể điều chỉnh để ngăn nước cả những trận lũ 300 năm mới xuất hiện một lần. Theo tiêu chuẩn này, cửa vào các ga ngầm có hai bậc, cùng các tấm chắn ngăn nước với chiều cao tương ứng thay đổi từ 30 cm đến 90 cm. Ngoài ra, còn có một mái che bố trí dọc chiều dài của cửa để tránh mưa.
Trường hợp nước vượt qua tấm ngăn, MAUR cho biết việc chống ngập nhà ga được tính toán bằng nhiều biện pháp như: dùng bao cát hoặc máy bơm công suất lớn hút nước từ các bể thu trong các tầng ngầm rồi đưa ra ngoài. Việc sơ tán khẩn cấp hành khách tại các tầng thấp nếu xảy ra nước tràn vào cũng đã được lên phương án cụ thể.
Trước đó, các thân trụ và vế thang của các cầu bộ hành tại 5 nhà ga trên cao của tuyến metro số 1 đã hoàn thành và đúc xong 3 trên tổng số 86 dầm cầu bộ hành. Dự kiến, những dầm cầu đầu tiên sẽ bắt đầu tiến hành lắp đặt vào đầu tháng 11/2023.
Đến nay, dự án metro số 1 đã đạt 96,25% tổng khối lượng dự án. Dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2023 và đưa vào khai thác thương mại trong năm 2024.
Tuyến metro số 1 có tổng số 17 đoàn tàu, mỗi đoàn 3 toa dài 61,5m, có thể chở 930 khách, trong đó 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Tốc độ tối đa theo thiết kế là 110km/h (đoạn trên cao) và 80km/h (đoạn ngầm).
Được khởi công năm 2012, metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng.
Toàn tuyến dài khoảng 20km, từ ga Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (TP.Thủ Đức), gồm 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao).
T.Anh (T/h)