Thứ bảy, 27/04/2024 19:16 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 4/7/2023

MTĐT -  Thứ ba, 04/07/2023 16:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/7/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/7/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Đề xuất chỉ nên quy định 2 loại nhà ở xã hội

Góp ý bổ sung một số quy định về chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Xây dựng mới đây, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân khiến nhiều người giàu, đi ôtô vẫn “đủ điều kiện khó khăn” để mua NƠXH. Qua đó, HoREA cho rằng NƠXH chỉ nên cho thuê hoặc trả góp dài hạn chứ không nên để bán sẽ tạo nghịch lý người giàu tranh mua NƠXH.

Đề xuất chỉ nên quy định 2 loại nhà ở xã hội
Theo HoREA, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua NƠXH hoặc có người giàu là chủ sở hữu căn hộ chung cư NƠXH là do các tiêu chí về điều kiện của các đối tượng hưởng chính sách về NƠXH còn nhiều lỗ hổng (ảnh: T/L).

Tại Văn bản số 99/2023/CV-HoREA, Hiệp hội nhận thấy, Luật Nhà ở 2005 chỉ quy định 02 loại NƠXH gồm NƠXH cho thuê và NƠXH thuê mua. Nhưng, kể từ năm 2010 đến nay thì Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, Luật Nhà ở 2014 và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định 03 loại NƠXH (gồm NƠXH cho thuê, NƠXH cho thuê mua và NƠXH để bán) và mới đây có ý kiến đề nghị Luật Nhà ở chỉ quy định 01 loại NƠXH cho thuê mà thôi.

Do đó, Hiệp hội đề xuất chỉ nên quy định 2 loại NƠXH gồm NƠXH cho thuê và NƠXH bán trả góp dài hạn, không quy định loại NƠXH để bán và NƠXH cho thuê mua.

Theo HoREA, NƠXH để bán kiểu mua đứt, bán đoạn, bán NƠXH để thu tiền ngay là không phù hợp với chính sách NƠXH tạo điều kiện cho người thu nhập thấp đô thị, đã có một phần nguồn lực tài chính thì được hỗ trợ tín dụng ưu đãi để tạo lập nhà ở, thông qua chính sách NƠXH bán trả góp dài hạn.

Cách gọi NƠXH để bán dễ dẫn đến sự nhìn nhận sai lệch là NƠXH được mua đứt, bán đoạn trả tiền ngay, mà việc mua đứt, bán đoạn nhà ở nên để cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư kinh doanh dự án nhà ở thương mại, điển hình là khoản 5 Điều 63 Luật Nhà ở 2014 đã quy định.

Việc ứng tiền trước của người mua NƠXH quy định tại Điều này được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở, phù hợp với tỷ lệ hoàn thành xây dựng công trình nhà ở và tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt.

Nhưng, tổng số tiền ứng trước của người mua không được vượt quá 70% giá trị của nhà ở mua bán đến trước khi bàn giao nhà ở cho người mua và không được vượt quá 95% giá trị của nhà ở mua bán đến trước khi người mua nhà được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.

Phương thức thanh toán này không khác gì quy định về thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai đối với nhà ở thương mại tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Bên cạnh đó, HoREA đánh giá thực tiễn 17 năm qua cũng cho thấy việc thực hiện chính sách NƠXH thuê mua chỉ áp dụng cho các dự án NƠXH đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, mà số lượng dự án này rất ít.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hà Nội: Quy hoạch 5 trục không gian đến năm 2045

Theo quy hoạch cũ có ba trục không gian phát triển gồm sông Hồng, Hồ Tây – Ba Vì và Hồ Tây – Cổ Loa. Tờ trình lần này bổ sung thêm hai trục Nhật Tân – Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp lên Sân bay Nội Bài) và phía Nam nối trung tâm Hà Nội.

Trục Nhật Tân – Nội Bài đã hình thành nhưng không gian hai bên đường chưa phát triển nhiều, thời gian tới sẽ có các đô thị thông minh, công trình lớn như Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, không gian xanh.

Trục không gian phía Nam thành phố hình thành trong tương lai gắn với trục văn hóa Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính; kết nối di sản Thăng Long – Hoa Lư gắn với di tích Hương Sơn – Tam Chúc.

tm-img-alt
Theo quy hoạch cũ có ba trục không gian phát triển gồm sông Hồng, Hồ Tây – Ba Vì và Hồ Tây – Cổ Loa. (Ảnh: Internet)

Quy hoạch 1259 xác định Hà Nội được hình thành bởi chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, ba thị trấn sinh thái và các thị trấn. Quy hoạch lần này cơ bản giữ nguyên mô hình nhưng điều chỉnh để hình thành hai thành phố trực thuộc Thủ đô ở phía Bắc và phía Tây.

Thành phố phía Bắc sông Hồng rộng 633 km2, gồm ba huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh, dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu. Trong quy hoạch 1259, Sóc Sơn là một trong 5 đô thị vệ tinh nhưng nay thành phố phía Bắc bao trùm đô thị vệ tinh này. Thành phố khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, các khu công nghiệp tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại gắn với dịch vụ cấp vùng.

Thành phố phía Tây rộng 251 km2, bao trùm hai đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai, phát triển mở rộng ra đến sông Tích và sông Bùi, dự kiến dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu. Thành phố phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại, sinh thái.

Hai đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và các thị trấn sinh thái, thị trấn vẫn thực hiện theo cấu trúc trước đây.

Qua việc điều chỉnh và bổ sung trong quy hoạch, Hà Nội hướng đến việc xây dựng một hệ thống đô thị đa chức năng, kết nối các trục không gian phát triển và tạo ra môi trường sống và làm việc tốt hơn cho cư dân. Quy hoạch này đặt mục tiêu phát triển đô thị thông minh, các công trình lớn như Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và không gian xanh, tạo nên một Hà Nội hiện đại và bền vững trong tương lai.

Đề xuất hạ lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội không quá 3%/năm

Hiện nay, Bộ Xây dựng với vai trò là cơ quan chủ trì được Chính phủ giao nhiệm vụ đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đề xuất chính sách về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội nhằm đảm bảo đồng bộ quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội quy định trong Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Đất đai. Đồng thời đề xuất thí điểm quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua.

Theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói chung và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp. Nhưng đề xuất này căn cứ vào việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có nguồn lực tài chính, đã thực hiện đầu tư trực tiếp vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương, có mong muốn tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho công nhân. 

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Thực hiện chủ trương chăm lo, cải thiện đời sống, việc làm cho công nhân lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lập Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, trong đó có nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho đoàn viên, người lao động.

Đến nay, đã có 36 địa phương có văn bản giới thiệu địa điểm để đầu tư xây dựng công trình với quy mô 1,5- 7,3ha. Tổng Liên đoàn Lao độngViệt Nam đã lập, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch chi tiết điểm xây dựng thiết chế công đoàn; phê duyệt chủ trương đầu tư  và chuẩn bị dự án tại 18 địa phương; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 4 dự án (tại Hà Nam, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng); chuẩn bị phê duyệt dự án đầu tư 2 dự án (tại Bình Đình, Vĩnh Phúc).

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã hoàn thành đầu tư thí điểm 1 dự án thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2 (huyện Duy Tiên, Hà Nam) với các hạng mục: Nhà đa năng, các công trình thể thao ngoài trời, vườn hoa, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và 5 block nhà chung cư 5 tầng (244 căn hộ) thuộc giai đoạn 1 dự án. Đến nay, đã tổ chức cho thuê 244 căn hộ, đạt tỉ lệ 100%. Giá thuê nhà ở thấp hơn so với giá nhà trọ xung quanh; chất lượng ở tốt hơn rất nhiều.

Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với UBND các tỉnh kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn. Dự kiến, giai đoạn 2023-2025, kêu gọi tại 35 địa phương.

Tổng Liên đoàn Lao độngViệt Nam kiến nghị Chính phủ, bên cạnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã ban hành, xem xét ban hành gói tín dụng dành riêng cho công nhân, người lao động mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mức lãi suất ưu đãi không quá 3%/năm, thời gian vay không thấp hơn 25 năm để bảo đảm với mức thu nhập...

Thúc đẩy mục tiêu xây dựng tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, về nguồn vốn, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với quan điểm cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay lãi suất thấp hơn 1,5% - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của ngân hàng thương mại. Hiện lãi suất dành cho chủ đầu tư là 8,7%/năm và 8,2% dành cho người mua nhà. Tuy nhiên mức lãi suất này chưa hấp dẫn. Đầu tháng 6/2023, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước nêu ý kiến, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có nguy cơ “ế” vì lãi suất cao.

Mở gói thầu xây dựng Nhà máy xử lý nước thải hơn 315 tỷ đồng tại Hải Dương

Nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất là Liên danh Công ty CP Bơm châu Âu - Công ty CP Kỹ thuật - Xây dựng Ngũ Thương với giá dự thầu 213,393 tỷ đồng. Tiếp đến là Liên danh Công ty TNHH Swater Kankyo - Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng (245,099 tỷ đồng); Công ty CP Xây dựng số 5 (305,997 tỷ đồng); Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18.3 - Công ty TNHH Ecoba công nghệ môi trường (310,417 tỷ đồng).

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Nhà máy được xây dựng trên tổng diện tích đất là 4,98 ha, thời gian thực hiện là 24 tháng./.

Đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp sân bay Đồng Hới

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ đầu tư nhà ga mới tại sân bay Đồng Hới (xây mới nhà ga hành khách T2) giai đoạn 2021-2025. Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay, cảng hàng không Đồng Hới có diện tích sàn khoảng 16.800 m2, công suất 3 triệu hành khách/năm cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ; xây dựng 4 vị trí đỗ cho máy bay Code C (A321/320 hoặc tương đương) trong giai đoạn 1 và thêm 4 vị trí nữa trong giai đoạn 2.

Tổng mức đầu tư án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay, cảng hàng không Đồng Hới chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng vào khoảng 1.968 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng nhà ga khoảng 1.750 tỷ đồng và sân đỗ máy bay khoảng 218 tỷ đồng.

tm-img-alt
Tổng mức đầu tư án xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay, Cảng hàng không Đồng Hới chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng vào khoảng 1.968 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)

Bộ GTVT đang đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ Quốc phòng, các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng phạm vi 10,6 ha sang đất hàng không dân dụng. Quảng Bình cũng nghiên cứu, xem xét hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án và triển khai các thủ tục liên quan để tạo điều kiện cho ACV có thể sớm thực hiện xây dựng, nâng cấp sân bay Đồng Hới.

Sân bay Đồng Hới hiện có nhà ga hành khách công suất thiết kế 500.000 khách/năm. Tuy nhiên, hiện tại sân bay Đồng Hới khai thác vượt công suất thiết kế hơn 50%, dự kiến đến năm 2025 sản lượng ước đạt gần 1 triệu khách/năm.

Theo quy hoạch, đến năm 2030 sân bay Đồng Hới có công suất 3 triệu khách/năm, định hướng đến năm 2050 công suất 5 triệu khách/năm. Như vậy, việc đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và chất lượng dịch vụ hàng không tại sân bay Đồng Hới.

Bình Định: Mời gọi đầu tư vào khu vui chơi giải trí Night Paradise Nhơn Hội

Tổng diện tích sử dụng đất khoảng 7,69 ha, địa điểm thực hiện tại xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo quy hoạch, Dự án gồm khu trò chơi trong nhà; công viên nước, công viên tượng cát; khu biệt thự, khách sạn nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch; các công trình phụ trợ…

Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí, du lịch, dịch vụ kết hợp thương mại. Mục tiêu đầu tư nhằm phát triển khu du lịch với các loại hình vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch, biệt thự và khách sạn du lịch theo quy hoạch.

Hạn nộp hồ sơ đăng ký Dự án là ngày 27/7/2023.

Phương án thực hiện dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành

Theo đó, đối với đề nghị của UBND tỉnh Bình Dương, ý kiến của các bộ liên quan và UBND TPHCM về phương án, phương thức thực hiện dự án đường cao tốc TPHCM - Chơn Thành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị UBND tỉnh Bình Dương tiếp thu ý kiến các bộ, phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước xác định sự cần thiết và làm rõ cơ sở pháp lý, phương án giao UBND tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư khi tách dự án đoạn qua tỉnh Bình Phước thành dự án độc lập và sử dụng vốn đầu tư công.

tm-img-alt
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành sẽ kết nối vành đai 2 tại nút giao Gò Dưa (Ảnh minh họa/Internet).

Rà soát chi phí đầu tư đảm bảo tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư, xác định nguồn vốn còn thiếu của các dự án thành phần; phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để thống nhất về sự phù hợp với quy hoạch toàn tuyến cao tốc theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 và cơ chế điều phối triển khai thực hiện dự án.

Quy mô dự án đường cao tốc TPHCM - Chơn Thành, từ đường Vành đai 3 TPHCM đến tỉnh Bình Phước dài khoảng 60,4km; trong đó, đoạn từ đường Vành đai 3 TPHCM đến ranh giới tỉnh Bình Dương - Bình Phước dài khoảng 53,3km (đoạn qua tỉnh Bình Phước dài 7,1km).

Dự án được giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch với lộ giới 60 m và đầu tư đường cao tốc hoàn thiện có 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp và bao gồm các nút giao.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 4/7/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề