Thứ hai, 29/04/2024 14:49 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 9/11/2023

MTĐT -  Thứ năm, 09/11/2023 16:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/11/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/11/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội: Phê duyệt quy hoạch khu công viên 950.000m2 ở Hà Đông

UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, tỉ lệ 1/500.

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết thuộc địa giới hành chính của các phường Hà cầu, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Theo đó, phía Bắc giáp Trung tâm Hành chính quận Hà Đông và khu vực dân cư phường Hà cầu. Phía Nam giáp tuyến đường Phúc La - Văn Phú. Phía Đông giáp khu vực dân cư của phường Kiến Hưng và khu đất dịch vụ của phường Kiến Hưng. Phía Tây giáp tuyến đường quy hoạch mặt cắt ngang 24m.

Tổng diện tích khu đất nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khoảng 950.128m2; trong đó, diện tích đất đường giao thông theo quy hoạch nằm ngoài Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông khoảng 23.088m2; diện tích đất công trình văn hóa hiện trạng khoảng 734m2; diện tích đất quy hoạch xây dựng Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông khoảng 924.619m2.

Nghiên cứu lập Quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, tỉ lệ 1/500 có các khu chức năng nhằm tạo lập thêm không gian sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, công viên cây xanh vui chơi giải trí của quận Hà Đông và Thành phố, có các dịch vụ đa dạng nhằm nâng cao điều kiện môi trường sống của nhân dân, đồng thời tạo tiền đề cho việc nâng cao thể chất, tinh thần, sức khỏe cho dân cư khu vực;

Tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, điểm nhấn không gian đô thị, hài hòa với các tuyến đường lớn trong khu vực (đường Vành đai 3,5, đường Phúc La - Văn Phú, trục Trung tâm hành chính quận Hà Đông), các dự án đầu tư lân cận (Trung tâm hành chính quận Hà Đông, các Khu đô thị mới Văn Phú, Phú Lương, Kiến Hưng) và các khu vực dân cư hiện hữu.Nội dung quy hoạch chi tiết:

Ý tưởng thiết kế lấy mặt nước là trung tâm, các hướng tiếp cận chính dẫn vào các trục không gian chính của công viên và công trình điểm nhấn nằm tại vị trí giao điểm của các trục chính. Trên các trục chính đều được thiết kế các quảng trường với quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Quảng trường vừa là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, lễ hội, vui chơi giải trí vừa là nơi để nhân dân dạo bộ, giao lưu cộng đồng. Các quảng trường được thiết kế gồm sân vườn đường dạo, trồng nhiều cây xanh kết hợp với vật liệu ốp lát theo các chủ đề và xử lý không gian bằng các cao độ khác nhau vừa tăng sức hấp dẫn cho người đi bộ vừa tạo các không gian mở trong chuỗi kết nối liên hoàn giữa các chức năng chính của công viên.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Các khu cây xanh, vườn hoa tổ chức các không gian mở và không gian chủ đạo để tạo lập các khu vực vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn, đồng thời kết hợp với kiến trúc tiểu cảnh và các tiện ích để người dân có thể luyện tập thể thao, đi dạo... bảo đảm các điều kiện về chống ồn, điều hoà không khí, cải thiện tốt môi trường vi khí hậu để bảo đảm nâng cao sức khoẻ cho người dân.

UBND TP. Hà Nội giao UBND quận Hà Đông chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức công bố công khai nội dung đồ án quy hoạch chi tiết được duyệt để các tổ chức, cơ quan có liên quan và nhân dân được biết.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND quận Hà Đông, UBND các phường: Hà cầu, Kiến Hưng và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác định chính xác ranh giới, mốc giới, quy mô diện tích đất trên thực địa, bảo đảm phù hợp quy hoạch, không chồng lấn giữa các dự án trong khu vực.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông, Chủ tịch UBND các phường Hà Cầu và Kiến Hưng chịu trách nhiệm kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Hải Dương đầu tư hơn 1.860 tỷ đồng xây nút giao trên quốc lộ 5

HĐND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Nghị quyết số 57/NQ-HĐND về việc quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nút giao liên thông kết nối quốc lộ 17B với quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án 1.867 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2025. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương.

Vị trí xây dựng tại lý trình khoảng Km 70+069/QL5 thuộc địa phận xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành và xã Thượng Quận, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Trong đó, điểm đầu nối dự án xây dựng đường trục Đông - Tây huyện Kim Thành đang thi công xây dựng; điểm cuối nối với dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Kinh Môn và đường dẫn nối nút giao lập thể với quốc lộ 5; chiều dài khoảng 1,08km.

Nhánh nối quốc lộ 5 có điểm đầu khoảng Km 69+316/quốc lộ 5; điểm cuối khoảng Km 70+740/quốc lộ 5; chiều dài khoảng 1,42km.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Về phần cầu thì cầu vượt trên quốc lộ 5, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; đảm bảo tĩnh không vượt quốc lộ 5 và vượt đường sắt Hà Nội - Hải Phòng theo quy định. 

Quy mô mặt cắt ngang cầu trong nút giao gồm cầu chính hình vòng xuyến với chiều rộng cầu khoảng 19,0m; bề rộng 4 nhánh cầu dẫn kết nối với quốc lộ 5 khoảng 7,0m; bề rộng 4 nhánh cầu dẫn kết nối phía Kinh Môn (nối dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Kinh Môn và đường dẫn nối nút giao lập thể với quốc lộ 5) và phía Kim Thành (nối với Dự án xây dựng đường trục Đông Tây trên địa bàn huyện Kim Thành) khoảng 11,0m.

Về phần đường dẫn thì đảm bảo quy mô làn xe trên quốc lộ 5 như hiện tại; đường dẫn kết nối phía Kinh Môn và Kim Thành theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng (chiều rộng nền đường 24-27m).

Được biết, việc đầu tư xây dựng nút giao này để giải quyết tình trạng ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông, từng bước hoàn thành tuyến giao thông kết nối đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với quốc lộ 18, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của huyện Kim Thành, thị xã Kinh Môn và hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Đề xuất kéo dài cao tốc Bắc - Nam tới đất Mũi Cà Mau

Bộ GTVT đang lấy ý kiến các địa phương và đơn vị liên quan dự thảo điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, theo dự thảo điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được bổ sung thêm đoạn Cà Mau - Đất Mũi dài 90km, 4 làn xe, đầu tư trước năm 2030. Với số km tăng thêm này, cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ dài 2.153km, quy mô 4-10 làn xe (hiện quy hoạch 2.063km). Như vậy tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ xuyên suốt từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau). Trước đó, tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam đã được quy hoạch từ cửa khẩu Hữu Nghị đến TP Cà Mau kéo dài từ Bắc đến Nam.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, dự thảo đề xuất bổ sung vào quy hoạch tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum dài 136km, 4 làn xe. Đây là tuyến cao tốc thứ 11 của khu vực, có điểm đầu tại huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) điểm cuối tại TP. Kon Tum. Tuyến cao tốc này được đề xuất đầu tư trước năm 2030.

Việc bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kom Tum để hình thành thêm trục Đông - Tây kết nối Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ khi quốc lộ 24 được dự báo không đáp ứng được lưu lượng đến năm 2030 khoảng 14.800 - 18.100 PCU/ngày đêm.

Ngoài ra, dự thảo điều chỉnh quy hoạch đề xuất đầu tư sớm, tăng số làn xe, điều chỉnh chiều dài 5 tuyến cao tốc phía Bắc, 3 tuyến cao tốc qua miền Trung - Tây Nguyên và 5 tuyến cao tốc phía Nam.

Nghệ An: Sập tấm bê tông cống đường gom cao tốc, hai công nhân tử vong

Tối 8/11, thông tin từ UBND thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trên địa bàn vừa xảy sự việc sập tấm đan cống khiến 2 công nhân tử vong.

Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 9h30 cùng ngày, tại công trường làm cống gom dân sinh của dự án Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, đoạn qua địa bàn thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Công trình do Công ty TNHH Đại Hiệp (TP. Vinh) thi công.

Theo đó, thời điểm này 2 công nhân đang tiến hành tháo gỡ giàn giáo tấm đan cống hộp đường gom dân sinh nói trên, không may bị tấm bê tông cống đè trúng người. Vụ việc đã khiến 2 công nhân này tử vong sau đó.

tm-img-alt
Hiện trường vụ tai nạn lao động sáng 8/11. (Ảnh: Internet)

Sau khi sự việc xảy ra, phía công ty đã trình báo chính quyền địa phương, cơ quan công an và cơ quan chức năng đến hiện trường để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân sự việc.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, 2 công nhân được bàn giao lại cho gia đình đưa về quê mai táng.

Danh tính hai nạn nhân tử vong được xác định là ông Đ.V.C. (SN 1958, trú xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) và ông P.T.S. (SN 1961, trú xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Hiện, các cơ quan chức năng đang làm rõ sự việc.

Chuyển đổi số trong Quản lý Phát triển đô thị thông minh

Cho đến thời điểm hiện nay, hầu hết các địa phương đã tích cực xây dựng và ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW (60/63 địa phương, còn 3 địa phương đã dự thảo và trình tỉnh/thành uỷ). Qua đánh giá chung cho thấy, nội dung Chương trình/Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW của các địa phương đã thể hiện được nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng đến sự cần thiết phải đô thị hoá và phát triển đô thị nhanh và bền vững, coi đó là những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm; đã thể hiện cơ bản đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy và chính quyền địa phương đối với việc xây dựng và thực hiện chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển kinh tế khu vực đô thị; các giải pháp phát triển của địa phương thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt sâu rộng các nội dung và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW.

tm-img-alt
Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại Diễn đàn

Ngày 8/11/2023, Diễn đàn đô thị Việt Nam nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày đô thị Việt Nam, tại Hội thảo chuyên đề 2 về: Chuyển đổi số trong phát triển đô thị, Ông Lưu Đức Minh - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Giám đốc Dự án Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn quốc về đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng (VKC) đã có bài tham luận hữu ích về: “Chuyển đổi số quản lý quy hoạch và phát triển đô thị ngành xây dựng tại địa phương”.

Bài tham luận khẳng định: Về định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018: Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 950). Đề án đã nêu một số quan điểm và nguyên tắc về chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị là một nội dung quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác ... nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Lấy người dân làm trung tâm..., góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các Mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam....

Đảm bảo tính thống nhất, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ICT hiện có dựa trên Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM, các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo khả năng tương tác, hoạt động đồng bộ của ĐTTM cũng như giữa các đô thị thông minh; sử dụng các chỉ số chính đánh giá về hiệu quả hoạt động (KPI) cho đô thị thông minh.

tm-img-alt
Ông Lưu Đức Minh - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC), Giám đốc Dự án VKC khẳng định: Cần có những giải pháp, cách thức để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong phát triển đô thị

Cùng với sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, nhiều nước trên thế giới đã thành công khi xây dựng mô hình đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ở Việt Nam, phát triển đô thị thông minh chính là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Về định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018: Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 950) nhằm đóng góp vào việc triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia thông qua phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh. 

Chuyển đổi số liên tục có những đổi mới, chúng ta cần hướng tới tìm phương thức, cách thức để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong phát triển đô thị. Trách nhiệm của chúng ta thoả mãn cách thức sinh hoạt của ng dân, đưa công nghệ số vào vận hành ngày một tốt hơn. Đặc biệt là thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số vào phát triển đô thị của nước ta hiện nay. Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch đô thị.

Quy hoạch đô thị (QHC/ phân khu/ chi tiết) được lập, thẩm định trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị được số hóa; được hỗ trợ bởi các công cụ phân tích dữ liệu đa chỉ tiêu, công cụ dự báo, các phần mềm hỗ trợ ra quyết định quy hoạch. Các nội dung quy hoạch/ kế hoạch khác nhau được kết nối liên thông đồng bộ trong khi lập cũng như khi thực hiện quy hoạch. Các điều chỉnh QH/ kế hoạch được cập nhật đồng bộ lên quy hoạch chung đô thị đã được duyệt. Tra cứu, tìm hiểu thông tin quy hoạch đô thị thuận tiện hơn. Cần học tập kinh nghiệm của các quốc gia phát triển để vận dụng vào Việt Nam. Mỗi ngành đều có ứng dụng chuyển đổi số theo trục riêng của ngành đó. Những dữ liệu dùng chung sẽ được chia sẻ. Để phát triển bền vững, các nghiệp vụ quản lý nhà nước phải gắn với chuyển đổi số qua các phân hệ đi theo từng lĩnh vực chuyên ngành.

tm-img-alt
Toàn cảnh Diễn đàn đô thị Việt Nam năm 2023

Chỉ số cấp tỉnh đánh giá mức độ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đạt mức trung bình là 0,3 trên thang điểm tuyệt đối là 1. Trong 3 trụ cột nêu trên, trụ cột chính quyền số có chỉ số trung bình cao hơn so với trụ cột kinh tế số và xã hội số, do kế thừa những kết quả của tiến trình phát triển Chính phủ điện tử. 

Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị.

Bến Tre: Đầu tư hơn 50 tỷ đồng sửa chữa mặt quốc lộ 57B

Sở Giao thông Vận tải Bến Tre đã thực hiện việc sửa chữa mặt đường, hệ thống thoát nước, gia cố lề đường, và cải thiện an toàn giao thông trên đoạn đường bị hỏng, với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng để đảm bảo ATGT.

Cụ thể, có khoảng 10km mặt đường được thảm nhựa. Cụ thể, đoạn qua xã Phú Vang, huyện Bình Đại, mặt đường đã thảm nhựa đạt trên 98% khối lượng và đang hoàn thiện sơn vạch kẻ đường, cắm lại cọc tiêu, biển báo, đắp lề… Dự kiến, ngày 15/11 đơn vị thi công sẽ hoàn thành.

Hiện nay, ngành chức năng đang tiếp tục sửa chữa nhiều đoạn đã xuống cấp, hư hỏng trên quốc lộ 57B, quốc lộ 57C và quốc 57 để đảm bảo ATGT, giảm nguy cơ tai nạn giao thông.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Cũng theo Ban ATGT tỉnh, Bến Tre có ba tuyến quốc lộ gồm: quốc lộ 57, quốc lộ 57B và quốc lộ 57C gần đây bị hư hỏng, bong tróc mặt đường, xuất hiện nhiều "ổ gà, ổ voi" đọng nước gây khó khăn cho các phương tiện tham gia lưu thông.

Đặc biệt, đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Đồn biên phòng Khâu Băng, huyện Thạnh Phú, mặt đường thấp, thường xuyên bị ngập úng vào các tháng triều cường dâng cao (khoảng ba tháng cuối mỗi năm).

Sở GTVT Bến Tre đã có văn bản đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam xem xét hỗ trợ kinh phí để khẩn trương sửa chữa, khắc phục những điểm hư hỏng trên.

TP.HCM: Thu hồi và hủy bỏ đề xuất thí điểm quản lý tốc độ 30 km/h ở nội thị

Tối 8/11, Sở GTVT TP.HCM có văn bản về việc thu hồi và hủy bỏ Công văn số 13255/SGTVT-KT gửi UBND TP.HCM về việc ban hành Kế hoạch thực hiện quản lý tốc độ đối với người điều khiển phương tiện trong khu vực nội thị thành phố.  

Theo Sở GTVT, sau khi tiếp nhận tờ trình của Ban An toàn giao thông về chủ trương ban hành Kế hoạch thực hiện quản lý tốc độ đối với người điều khiển phương tiện trong khu vực nội thị thành phố, Sở đã có Công văn số 13255 gửi UBND TP.HCM xem xét.

“Trong công văn của Sở GTVT có một số nội dung chưa trình bày đầy đủ các vấn đề liên quan theo đề xuất của Ban An toàn giao thông. Do đó, Sở GTVT xin thu hồi và hủy bỏ công văn này”, Sở GTVT thông tin.

Sở GTVT cho biết sẽ khẩn trương nghiên cứu hoàn chỉnh các nội dung báo cáo và trình UBND TP trong thời gian sớm nhất.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM gửi UBND TP về Kế hoạch thực hiện quản lý tốc độ đối với người điều khiển phương tiện trong khu vực nội thị TP. Trong đó, đề xuất quản lý tốc độ không quá 30 km/h đối với khu vực nội thị.

Theo Sở GTVT TP.HCM, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT nêu rõ không nên quy định tốc độ tối đa cho phép nhỏ hơn 40km/h và lớn hơn 120km/h.

Vì vậy, đề xuất này chưa phù hợp với quy định tại QCVN 41:2019/BGTVT và Thông tư số 31/2019 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Song, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 760 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố.

Trong đó, nêu nhiệm vụ, giải pháp nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông xung quanh khu vực trường học, trên các tuyến đường từ nhà đến trường và từ trường về nhà cho học sinh, đặc biệt là khu vực trước cổng trường học.

Điều này đồng nghĩa, việc thí điểm quản lý tốc độ tại 1 số khu vực trường học trong nội thị (không thực hiện đại trà) là có cơ sở để xem xét.

TP.HCM: Hơn 3.700 tỷ đồng xây cầu nối Nam Sài Gòn với trung tâm

Nội dung vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi UBND Tp. Hồ Chí Minh trong tờ trình Nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (Quận 1, Quận 4 và Quận 7).

Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh lên 3.725 tỷ đồng là do thay đổi quy mô đầu tư dự án để phù hợp với nhu cầu về kết nối giao thông; cập nhật chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn Quận 4 và chi phí bồi thường di dời hạ tầng kỹ thuật.

Dự án có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng từ ngân sách thành phố; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.264 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 1.748 tỷ đồng. Cầu đường Nguyễn Khoái có phần cầu dài khoảng 2,5 km; phần đường dài hơn 2,3 km; các nhánh cầu dẫn có tổng chiều dài hơn 1,3 km.

Nhánh cầu chính sẽ xây dựng cầu vượt kênh Tẻ, tiếp tục đi trên cao bằng cầu cạn theo đường Nguyễn Khoái, sau đó vượt rạch Bến Nghé để kết nối vào đường Võ Văn Kiệt theo hai nhánh cầu riêng biệt N7 và N8. Dự án cũng có 8 cầu bộ hành kết nối với các tuyến đường.

Với các nhánh cầu dẫn còn lại, xây dựng hai cầu nhánh N1, N2 kết nối từ cầu Nguyễn Khoái - Trần Đình Xu lên xuống từ đường Trần Xuân Soạn; xây dựng hai nhánh N3, N4 dọc đường Tôn Thất Thuyết giao thông hai chiều để lên xuống cầu cạn, đáp ứng nhu cầu giao thông Quận 1, Quận 4 và Quận 4 - Quận 7. Trong khi đó, hai nhánh N5, N6 kết nối từ cầu Nguyễn Khoái - Trần Đình Xu lên xuống từ đường Võ Văn Kiệt.  

tm-img-alt
Phối cảnh cầu - đường Nguyễn Khoái nối ba quận 7, 4 và 1. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải TP HCM 

Hiện nay, các tuyến đường từ khu vực phía Nam vào trung tâm Tp. Hồ Chí Minh đang trong tình trạng ùn ứ nghiêm trọng. Các trục đường chính như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, cầu Kênh Tẻ, đường Phạm Hùng… thường xuyên bị ùn ứ, dù là giờ thấp điểm.

Do vậy, cầu đường Nguyễn Khoái vượt kênh Tẻ và rạch Bến Nghé (theo trục đường Nguyễn Khoái – D1) khi hoàn thành sẽ tạo thành trục đường chính kết nối khu Nam với khu trung tâm Tp. Hồ Chí Minh.

Công trình cũng giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cầu kênh Tẻ, đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y... hiện hữu; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực ngày một tăng cao.

Ngoài cầu - đường Nguyễn Khoái, tại kỳ họp chuyên đề HĐND thành phố sắp tới một loạt dự án khác dự kiến cũng được thông qua chủ trương đầu tư gồm: Vành đai 2, đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng (tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng); nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định, đoạn cầu Giồng Ông Tố đến vòng xoay Mỹ Thuỷ (gần 2.100 tỷ đồng); mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp (862 tỷ); mở rộng đường Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), tổng vốn hơn 4.300 tỷ đồng...

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 9/11/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...