Chủ nhật, 28/04/2024 11:38 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/3/2024

MTĐT -  Thứ sáu, 15/03/2024 16:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/3/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 15/3/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Sắp tới nắng nóng có khả năng xuất hiện nhiều hơn

Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia vừa phát đi bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn thời hạn mùa trên phạm vi toàn quốc.

Theo dự báo, thời kỳ từ tháng 4-6/2024, El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2024 với xác suất 75-80%. Từ tháng 4-6/2024, trên Biển Đông ít có khả năng xuất hiện bão/ATNĐ.

Dự báo, không khí lạnh sẽ hoạt động yếu dần về cường độ, trong nửa cuối tháng 3/2024 rét đậm, rét hại chỉ xuất hiện cục bộ ở vùng núi phía Bắc. Ngoài ra, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm trong thời kỳ nửa cuối tháng 3/2024.

Từ tháng 4 không khí lạnh hoạt động yếu và ít có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại; mưa nhỏ mưa phùn cũng giảm dần và chỉ xảy ra ít ngày ở vùng ven biển phía Đông Bắc Bộ.

Trên phạm vi cả nước có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; đặc biệt trong các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta trong thời kỳ chuyển mùa (tháng 4 và tháng 5/2024).

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Về tình hình nắng nóng, tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng đã xảy ra sớm. Trong nửa cuối tháng 3, nắng nóng xuất hiện ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, vùng núi phía Tây thuộc Bắc Trung Bộ; sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ vào tháng 4-6/2024. Nắng nóng tại khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì trên khu vực miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây từ nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 5.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời kỳ tháng 4/2024. Ở khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ 4-6/2024.

Mùa mưa tại Bắc Bộ có khả năng xuất hiện phù hợp với quy luật khí hậu. Mùa mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện muộn, thời kỳ từ tháng 6/2024 gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.

Theo đánh giá, hiện tượng nắng nóng gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như mọi hoạt động ngoài trời; đặc biệt sang tháng 5-6/2024 mức độ nắng nóng có thể gia tăng gay gắt hơn. Ngoài ra, mưa lớn, dông, lốc, mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng ở các khu vực chịu tác động.

Thẩm định kế hoạch sử dụng đất tỉnh Thái Nguyên

Tham dự cuộc họp ông Chu An Trường, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất - Phó Chủ tịch hội đồng và các ủy viên Hội đồng là lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, đại diện các Bộ, ngành liên quan.

Về phía UBND tỉnh Thái Nguyên có ông Đặng Văn Huy, Giám đốc Sở TN&MT và đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch sử dụng đất tỉnh.

tm-img-alt
Quang cảnh buổi làm việc

Cũng theo ông Huy, đến nay tỉnh đã nhận được 9 văn bản góp ý của 9 Bộ ngành và các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT về hồ sơ, Sở đã phối hợp với các Sở ban ngành, UBND cấp huyện và đơn vị tư vấn nghiên cứu tiếp thu, bổ sung và giải trình cụ thể.

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt cho UBND tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Sở TN&MT Đặng Văn Huy cho biết, thực hiện nhiệm vụ lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 -2025) của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, bám sát vào quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ, các quy hoạch ngành để hoàn thiện hồ sơ gửi Hội đồng thẩm định.

Tại buổi họp, đơn vị tư vấn đã trình bày báo cáo kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 -2025) của tỉnh Thái Nguyên, sau đó, Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất đã trình bày Báo cáo thẩm định kế hoạch sử dụng đất 5 năm của tỉnh.

Ông Đào Đức Mẫn, Trưởng phòng Quy hoạch đất đai (Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất) cho biết, hồ sơ kế hoạch sử dụng đất 5 năm của tỉnh Thái Nguyên đã đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT ngày 12/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và được xây dựng công phu, nghiêm túc, kết cấu và bố cục hợp lý.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu sử dụng đất trong dự thảo kế hoạch sử dụng đất của tỉnh chưa phù hợp với chỉ tiêu phân bổ cho tỉnh đến năm 2025 tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh rà soát, giải trình làm rõ nhất là trong nhóm đất phi nông nghiệp.

Đại diện Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên rà soát lại số liệu để đảm bảo thống nhất với số liệu trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành đã được phê duyệt... đồng thời, giải trình đầy đủ về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa đối với việc tăng diện tích các chỉ tiêu sử dụng đất này; cần thể hiện được các công trình, dự án, nguồn lực vốn đầu tư và giải pháp cụ thể để đảm bảo tính khả thi của kế hoạch sử dụng đất (2021-2025)…

Về giải pháp thực hiện kế hoạch, ông Mẫn cho biết, báo cáo thuyết minh của tỉnh đã đưa ra 4 nhóm giải pháp chính: giải pháp về bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường; nguồn lực thực hiện kế hoạch sử dụng đất; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện kế hoạch sử dụng đất và các giải pháp khác. Tuy nhiên, các giải pháp cần được cụ thể hơn, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhất là giải pháp về nguồn lực, giải quyết đời sống, việc làm cho hộ gia đình bị thu hồi đất, đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số; các giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch sử dụng đất kỳ trước, đặc biệt là nhóm giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng cơ bản thống nhất với báo cáo của tỉnh, báo cáo thẩm tra của Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất và tập trung góp ý nhằm hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Thái Nguyên, trong đó tập trung vào việc bổ sung các công trình quốc phòng, đảm bảo chỉ tiêu đất an ninh theo quyết định 326 và quyết định 227 của Thủ tướng Chính phủ, việc tăng chỉ tiêu đất văn hóa, thể dục thể thao… và nhất trí thông qua có chỉnh sửa, bổ sung kế hoạch sử dụng đất 5 năm của tỉnh.

Kết luận tại cuộc họp, ông Chu An Trường, Phó Chủ tịch Hội đồng đề nghị, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định sớm chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện theo ý kiến Hội đồng thẩm định để gửi Bộ TN&MT trình Chính phủ xét duyệt.

Đoàn viên thanh niên Điện Biên ra quân bảo vệ môi trường

tm-img-alt
Đoàn viên thanh niên Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ ra quân bảo vệ môi trường

Thực hiện các hoạt động tình nguyện trong khuôn khổ khai mạc Năm Du lịch quốc gia và Lễ hội Hoa Ban năm 2024, kế hoạch Tháng Thanh niên năm 2024, chiều 14/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức ra quân bảo vệ môi trường tại một số điểm trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Hơn 300 đoàn viên thanh niên của các đơn vị: Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật; Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh;  Huyện đoàn Điện Biên; Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm; Thành đoàn Điện Biên Phủ, Ban Thanh niên Công an tỉnh ra quân tiến hành quét dọn, vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, bóc, xóa quảng cáo rao vặt trái phép; làm đẹp cảnh quan tại các tuyến đường chính, nghĩa trang liệt sĩ, bia tưởng niệm, khu di tích lịch sử. Tập trung tại khu vực quảng trường 7/5, xung quanh bờ hồ Tỉnh uỷ, khu vực diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban, Đồi A1, Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, đường Võ Nguyên Giáp, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; Nghĩa trang Liệt sĩ A1, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực của Đoàn thanh niên chung tay xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp trong thời điểm diễn ra Lễ khai mạc Năm du lịch Quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024. Thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Điện Biên trong việc tham gia giữ gìn và bảo vệ môi trường, tạo hình ảnh đẹp trong lòng du khách và nhân dân trên địa bàn.

Cao Bằng: Ký kết chương trình phối hợp lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2024 - 2026

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh ký kết Chương trình phối hợp lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2024 - 2026.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và Hội Người cao tuổi tỉnh Cao Bằng ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2024 - 2026.

Theo đó, hai bên phối hợp nhằm mục đích thúc đẩy công tác quản lý Nhà nước, góp phần bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật TN&MT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động mọi lực lượng xã hội vào việc bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên quốc gia, góp phần phát triển bền vững. Xây dựng và nhân rộng mô hình NCT tham gia BVMT ở cơ sở, đặc biệt, chú trọng những nơi có vấn đề môi trường bức xúc, đòi hỏi phải sớm giải quyết, góp phần phòng, chống ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện môi trường sống và làm việc của cộng đồng dân cư. Tăng cường sự phối hợp giữa Hội NCT và Sở TN&MT, sự tham gia của Hội NCT các cấp trong hoạt động BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững; xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên về BVMT, gồm những người có đủ kiến thức, năng lực và kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục và huy động mọi thành viên trong các tổ chức xã hội cùng tham gia nhiệm vụ BVMT; xây dựng, nhân rộng mô hình của NCT về quản lý, bảo vệ thiên nhiên, phòng, chống ô nhiễm môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải với sự tham gia của NCT...

Sở TN&MT tỉnh sẽ hướng dẫn Phòng TN&MT các huyện, Thành phố phối hợp với Ban Đại diện Hội NCT thực hiện việc xây dựng các nội dung BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải sinh hoạt theo kế hoạch hằng năm; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho tuyên truyền viên, cộng tác viên và hội viên Hội NCT về kiến thức BVMT, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải sinh hoạt; phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất phân bổ kinh phí hằng năm để hỗ trợ các hoạt động BVMT...

Hội NCT tỉnh vận động hội viên tích cực tham gia thực hiện BVMT tại cộng đồng dân cư; tổ chức truyền thông, giáo dục ý thức BVMT cho cán bộ, hội viên bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thông qua hệ thống tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “xanh - sạch - đẹp"; gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các chương trình công tác trọng tâm của Hội; đề xuất các mô hình BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải sinh hoạt…

Tại lễ ký kết, các đại biểu thảo luận, bổ sung quy chế phối hợp; hai bên tiến hành ký kết chương trình phối hợp lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2024 - 2026.

Hà Tĩnh: Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024

Năm nay, Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2024 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.

Ngày Khí tượng thế giới 23 tháng 3 năm 2024 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề là “ At the frontline of climate action” - “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu” .

Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Reducing Carbon footprint towards Net Zero” - “ Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero ” . Thông điệp này nhấn mạnh vai trò quan trọng trong hành trình hướng tới Net Zero, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Đây cũng là dịp để Việt Nam thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 28 (COP28) để cùng với thế giới hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Hưởng ứng chuỗi sự kiện quan trọng này, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1282/UBND-NL1 ngày 11/3/2024 yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các đơn vị, địa phương kịp thời triển khai thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả với các hoạt động sau:

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân, doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa, chủ đề Ngày Nước thế giới 2024, Ngày Khí tượng thế giới 2024 và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024; xem xét điều kiện thực tế để treo pano, băng rôn, áp phích tuyên truyền, màn hình led tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp theo đúng quy định, ưu tiên sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường (Lựa chọn, sử dụng các khẩu hiệu tuyên truyền, truyền thông tại Phụ lục kèm theo).

tm-img-alt
Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Reducing Carbon footprint towards Net Zero” - “ Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero ” .

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: Tọa đàm, hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học, các cuộc thi triển lãm tranh, ảnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương thức tuyên truyền trực tuyến; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng phát sóng các nội dung về tầm quan trọng của tài nguyên nước, thời tiết, khí hậu, khai thác sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo sớm, dự báo tác động, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15; Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; nhất là việc thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước, phù hợp chức năng nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kêu gọi sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng về tầm quan trọng của công tác khí tượng thủy văn trong việc chủ động dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời với độ tin cậy cao, hỗ trợ tích cực, hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời truyền thông về thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nâng cao ý thức trách nhiệm người dân, cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, nói không với việc tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trái phép.

Các cơ sở giáo dục, trường học xây dựng các tiết học giáo dục môi trường, tổ chức các hoạt động ngoại khoá, phát động phong trào thi đua hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2024, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024. Tổng kết và ghi lại hình ảnh, videoclips các hoạt động hưởng ứng.

 Rà soát, xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường (đất đai, nước, khí hậu, khoáng sản, năng lượng,...); triển khai các giải pháp thông minh trong việc quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường, khí hậu; lồng ghép các nội dung ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với chính sách, định hướng phát triển của Quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương có sự tham gia của các bên liên quan nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển bền vững.

 Huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên các khu vực miền núi, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, các vùng khó khăn; thúc đẩy và thu hút các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống dân sinh.

Tăng cường các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế người dân thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, phục hồi hệ sinh thái tại các lưu vực sông; áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

 Tăng cường năng lực, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, vận hành hiệu quả hệ thống dự báo, cảnh báo sớm, thực hiện dự báo tác động góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện kịp thời các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1249/UBND-KT ngày 08/3/2024 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động “Tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 đến 21h30 ngày 30 tháng 3 năm 2024, duy trì thường xuyên, liên tục thói quen sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, sản xuất nông ngư nghiệp cho đến tiêu thụ tại hộ gia đình nhằm cân bằng giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu chuyển đổi tối đa sang năng lượng tái tạo.

Phát hiện, biểu dương, động viên và khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong việc áp dụng các sáng kiến, giải pháp công nghệ để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Nổ mìn khai thác đá, tảng đá nặng gần 4 tấn làm sập nhà dân

Tin trên SK&ĐS, chiều 15/3, ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang (Quảng Nam) cho biết, nhà máy xi măng Xuân Thành nổ mìn làm đá lăn xuống gây sập nhà chòi của người dân.

tm-img-alt
Tảng đá nặng gần 4 tấn lăn từ trên đồi xuống làm sập nhà chòi của người dân.

Trước đó, khoảng 11h cùng ngày, sự việc nổ mìn xảy ra tại khu vực Tổ dân phố Thạnh Mỹ 2 (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang). Sau tiếng nổ lớn, một tảng đá nặng gần 4 tấn đã lăn trúng nhà anh Nguyễn Minh Sơn (trú tổ dân phố Thạnh Mỹ 2).

Anh Nguyễn Minh Sơn cho biết, lúc 11h tiếng nổ mìn còn nhỏ chưa bị ảnh hưởng, 15 phút sau tiếng nổ lớn hơn làm tảng đá lăn từ trên đồi trúng vào nhà. "Rất may, lúc đó gia đình tôi không ai ở nhà nên không bị thiệt hại về người", anh Sơn cho hay.

Theo anh Sơn, thời gian gần đây, cứ vào khoảng 11h, nhà máy xi Măng Xuân Thành lại nổ mìn gây hoang mang cho người dân.

Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo huyện Nam Giang chỉ đạo các ngành chức năng xác minh, làm rõ vụ việc, đồng thời thăm hỏi các hộ dân khu vực đá lăn gây hư hỏng nhà cửa.

Bà Nguyễn Thị Chương (tổ dân phố Thạnh Mỹ 2) cho biết, gia đình bà sinh sống tại khu vực này luôn canh cánh nỗi lo sợ mỗi khi nhà máy xi măng Xuân Thành nổ mìn lấy đá làm rung chuyển cả khu vực.

"Năm 2021, chồng tôi đang mải mê làm vườn sau đồi bị đá lăn trúng nhưng rất may chỉ bị thương nhẹ. Qua sự việc ngày hôm nay, gia đình chúng tôi cũng như các hộ dân khu vực này mong muốn các cấp ngành liên quan có phương án đảm bảo an toàn cho người dân", bà Chương nói.

Được biết, khu vực tổ dân phố Thạnh Mỹ 2 thường xuyên có đá lăn mỗi khi nổ mìn. Người dân và chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Gần 60 hộ dân sống xung quanh khu vực này vẫn nơm nớp lo sợ mỗi khi nghe tiếng mìn nổ.

Trước đó, sau khi người dân kiến nghị nhiều lần, chính quyền địa phương xây bờ kè ở phía sau để ngăn ngừa đá lăn xuống nhà dân.

Huyện Điện Bàn (Quảng Nam) phấn đấu tỷ lệ thu gom rác thải trực tiếp đạt 60%

tm-img-alt
Điện Bàn phấn đấu nâng tỷ lệ thu gom rác thải trực tiếp lên 70% vào năm 2026

Theo báo cáo của Phòng TN-MT thị xã Điện Bàn, tính đến hết năm 2023, toàn thị xã có 140/140 thôn, khối phố triển khai thu gom rác thải sinh hoạt.

Số hộ tham gia thu gom rác thải có đóng phí đạt 96,71%. Cụ thể, số hộ tham gia thu gom rác thải trực tiếp với xe thu gom của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam là 31.343/52.459 tổng số hộ theo nóc nhà (đạt 59,57%). Phấn đấu năm nay tỷ lệ thu gom rác thải trực tiếp trên địa bàn thị xã đạt 60%, tăng dần lên 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2026.

Riêng với thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại trên đồng ruộng, đến cuối năm 2023, Phòng TN-MT đã hợp đồng với Công ty TNHH MTV Xử lý môi trường Quảng Nam thu gom, vận chuyển xử lý 2 đợt, tổng khối lượng 2.540 ký.

Bình Dương: Chỉ đạo xử lý khai thác cát trái phép trên hồ Dầu Tiếng

Ngày 14/3, sau khi nhận được thông tin từ của người dân về việc có một đoàn tàu không có số hiệu hoạt động trái phép trên sông Đồng Nai và hồ Dầu Tiếng, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng có những động thái quyết liệt nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

tm-img-alt
Tình trạng khai thác cát trái phép trên hồ Dầu Tiếng cần được nghiêm túc xử lý

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, đã yêu cầu lập các đoàn kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp vi phạm trong việc khai thác cát trái phép trên hồ Dầu Tiếng, nằm trong địa bàn huyện Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương.

Ông Dũng cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty Đông Tiến, một trong những doanh nghiệp được Báo Người Lao Động phản ánh. Ông Dũng nhấn mạnh rằng việc xử lý vi phạm này phải được thực hiện ngay, không thể để tình trạng này diễn ra tiếp tục.

Đồng thời, Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cũng đã lên kế hoạch kiểm tra, tuần tra và kiểm soát để đảm bảo an toàn giao thông trên lòng hồ Dầu Tiếng. Ông Phú nhấn mạnh rằng các biện pháp này đã được lên kế hoạch từ trước, tuy nhiên, sau khi có thông tin từ Báo, lực lượng công an phải vào cuộc sớm hơn.

Trong quá trình xử lý vấn đề, đại tá Phú cho biết rằng việc xác minh mức độ và tính chất của vi phạm là rất quan trọng. Điều này sẽ là căn cứ để lập hồ sơ và đề xuất các biện pháp tiếp theo. Ông cũng nhấn mạnh rằng trong việc xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát trên sông nước, sự an toàn là điều không thể bỏ qua, không chỉ cho lực lượng chức năng mà còn cho những người vi phạm.

Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu quả của các biện pháp kiểm tra và tuần tra, Phòng Cảnh sát giao thông cùng Công an huyện Dầu Tiếng đã tiến hành tuần tra tại khu vực Hồ thủy lợi Dầu Tiếng để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Điều này cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết vấn đề và đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/3/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau