Thứ hai, 29/04/2024 07:43 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/3/2024

MTĐT -  Thứ hai, 18/03/2024 17:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/3/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 18/3/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Đón không khí lạnh, miền Bắc chuyển mưa rét

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm nay 18/3, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía đông Bắc Bộ và một số nơi ở phía tây Bắc Bộ; từ gần sáng 19/3 ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía tây Bắc Bộ, bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở trung Trung Bộ. Gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền cấp 2-3, vùng ven biển cấp 4-5.

tm-img-alt
Đón không khí lạnh, miền Bắc chuyển mưa rét.

Từ ngày 19/3, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 15-18 độ, khu vực vùng núi từ 12-15 độ, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ; Bắc Trung Bộ phổ biến từ 16-19 độ.

Trên biển, từ đêm 18/3, ở vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao từ 1,5-2,5 m.

Đợt không khí lạnh cũng chấm dứt nồm ẩm tại khu vực miền Bắc trong những ngày tới.

Tuổi trẻ Hoà Bình chung tay xây dựng nông thôn mới và phát động Chủ nhật xanh

tm-img-alt
Đoàn viên thanh niên huyện Lạc Sơn tham gia trồng và chăm sóc gần 5.000 cây xanh

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn vừa tổ chức hoạt động cấp tỉnh tại khu di tích cách mạng Chiến khu Mường Khói, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn với các hoạt động ra quân dọn vệ sinh môi trường; xây dựng đoạn đường chiếu sáng bằng năng lượng xanh; trồng mới 2.000 cây xanh; tổ chức lễ kết nạp 102 đoàn viên mới.

Được biết, hưởng ứng ngày cao điểm "Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới và Chủ nhật xanh” năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng như: dọn dẹp, thu gom 5 tấn rác thải tại các điểm đen; sửa chữa, tôn tạo các nghĩa trang liệt sỹ, khu di tích; xây dựng các "Tuyến đường hoa thanh niên”; trồng mới và chăm sóc gần 5.000 cây xanh… thu hút trên 3.500 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia.

Ngoài ra, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh khánh thành công trình nhà Nhân ái cho gia đình anh Bùi Văn Màng ở xóm Sào Vót, xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thuỷ.

Ngày cao điểm "Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới và chủ nhật xanh” nằm trong khuôn khổ Tháng Thanh niên năm 2024. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, vai trò của tuổi trẻ cùng cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị; phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sự sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong tham gia chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thanh Hóa: Hơn 300 người ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường khu vực hồ Đồng Chiệc

Để bảo đảm mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, sáng ngày 17/3 hơn 300 người gồm khối Dân vận Đảng ủy phường Phú Sơn, Đoàn cơ sở Phòng tham mưu (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh), Hội Yêu rác Thanh Hóa, cán bộ, Nhân dân phố Phú Thọ 1, Phú Thọ 2 đã tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường, nhổ cỏ, chỉnh trang các bồn trồng cây xanh, cắt tỉa cây dại, phát quang bụi rậm, thu gom rác dọc hai bên khuôn viên hồ Đồng Chiệc.

tm-img-alt

Hơn 300 người gồm khối Dân vận Đảng ủy phường Phú Sơn, Đoàn cơ sở Phòng tham mưu (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh), Hội Yêu rác Thanh Hóa, cán bộ, Nhân dân phố Phú Thọ 1, Phú Thọ 2 đã tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường.

Có thể nói đây là hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm và tính tự giác cho người dân trong việc chung tay gìn giữ môi trường luôn sạch - đẹp.

Được biết, Hồ Đồng Chiệc được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2014. Công trình có tổng diện tích trên 2,7 ha, với mức đầu tư 71 tỷ đồng.

tm-img-alt
Đoàn viên thanh niên phường Phú Sơn, Đoàn cơ sở Phòng tham mưu (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) tham gia tích cực dọn vệ sinh môi trường hồ Đồng Chiệc, Phường Phú Sơn. TP Thanh Hóa.

Từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, hồ Đồng Chiệc giúp cải thiện đáng kể cảnh quan đô thị cho phường Phú Sơn nói riêng, TP Thanh Hóa nói chung. Với không gian thoáng đãng, nơi đây còn là địa điểm vui chơi, giải trí, thể dục cho người dân thành phố.

Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển”

tm-img-alt
Ra quân thu gom rác tại bãi tắm thôn Tân Bội 

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - sáng như: Truyền thông bảo vệ môi trường; Ra quân xây dựng cảnh quan đô thị; Duy trì các phong trào Ngày Chủ nhật xanh, Hãy làm sạch biển và tích cực triển khai Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải...

Qua đó, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dịp này, hơn 400 cán bộ bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân đã cùng ra quân vệ sinh môi trường, dọn dẹp rác thải và cải tạo cảnh quan tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc.

Bên cạnh đó, tại lễ phát động chương trình, Đại diện Tỉnh đoàn còn trao tặng 200 lá cờ Tổ quốc cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Điền Lộc. Ngoài ra, 10 suất quà cũng được trao để hỗ trợ cho các hộ gia đình ngư dân địa phương có hoàn cảnh khó khăn.

Đại diện Tỉnh đoàn cho biết, chương trình lần này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trong đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân.

Đồng thời, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tổ chức Đoàn và Đoàn thanh niên trên địa bàn toàn tỉnh trong việc thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”.

Đà Nẵng hưởng ứng ngày hội Clean day 2024

tm-img-alt
Hoạt động thu hút sự tham gia của nhiều người trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Sáng 17-3, hơn 100 người gồm sinh viên, học sinh, người lao động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vừa đi bộ vừa nhặt rác, hưởng ứng ngày hội Clean day 2024 'Thanh niên vì môi trường'.

Hoạt động do Hội yêu rác Đà Nẵng tổ chức. Các thành viên tham gia chia thành từng nhóm nhỏ, vừa đi bộ vừa nhặt rác tại khu vực từ cầu Trần Thị Lý đến cầu sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà).

Kết thúc hoạt động, khu vực này đã trở nên sạch, đẹp hơn. Lượng rác nhặt được phần lớn là túi ni-lon, ly nhựa, ống hút, hộp xốp,…

Nếu không được vứt đúng nơi quy định, những loại rác này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn làm mất cảnh quan đô thị, gây ấn tượng không đẹp về văn minh đô thị với khách du lịch.

Biết đến hoạt động qua thông tin trên mạng xã hội, em Võ Thanh Thi (lớp 10, Trường THPT Nguyễn Hiền) ngay lập tức đăng ký tham gia với mong muốn đóng góp một sức nhỏ để làm sạch môi trường. Đây là lần thứ 4 em tham gia hoạt động.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết những ngày gần đây, khu vực huyện Kon Plong (Kon Tum) liên tục xảy ra động đất.

Tính riêng từ ngày 16-3 đến trưa 18/3, chỉ trong ba ngày, khu vực này đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter. Cấp độ rủi ro thiên tai đều ở cấp 0.

Gần nhất là trận động đất xảy ra lúc 9 giờ 43 phút sáng nay, tại khu vực có tọa độ 14.880 độ Vĩ Bắc - 108.262 độ Kinh Đông, thuộc huyện Kon Plông. Trận động đất này có độ lớn 3.0, độ sâu chấn tiêu 8.1 km.

tm-img-alt
Bản đồ chấn tâm động đất lúc 9 giờ 45 phút sáng nay ở Kon Plong (Kon Tum). Ảnh: VAST

Thống kê của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, trong tháng 3, khu vực huyện Kon Plong (Kon Tum) đã xảy ra 24 trận động đất.

Trước đó, vào tháng 9-2023, khu vực này cũng từng xảy ra một trận động đất với độ lớn 4.4 độ richter.

Các chuyên gia về động đất nhận định các trận động đất xảy ra ở Kon Plông thời gian qua là động đất kích thích, xảy ra do hoạt động tích nước của hồ chứa thủy điện, gây áp lực lên hệ thống đứt gãy bên dưới. Các chuyên gia cũng cảnh báo động đất kích thích có thể kéo dài ở khu vực này.

Hiện Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất ở khu vực này.

Bình Phước: Thiếu nước tưới, chỉ số hạn nông nghiệp ở mức 'rất khắc nghiệt'

Theo dự báo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Phước, tình trạng nắng nóng trên địa bàn tỉnh tiếp tục kéo dài, nhiệt độ từ 35-37 độ C, cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng được dự báo cấp 1.

Thời tiết nắng nóng gay gắt, trong thời gian dài không có mưa, mực nước các hồ thủy lợi xuống thấp khiến 11/11 huyện, thị xã, thành phố của Bình Phước thiếu nước thiếu nước tưới cho cây trồng, chỉ số hạn nông nghiệp được cảnh báo ở mức “khắc nghiệt” đến “rất khắc nghiệt.”

Theo dự báo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Phước, tình trạng nắng nóng trên địa bàn tiếp tục kéo dài, nhiệt độ từ 35-37 độ C, cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng được dự báo cấp 1.

Do ảnh hưởng của nắng nóng, độ ẩm trong không khí giảm thấp nên nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư và cháy rừng; nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Số liệu mưa của các trạm đo mưa trên địa bàn và số liệu mực nước các hồ chứa công trình thủy lợi cho thấy có 9/11 huyện, thị xã, thành phố có chỉ số hạn nông nghiệp ở mức độ 4 “hạn rất khắc nghiệt,” 2 huyện gồm Đồng Phú và Bù Đăng ở mức độ 3 “hạn khắc nghiệt.”

Theo dự báo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Phước, trong 10 ngày tới, hạn hán có khả năng xuất hiện cấp độ thiên tai, hạn nông nghiệp ở cấp độ cao.

Thời tiết tại các khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong tháng 3/2024 có rất ít mưa trái mùa, tổng lượng mưa tháng thấp hơn trung bình nhiều năm, nhiệt độ trung bình ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân thực hiện tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất, tránh lãng phí nguồn nước; dự trữ nguồn nước ưu tiên sử dụng nguồn nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm; vận động người dân chủ động kéo dài chu kỳ tưới, có biện pháp ủ gốc để giữ ẩm giảm thiểu sự bốc hơi nước nhằm giảm thiểu thiệt hại; các đơn vị quản lý hồ chứa xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể và sử dụng theo thứ tự ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Tại công văn chỉ đạo về việc chủ động triển khai biện pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước trên địa bàn vừa ban hành mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai biện pháp ứng phó.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo dõi chặt diễn biến thời tiết, nguồn nước, hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát, xác định vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước để xây dựng phương án sử dụng nước đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra.

Tỉnh Bình Phước có diện tích tự nhiên hơn 6.873km2 (lớn nhất khu vực Nam Bộ), là địa bàn chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Do đó, vào mùa khô hàng năm thường xuyên xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới tiêu cho nông nghiệp và sinh hoạt.

Bình Phước cũng là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, với hơn 616.000ha; là “thủ phủ” của cây điều (152.000ha, chiếm 50% diện tích điều của cả nước), có 244.000ha diện tích trồng cao su (lớn nhất cả nước); cây hồ tiêu 15.000ha.

Hàng năm, tình trạng khô hạn và thiếu nước gây thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/3/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.