Thứ hai, 29/04/2024 13:25 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/3/2024

MTĐT -  Thứ sáu, 15/03/2024 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/3/2024. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/2024 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội: Sắp triển khai dự án đường tránh Quốc lộ 21B, huyện Ứng Hòa

UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định phê duyệt Dự án đường tránh Quốc lộ 21B, huyện Ứng Hòa với chiều dài gần 6,5km, đi qua địa bàn các xã: Liên Bạt, Phương Tú, Tảo Dương Văn, Vạn Thái và thị trấn Vân Đình.

Dự án được thực hiện từ năm 2024 - 2025 với diện tích sử dụng đất khoảng 25,16ha.

Tuyến đường có chiều dài 6,4988km, điểm đầu Km0 - giao với đường quốc lộ 21B tại lý trình Km24+550 gần cây xăng Liên Bạt (nút giao Trục phát triển kinh tế Bắc - Nam với tuyến đường quốc lộ 21B) thuộc địa phận xã Liên Bạt; điểm cuối Km6+498,80 giao với quốc lộ 21B tại lý trình Km29+144,0 (gần UBND xã Vạn Thái) thuộc địa phận xã Vạn Thái; quy mô mặt cắt ngang nền đường 35m.

tm-img-alt
Tuyến đường rộng 35m sẽ được đầu tư trong năm 2024 - 2025 (Ảnh: Internet)

UBND huyện Ứng Hòa được giao làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác của khối lượng, kinh phí; kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập dự án đầu tư...

Theo UBND TP Hà Nội, dự án nhằm góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, tạo ra tuyến đường tránh thị trấn Vân Đình có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và đi lại của nhân dân trong khu vực và kết nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã dọc tuyến đường.

Dự án cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực trung tâm hành chính của huyện Ứng Hòa; Phát huy thế mạnh của vận tải đường bộ là phạm vi ngắn, mạng lưới rộng, có hiệu quả trong công việc gom hàng xuất và phân phối hàng tiêu dùng.

Tuyến đường là một phần trong quy hoạch giao thông vận tải của thành phố Hà Nội, khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo định hướng đã được phê duyệt và góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Ứng Hòa nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung.

Hà Nội tổ chức lại giao thông để thi công nhà máy nước mặt sông Hồng

Sở GTVT vừa thông báo phương án tổ chức giao thông tỉnh lộ 422 đoạn qua xã Liên Trung, Liên Hà (huyện Đan Phượng) để phục vụ thi công tuyến ống truyền dẫn nước thô của nhà máy nước mặt Sông Hồng.

Theo đó, khi thi công đào cắt ngang tỉnh lộ 422 đoạn Km1+700, các phương tiện sẽ bị cấm di chuyển qua khu vực này.

tm-img-alt
Từ 15/3 - 31/3, Sở GTVT Hà Nội tổ chức lại giao thông phục vụ thi công nhà máy nước mặt sông Hồng ở Đan Phượng. (Ảnh: Internet)

Các phương tiện tham gia giao thông từ đê Hữu Hồng có nhu cầu đi QL.32 sẽ di chuyển theo hướng: Đê Hữu Hồng - Đê Trong - N2 (Liên Hồng) - (Hạ Mỗ - Tân Hội) - tỉnh lộ 422 - QL 32.

Ngược lại, các phương tiện tham gia giao thông từ QL.32 có nhu cầu đi Đê Hữu Hồng di chuyển từ QL 32 - (Hạ Mỗ - Tân Hội) - N2 (Liên Hồng) - đê Trong - đê Hữu Hồng.

Các phương tiện tham gia giao thông có nhu cầu đi cụm công nghiệp làng nghề xã Liên Hà đi theo hướng tỉnh lộ 422 - đường giao thông nội bộ cụm công nghiệp xã Liên Hà và ngược lại.

Riêng đối với xe container, xe quá khổ, quá tải trên 10 tấn muốn đi đê Hữu Hồng, đi theo hướng QL 32 - N12 - N2 (Liên Hồng) - đê Trong - đê Hữu Hồng.

Sở GTVT yêu cầu đơn vị thi công phối hợp với công an giao thông, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương lập các chốt phân luồng từ xa và tại chỗ theo bản vẽ biện pháp thi công do đơn vị thi công lập.

Cùng đó, phải bố trí đầy đủ barie, cọc tiêu, biển báo, đèn chiếu sáng ban đêm và đèn báo hiệu và rào cứng trên đoạn thi công đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện.

Bắc Giang: Điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới ở phía Đông thị trấn Vôi

Cụ thể, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh mật độ xây dựng các lô đất ở (ký hiệu từ LK01, LK02 và từ LK09 đến LK15), là các lô đất dọc đường giao thông mặt cắt (1-1) có lộ giới 36m từ 100% thành 72-100%. Điều chỉnh mật độ xây dựng các lô đất ở (ký hiệu từ LK03 đến LK08) từ 100% thành 74-86%. Điều chỉnh mật độ xây dựng các phân lô góc của lô đất ở (ký hiệu từ N01 đến N18) từ 100% thành 65-88%.

Điều chỉnh hệ thống giao thông, điều chỉnh mặt cắt 1-1 rộng 36m, trong đó lòng đường 2x10,5=21m, dải phân cách 3m, hè đường 2x6=12m (từ nút giao thông N30 đến nút giao thông N37) từ đường liên khu vực sang đường trục chính đô thị.

Điều chỉnh mặt cắt 1-1 rộng 36m, trong đó lòng đường 2x10,5=21m, dải phân cách 3m, hè đường 2x6=12m (từ nút giao thông N12 đến nút giao thông N69 - trục BT Vôi - Xương Lâm) từ trục giao thông đối ngoại sang đường trục chính đô thị.

Điều chỉnh các mặt cắt đường, mặt cắt (2-2) rộng 20,5m, trong đó lòng đường 10,5m, hè đường 2x5=10m. Mặt cắt (3-3) rộng 17,5m, trong đó lòng đường 7,5m, hè đường 2x5=10m. Mặt cắt (4-4) rộng 21,5m, trong đó lòng đường 10,5m, hè đường 5+6=11m.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Mặt cắt (5-5) rộng 18,5m, trong đó lòng đường 7,5m, hè đường 5+6=11m. Mặt cắt (6-6) rộng 19,5m, trong đó lòng đường 7,5m, hè đường 2x6=12m từ đường khu vực thành đường phân khu vực. Điều chỉnh bổ sung vịnh đỗ xe tĩnh nằm trong phần giải phân cách dọc đường gom Quốc lộ 1A.

Điều chỉnh hệ thống thoát nước thải, điều chỉnh bổ sung hố ga và cống thu nước thải từ các điểm tập kết rác thải (ga rác) vào hệ thống thoát nước thải chung của đồ án về khu xử lý nước thải tập trung.

Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định 295/QĐ-UBND ngày 25/02/2019 của UBND tỉnh.

Lắp đặt thêm cảnh báo trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 14/3, thông tin từ lãnh đạo Ban Quản lý Dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh cho biết, sau khi họp bàn thống nhất với các nhà thầu, đơn vị chức năng về phương án kỹ thuật, việc triển khai thi công các hạng mục điều chỉnh, bổ sung hệ thống an toàn giao thông, mở rộng nhiều vị trí điểm dừng xe khẩn cấp trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn bắt đầu được triển khai.

Việc triển khai thi công các hạng mục điều chỉnh, bổ sung hệ thống an toàn giao thông trên tuyến được thực hiện kể từ ngày 14/3, từ kết quả kiểm tra, rà soát, đề xuất các phương án tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn của đoàn liên ngành, gồm đại diện Khu Quản lý Đường bộ II (Bộ GTVT), Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Ban An toàn Giao thông tỉnh TT-Huế…

Theo đó, việc điều chỉnh được thí điểm triển khai bắt đầu tại các điểm thuộc đầu tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Các nhà thầu sẽ thi công bổ sung đinh phản quang trên tim đường, tiêu phản quang ở hai bên hộ lan tôn sóng, bổ sung một số cụm biển báo tại các vị trí thắt hẹp (ngoài khu vực mở rộng đủ 4 làn xe).

Đơn vị chức năng còn tăng cường thêm các biển báo, hướng dẫn giao thông khu vực vượt xe, chuẩn bị đến và kết thúc điểm vượt xe, các nút giao trên tuyến…

tm-img-alt
Các công nhân tiến hành lắp đặt cảnh báo trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ ngày 14/3. Ảnh: Internet

Tại các vị trí hoàn thiện nền đường quy mô 4 làn xe, đơn vị chức năng sẽ tiến hành mở rộng dải dừng xe khẩn cấp bằng lớp kết cấu cấp phối đá dăm, láng nhựa, với chiều dài mỗi điểm mở rộng này tối thiểu 250m, chiều rộng 5-6m, ra hết phạm vi nền đường cho 4 làn xe.

Khoảng cách giữa hai điểm mở rộng dải dừng xe khẩn cấp khoảng 3-5km, theo quy định hiện hành.

Thực tế hiện nay, có những đoạn cao tốc trên tuyến Cam Lộ - La Sơn với chiều dài cả chục km không có dải dừng xe khẩn cấp, như đoạn từ cầu Tuần (TP. Huế) kéo dài đến địa phận thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế.’

Mục tiêu đặt ra của các đơn vị chức năng, trong tháng 3/2024, các vị trí điều chỉnh bổ sung hệ thống an toàn, mở rộng dải dừng xe khẩn cấp trên cao tốc sẽ được hoàn thành. Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả về đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn phù hợp với quy mô đầu tư giai đoạn hiện nay.

Thời gian qua, trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông. Gần đây nhất đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 mẹ con tử vong vào cuối tháng 2 và vụ tai nạn khiến 2 vợ chồng tử vong vào ngày 10/3.

Nguyên nhân được xác định do tài xế thiếu quan sát, vượt ẩu, không chấp hành các quy định bảo đảm an toàn giao thông.... Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và người dân cũng đã chỉ ra những bất cập trên tuyến đường này.

Tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3

Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 có 02 Dự án thành phần, trong đó Dự án thành phần 1 - Đường ven biển do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, gồm 03 đoạn tuyến với tổng chiều dài 80km. Dự án có tổng mức đầu tư 2.197 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2026; tổng diện tích đất cần thu hồi để thực hiện gần 200ha và đi qua địa bàn 16 xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố, ảnh hưởng đến 1.049 hộ dân, 37 tổ chức.

tm-img-alt
Toàn cảnh cuộc họp.

Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay, Dự án đã phê duyệt phương án và chi trả tiền bồi thường được 70,78km/80km (đạt 89%), trong đó phạm vi có mặt bằng thi công được là 63,1km/80km, đạt 80,1%. Chủ đầu tư đã ký hợp đồng thi công 08 gói thầu với chiều dài 80km/80km. Lũy kế từ khi triển khai đến nay, Dự án đã giải ngân hơn 1.158 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.420 tỷ đồng được bố trí, đạt  81,5%. Hiện, Dự án đang vướng mắc ở công tác bồi thường, GPMB tại các địa phương, gây trở ngại lớn cho các nhà thầu thi công.

Dự án thành phần 2 - cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng. Đến nay, Dự án đã triển khai thi công hoàn thành 100% các hạng mục cầu Nhật Lệ 3 gồm cọc khoan nhồi, bệ, thân trụ, mố cầu. Hiện, nhà thầu đang triển khai các hạng mục lắp đặt chân vòm, vòm thép và thi công bãi đúc dầm với khối lượng thực hiện đạt khoảng 32% giá trị gói thầu xây lắp; đã giải ngân 671 tỷ đồng/1.043 tỷ đồng, được bố trí, đạt 64,31%. Về công tác GPMB, hiện xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) đã hoàn thành, tuy nhiên tại xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) còn gặp một số vướng mắc. Ngoài ra, Dự án cũng chưa thống nhất được việc thỏa thuận đấu nối vào Quốc lộ 1.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân vướng mắc của 02 Dự án thành phần thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; đồng thời kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án như thành lập hội đồng cấp tỉnh để định giá các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản không có trong bảng giá đền bù của UBND tỉnh nhằm tạo sự thống nhất cho địa phương áp dụng…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương các địa phương đã nỗ lực triển khai Dự án thời gian qua; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư tích cực phối hợp với từng địa phương để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB. Nhằm đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí trong năm 2024, đồng chí cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp tham mưu, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; tập trung chỉ đạo từng phòng, ban liên quan đẩy nhanh công tác GPMB, sớm bàn giao mặt bằng để nhà thầu triển khai thi công.

Khởi công đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào tháng 10/2024

Ban Quản lý dự án Chuyên ngành Giao thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết tính đến thời điểm này, 3 địa phương nơi có dự án đường nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đi qua là: thành phố Vũng Tàu, huyện Long Điền và thành phố Bà Rịa đã hoàn thành công tác kiểm đếm đất, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất bị ảnh hưởng và thiệt hại bởi dự án.

Dự kiến, theo kế hoạch tháng 10/2024 dự án này sẽ được khởi công. Tuyến đường nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu được chia làm 3 dự án thành phần.

Như vậy, đến nay đã có hai dự án thành phần hoàn thành trong công tác kiểm đếm chuẩn bị cho đền bù giải phóng mặt bằng, một dự án thành phần ngày 29/2/2024 vừa qua Hội đồng nhân dân tỉnh mới thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tuyến đường nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài gần 16,5km được chia làm 3 dự án thành phần.

Cụ thể, dự án thứ nhất là đoạn từ quốc lộ 56 (thành phố Bà Rịa) đến vòng xoay Vũng Vằn (huyện Long Điền) có chiều dài 6,71km, quy mô đường cao tốc đô thị và đường song hành.

Dự án được phê duyệt tổng mức 6.700 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh bố trí khoảng 1.900 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Số còn lại sẽ được bố trí sau 2025.

tm-img-alt
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (màu xanh). (Ảnh: Internet)

Dự án thứ 2 là, đoạn từ vòng xoay Vũng Vằn (huyện Long Điền) đến đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (ĐT 994) thuộc địa phận phường 12 (thành phố Vũng Tàu) với chiều dài hơn 6,8km, quy mô đường cao tốc đô thị và đường song hành. Tổng kinh phí được phê duyệt gần 5.200 tỷ đồng.

Trong số đó, ngân sách tỉnh bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Số còn lại sẽ được bố trí sau 2025. Hai dự án này dự kiến đầu tư từ năm 2023-2027.

Dự án thứ 3 là, đường trục chính Vũng Tàu (đoạn từ nút giao đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (ĐT994) đến nút giao vòng xoay đường 51B,C thành phố Vũng Tàu).

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, trong đó tổng chiều dài khoảng 2,87km trong đó, đầu tuyến nối tiếp với dự án Đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển ĐT994), điểm cuối tuyến kết nối vào đường 2/9, thành phố Vũng Tàu.

Theo Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, liên quan đến 2 dự án thành phần của đường kết nối mà 3 địa phương đã kiểm đếm xong có 787 hộ dân, tổ chức, đơn vị có đất sẽ bị thu hồi để thực hiện dự án, với 57,82ha. Trong đó, TP. Bà Rịa là 316 trường hợp, với gần 22 ha; huyện Long Điền là 190 trường hợp, với 31,66 ha và TP. Vũng Tàu là 281 trường hợp, với 26,16 ha.

Dự kiến, Dự án đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn từ Quốc lộ 56 đến nút giao Vũng Vằn và đoạn từ nút giao Vũng Vằn đến đường DT994 sẽ được khởi công trong tháng 10/2024 và phấn đấu đưa vào khai thác sử dụng vào tháng 12/2026.

Đề xuất gói 120.000 tỉ bổ sung người mua nhà dưới 3,5 tỉ đồng

Đây là kiến nghị của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đưa ra sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 diễn ra vừa qua. Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) khẳng định, hội nghị có vị trí rất quan trọng nhằm xây dựng các giải pháp hiệu quả để triển khai thực hiện chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhà ở, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay, ông Châu cho rằng các cơ quan Nhà nước cần tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để đủ điều kiện tiếp cận tín dụng, đi đôi với thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bất động sản. Trong đó, trọng tâm là tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho người mua nhà ở thương mại giá dưới 3,5 tỷ đồng/căn (tương đương khoảng 35 triệu đồng/m2).

Để thúc đẩy tăng trưởng “tín dụng tiêu dùng bất động sản”, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng là người mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền từ 3,5 tỉ đồng/căn trở xuống (khoảng 35 triệu đồng/m2) được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỉ đồng.

tm-img-alt

Bên cạnh đó, để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2023, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền xem xét khôi phục lại đề xuất “gói tín dụng 110.000 tỷ đồng” cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.

Đồng thời, HoREA cũng đề nghị tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để họ đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Đây là giải pháp hiệu quả nhất để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu năm nay.

Hiệp hội này cũng kiến nghị thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại với đất khác và tách việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Giải pháp này nếu được thực hiện sẽ tháo gỡ được “vướng mắc pháp lý” cho các dự án bất động sản mà khó nhất là “vướng” một số quy định của luật, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn và giúp cho các ngân hàng thương mại thuận lợi trong việc xét duyệt cho vay tín dụng.

Việt Nam sẽ có khu lấn biển làm đảo nhân tạo hơn 11.000 ha

Sáng 15/3, UBND tỉnh Kiên Giang cùng Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch chung Thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến năm 2040, và xúc tiến đầu tư TP. Hà Tiên.

Theo quy hoạch, ngoài định hướng phát triển trên đất liền, địa phương dự kiến sẽ lấn biển, dựng đảo nhân tạo tại khu vực mặt biển rộng hơn 24.750 ha nằm giữa xã đảo Tiên Hải với đất liền. Trong đó, dự kiến phần lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo sẽ có tổng diện tích hơn 11.300 ha.

tm-img-alt
Một góc thành phố Hà Tiên.

Trên đất liền, Hà Tiên định hướng phát triển đô thị theo các tuyến Quốc lộ 80, Quốc lộ N1, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, dọc sông Giang Thành, kênh Vĩnh Tế và kênh Hà Tiên - Rạch Giá, đường ven biển...

Để thực hiện mục tiêu lấn biển, làm đảo nhân tạo, Hà Tiên sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường trên biển phía Nam và Bắc Hà Tiên, gắn khu vực sân bay chuyên dùng, cảng biển. Trong đó có sự tương tác, liên kết theo trục tam giác Phú Quốc - Rạch Giá - Hà Tiên.

Ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Xây dựng - nhấn mạnh, Hà Tiên có vị trí chiến lược, cả đất liền và biển đều có cửa khẩu thông thương với Vương quốc Campuchia. Tạo ra lợi thế cho địa phương để kết nối thông thương trực tiếp với các quốc gia Đông Nam Á.

Đến nay, TP. Hà Tiên đã được công nhận là đô thị loại 3, một trong những thành phố hấp dẫn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, Hà Tiên định hướng quy hoạch phát triển thành 8 khu vực đô thị, theo cả mô hình truyền thống, du lịch, cửa khẩu, sinh thái... Tiến tới xây dựng cảng biển, sân bay chuyên dụng phục vụ du lịch, kết nối với Phú Quốc và cùng phụ cận.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/3/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...