Thứ hai, 29/04/2024 12:47 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/3/2024

MTĐT -  Thứ tư, 20/03/2024 17:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/3/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 20/3/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Dự báo Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng gay gắt hơn mọi năm

Nhận định về các hình thái thời tiết từ tháng 4-9/2024, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ tháng 4-6/2024, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%. Bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông. Từ tháng 7-9/2024, dự báo ENSO (hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương) có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina (hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương lạnh đi dị thường) với xác suất 55-65%.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Theo Trưởng phòng Nguyễn Văn Hưởng, từ tháng 4/2024, không khí lạnh hoạt động yếu và ít có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại. Mưa nhỏ, mưa phùn cũng giảm dần và chỉ xảy ra ít ngày ở vùng ven biển phía Đông Bắc Bộ. Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt trong các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta trong thời kỳ chuyển mùa là tháng 4 và tháng 5/2024.

Từ tháng 4 đến tháng 5/2024, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 độ C, có nơi cao hơn. Tháng 6/2024 cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Đề cập đến tình hình nắng nóng, ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng đã xảy ra sớm. Trong nửa cuối tháng 3, nắng nóng xuất hiện ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, vùng núi phía Tây thuộc Bắc Trung Bộ. Sau đó, nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ.

Từ tháng 4-6/2024, nắng nóng diễn ra ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ; Nam Bộ, nắng nóng tiếp tục duy trì trên khu vực miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây; khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ này. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong tháng 4/2024.

Tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 15-30mm. Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng-Bình Thuận thiếu hụt từ 20-40mm. Sang tháng 5/2024, tổng lượng mưa tại khu vực Trung Bộ thiếu hụt từ 10-30%.

Tháng 4/2024, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có tổng lượng mưa thấp hơn từ 30-60mm so với trung bình nhiều năm. Tháng 5/2024, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng từ 15-30%. Tháng 6/2024, phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Thông tin về các hiện tượng khí tượng thủy văn từ tháng 7-9/2024, ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, trong khoảng thời gian trên, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện khoảng từ 4-6 cơn trên Biển Đông và khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta

Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng từ 0,5-1 độ C. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7-8/2024, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8 ở Bắc Bộ và từ tháng 9 ở khu vực Trung Bộ. Khu vực Trung Bộ khả năng khô hạn duy trì trong tháng 7-8/2024.

Trước các hình thái thời tiết nguy hiểm trên, ông Nguyễn Văn Hưởng khuyến cáo, hiện tượng nắng nóng gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như mọi hoạt động ngoài trời. Đặc biệt sang tháng 5-6/2024, mức độ nắng nóng có thể gia tăng gay gắt hơn. Mưa lớn, dông, lốc, mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng ở các khu vực chịu tác động. Ngoài ra, bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên Biển Đông.

Tuổi trẻ Thanh Trì ra quân làm sạch môi trường

Trong nhiều năm qua, tuổi trẻ huyện Thanh Trì đã tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa và đạt hiệu quả cao. Có hàng nghìn lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia tổng vệ sinh môi trường, đảm nhận các công trình phần việc thanh niên cải tạo môi trường, trồng và bảo vệ tuyến đường hoa và cây xanh. Thực hiện tốt phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", "Ngày thứ Bảy tình nguyện", xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn và xử lý rác sinh hoạt; đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”.

tm-img-alt
Các cơ sở Đoàn tổ chức hoạt động thiết thực như tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức đoàn viên, thanh niên, người dân về các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm điện và năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động người dân hạn chế dùng túi nilon, sản phẩm nhựa một lần.

Bí thư Huyện đoàn Thanh Trì Tạ Thu Sa cho biết, tại lễ ra quân, 100% các cơ sở Đoàn trong huyện tổ chức các hoạt động thiết thực, hướng về cơ sở như: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức đoàn viên, thanh niên, người dân về các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm điện và năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động người dân hạn chế dùng túi nilon, sản phẩm nhựa một lần; thực hiện các công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới; vệ sinh môi trường, thu gom và phân loại rác thải, xử lý các điểm ô nhiễm môi trường, trồng cây xanh, ra quân bóc xóa quảng cáo, rao vặt trái phép...

Thông qua các hoạt động trên thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Thanh Trì, lan tỏa hành động nhỏ - ý nghĩa lớn, những hành xử văn minh, sống có trách nhiệm với môi trường, để từ đó mỗi đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi tích cực, tự giác tham gia các hoạt động bảo vệ và giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Sinh viên cùng hành động bảo vệ động vật hoang dã

tm-img-alt
Quang cảnh buổi tọa đàm

Hoạt động do Trường Đại học Quảng Nam phối hợp với Hợp phần bảo tồn ĐDSH, dự án VFBC tổ chức.

Theo đề dẫn tọa đàm, Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có ĐDSH cao nhất thế giới. ĐDSH đóng vai trò quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của con người.

Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) ngày càng tăng. Việc này đã đẩy nhiều loài ĐVHD đến bên bờ tuyệt chủng và ảnh hưởng đến tính ĐDSH.

Hành vi xâm hại ĐVHD vẫn còn tiếp diễn. Trong đó, một trong những hành vi phổ biến và tồn tại ở tất cả các địa phương là tiêu thụ thịt ĐVHD.

Theo kết quả khảo sát về tiêu thụ thịt ĐVHD do WWF thực hiện trong năm 2021 - 2022, số lần ăn thịt ĐVHD trung bình của nhóm người có tiêu thụ thịt ĐVHD là 7 lần/năm. Ba nhóm khách hàng chính tiêu thụ thịt động vật hoang dã nằm trong độ tuổi từ 20 - 49.

Đáng chú ý, nhóm khách hàng trẻ trong độ tuổi 20 - 29 ở khu vực thành thị lại chiếm tỷ lệ khá cao và 50% số người trong nhóm khách hàng 20 - 29 là đang đi học, có khả năng cao tham gia vào chuỗi tiêu dùng thịt ĐVHD.

Với khu vực thành thị, nhóm người có học vấn từ cao đẳng đến đại học chiếm tỷ lệ gần 70% trong số người có tiêu thụ thịt ĐVHD được khảo sát. Do đó, việc tác động đến sinh viên hoặc đoàn viên thanh niên là cần thiết để góp phần bẻ gãy mắt xích tiêu dùng thịt ĐVHD hiện tại và tiềm năng.

Tại tọa đàm, sinh viên Trường Đại học Quảng Nam được nghe nhiều bài tham luận ý nghĩa về ĐDSH tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt bài thuyết trình về thực trạng hoạt động săn bắt, mua bán và tiêu thụ ĐVHD qua các phóng sự điều tra của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.

Chia sẻ nhiều thông tin, hình ảnh sống động về thực trạng săn bắt, mua bán, tiêu thụ ĐVHD, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng mong muốn người trẻ nói chung và người trẻ Quảng Nam không vô can, thờ ơ trước các hành vi săn bắt, mua bán, tiêu thụ ĐVHD. Khi phát hiện hành vi trái phép hãy mạnh dạn tố cáo, gọi điện đến đường dây nóng để thông báo cho ngành chức năng.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS.Huỳnh Trọng Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam cho biết, để bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH, trước hết cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa, có trách nhiệm với thiên nhiên.

Đặc biệt, việc bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH muốn đạt được thành công cần có sự chung tay của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, sinh viên.

“Thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng đóng vai trò quan trọng đối với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động chính các bạn trong nhóm tuổi và các thế hệ trẻ khác về vai trò của ĐDSH đối với sự tồn vong của loài người và sự phát triển bền vững đất nước” – ông Dương nhấn mạnh.

Tại chương trình đã diễn ra tọa đàm về vai trò của sinh viên với hoạt động bảo tồn ĐVHD và phục hồi ĐDSH; các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm tuyên truyền về bảo vệ ĐVHD…

Cảnh báo khí hậu năm 2024 có thể còn tồi tệ hơn năm 2023

Ngày 19/3, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết mọi kỷ lục lớn về khí hậu toàn cầu đã bị phá vỡ vào năm ngoái, đồng thời bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về nhiệt độ đại dương và tình trạng băng tan.

Báo cáo thường niên Tình trạng Khí hậu Toàn cầu của WMO cho thấy nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã lên tới mức cao nhất trong 174 năm, cao hơn 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng nhiệt độ đại dương cũng ở mức ấm nhất trong 65 năm, gây hại cho nhiều hệ sinh thái biển. Trong báo cáo, Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo nhấn mạnh đến “cảnh báo đỏ.”

Ông nói: “Những gì chúng ta chứng kiến vào năm 2023, đặc biệt là sự ấm lên chưa từng thấy của đại dương, sự biến mất của các dòng sông băng và băng tan ở biển Nam Cực, là các nguyên nhân gây ra mối lo ngại đặc biệt này.”

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT)

Biến đổi khí hậu, do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch cùng với sự xuất hiện của tình trạng khí hậu El Nino, đã "xô đổ" nhiều kỷ lục trên thế giới trong năm ngoái.

Các nhà khoa học cảnh báo năm 2024 có thể còn tồi tệ hơn, với hiện tượng El Nino làm tăng nhiệt độ trong những tháng đầu tiên của năm nay. Ngoài ra, báo cáo mới của WMO cũng cho thấy lượng băng ở Nam Cực sụt giảm mạnh, thấp hơn kỷ lục trước đó tới 1 triệu km2.

Xu hướng này kết hợp với quá trình nóng lên của đại dương làm tăng hơn gấp đôi tốc độ mực nước biển dâng trong thập kỷ qua, so với giai đoạn 1993-2002.

Báo cáo cũng cho biết nhiệt độ đại dương ghi nhận ở khu vực Bắc Đại Tây Dương cao hơn mức trung bình 3 độ C vào cuối năm 2023. Nhiệt độ đại dương ấm hơn ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và nhiều loài cá phải di cư khỏi khu vực này về phía Bắc để tìm kiếm nhiệt độ mát hơn.

Người phụ trách giám sát khí hậu của WMO, ông Omar Baddour cho biết: “Khả năng cao là năm 2024 sẽ phá kỷ lục nhiệt độ của năm ngoái.”

Về phần mình, bà Saulo bày tỏ hy vọng báo cáo trên sẽ giúp nâng cao nhận thức về "nhu cầu cấp thiết phải khẩn trương thực hiện các hành động vì khí hậu".

Nghệ An: Nỗ lực nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2024 - 2030

Đề án được phê duyệt hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng cải thiện từng bước phẩm chất di truyền; tăng nhanh năng suất, chất lượng rừng trồng, phát triển giống cây trồng lâm nghiệp theo vùng sinh thái, hướng đến quản lý và phát triển bền vững diện tích rừng trồng toàn tỉnh, góp phần nâng cao giá trị rừng trồng. 

Đến năm 2030, tỉnh sẽ thiết lập hệ thống nguồn giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng di truyền, dần chủ động được nguồn vật liệu giống phục vụ trồng rừng; tỷ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc giống đạt từ 95%, sinh khối rừng trồng tăng trưởng đạt từ 20-25m3/ha/năm.

Phấn đấu đến năm 2030, hoạt động sản xuất, sử dụng giống thân thiện với môi trường được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Bảo tồn nguồn gen các giống cây lâm nghiệp bản địa quý, hiếm để cung cấp vật liệu ban đầu cho nhân giống, tạo giống phục vụ sản xuất hàng hóa đối với các nguồn gen đã được công nhận. 

Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia sản xuất giống để đáp ứng đủ giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng tập trung gắn với chuỗi sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản. Nâng cao nhận thức trong việc sử dụng giống lâm nghiệp chất lượng cao và được kiểm soát nguồn gốc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển rừng; quan tâm chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, chọn, tạo sản xuất giống chất lượng cao, chủ động trong sản xuất giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

tm-img-alt
Phấn đấu đến năm 2030, hoạt động sản xuất, sử dụng giống thân thiện với môi trường được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2030 đáp ứng đủ nhu cầu về giống trồng rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 41.500.000 cây giống các loại/năm (gồm cả cây phân tán) và khoảng 1.500.000 - 2.000.000 cây giống lâm sản ngoài gỗ để kết hợp trồng dưới tán rừng. 

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ gồm: Xác định danh mục các loài cây ưu tiên tại địa phương như nhóm loài cây lấy gỗ phục vụ trồng rừng kinh tế, nhóm loài cây trồng làm giàu rừng, trồng bổ sung trong khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nhóm loài cây lâm sản ngoài gỗ, nhóm loài cây trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ngập nước. 

Hỗ trợ khoảng 120 nghìn cây giống trồng vườn cây đầu dòng cho các đơn vị chủ rừng nhà nước để phục vụ nhân giống chất lượng cao. Điều tra, khảo sát, bình tuyển, chọn lọc công nhận khoảng 200-300 cây trội đặc hữu của tỉnh (Quế quỳ, Lim xanh, Samu, Pơ mu, Thông nhựa...). Xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống cơ sở nghiên cứu, hệ thống vườn ươm lâm nghiệp nâng cao giá trị kinh tế và hiệu quả trồng rừng. Xây dựng mới khoảng 10 vườn ươm cố định, phù hợp với quy mô, năng lực và đáp ứng nhu cầu sản xuất, cung ứng giống trên địa bàn. Củng cố, cải tạo, nâng cấp khoảng 13 vườn ươm thuộc các đơn vị chủ rừng nhà nước hiện đang hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Hỗ trợ khoảng 12 triệu cây giống mầm mô chất lượng cao được chuyển giao kỹ thuật để chăm sóc, huấn luyện phục vụ trồng rừng chất lượng cao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp... với hình thức hỗ trợ sau đầu tư nhằm tiếp cận và nâng cao kỹ năng sản xuất cây giống mầm mô chất lượng cao phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn. Xây dựng tiêu chí lựa chọn hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống ngoài quốc doanh (HTX, Doanh nghiệp, Hộ gia đình...) nguồn giống gốc, cây đầu dòng. 

Bên cạnh đó, thực hiện các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học, đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo và công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra giám sát giống lâm nghiệp.  

UBND tỉnh cũng đề ra 4 giải pháp thực hiện. Trong đó, hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp; nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp; nâng cao năng lực quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giống cây trồng lâm nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giống lâm nghiệp nâng cao nhận thức cho người sử dụng giống. Cung cấp thông tin về các giống cây, công tác trồng, chăm sóc các loài cây bản địa trên địa bàn tỉnh cho các trang Website và Fanpage ứng dụng di động để hỗ trợ tư vấn lâm sinh, cảnh báo sớm về các vấn đề như dịch bệnh hoặc thay đổi khí hậu.

Đồng thời, cung cấp các hình thức hỗ trợ tài chính như khoản vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, hay hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu và sản xuất giống cây. Tạo các quỹ đầu tư với mục tiêu đầu tư vào các dự án nghiên cứu và sản xuất giống cây mới và cải tiến. Tập trung hỗ trợ đầu tư, thúc đẩy sớm hoàn thiện Trung tâm sản xuất giống lâm nghiệp công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đưa vào vận hành để hình thành mạng lưới sản xuất giống lâm nghiệp chất lượng cao. Khuyến khích, các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất hiện có nâng cấp và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong xây dựng nguồn giống, cơ sở sản xuất giống có quy mô lớn, cung ứng giống ổn định, lâu dài theo yêu cầu chuỗi sản phẩm, sản xuất và cung cấp giống năng suất chất lượng và thích ứng biến đổi khí hậu...

Quảng Bình: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng

Theo đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lâm nghiệp và quy định về công tác theo dõi diễn biến rừng gắn với quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng trên địa bàn; thực hiện nghiêm quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản chỉ đạo đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng…

Đồng thời các Ban Quản lý Rừng, Công ty Lâm nghiệp thực hiện cập nhật, theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên diện tích được Nhà nước giao, cho thuê theo quy định; xác định các diện tích biến động của từng loại đất, loại rừng theo các nguyên nhân đảm bảo phản ánh chính xác, minh bạch, khách quan diện tích các loại rừng, đất quy hoạch phát triển rừng hiện có; thông tin cập nhật, theo dõi nguyên nhân thay đổi phải được thể hiện trên bản đồ, biểu số liệu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác số liệu theo dõi diễn biến rừng, gắn với công tác giao kế hoạch, nghiệm thu công tác bảo vệ rừng, sử dụng và phát triển rừng, chi trả các-bon rừng từ nguồn kinh phí ERPA.

tm-img-alt
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng trên địa bàn.

Chi cục Kiểm lâm tăng cường hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác theo dõi diễn biến rừng cho các hạt Kiểm lâm cấp huyện và các chủ rừng; chủ động nắm tình hình, rà soát và xử lý các thông tin biến động rừng tự nhiên; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giám sát biến động rừng để kịp thời phát hiện các vị trí biến động rừng trên thực địa và kiểm tra, xác minh nguyên nhân, thời điểm biến động rừng; xử lý hoặc tham mưu xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra mất rừng, vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định.

Bên cạnh đó, các địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về phá rừng, gây cháy rừng, tự chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác... trên địa bàn quản lý; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan phối hợp với Hạt Kiểm lâm trong việc cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất gắn với việc giao rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác… để thực hiện công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng và cập nhật, báo cáo diễn biến rừng theo quy định. Các Ban Quản lý Rừng phòng hộ trực thuộc thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ rừng, cập nhật theo dõi diễn biến rừng trên lâm phận quản lý và tăng cường kiểm tra rừng để kịp thời phát hiện biến động rừng, báo cáo Hạt Kiểm lâm để kiểm tra, xác minh và cập nhật diễn biến rừng theo quy định.

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp

Nhận định về xu thế xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 21-31/3, ngày 20/3, Trưởng phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết xâm nhập mặn ở khu vực trên tăng dần đến giữa tuần sau đó giảm dần.

Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 3/2023. Chiều sâu ranh mặn 4‰ trong thời kỳ này có khả năng như sau:

Phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 70-90km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 50-57km; sông Hàm Luông là 50-60km; sông Cổ Chiên là 40-50km; sông Hậu là 40-47km; sông Cái Lớn là 40-45km.

Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.

tm-img-alt
Hồ trữ nước để tưới vườn sầu riêng gần 7.000m2 của gia đình ông Lê Ngọc Sơn (ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), bảo đảm 1 tháng tưới nước trong mùa hạn mặn. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3/2024 (24-28/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2024 (từ 24-28/3, từ 8-13/4, từ 22-28/4).

Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cấp 2.

Độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 20/3/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.