Chủ nhật, 28/04/2024 15:04 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/10/2023

MTĐT -  Thứ tư, 11/10/2023 16:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/10/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/10/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Miền Bắc sắp đón mưa lớn kéo dài

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, các tỉnh miền Trung đang trong một đợt mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày.

Ngày hôm nay (10/10), khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to.

Lượng mưa tính từ 7-15h ngày 10/10 có nơi trên 60mm như Yên Hòa (Hà Tĩnh) 69mm, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) 195.4mm, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) 71mm.

Dự báo từ chiều tối ngày 10/10 đến ngày 12/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120mm, có nơi trên 150mm, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị 150-300mm, có nơi trên 350mm.

Cơ quan khí tượng nhận định, từ đêm 11/10 đến ngày 12/10, mưa lớn có khả năng mở rộng ra khu vực Nghệ An với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 250mm. Dự báo mưa lớn ở Nghệ An đến Thừa Thiên Huế còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 14/10.

Đặc biệt, từ khoảng đêm 12/10 mưa lớn có khả năng mở rộng ra khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa, kéo dài đến hết ngày 13/10. Trong hai ngày 14-15, miền Bắc tiếp tục có mưa rải rác nhưng giảm về cường độ.

Hà Nội tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố Hà Nội. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện. Tập trung nguồn lực lớn, có trọng điểm của nhà nước và đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ môi trường, cấp nước sạch nông thôn và đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Hướng tới phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân khu vực nông thôn Thủ đô.

Mục tiêu chung là thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bản thành phố Hà Nội, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, phấn đấu đưa vùng nông thôn của Thủ đô trở thành nơi đáng sống.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, 08 nội dung chính được triển khai bao gồm: Chất thải và phụ phẩm công nghiệp; Bao gói thuốc bảo vệ thực vật; Chất thải rắn sinh hoạt; Nước thải sinh hoạt; Bảo vệ môi trường làng nghề; Cảnh quan nông thôn; An toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; Cấp nước sạch nông thôn.

Từ đó, 05 nhóm giải pháp được thực hiện, bao gồm: Cơ chế chính sách; Tuyên truyền, tập huấn; Khoa học công nghệ; Huy động nguồn lực; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Hà Tĩnh: Chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Thực hiện Văn bản số 35/QGPCTT ngày 09/10/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt và nguy cơ lũ, lũ qụét, sạt lở đất, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, tập trung triển khai một số nhiệm vụ:

Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền đầy đủ thông tin mưa lũ đến các địa phương, đơn vị và người dân được biết, đồng thời phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Triển khai lực lượng tổ chức rà soát các hộ dân, nắm số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu. Phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp; đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Chuẩn bị phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng phó với với thời gian mưa lũ kéo dài.

Chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, như: Ngầm qua suối, đường bị ngập sâu, bến đò ngang, đò dọc... nghiêm cấm đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ để xảy ra những tai nạn chết người do bất cẩn. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, chủ tịch UBND cấp huyện quyết định và chịu trách nhiệm trong việc cho học sinh nghỉ học để hạn chế việc đi lại, tránh bất cẩn xảy ra sự cố đáng tiếc.

tm-img-alt
Từ chiều 11 - 13/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với gió đông trên cao nên toàn khu vực xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa cả đợt vùng núi phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 300mm. Mưa lớn nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi, ven các sông suối, ngập úng ở vùng trũng thấp và khu vực đô thị.

Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập nhất là các hồ đập có nguy cơ mất an toàn cao, bố trí lực lượng tuần tra canh gác, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để đảm bảo an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.

Hướng dẫn người dân triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả, các lồng bè và diện tích nuôi trồng thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của thời tiết trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền biết diễn biến gió mạnh và sóng lớn trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, cũng như phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra.

Các đơn vị được giao quản lý công trình hồ đập, thủy lợi, thủy điện, đê điều tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập; đặc biệt là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các hồ chứa đang thi công, sửa chữa và các tuyến đê xung yếu, đê, cống qua đê đang thi công. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ, vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt tại các vị trí xung yếu.

Đối với các hồ chứa có cửa van, đơn vị quản lý theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là tình hình mưa từ các cơ quan khí tượng thủy văn để chủ động vận hành, nhằm đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du và tích đủ nước phục vụ sản xuất. Đối với các cống tiêu, thoát lũ phải cử người thường trực thường xuyên để vận hành tiêu thoát lũ kịp thời.

Sở NN&PTNT chỉ đạo các công ty TNHH MTV thủy lợi, các địa phương thường xuyên kiểm tra, tổ chức vận hành các công trình tiêu thoát lũ kịp thời chống ngập úng, triển khai các phương án đảm bảo an toàn các hồ, đập thủy lợi; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Chỉ đạo hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Sở Công thương chỉ đạo công tác vận hành an toàn các hồ, đập thủy điện (đặc biệt là thủy điện Hố Hô) để vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa an toàn cho vùng hạ du, chỉ đạo các chủ hồ kịp thời cập nhật thông tin vận hành hồ chứa về cơ quan quản lý và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ các địa phương khi có mưa, lũ lớn; có phương án đảm bảo an toàn hệ thống điện, duy trì nguồn điện phục vụ tiêu úng, vận hành tràn xả. lũ của các hồ chứa.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai; phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư phối hợp với các đơn vị quản lý kịp thời khắc phục hậu quả, khôi phục giao thông trên các trục chính qua trên địa bàn tỉnh.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu; đảm bảo an ninh trật tự và chủ động triển khai phương án ứng phó với thiên tai đã được phê duyệt.

Chủ đầu tư các công trình, các Ban Quản lý Dự án phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai phương án bảo đảm an toàn đối với công trình, người và máy móc, thiết bị khi có mưa lớn xảy ra.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến thiên tai; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủng động phòng, tránh.

Các tiểu ban thuộc Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với địa phương chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp, duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Bình Phước: Tái thả 7 cá thể động vật rừng về môi trường tự nhiên

Hạt Kiểm lâm liên huyện Bù Gia Mập - thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) vừa phối hợp với Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Bù Gia Mập) tổ chức tái thả 7 cá thể động vật nguy cấp về rừng.

Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thả các cá thể động vật quý hiếm về rừng tự nhiên. (Ảnh: TTXVN phát)
Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thả các cá thể động vật quý hiếm về rừng tự nhiên. (Ảnh: TTXVN phát)

Các cá thể động vật được tái thả về môi trường tự nhiên tại Tiểu khu 14 và 23 của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, gồm: 3 cá thể tê tê Java (tên khoa học là Manis Javanica); 1 cá thể khỉ đuôi lợn (Macaca Leonina); 1 cá thể culi nhỏ (Nyticebus Pygmaeus); 1 cá thể trăn gấm (Python Reticulatus) và 1 cá thể kỳ đà vân (Varanus Nebulosus).

Loài Tê tê Java thuộc nhóm IB đã được đưa vào sách Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN (1996, 2000), nhóm bị đe dọa tuyệt chủng (cực kỳ nguy cấp - CR). Loài khỉ đuôi lợn đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2000 và Danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp (Phụ lục IIB Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính Phủ).

Loài culi nhỏ được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2000 và Danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành Lâm nghiệp (Phụ lục IB Nghị định 48/2002/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính Phủ).

Theo Hạt Kiểm lâm liên huyện Bù Gia Mập-thị xã Phước Long, những cá thể động vật trên được đơn vị tiếp nhận từ người dân địa phương tự nguyện giao nộp. Sau đó, động vật được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Bù Gia Mập) chăm sóc ở môi trường bán hoang dã. Khi động vật đủ điều kiện tái hòa nhập với môi trường, lực lượng chức năng tổ chức tái thả về rừng.

Đại diện Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Bù Gia Mập) cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các Trạm Kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập theo dõi đánh giá trong vòng 15 ngày.

Những cá thể động vật sau tái thả có biểu hiện chưa thích nghi được trong môi trường rừng tự nhiên sẽ được đưa về lại Trung tâm để tiếp tục cứu hộ, phục hồi bản năng tự nhiên và thực hiện tái thả trong đợt tiếp theo.

Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Bình Phước và Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã tổ chức nhiều đợt thả động vật rừng nguy cấp về môi trường rừng tự nhiên. Phần lớn động vật được tái thả thời gian qua do người dân giao nộp.

Gia Lai: Vỡ đập tràn Thủy điện, trên 23ha cây trồng bị thiệt hại

Chiều 11/10, lãnh đạo UBND xã Ia Ga, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, địa phương này đã có báo cáo nhanh, bước đầu xác định nguyên nhân sự cố vỡ bê tông thi công đập tràn Thủy điện Ia Glae 2 và hơn 23ha cây trồng hoa màu bị thiệt hại. Công tác thống kê con số thiệt hai vẫn đang được tiếp tục.

Cụ thể, theo báo cáo của UBND xã Ia Ga gửi lên UBND huyện Chư Prông, thể hiện, vào đêm 08-10, trên địa bàn xã mưa to với lưu lượng lớn, lượng nước từ thượng nguồn suối Ia Gle về gây ngập lụt cục bộ và trôi đất, đá về phía hạ lưu.

Tại vị trí đập Ia Glae 2A (Công trình Nhà máy thủy điện Ia Glae 2, do Công ty cổ phần Thủy điện Khải Hoàng làm Chủ đầu tư), có triển khai xây dựng tường chắn tạm trong quá quá trình thi công, bằng bê tông, tuy nhiên với lưu lượng nước lớn đã đẩy trôi bức tường này.Việc ngập úng cục bộ gây ảnh hưởng tới cây trồng, hoa màu và tài sản của người dân dọc hai bên suối.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND xã và Công ty Khải Hoàng đã thông báo tới thôn trưởng các thôn, làng cùng toàn thể nhân dân trên địa bàn xã thống kê, lập danh sách các hộ bị thiệt hại.

tm-img-alt
Đập Ia Glae 2A, thuộc công trình Nhà máy thủy điện Ia Glae 2 bị nước cuốn trôi.

Đến tối ngày 10-10, UBND xã và Công ty Khải Hoàng thống kê ban đầu về tài sản của 19 hộ dân (07 hộ dân xã Ia Ga; 09 hộ dân xã Ia Pia xâm canh; 03 hộ dân xã Ia Lâu xâm canh) với tổng diện tích 23,83ha. Trong đó, có 2,8 ha sắn; 0,4 ha cây dâu; 5,55 ha ngô; 1,2 ha đậu các loại; 6,6 ha cây điều; 1,8 ha cây tiêu; 5,06 ha cây cà phê; 0,4 ha cây cao su; 0,02 ha cây chuối; bị trôi tổng cộng 4 máy phát cỏ, 13 cái máy nổ bơm nước cùng vòi rồng; 17 cuộn ống; không thiệt hại về người.

UBND xã và Công ty đang tiếp tục thông báo thống kê các diện tích bị thiệt hại và chỉ đạo hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, làng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ dân có nguy cơ ngập lụt di chuyển tài sản, vật nuôi và người đến nơi an toàn; tiếp tục nắm chắc tình hình mưa bão, ngập lụt và kịp thời thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; chỉ đạo kiểm tra tất cả các biển báo, bố trí lực lượng trực các đoạn đường ngập sâu, cầu cống để cảnh báo không cho người dân tự do đi lại. Chỉ đạo nhân dân kịp thời thu hoạch diện tích hoa màu có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Kiểm soát chặt 'điểm đen,' 'điểm nóng' về ô nhiễm

Lực lượng tình nguyện thu gom rác tại bãi biển Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)
Lực lượng tình nguyện thu gom rác tại bãi biển Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay, nhờ sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương cùng nỗ lực của ngành Tài nguyên và Môi trường, các “điểm đen,” “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát chặt chẽ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, địa bàn tỉnh có 6 địa phương là huyện Long Điền, Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ đã cơ bản hoàn thành việc quản lý các “điểm đen,” “điểm nóng” về môi trường. Thành phố Vũng Tàu chưa hoàn thành việc kiểm soát này tại đoạn cuối kênh tiếp nhận nước thải đô thị của thành phố.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, toàn tỉnh có 6 “điểm nóng” ô nhiễm nhưng đang được các địa phương kiểm soát tốt như các hoạt động chế biến mủ cao su, khắc phục cơ bản ô nhiễm khu vực cổng số 6 (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ) không để ảnh hưởng đến nghề nuôi trồng thủy hải sản trên sông Chà Và…

Các địa phương đã rà soát và thống kê có 66 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường gồm 36 “điểm đen” là hoạt động của các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi và 30 “điểm đen” công cộng. Các điểm này đang được các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và từng bước thực hiện để rút dần các “điểm đen” ô nhiễm, trả lại môi trường trong lành cho khu dân cư.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp, lượng chất thải thải ra môi trường ngày càng gia tăng. Tại địa phương, tình trạng ô nhiễm môi trường tập trung ở các lĩnh vực như chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; chế biến hải sản; luyện, cán thép…

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp các sở, ngành thường xuyên, đột xuất tại các “điểm nóng,” “điểm đen” về môi trường để kịp thời đề xuất xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định. Nếu phát hiện tình trạng xả thải trái phép ra môi trường, người dân cần báo ngay đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định

Cà Mau ưu tiên nhiệm vụ cấp bách phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: Công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân.

Do vậy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, ổn định dân sinh. Tỉnh Cà Mau ưu tiên các nhiệm vụ có tính cấp bách, kết hợp với tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 13/7/2018 về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Nghị quyết số 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Kế hoạch số 156-KH/TU, ngày 27/5/2020 thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...

tm-img-alt
Sạt lở đã đến nền nhà của một hộ dân tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 3/10/2023 triển khai thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Trong đó, UBND tỉnh đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Cụ thể là tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; hỗ trợ, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc phạm vi của tỉnh. Tỉnh tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động ven sông, ven biển có nguy cơ làm tăng rủi ro về sạt lở đất; hiện đại hóa công tác quan trắc, dự báo và cảnh báo kịp thời nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển. Tỉnh chú trọng việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, vật liệu mới phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực để phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; xây dựng các công trình phòng, chống, khắc phục sạt lở.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, kết quả rà soát gần đây cho thấy, tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 91km. Các đoạn bờ sông đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở khoảng 425 km. Với tốc độ sạt lở rất nhanh, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới, sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ ven biển đã được hình thành qua hàng trăm năm. Đến nay, tỉnh có tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 187 trong số 254 km bờ biển. Giai đoạn 2011-2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha, tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh. Trong khi đó, chiều dài các đoạn bờ sông bị sạt lở và nguy cơ sạt lở khoảng 425 km trong tổng số 8.118 km sông, rạch trên địa bàn tỉnh.

Sạt lở bờ sông đã làm hư hỏng, sụt xuống sông gần 28 km đường giao thông, 303 căn nhà, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến khu vực với diện tích hơn 3.700 ha, bao gồm: nhà ở, tài sản, diện tích sản xuất của người dân và hạ tầng quan trong khác. Ước tính thiệt hại về tài sản trên địa bàn tỉnh khoảng 1.109 tỷ đồng.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/10/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.