Thứ sáu, 03/05/2024 02:27 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/2/2023

MTĐT -  Chủ nhật, 12/02/2023 18:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/2/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/2/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Nhiều chỉ tiêu, định hướng về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2030

Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu nâng cao chất lượng rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học…

Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành đưa ra quan điểm là “Phát huy tối đa lợi thế quốc gia, vùng, địa phương; Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Đồng thời, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng tài nguyên biển và các loại khoáng sản; bảo đảm an inh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Về tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra yêu cầu môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hòa với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng các – bon thấp; phấn đấu nhanh nhất giảm mục tiêu giảm phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050... Đồng thời, Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; nâng cao chất lượng rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 3 triệu ha.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%, trong đó tỷ lệ xử lý thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt khoảng 50%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm còn 10% so với lượng chất thải được thu gom; tỷ lệ tái chế rác thải hữu cơ đạt 100% ở đô thị và 70% ở nông thôn.

Trong khi đó, phấn đấu tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 98%, trong đó tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Sơn La: Tìm lời giải cho bài toán ô nhiễm tại xã nông thôn mới Cò Nòi

Được công nhận xã NTM vào năm 2019, đang hướng tới xây dựng NTM nâng cao, song, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đang gặp nhiều khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt, ô nhiễm môi trường do chăn nuôi, sơ chế nông sản nhỏ lẻ. Trước thực trạng này, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND huyện rà soát, xác định các khu vực theo phản ánh của người dân, yêu cầu triển khai ngay những giải pháp khắc phục.

Trên địa bàn Tiểu khu 39 và bản Nhạp, xã Cò Nòi có hơn 350 hộ gia đình. Theo phản ánh của người dân, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải chăn nuôi, chế biến nông sản, giết mổ gia súc; bụi từ các cơ sở chế biến ngô, mật mía đã diễn ra nhiều năm, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Chấn chỉnh tình trạng này, xã Cò Nòi đã lắp camera giám sát, cắm biển, cử người giám sát tại điểm gần cổng chợ Cò Nòi - vị trí công dân thường xuyên vứt, thải bỏ rác thải; đã xử lý vi phạm 3 trường hợp. Song, tình trạng vứt, thải bỏ rác trái quy định vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế.

tm-img-alt
Lấy mẫu nước giếng khoan của hộ gia đình để phân tích, đánh giá chất lượng nước.

Sở TN&MT đã lấy 5 mẫu nước, gồm 3 mẫu nước giếng khoan của các hộ gia đình, 1 mẫu nước thải chế biến tinh bột sắn tại cơ sở chế biến tinh bột sắn, 1 mẫu nước thải đọng trên suối Me Lả, để phân tích, đánh giá chất lượng nước.

Tại cuộc họp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Cò Nòi diễn ra ngày 9/2, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Thị Hồng đã yêu cầu Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La - Chi nhánh Mai Sơn phối hợp với UBND xã thực hiện ngay việc nạo vét, thanh thải khu vực cống 39.

Với cơ sở sơ chế tinh bột sắn, niên vụ 2021-2022, huyện Mai Sơn đã kiểm tra, xử lý, dừng hoạt động 2/3 cơ sở. Niên vụ 2022-2023, còn 1 hộ hoạt động không thường xuyên, có hiện tượng lắp đặt đường ống xả nước thải ra hệ thống thoát nước chung. Trong ngày 9/2, lực lượng chức năng đã yêu cầu tháo dỡ toàn bộ đường ống dẫn nước thải; chỉ đạo xã Cò Nòi phối hợp với cơ quan chuyên môn lập hồ sơ xử lý các vi phạm của cơ sở.

>>> Xem đầy đủ TẠI ĐÂY

Thanh Hóa: Công tác bảo vệ môi trường biển ở huyện Hậu Lộc

Trong những năm qua, với sự chung tay của các cấp chính quyền và người dân địa phương, công tác bảo vệ môi trường biển ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã đạt được những thành quả nhất định.

Để thực hiện mục tiêu “bảo vệ môi trường biển là bảo vệ môi trường sống cho con người”, trong năm 2022 huyện Hậu Lộc đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn, nhất là địa phương ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường; không xả rác, nước thải chưa qua xử lý, những chất thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển.

Đồng thời, huyện đã phối hợp tổ chức hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường và Ngày quốc tế đa dạng sinh học tại địa phương; tổ chức trồng mới diện tích sú vẹt giống bản địa trên diện tích đất ngập mặn, xói mòn, rửa trôi để bảo vệ sản xuất và môi trường.

Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hậu cho biết: Trong thời gian tới huyện sẽ hoàn thiện mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, đảm bảo không còn tình trạng chôn lấp không hợp vệ sinh, hướng tới đồng bộ việc thu gom và phân loại rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện.

Có giải pháp lâu dài để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải tại khu vực các xã ven biển, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và tiến tới áp dụng các chế tài đủ mạnh để hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư...

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, bình quân mỗi ngày 6 xã ven biển: Hòa Lộc, Ngư Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc phát sinh khoảng 42 tấn rác thải sinh hoạt, chiếm khoảng 1/2 tổng lượng rác thải toàn huyện.

Đặc biệt, đây là nơi giao thoa giữa 2 cửa sông Lạch Sung và Lạch Trường nên hàng ngày một lượng lớn rác thải trôi dạt từ biển vào khiến cho vùng bờ ngập trong rác thải.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Thanh Hóa: Huyện Ngọc Lặc xây dựng công trình thủy lợi, chủ động nước tưới tiêu

Bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện Ngọc Lặc mới được đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số công trình thủy lợi như tu sửa, nâng cấp hồ Ngọc Mùn (xã Cao Ngọc), hồ Nam (xã Kiên Thọ), đập Bai Mốc (xã Thạch Lập), hệ thống kênh hồ Liên Thành (xã Phùng Minh), hồ Hón Sung (xã Mỹ Tân); tu sửa, nâng cấp đập Bai Tọc (thị trấn Ngọc Lặc), đập Kiên Trí (xã Kiên Thọ), đập Bai Trùng, đập Mó Mũ (xã Minh Sơn), đập Vó Khủ (xã Ngọc Trung), hồ Đồng Gia (xã Thúy Sơn),... đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các xã trên địa bàn đã đầu tư kinh phí, công lao động, vật liệu tại chỗ để làm mới, tu sửa hàng chục công trình thủy lợi; xây kiên cố hàng chục km kênh mương nội đồng, kênh chính các hồ thủy lợi...

Hàng năm, huyện, xã đã phát động toàn dân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương, sửa chữa những hư hỏng nhỏ của công trình, đắp bờ vùng, bờ thửa để giữ nước.

Ngoài ra, các xã, thôn còn phát huy nội lực thi công các công trình nhỏ như: phai, đập nhỏ tạm thời dâng nước từ dòng chảy sông, suối để tưới hỗ trợ cho gần 1.000 ha cây trồng.

tm-img-alt
Hồ Cống Khê (Ngọc Lặc) tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.

Đến tháng 2/2023, huyện Ngọc Lặc có 151 công trình thủy lợi, ngoài hồ Cống Khê (thị trấn Ngọc Lặc) theo thiết kế có dung tích chứa 4 triệu 380 ngàn m3 nước, còn lại là hồ, đập vừa và nhỏ, hàng năm đảm nhận tưới cho khoảng 2.200 ha/vụ.

Trong đó, có 11 công trình do Công ty TNHH MTV Sông Chu - Chi nhánh Ngọc Lặc quản lý, khai thác, phục vụ nước tưới cho 920 ha cây trồng. Chi nhánh đã tổ chức kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo đảm các hồ chứa và đập an toàn. 2 hồ: Bai Ao (xã Đồng Thịnh) và Bai Ngọc (xã Quang Trung) đã được sửa chữa, nâng cấp, đưa vào sử dụng. Các hư hỏng nhỏ trên kênh dẫn nước hồ Trung Tọa, kênh Nam hồ Cống Khê, đập Minh Hòa,... đã được sửa chữa kịp thời. Chi nhánh đã chủ động tích trữ đủ nước theo thiết kế trong 11 hồ, đập do đơn vị quản lý; nạo vét 6 tuyến kênh cấp I góp phần dẫn nước từ đầu mối đến mặt ruộng với khối lượng đào đắp gần 1.200m3 bùn, đất. Chi nhánh đã chủ động xây dựng và triển khai phương án chống khô hạn đến từng công trình như quản lý nguồn nước hồ, đập gắn với tưới nước tiết kiệm; điều tiết nước tưới các công trình thủy lợi phân đợt khoa học, hợp lý; các tổ thủy nông phân công cán bộ, công nhân bám địa bàn để dẫn nước, ưu tiên nước cho vùng cuối kênh, vùng cao khó tưới.

Bắc Giang: Nâng hạng bộ chỉ số về môi trường

Cuối tháng 12/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố kết quả thực hiện bộ chỉ số PEPI năm 2021. Bắc Giang đạt tổng điểm 70,35, xếp thứ 9 cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2020; đứng sau các tỉnh, TP: Đà Nẵng, Bà Rịa -Vũng Tàu, Trà Vinh, Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long, Quảng Ninh. Tổng điểm bộ chỉ số PEPI thấp nhất là Đắk Nông với 51,30 điểm.

Đây là lần thứ hai Bộ TN&MT xếp hạng theo bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ BVMT và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Việc công bố kết quả thực hiện bộ chỉ số đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, thu hút sự quan tâm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong thực hiện các mục tiêu, chính sách về BVMT, hướng đến phát triển hài hòa KT-XH và môi trường. Kết quả thực hiện bộ chỉ số cũng là nguồn thông tin quan trọng giúp Bộ TN&MT, các địa phương nắm bắt được mặt mạnh, mặt yếu, từ đó điều chỉnh chính sách, chỉ đạo phù hợp, nâng cao hiệu quả công tác BVMT.

tm-img-alt
Một góc nhà máy xử lý rác thải xã Kiên Thành (Lục Ngạn)

Nội dung bộ chỉ số được cấu trúc thành hai nhóm như: Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về BVMT với 4 nhóm tiêu chí, 11 tiêu chí thành phần, 26 chỉ số đánh giá và đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống với 4 nhóm tiêu chí, 1 chỉ số đánh giá.

Thực hiện công tác BVMT, Bắc Giang có nhiều chỉ số thành phần đạt cao, góp phần nâng thứ hạng. Cụ thể, tỷ lệ số khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu được xử lý, cải tạo đạt 100%, xếp thứ nhất; xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng xếp thứ 5; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường Bắc Giang đứng thứ 3 cả nước. Đây là chỉ số phản ánh mức độ quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật về BVMT tại các đô thị trên địa bàn, là cơ sở để đánh giá kết quả xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của các tỉnh, TP.

Bắc Giang có 56,36% nước thải khu đô thị được xử lý nước đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt hơn 43,65%, đứng thứ 7. Tỉnh đã khắc phục, không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cụ thể như: Đã cải tạo hệ thống xử lý nước thải, cải tạo hồ chứa nước thải tại khu giết mổ trâu bò Phúc Lâm và xây dựng, vận hành trạm xử lý nước thải công suất 1.500 m3/ngày đêm ở làng nghề nấu rượu xã Vân Hà (Việt Yên); đầu tư khu xử lý rác thải tại một số bệnh viện.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Khánh Hòa: Thanh niên Lữ đoàn 101 tham gia Ngày Chủ nhật xanh

Ngày 12/2, Đoàn cơ sở Lữ đoàn 101, Vùng 4 Hải quân tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh. Hoạt động nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong đoàn viên, thanh niên; góp phần cải tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp...

tm-img-alt
Hơn 600 đoàn viên, thanh niên Lữ đoàn 101 tham gia Ngày Chủ nhật xanh.

Hơn 600 cán bộ, đoàn viên, thanh niên của lữ đoàn đã tham gia thực hiện các phần việc như: Vệ sinh môi trường; củng cố khuôn viên các đơn vị, công trình thanh niên của đoàn cơ sở lữ đoàn, công trình đài phun nước, phòng truyền thống, vườn cây ăn quả của lữ đoàn.

Đoàn viên, thanh niên của lữ đoàn còn thu gom rác thải trên Quốc lộ 1 đoạn qua lữ đoàn với chiều dài hơn 600m; cắt cỏ, tỉa cây, phát quang bụi rậm với hơn 800m dọc các tuyến đường...

Cần lên phương án ứng phó với xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ NN-PTNT vừa có văn bản đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL tăng cường các giải pháp để ứng phó với xâm nhập mặn bất thường, gia tăng do giảm lượng xả từ hồ chứa thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông trong khoảng từ ngày 16/2/2023 đến nửa đầu tháng 3/2023.

Từ ngày 11-20/2, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tiếp tục tăng. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức tương đương độ mặn cao nhất tháng 2/2022.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Từ ngày 11-20/2, ở thượng nguồn sông Mê Công và khu vực Nam Bộ sẽ phổ biến ít mưa, ban ngày trời nắng. Nhiệt độ thấp nhất ban đêm phổ biến 23-26 độ C; nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 32-35 độ C, riêng miền Đông có nơi cao hơn 35 độ C.

Mực nước các trạm trung, hạ lưu sông Mê Công dao động theo xu thế giảm dần và phổ biến ở mức tương đương trung bình nhiều năm.

tm-img-alt
Lên phương án ứng phó với xâm nhập mặn gia tăng. Ảnh minh họa

Cụ thể, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,5m, tại Châu Đốc 1,65m, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,15-0,2m.

Mực nước thủy triều trạm Vũng Tàu: Đỉnh triều từ ngày 11-15/2/2023 ở mức trung bình và ít biến đổi dao động trong khoảng 3,6-3,7m; từ ngày 16-20/02/2023 đỉnh triều dao động từ 3,7-3,98m. Mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu từ ngày 10-20/02/2023 đạt 3,98m (thời gian xuất hiện khoảng từ 14-16h ngày 20/2/2023).

Mực nước thủy triều phía Biển Tây (trạm Phú Quốc): Trong khoảng thời gian từ ngày 11-14/2/2023, mực nước cao nhất ngày ít biến đổi, phổ biến dao động từ 1,15-1,21m, từ ngày 15/2/2023 mực nước cao nhất ngày có xu thế tăng dần. Mực nước cao nhất tại trạm Phú Quốc từ ngày 10-20/2/2023 đạt 1,39m (thời gian xuất hiện khoảng từ 1-3h ngày 18/2/2023).

Từ ngày 11-20/2, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tiếp tục tăng. Độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức tương đương độ mặn cao nhất tháng 2/2022.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/2/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.