Thứ năm, 02/05/2024 21:23 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/2/2023

MTĐT -  Thứ năm, 09/02/2023 16:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/2/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/2/2023.

Thời tiết nồm ẩm đang diễn ra ở Bắc Bộ kéo dài đến bao giờ?

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ngày 9/2, Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội vẫn tiếp tục trạng thái có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, nồm ẩm kéo dài. Gió Đông đến Đông Nam cấp 2-3. Trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét. Nhiệt độ cao nhất phổ biến ở mức 23-26 độ C. Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào vài nơi.

Nhận định về thời tiết nồm ẩm đang diễn ra tại Bắc Bộ gây khó chịu trong sinh hoạt của người dân, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết hình thái thời tiết này diễn ra từ đầu tháng 2 và kéo dài đến tháng 4/2023.

Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết thêm: Do chịu ảnh hưởng của khối không khí lạnh suy yếu với đới gió Đông Nam đưa ẩm từ biển vào vì thế trong cả 1 tuần nay ở các tỉnh miền Bắc liên tục xuất hiện những cơn mưa nhỏ, mưa phùn và cả hiện tượng sương mù trộn lẫn, độ ẩm trong không khí thường xuyên ở mức trên 85% gây ra hiện tượng nồm ẩm khó chịu ở miền Bắc.

Dự báo trong khoảng thời gian từ nay đến hết thứ 6 (đến hết ngày 10/2) các tỉnh miền Bắc tiếp tục xuất hiện mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, đồng nghĩa hiện tượng nồm ẩm sẽ vẫn còn kéo dài; đến khoảng ngày 11/2 miền Bắc mưa giảm, trời hửng nắng, hiện tượng nồm ẩm vì thế cũng giảm dần và có khả năng vào ngày 13/2 khi có một đợt gió mùa Đông Bắc ảnh hưởng xuống nước ta, lúc đó khối khí khô của không khí lạnh sẽ thay thế gió ẩm, lúc đó hiện tượng nồm ẩm sẽ chấm dứt; tuy nhiên đây chỉ là chấm dứt của đợt nồm ẩm hiện tại, còn khoảng thời gian từ nay đến tháng 4/2023, các tỉnh miền Bắc sẽ còn duy trì nhiều ngày nồm ẩm.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Quảng Ninh: Triển khai nhiều giải pháp quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Cụ thể công tác quản lý nhà nước về thuốc BVTV được triển khai trên 3 nội dung: Quản lý kinh doanh, buôn bán; quản lý sử dụng và quản lý thu gom bao bì thuốc BVTV. Trong năm 2022, ngành NN&PTNT đã thực hiện 15 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong các hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa vật tư nông nghiệp (gồm phân bón và thuốc BVTV). Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở đã chấp hành tốt các điều kiện về kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc BVTV, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn một vài cơ sở chưa chấp hành theo đúng quy định về kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc BVTV với lỗi vi phạm (bảng niêm yết giá ghi chưa đầy đủ, rõ ràng), đoàn đã nhắc nhở cơ sở vi phạm cần khắc phục ngay các lỗi vi phạm trên.

tm-img-alt
Trong năm 2022, ngành NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện 15 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong các hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa vật tư nông nghiệp. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường nông thôn từ hoạt động sản xuất trồng trọt, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 4.628 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và 7 khu lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Riêng năm 2022, khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được thu gom là 10.800kg (trong đó khối lượng đã xử lý tiêu hủy là 3.640kg; khối lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được thu gom vào các bể chứa, khu lưu chứa chờ xử lý tiêu hủy là 7.160kg).

Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, cho biết: Để tiếp tục thực hiện công tác quản lý nhà nước về phân bón, thuốc BVTV và cơ sở sản xuất rau, củ, quả an toàn, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý một cách kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền triển khai thực hiện Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Trồng trọt; các văn bản có liên quan đến quản lý, giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV; hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng” nhằm đạt hiệu quả phòng trừ cao, an toàn đối với người, vật nuôi và môi trường. Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đột xuất nếu có dấu hiệu vi phạm việc chấp hành quy định về quản lý phân bón, thuốc BVTV đối với các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động quảng cáo, kinh doanh phân bón, buôn bán, vận chuyển, bảo quản, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hải Dương: ​Tăng cường quản lý ao, hồ, đầm không được san lấp

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, đề xuất điều chỉnh, bổ sung hồ, ao, đầm không được san lấp trong đợt rà soát năm 2022, trình UBND tỉnh phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, giám sát, việc thực hiện danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp; xử lý nghiêm những vi phạm trong quá trình quản lý, thực hiện theo quy định...

UBND cấp huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thực hiện các biện pháp bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp tại địa phương. Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để chủ động ngăn chặn, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, lợi ích của ao, hồ, đầm trong điều hòa nguồn nước, bảo tồn văn hóa, bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ ao, hồ, đầm không được san lấp.

Trước đó, tháng 7/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục hơn 5.000 hồ, ao, đầm trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích gần 1.300 ha không được san lấp để phòng chống ngập úng và bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

Liên tiếp xảy ra 5 trận động đất tại Kon Tum trong sáng 9/2

Theo thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chỉ trong sáng 9/2 tại huyện Kon Plông, Kon Tum đã xảy ra liên tiếp 5 trận động đất có độ lớn từ 2,8 đến 3,4 độ Richter.

Theo thông tin ghi nhận, trận động đất lớn nhất có độ lớn 3,4 độ Richter xảy ra lúc 11 giờ 03' tại vị trí có tọa độ 14.962 độ Vĩ Bắc, 108.165 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trong khi đó, trận động đất nhỏ nhất 2,8 độ Richter xảy ra ngay sau đó vào lúc 11h29' tại vị trí có tọa độ 15.026 độ Vĩ Bắc, 108.186 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km cũng tại khu vực nói trên. Các trận động đất đều có cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 0.

Các chuyên gia nhận định, động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum là loại động đất kích thích gây ra do hồ chứa.

Cháy rừng khốc liệt làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm không khí

Báo cáo “Các giới hạn khả năng sống sót - Mối đe dọa đang nổi lên từ ảnh hưởng của khói bụi đến sức khỏe do cháy rừng và biến đổi khí hậu" của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu mới đây được công bố phổ biến.

Theo đó, báo cáo cảnh báo rằng, các đám cháy rừng lớn hơn, thường xuyên hơn đang ngày một gia tăng do biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và công tác quản lý đất đai kém hiệu quả. Vì vậy, các Chính phủ trên toàn thế giới cần phải chuẩn bị hệ thống y tế công để giúp người dân đối phó với các tác động của đợt ô nhiễm không khí định kỳ từ hỏa hoạn.

Với các nghiên cứu thực tế tại Australia, Brazil và Canada, các nhà khoa học đã chỉ ra, theo các kịch bản về phát thải khí nhà kính hiện tại, số lượng các vụ cháy rừng trên thế giới sẽ tăng lên tới trên 74% vào năm 2100, tạo ra một vòng lặp mất rừng do cháy rừng và gia tăng lượng phát thải khí nhà kính.

tm-img-alt
Biến đổi khí hậu khiến cháy rừng ở Mỹ thêm trầm trọng. Ảnh: AP

Đặc biệt tại rừng Amazon, vào năm 2019, cháy rừng trên diện rộng đã làm dấy lên mối quan ngại của cộng đồng về việc khu rừng nhiệt đới với mức độ đa dạng sinh học lớn nhất trên trái đất đang bị tàn phá. Cháy rừng kết hợp với hạn hán do biến đổi khí hậu còn có thể hủy hoại nơi được mệnh danh là "lá phổi xanh của Trái Đất" - một trong những hệ thống dự trữ carbon lớn của thế giới, làm biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.

Khói từ các đám cháy rừng di chuyển vượt ra khỏi biên giới các nước với khoảng cách rất xa. Điển hình là khói từ các đám cháy rừng ở Australia 2019 - 2020 đã di chuyển 66.000 km, khiến 80% dân số nước này phải chịu mức độ ô nhiễm không khí cao do khói bụi. Khói từ các đám cháy ở Alberta, Canada vào năm 2019 cũng bay tới tận châu Âu. Khói bụi từ cháy rừng có thể dẫn đến ô nhiễm không khí tăng đột biến, trong khi đó, các đám cháy kéo dài lâu hơn có thể làm ô nhiễm không khí gia tăng trong một thời gian dài. Các đám cháy lớn tái diễn hàng năm làm tăng mức độ phơi nhiễm hàng năm.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Diện tích băng ở Nam Đại Dương thấp kỷ lục làm tăng nguy cơ Trái Đất ấm lên

Trong báo cáo công bố ngày 8/2, các nhà khoa học tại cơ quan theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là C3S, cho biết trong tháng 1, diện tích băng mới ở Nam Đại Dương thấp hơn 31% so với bình thường và thấp hơn nhiều so với kỷ lục trước đó về diện tích băng trong tháng 1 hằng năm.

Diện tích băng ở Bắc Cực cũng thấp hơn khoảng 4% so với mức trung bình, mức thấp thứ 3 trong lịch sử ghi chép diện tích băng vào các tháng 1 trước đó.

tm-img-alt
Diện tích băng tại Nam Đại Dương đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. (Ảnh minh họa - Internet)

Tháng 1 năm nay cũng là tháng 1 nóng thứ ba trong lịch sử tại châu Âu. Trong đó, nhiệt độ ngày 1/1 ghi nhận tại một số vùng ở châu Âu đã lên các mức cao chưa từng thấy.

Theo các nhà khoa học, dù tình trạng băng tan chưa gây tác động rõ rệt với mực nước biển vì băng vốn đã tồn tại trong nước đại dương nhưng đây là hiện tượng đáng lo ngại vì góp phần làm nghiêm trọng tình trạng ấm lên toàn cầu. Băng có màu trắng có thể phản nhiệt, đẩy 90% lượng nhiệt từ Mặt Trời trở lại không trung. Nếu băng tan, thay bằng nước biển sẫm màu không đóng băng, nước sẽ hấp thụ lượng nhiệt nêu trên.

Trên toàn cầu, năm 2022 là năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 trong lịch sử dù hiện tượng tự nhiên La Nina kéo dài đã góp phần làm mát Trái Đất. Châu Âu cũng đã trải qua mùa hè nóng nhất từ trước tới nay, khiến các đợt hạn hán và cháy rừng xảy ra tại châu lục trở nên nghiêm trọng hơn.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/2/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Mã
Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.