Thứ ba, 28/11/2023 17:36 (GMT+7)

Tổ chức Y tế Thế giới hợp tác với Việt Nam về biến đổi khí hậu và sức khỏe

Trâm Anh -  Thứ hai, 20/11/2023 16:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam đã tham gia Liên minh hành động chuyển đổi về biến đổi khí hậu và sức khỏe (ATACH) để giúp hệ thống y tế góp phần thực hiện mục tiêu của đất nước là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngày 17/11, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam công bố, Việt Nam đã tham gia Liên minh hành động chuyển đổi về biến đổi khí hậu và sức khỏe (ATACH) để giúp hệ thống y tế góp phần thực hiện mục tiêu của đất nước là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.WHO đã thành lập Liên minh này để giúp các quốc gia thực hiện cam kết đã đưa ra tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) về biến đổi khí hậu và sức khỏe.

Công bố này được đưa ra trước Hội nghị COP28 và vào ngày diễn ra Hội nghị Đối tác Y tế Việt Nam, trong đó các cán bộ cấp cao của Bộ Y tế và các đối tác y tế được WHO mời nhóm họp, đã thảo luận về biến đổi khí hậu và sức khỏe.

tm-img-alt
Cuộc họp Nhóm đối tác y tế về biến đổi khí hậu và sức khỏe 

Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong những năm gần đây, các hiện tượng khí hậu cực đoan xảy ra với cường độ và tần suất ngày càng lớn.

“Bộ Y tế đã tham gia Liên minh Hành động Chuyển đổi về Biến đổi Khí hậu và Sức khỏe để thể hiện mong muốn của Việt Nam trong trao đổi, chia sẻ với các nước trên thế giới và cam kết thực hiện các sáng kiến về biến đổi khí hậu và sức khỏe,” Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.

Trên toàn cầu, mọi hệ thống y tế đều đang hoặc sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu: từ các hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại cho các cơ sở y tế, đến các dịch vụ y tế phải điều trị cho những người bị mắc các bệnh có khả năng gia tăng do ảnh hưởng của khí hậu như sốt xuất huyết, và bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp do không khí ô nhiễm.

Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt, cho biết: Trên khắp thế giới, chúng tôi nhận thấy để chuyển đổi hệ thống y tế trở nên bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cần có sự lãnh đạo cấp cao của mỗi quốc gia. WHO chúc mừng Việt Nam gia nhập Liên minh, điều này sẽ giúp đất nước đạt được các mục tiêu về phát thải ròng và bảo vệ sức khỏe người dân trong bối cảnh khí hậu đang biến đổi.

“Việt Nam đáng được khen ngợi vì hành động mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và sức khỏe. Ví dụ, Bộ Y tế, với sự hỗ trợ của WHO, đã thí điểm mô hình cơ sở y tế có khả năng thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu và bền vững môi trường. Điều này cho thấy rằng các cơ sở y tế sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 từ ngành y tế,” Tiến sĩ Pratt phát biểu.

Giám đốc chương trình Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Sức khỏe của WHO, Tiến sĩ Maria Neira cho biết: “Tôi xin chúc mừng Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên của Liên minh. Chúng tôi sẽ học hỏi kinh nghiệm của các bạn và hy vọng các bạn cũng sẽ học hỏi được những kinh nghiệm quốc tế mà chúng tôi đang tập hợp lại để xây dựng các cộng đồng và hệ thống y tế phát thải các bon thấp và có khả năng chống chịu.

“Thông điệp rất rõ ràng: nếu bạn giải quyết được các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, bạn có thể thu được lợi ích sức khỏe to lớn”.

WHO sẽ hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng kế hoạch ngành nhằm giảm lượng khí thải carbon và lượng chất thải xả ra môi trường của ngành y tế. Trên toàn cầu, ngành y tế chiếm 4,6% lượng phát thải khí nhà kính gây hại.

Liên minh ATACH tạo ra cơ sở cho hoạt động phối hợp; trao đổi kiến thức và thông lệ tốt nhất; mạng lưới và khả năng tiếp cận hỗ trợ và liên kết với các sáng kiến hiện có; giải quyết các thách thức chung; và theo dõi tiến trình toàn cầu. Đến nay đã có gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Liên minh.

Hội nghị COP28 sẽ diễn ra từ ngày 30/11 - 12/12/ 2023. Lần đầu tiên, Hội nghị COP sẽ ưu tiên sự cần thiết của các hành động ứng phó trước tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng. Nội dung này sẽ bao gồm Ngày Sức khỏe tại Hội nghị COP, cuộc họp cấp bộ trưởng riêng về khí hậu và sức khỏe và tuyên bố cấp bộ trưởng về khí hậu và sức khỏe./.

Bạn đang đọc bài viết Tổ chức Y tế Thế giới hợp tác với Việt Nam về biến đổi khí hậu và sức khỏe. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cảnh giác ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể
Thời gian qua, tại một số địa phương vẫn ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở trường học... Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 93 vụ với 1.617 người bị ngộ độc, 21 người tử vong.

Tin mới

Khởi công Công trình "Em yêu nước sạch” ở Lạng Sơn
Sáng 28/11, Bộ Giáo Dục và Đào tạo phối hợp với Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam tổ chức Lễ khởi công Công trình nước sạch thuộc chương trình “Mizuiku – Em yêu nước sạch” tại Trường Tiểu học và THCS Điềm He, huyện Văn Quan.
Lịch phát sóng VTV3 ngày 28/11/2023
Lịch phát sóng VTV3 ngày 28/11/2023 với nhiều chương trình đặc sắc. Cập nhập nhanh nhất và chính xác nhất Lịch phát sóng VTV3 ngày 28/11/2023 với nhiều chương trình hấp dẫn.
Lịch phát sóng VTV1 ngày 28/11/2023
Lịch phát sóng VTV1 ngày 28/11/2023 với nhiều chương trình đặc sắc. Cập nhập nhanh nhất và chính xác nhất Lịch phát sóng VTV1 ngày 28/11/2023 với nhiều chương trình hấp dẫn.