Thứ ba, 07/05/2024 03:17 (GMT+7)

Tuyên truyền, giáo dục và phát huy tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ thị trấn Nhã Nam

MTĐT -  Thứ hai, 09/01/2023 09:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đảng ủy Thị trấn Nhã Nam (Tân Yên, Bắc Giang) quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục và phát huy tinh thần yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng hiện nay là hết sức quan trọng.

Công tác lãnh đạo của Huyện ủy về tuyên truyền, giáo dục và phát huy giá trị truyền thống quê hương: Công tác biên soạn, biên tập Lịch sử Đảng bộ huyện và Lịch sử các xã, thị trấn từ rất sớm đã được Huyện ủy Tân Yên đặc biệt quan tâm.

Huyện ủy xác định, có hệ thống các cuốn sách Lịch sử Đảng bộ là nguồn tư liệu chính thống để định hướng công tác tuyên truyền, giáo dục và phát huy tinh thần yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện nói chung và thị trấn Nhã Nhã Nam nói riêng.

Năm 1998, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở đảng tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương. Chỉ đạo đảng uỷ các xã, thị trấn xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về biên soạn lịch sử đảng bộ; xây dựng kế hoạch triển khai viết lịch sử đảng bộ. Đến ngày 19/5/2001, 23/23 xã, thị trấn đã xây dựng xong kế hoạch và triển khai đến các đồng chí đảng ủy viên, ban chỉ đạo, tổ sưu tầm tư liệu, ban chấp hành các đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn để thực hiện.

Thực hiện Chỉ thị số 15 - CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) “Về tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”; theo đó là Chỉ thị số 20 -CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XII) “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng”, cùng các văn bản lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Những văn bản quan trọng này là cơ sở để Huyện ủy tăng cường chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn quan tâm, đầu tư biên soạn lịch sử Đảng bộ các đơn vị.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch, các văn bản tổ chức triển khai thực hiện. Huyện ủy đã tổ chức Hội nghị cán bộ nghiên cứu, quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, Chỉ thị số 20-CT/TW. Thành phần hội nghị gồm: Các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các đồng chí Huyện uỷ viên, lãnh đạo Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện, lãnh đạo các cơ quan ban ngành huyện, đồng chí bí thư các chi, đảng bộ trực thuộc. Qua đó nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên được nâng lên, thấy rõ vị trí, vai trò của công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương.

Từ năm 2002 đến nay, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác lịch sử Đảng. Các ấn phẩm về lịch sử được Huyện ủy, UBND huyện biên soạn, in và xuất bản. Cụ thể là: Trai Cầu Vồng Yên Thế (xuất bản năm 1999), Địa chí Tân Yên (xuất bản năm1999), Lịch sử Đảng bộ huyện Tân Yên (viết đến năm 1999, xuất bản năm 2000), Lịch sử Đảng bộ huyện Tân Yên, tái bản (viết đến năm 2009, xuất bản năm 2010), Sổ vàng ghi danh liệt sỹ huyện Tân Yên (xuất bản năm 2012), Tài liệu giảng dạy “Khái quát lịch sử huyện Tân Yên” (viết đến năm 1999, xuất bản năm 2003), Tài liệu giảng dạy “Khái quát lịch sử huyện Tân Yên”, tái bản (viết đến năm 2010, xuất bản năm 2012), Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Yên (viết đến năm 2015, xuất bản năm 2015), Tân Yên- vùng đất, con người (viết năm 2016, xuất bản năm 2017), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tân Yên (khóa XX, XXI, XXII, xuất bản năm 2021). Các cơ quan là Đảng uỷ Quân sự huyện và Đảng uỷ Công an huyện đã xuất bản cuốn lịch sử của ngành.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. TL

Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về truyền thống lịch sử cùng đất Nhã Nam xưa và thị trấn Nhã Nam ngày nay. Đặc biệt là tuyên truyền về một số điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt liên quan đến cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế trên vùng đất Nhã Nam. Vùng đất và con người Nhã Nam xưa và nay có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời.

Nhân dân Nhã Nam vốn có truyền thống lao động cần cù và lòng nồng nàn yêu nước. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, thủ phủ của Yên Thế xưa với biết bao địa danh gắn với tên đất, tên người đã đi vào sử sách và dân gian như Dương Thị Phan, Hoàng Hoa Thám, Cả Trọng, Đề Truật, Đề Trung...

Các di tích lịch sử được công nhận như đình làng Chuông, chùa Tứ Giáp, nghĩa địa Pháp, đền thờ Cả Trọng (đền Gốc Dẻ), đền Gốc Khế, đền Đề Truật, chùa Nam Thiên, ao ông Chấn Ký ... Các di tích lịch sử văn hoá của vùng đất Nhã Nam nói chung và những di tích đã được xếp hạng nói riêng là những di sản văn hóa vật chất và tinh thần được biết bao các thế hệ sáng tạo trong lịch sử dựng nước, giữ nước.

Các di tích đã và đang được các cấp, các ngành và Nhân dân góp công, góp của để gìn giữ, quan tâm xây dựng, tu bổ, tôn tạo, khai thác có hiệu quả trong nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo tuyên truyền việc sáp nhập xã Nhã Nam vào thị trấn Nhã Nam thành thị trấn Nhã Nam ngày nay. Xuất phát từ những đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội đòi hỏi phải điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thị trấn Nhã Nam; sáp nhập xã Nhã Nam vào thị trấn Nhã Nam để thị trấn Nhã Nam trở thành đô thị loại V trong tương lai gần.

Việc mở rộng địa giới hành chính thị trấn Nhã Nam huyện Tân Yên có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo động lực mới cho sự phát triển của thị trấn Nhã Nam nói riêng và huyện Tân Yên nói chung nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, sắp xếp hợp lý tổ chức bộ máy theo Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Qua đó nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế thị trấn, tạo quỹ đất để xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng quy hoạch, chỉnh trang không gian đô thị; xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Tân Yên. Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng, phát triển đô thị tương xứng với vị trí trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội khu vực phía Tây Bắc của huyện Tân Yên trước mắt cũng như lâu dài. Do đó mở rộng địa giới hành chính thị trấn Nhã Nam là nhiệm vụ cần thiết để xây dựng Nhã Nam trở thành khu vực trọng điểm phát triển thương mại, dịch vụ, kinh tế xã hội ở khu vực phía Bắc của huyện.

Hòa chung trong tiến trình lịch sử của đất nước, dân tộc, vùng đất và con người Tân Yên, thị trấn Nhã Nam giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, được hun đúc qua nhiều thế hệ với cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Đảng ủy Thị trấn Nhã Nam quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục và phát huy tinh thần yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng hiện nay là hết sức quan trọng.

Thứ nhất: Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống. Nội dung tuyên truyền trên hệ thống tư liệu được Đảng bộ xã Nhã Nam, thị trấn Nhã Nam được biên soạn công phu, in thành sách. Cụ thể là cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Nhã Nam, xuất bản năm 2002; Lịch sử Đảng bộ xã Nhã Nam, tái bản, bổ sung năm 2016; Lịch sử Đảng bộ thị trấn Nhã Nam, xuất bản năm 2016. Ngoài ra, trong các tài liệu khác viết về vùng đất thị trấn Nhã Nam - xưa và nay như cuốn sách Địa chí Tân Yên, Tân Yên vùng đất, con người...

Thứ hai: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Chỉ đạo các chi bộ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền về lịch sử thị trấn gắn với Tết cổ truyền dân tộc, các ngày lễ, kỷ niệm lớn hằng năm như ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, kỷ niệm 30/4, 1/5, 7/5, 19/5; Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và ngày hội Quốc phòng toàn dân 22/12. Kết hợp các loại hình tuyên truyền hiệu quả khác như: Tổ chức gặp mặt, tọa đàm, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao; tuyên truyền trực quan qua hệ thống panô, khẩu hiệu... nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của đất nước, dân tộc, của Đảng bộ thị trấn Nhã Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về vùng đất, con người thị trấn Nhã Nam đến đông đảo cán bộ, đảng viên, học sinh và Nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần từng bước nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử văn hóa trong Nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ; khơi dậy niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, khơi dậy khát vọng ý chí vươn lên xây dựng quê hương Nhã Nam và Tân Yên ngày càng phát triển.

Thứ ba: Quan tâm, chỉ đạo chi bộ trường THCS thực hiện nghiêm túc Quyết định 345-QĐ/HU ngày 22/4/2004 của Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Yên về việc tổ chức giảng dạy lịch sử huyện Tân Yên. Việc giảng dạy Lịch sử huyện được duy trì thành nền nếp từ năm 2004 đến nay trong các trường THCS, THPT, TTGDTX&DN, Trung tâm Chính trị huyện. Ban Giám hiệu nhà trường bố trí tổ chức giảng dạy lịch sử địa phương theo phân phối chương trình của trên quy định.

Đảng ủy nghiên cứu trên cơ sở các tài liệu chính thống đã công bố và phát hành; biên soạn thành tài liệu ngắn gọn đưa vào giảng dạy lồng ghép trong các tiết học về lịch sử địa phương tại trường THCS.

Thứ tư: Đảng ủy nên chỉ đạo Đoàn Thanh niên tổ chức kết nạp đoàn viên, đội viên kết hợp với đi tham quan, thực tế tại các di tích lịch sử trên địa bàn. Tăng cường, phối hợp tuyên truyền về khu di tích Sáu điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân. Công trình “Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” có ý nghĩa quan trọng, là sự ghi nhận, tôn vinh sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà Bác Hồ dành cho lực lượng Công an Nhân dân.

Phối hợp với các đơn vị liên quan có hướng dẫn viên giới thiệu về các di tích lịch sử văn hóa để thế hệ trẻ có điều kiện thời gian, không gian hiểu về các giá trị truyền thống của quê hương Nhã Nam, nơi chính các em được sinh ra, lớn lên trong tình cảm tốt đẹp của của vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Đảng ủy, UBND xây dựng mối quan hệ gắn bó với các cơ quan, đơn vị của tỉnh đứng chân trên địa bàn cùng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi về công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Thứ năm: Đảng ủy thị trấn Nhã Nam đẩy mạnh tuyên truyền các thành tựu kinh tế - xã hội qua các thời kỳ, nhất là thời kỳ sau khi sáp nhập vào thị trấn Nhã Nam ngày nay. Quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền về quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy về phát triển kinh tế trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020- 2025, định hướng đến năm 2030.

Đẩy mạnh tuyên truyền về mở rộng, chính trang đô thị cho xứng với tầm vóc của đô thị phát triển phía Bắc của huyện, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Bắc Giang đến năm 2025. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ và Nhân dân thị trấn Nhã Nam đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế tăng trưởng khá; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống nhân dân được cải thiện; kết cấu hạ tầng có bước phát triển; văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố.

Thứ sáu: Tân Yên nói chung và Nhã Nam nói riêng là vùng đất có bề dày lịch sử từ rất lâu đời, trong cùng tiến trình lịch sử của đất nước. Những sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc đều tác động đến vùng đất này. Cũng tại đây từ rất sớm đã có những nhân vật và sự kiện lịch sử tiêu biểu của vùng đất mang danh: “Đất Cầu Vồng lịch sử”. Nên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ủy thực sự coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhất là thế hệ trẻ có niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng quê hương Nhã Nam ngày càng giàu mạnh.

Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Tân Yên

Bạn đang đọc bài viết Tuyên truyền, giáo dục và phát huy tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ thị trấn Nhã Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Chia sẻ khó khăn cùng người dân trong mùa hạn, mặn
Do ảnh hưởng của tình hình hạn, mặn kéo dài làm cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thiếu nước sinh hoạt, thời gian qua, các cấp Hội tại Long An đã có nhiều việc làm thiết thực để hỗ trợ nước sinh hoạt.
Bài thơ: Em thương anh...
Em thương anh! Thương mọi điều anh ạ///Cả tiếng cười, cả giọng nói ấm êm//Cả những chuyện anh vẫn kể hàng đêm///Từng câu chữ nhát gừng nhưng mộc mạc 
Khai mạc Giải Vô địch đá cầu tỉnh Bắc Giang năm 2024
Giải Vô địch đá cầu tỉnh Bắc Giang năm 2024, quy tụ 145 vận động viên tiêu biểu đến từ 9 địa phương gồm: TP Bắc Giang và các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Thế, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động.

Tin mới