Thứ hai, 29/04/2024 00:30 (GMT+7)

Xây dựng một tương lai có phát thải ròng bằng không, hài hòa với thiên nhiên

MTĐT -  Chủ nhật, 05/06/2022 19:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trái đất của chúng ta đang phải đối mặt với ba vấn đề lớn: Khí hậu nóng lên nhanh hơn dự đoán; Môi trường sống bị mất đi và các áp lực khác với ước tính có khoảng 1 triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng; và tình trạng ô nhiễm không khí, đất và nước.

Cách đây 50 năm, Hội nghị đầu tiên của Liên Hợp Quốc về Môi trường được tổ chức tại Stockholm vào năm 1972. Và năm nay, cả thế giới đang xem xét những thách thức chính mà con người và hành tinh đang phải đối mặt, với việc các quốc gia sẽ gặp mặt ở Stockholm để lên ý tưởng và hành động để vượt qua những thách thức đó.

UNDP tại Việt Nam đã và đang làm việc với Đại sứ quán Thụy Điển và Bộ Tài nguyên để hỗ trợ quá trình tham vấn quốc gia nhằm giúp đưa tiếng nói của của người dân Việt Nam về các vấn đề này ra toàn thế giới.

Với các cam kết về khí hậu đưa ra tại COP26, Việt Nam hiện đang ở một thời điểm mang tính quyết định trong việc chuyển đổi phương thức phát triển để mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế và môi trường. Điều này bao gồm các phương thức tiếp cận xanh, thích ứng với khí hậu về công nghệ, thị trường vốn, chuỗi cung ứng, mô hình kinh doanh và sự tham gia của các DNVVN trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới.

Việt Nam cần một công cuộc “Đổi mới” về môi trường và khí hậu, để có được sự phục hồi kinh tế xanh và bao trùm sau đại dịch COVID-19 trong tiến trình nỗ lực để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời vẫn bảo vệ được các nguồn tài nguyên và môi trường cho thế hệ tương lai.

Xây dựng một tương lai có phát thải ròng bằng không, hài hòa với thiên nhiên
Việt Nam hiện đang ở một thời điểm mang tính quyết định trong việc chuyển đổi phương thức phát triển để mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế và môi trường. Ảnh: internet

Chính phủ Việt Nam đã có những hành động ngay lập tức kể từ sau COP26, trong đó có việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện các cam kết khí hậu của Việt Nam. Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được công bố gần đây là một trong những công cụ chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và tăng cường tính chống chịu và khả năng phục hồi cho cộng đồng.

UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam rà soát lại Đóng góp do quốc gia tự quyết định và báo cáo kỹ thuật của Kế hoạch Thích ứng Quốc gia trước hội nghị COP27 vào tháng 11 năm nay.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là chuyển đổi năng lượng công bằng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam đòi hỏi mức sản xuất năng lượng phải tăng trưởng cao hơn nữa. Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp cung cấp năng lượng bền vững cho nền kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng và chuyển đổi nhiều ngành kinh tế khác sang hướng phát triển xanh, ví dụ như ngành giao thông vận tải.

Tuy nhiên, có một số trở ngại trên thực tế đối với quá trình chuyển đổi xanh và công bằng, chẳng hạn như khung pháp lý cho ngành điện (bao gồm cả việc định giá điện); hệ thống truyền tải; thị trường khu vực và đảm bảo tài chính. Liên Hợp Quốc và UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong Quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, bao gồm cả quá trình loại bỏ dần việc sử dụng than đá như được nêu bật trong cuộc họp gần đây giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner và trong lá thư của Tổng Thư ký LHQ António Guterres và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Kinh tế đại dương đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển nền kinh tế bền vững ở Việt Nam. Đại dương đóng vai trò điều hòa khí hậu quan trọng. Đại dương cung cấp năng lượng sạch và nhiều tài nguyên quan trọng. Nền kinh tế biển xanh còn góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi, giảm thiểu cacbon trong ngành giao thông hàng hải và xanh hóa các cảng.

Ngoài ra, phát triển cơ sở hạ tầng xanh ở các vùng ven biển sẽ giúp bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan, đồng thời mang lại lợi ích cho nền kinh tế cho khu vực ven biển, bao gồm cả du lịch. Quy hoạch không gian biển là cần thiết để cung cấp một khuôn khổ cho việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái từ biển.

Việc tăng cường các hành động toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa và thúc đẩy tiến trình hướng tới việc có một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa để ngăn ngừa và giảm tác động môi trường của ô nhiễm nhựa theo Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc về chấm dứt ô nhiễm nhựa là điều hết sức cần thiết. UNDP tự hào đã cùng Việt Nam thực hiện các bước quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh, quy hoạch không gian biển và giảm thiểu rác thải nhựa ra biển.

Chúng tôi cũng đã và đang hợp tác với Việt Nam trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học để bảo vệ các hệ sinh thái khác nhau bao gồm rừng, đất ngập nước và các rạn san hô.

Chúng tôi nhận thấy có nhiều cơ hội cho Việt Nam để vượt qua những thách thức mà chúng ta đang đối mặt bằng các giải pháp dựa vào thiên nhiên thông qua tái trồng rừng, quản lý rừng bền vững, trồng và phục hồi rừng ngập mặn, du lịch dựa vào thiên nhiên,... Cụ thể, rừng ngập mặn là một trong những giải pháp dựa vào thiên nhiên hiệu quả nhất.

Chúng không chỉ là nguồn sinh kế bền vững, như từ nuôi trồng thủy sản và nuôi ong, mà còn góp phần vào việc hấp thụ carbon, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ bờ biển và lọc nước. Các hoạt động này tạo ra lợi ích chung, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và giúp người dân cải thiện sinh kế cũng như tăng tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam.

Xây dựng một tương lai có phát thải ròng bằng không, hài hòa với thiên nhiên
Cần một khung chính sách minh bạch về các dòng tài chính xanh

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc đảm bảo nguồn tài chính dài hạn mang tính sáng tạo cho các chương trình giảm thiểu cacbon của Việt Nam sẽ là yếu tố quan trọng để đạt được mức trung hòa carbon. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều ví dụ về đổi mới thể chế và chính sách để đạt được mục tiêu này, bao gồm sự tham gia của các ngân hàng phát triển quốc gia, các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp khác nhau, quỹ tài sản nhà nước và trái phiếu xanh có thể giúp thu hút tài chính tư nhân và huy động tài chính khí hậu quốc tế.

Việt Nam phải đưa ra một khung chính sách minh bạch về các dòng tài chính xanh để hỗ trợ các dự án và đầu tư mới về môi trường và tăng cường tính chống chịu. Cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tài chính của khu vực tư nhân trong nước đều rất cần thiết để hỗ trợ đạt được mục tiêu Phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Hành tinh duy nhất của chúng ta đang đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng - khí hậu thay đổi nhanh, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ngày càng tăng, mất đa dạng sinh học và suy giảm chức năng hệ sinh thái. Thời gian không còn nhiều, và thiên nhiên đang trong tình trạng khẩn cấp.

Chúng ta cần hành động ngay lập tức để giải quyết những vấn đề cấp bách này. Mặc dù rất nhiều giải pháp chỉ có thể được thúc đẩy từ hành động của các thực thể có quy mô như các chính phủ quốc gia và chính quyền địa phương, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế..., mỗi người trong chúng ta đều có thể làm phần việc của mình để giúp hành tinh xinh đẹp và duy nhất này vẫn mãi là ngôi nhà thân yêu cho con người và thiên nhiên trong sự hài hòa và cân bằng.

Và đây là lúc mà mối quan hệ đối tác và hợp tác giữa Liên Hợp Quốc với Chính phủ, các tổ chức quốc tế và quốc gia, cũng như với cộng đồng, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Liên Hợp Quốc tự hào đã và đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là với Bộ TN&MT, trong các lĩnh vực quan trọng về biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, bảo tồn đa dạng sinh học để xây dựng một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.

Cùng với nhau, chúng ta hãy nỗ lực ở mức cao nhất trong các hành động quốc gia cũng như trong hợp tác quốc tế để xây dựng một tương lai có phát thải ròng bằng không, hài hòa với thiên nhiên, vào năm 2050, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng một tương lai có phát thải ròng bằng không, hài hòa với thiên nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.