Thứ năm, 12/12/2024 01:33 (GMT+7)

Ấn Độ - mắt xích quan trọng để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu

MTĐT -  Thứ hai, 04/12/2023 16:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự phát triển nhanh về dân số và kinh tế gây tổn hại lớn cho con người và môi trường, gây ra những hậu quả vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ.

tm-img-alt
Nước sông Teesta dâng cao do mưa lớn gây ngập lụt tại thung lũng Lachen, bang Sikkim, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN.

Sự phát triển nhanh về dân số và kinh tế gây tổn hại lớn cho con người và môi trường, gây ra những hậu quả vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ.

Theo bài viết trên báo Die Welt của Đức, nền kinh tế và dân số Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng, gây ra nguy cơ thiếu năng lượng. Nước này đang đầu tư lớn cho năng lượng tái tạo, nhưng đồng thời mức tiêu thụ than đá cũng ngày càng tăng.

Tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), tất cả các quốc gia phải tìm ra giải pháp cho Ấn Độ và đối với phương Tây, điều này sẽ rất tốn kém.

* Không khí ô nhiễm, nóng bức và lũ lụt

Trong những năm gần đây, nhất là vào mùa Thu, thứ bọt trắng độc hại trông giống như những bông tuyến trắng trên bề mặt dòng sông Yamuna ở thủ đô New Delhi (một nhánh của sông Hằng) đã khiến thuyền bè qua lại gặp khó khăn. Đó thực chất là hỗn hợp nước thải và chất thải công nghiệp được thải ra dòng sông.

Bọt trắng trên sông thường hình thành trong mùa sương mù hàng năm ở New Delhi, khiến nhiều người trong số hơn 20 triệu cư dân của thành phố này mắc bệnh. Và không chỉ New Delhi, trong số 50 thành phố ô nhiễm nhất thế giới có 39 thành phố ở Ấn Độ.

Chất lượng không khí ở New Delhi trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm xấu hơn tới 100 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo ông Adrian Haack, người đứng đầu văn phòng Viện KAS của Đức ở Ấn Độ, tại New Delhi người dân phải đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời tương đương với việc hút khoảng 50 điếu thuốc mỗi ngày. Những người có điều kiện tốt sẽ ở trong nhà với máy lọc không khí, nhưng điều này chỉ dành cho tầng lớp giàu có trong xã hội. Vào mùa Thu, tình trạng các trường học và nhiều văn phòng phải đóng cửa, các công trường xây dựng phải dừng lại, là điều bình thường ở thành phố này.

Ông Haack cho biết, nhiều người dân hoàn toàn thờ ơ và phải đối mặt với không khí ô nhiễm mỗi ngày. Nhiều hoạt động ngoài trời vẫn diễn ra bình thường. Lễ hội ánh sáng Diwali của những người theo đạo Hindu cũng diễn ra vào thời điểm này trong năm. Dù có lệnh cấm, người dân vẫn bắn pháo hoa hàng loạt lên bầu trời đầy khói bụi.

Một trong những nguyên nhân khiến bầu không khí ở thủ đô New Delhi trở nên đặc quánh vào mỗi mùa Thu là do nông dân ở các bang lân cận đốt rơm rạ trên các cánh đồng.

Không chỉ không khí ô nhiễm, Ấn Độ phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, hạn hán và lũ lụt trong suốt cả năm 2022. Hậu quả của biến đổi khí hậu đã được cảm nhận rõ ở nước này.

tm-img-alt
Lòng sông Ganges ở Prayagraj, Ấn Độ khô nứt nẻ do hạn hán kéo dài. Ảnh: AFP/TTXVN.

* Thế giới cần những nỗ lực của Ấn Độ

Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi lượng tiêu thụ than đá trong thập kỷ qua để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang bùng nổ mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế có thể hiện được ưu tiên hơn việc bảo vệ môi trường, ngay cả khi hậu quả của biến đổi khí hậu và môi trường ô nhiễm ngày càng trở nên rõ ràng.

Không phải Chính phủ Ấn Độ không hành động để bảo vệ khí hậu. Nước này đã đề ra các mục tiêu đầy tham vọng và đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo. Đến năm 2030, một nửa nhu cầu năng lượng của Ấn Độ sẽ đến từ năng lượng tái tạo. Sau đó, xe điện sẽ thay thế hoàn toàn xe chạy bằng động cơ đốt trong.

Quốc gia đông dân nhất thế giới đang phát triển nhanh đến mức nhu cầu năng lượng khó có thể được đáp ứng đủ. Sự phát triển nhanh chóng về dân số và kinh tế cũng gây tổn hại lớn cho con người và môi trường, gây ra những hậu quả vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ.

Tiểu lục địa Nam Á đứng thứ ba thế giới trong danh sách các quốc gia có lượng khí thải lớn nhất, sau Mỹ và Trung Quốc. Nhưng kể từ năm 1990 đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận mức tăng khí thải carbon dioxide cao nhất thế giới, thậm chí còn cao hơn Trung Quốc.

Do đó, những điều Ấn Độ đang làm có vai trò rất quan trọng trong việc xác định liệu thế giới có thể làm chậm sự nóng lên toàn cầu hay không. Dưới thời Tổng thống Narendra Modi, năng lượng tái tạo đã được phát triển mạnh mẽ và các hệ thống năng lượng Mặt Trời khổng lồ ngày càng được xây dựng nhiều hơn. Nhưng đồng thời, để đáp ứng nhu cầu năng lượng, các nhà máy nhiệt điện than mới cũng đang được xây dựng. Hiện 70% lượng năng lượng tiêu thụ của Ấn Độ vẫn đến từ than đá.Ấn Độ đặt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2070, chậm hơn 10 năm so với mục tiêu của Trung Quốc và chậm hơn nhiều so với các nước phát thải lớn khác như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Chuyên gia Hanna Fekete thuộc Viện Khí hậu mới cho rằng với tư cách một trong những nước phát thải lớn nhất thế giới, những biện pháp Ấn Độ thực hiện là rất quan trọng trong việc đảm bảo duy trì sự nóng lên toàn cầu không quá 1,5 độ C. Nhưng các biện pháp này vẫn còn chưa đủ. Tuy nhiên, chuyên gia Fekete cũng cho rằng các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ chịu "ít trách nhiệm lịch sử hơn" và có ít năng lực hơn trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu phải đạt đỉnh vào năm 2025 và sau đó giảm mạnh mới có thể thực hiện được các mục tiêu mà thế giới đã đề ra. Chuyên gia Fekete cho rằng điều này đòi hỏi những biện pháp rất tham vọng mà các nước đang phát triển như Ấn Độ không thể thực hiện được. Ấn Độ cần sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật sâu rộng để có thể quản lý quá trình chuyển đổi ngành năng lượng của mình.

Từ lâu, cả Chính phủ Ấn Độ và nhiều quốc gia khác đều công nhận rằng Ấn Độ là địa điểm lý tưởng để đầu tư cho năng lượng tái tạo. Tiểu lục địa Nam Á hiện là nước sản xuất năng lượng Mặt Trời lớn thứ ba thế giới và có chi phí năng lượng tái tạo thấp nhất. Hai trong số năm nhà máy năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới nằm ở Ấn Độ. Ngân hàng Bank of America dự báo rằng đầu tư của Ấn Độ vào lĩnh vực năng lượng xanh có thể đạt 800 tỷ USD trong thập kỷ tới, đặc biệt là từ khu vực tư nhân.

* Năng lượng tái tạo cần những khoản đầu tư lớn

Tuy nhiên, trên thực tế, Ấn Độ nhận được chưa đến 3% tổng mức đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch. Vì vậy, nước này tiếp tục dựa vào than đá để cung cấp năng lượng cho dân số ngày càng tăng và nền kinh tế bùng nổ.

Theo số liệu của EU, mỗi năm Ấn Độ thải ra hơn 2,4 tỷ tấn CO2. Một phân tích của tổ chức Climate Action Tracker cho thấy các mục tiêu của Ấn Độ hoàn toàn không đủ để có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Thế giới đang cần Ấn Độ hành động để giải quyết các vấn đề về khí hậu, nhưng nước này cũng cần sự hỗ trợ từ bên ngoài vì các khoản đầu tư cho một tương lai xanh hết sức tốn kém.

Các quốc gia phát triển cần phải cung cấp cho các nước đang phát triển 100 tỷ USD mỗi năm để giúp họ giảm lượng khí thải và giải quyết những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Tại COP27 năm ngoái, thế giới đã thành lập một quỹ khí hậu mới để triển khai điều này, nhưng hiện chưa có khoản thanh toán nào được thực hiện.

Bạn đang đọc bài viết Ấn Độ - mắt xích quan trọng để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Vũ Tùng (P/V TTXVN Tại Berlin)

Cùng chuyên mục

Tin mới