Bình Định: Trang trí cảnh quan đô thị cần hài hòa, có nét đặc trưng
Theo giới chuyên môn, việc tạo thêm công trình trang trí cảnh quan đô thị trong quá trình xây dựng, phát triển là cần thiết, nếu làm tốt sẽ góp phần tạo nét riêng và ấn tượng đẹp.
Theo giới chuyên môn, việc tạo thêm công trình trang trí cảnh quan đô thị trong quá trình xây dựng, phát triển là cần thiết, nếu làm tốt sẽ góp phần tạo nét riêng và ấn tượng đẹp. Ngược lại, nếu không thực hiện bài bản, “thích gì làm nấy” thì sẽ không đạt được hiệu quả đề ra.
Nhiều địa phương quan tâm
Gần đây, vào ban đêm, nhiều tuyến đường trung tâm ở các phường, thị trấn của TX Hoài Nhơn, An Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn đều có “đèn giăng khắp lối” như ở TP Quy Nhơn. Điều này thể hiện sự quan tâm đầu tư của các địa phương trong việc giúp khu vực đô thị sinh động, rực rỡ hơn qua hệ thống đèn trang trí hai bên đường, cổng chào, tại các vòng xoay giao thông, hoa viên.
Đáng chú ý, một số hệ thống đèn trang trí được thiết kế thể hiện đặc trưng địa phương, như đèn trang trí ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) có hình Văn chỉ Tuy Phước; đèn trang trí ở phường Bình Định (TX An Nhơn) tạo hình mai vàng; đèn trang trí ở phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) tạo hình cây dừa, biểu tượng nơi cập bến tàu không số Lộ Diêu …
Nhiều địa phương còn tạo tiểu cảnh, tượng trang trí ở khu vực đô thị. Trong đó, chúng tôi ấn tượng trước công viên nước có chiếu sáng nghệ thuật ở phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn), hoàn thành trước tết Quý Mão 2023. Điểm nhấn của công viên là tượng hai tay người nâng quả địa cầu, có kích thước khá lớn.
Ông Nguyễn Văn Phụng (65 tuổi, ở phường Bồng Sơn) nhìn nhận: “Theo tôi, tượng ở công viên nước Bồng Sơn mang ý nghĩa chung tay bảo vệ trái đất, cũng có thể hiểu rộng ra là hội nhập toàn cầu… Công trình này thể hiện cho sự đổi mới, nỗ lực xây dựng, phát triển, hướng đến phấn đấu đưa Hoài Nhơn thành đô thị loại III vào năm 2025”.
Cần phù hợp, tránh “hiệu ứng ngược”
Bên cạnh yếu tố tích cực, phải thừa nhận một thực tế là hệ thống đèn trang trí ở các địa phương trong tỉnh trông na ná nhau; một số chỗ đèn lòa loẹt, lắp dày đặc, rối mắt, chưa hài hòa với không gian chung của khu vực lắp đặt.
Ở một hồ nước nhân tạo tại khu vực trung tâm thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) đã có điểm nhấn phun nước chiếu sáng giữa hồ, 4 góc lại có thêm 4 hoa sen nhựa khá lớn lắp đèn chiếu sáng, nhìn “không khớp” so với diện tích hồ và không gian xung quanh. Với công trình đèn trang trí hình hoa sen mới ra mắt trước tết Quý Mão 2023 ở một vòng xoay ngã tư tại thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), nhiều ý kiến bình luận “giống y hệt ở Quy Nhơn”…
Một trong những công trình chỉnh trang cảnh quan đô thị mới ở Quy Nhơn là hai tượng cá chép hóa rồng (cao 2,9 m, ngang 1,55 m, rộng 0,95 m), thêm hệ thống phun nước từ miệng cá, chiếu sáng tượng nổi bật vào ban đêm ở khu vực hồ Bàu Sen. Về khai thác văn hóa truyền thống Việt Nam, tượng được làm theo mẫu tranh dân gian Đông Hồ; còn yếu tố đặc trưng địa phương là sử dụng chất đá granite Bình Định. Hai tượng cá chép thu hút nhiều người đến ngắm, chụp ảnh.
Tuy nhiên, công trình mới này nhận được một số ý kiến “trái chiều” khi hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng Quy Nhơn đã “sao chép” giống tượng cá chép hóa rồng đã trở thành biểu tượng du lịch ở TP Đà Nẵng. Một số ý kiến khác cho rằng, hai tượng cá chép đặt ở hồ Bàu Sen có kích thước nhỏ, nên chưa gây ấn tượng, hài hòa với không gian chung.
Chị Lê An, công tác trong ngành giáo dục ở TP Quy Nhơn, cho rằng: “Quy Nhơn là đô thị trung tâm của tỉnh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, đang trên đà phát triển mạnh. Nếu thực hiện các công trình trang trí cảnh quan đô thị, trong đó có các tượng thì nên làm sao để thể hiện được đặc trưng của địa phương, hoặc yếu tố hội nhập hiện đại, hướng đến tương lai, thể hiện sự đổi thay lớn mạnh hơn nữa của thành phố”.
Theo Báo Bình Định