Thứ hai, 20/05/2024 00:49 (GMT+7)

Bình Thuận: Đến năm 2025 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 90%

Nguyễn Phương -  Thứ tư, 08/05/2024 10:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025.

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và ý thức tự giác thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, đồng thời tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, kiện toàn hệ thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn theo quy định. Triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo thời gian quy định.

Đối với phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, trong năm 2024, UBND cấp huyện và UBND cấp xã phải ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Xây dựng tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho đội ngũ tuyên truyền viên cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ cấp huyện đến cấp xã; đồng thời, phối hợp với các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải sau khi được phân loại.

Ban hành lộ trình, tần suất, thời gian và tuyến thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực trên địa bàn. Ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để áp dụng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

tm-img-alt
Bộ TN&MT đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt (Ảnh minh họa: TH). 

Đến năm 2025, 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 70%, ở xã đạt tỷ lệ 30%.  Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%.80%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế đạt trên 70%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 98%.

Để triển khai thực hiện Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, các Sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tập trung tuyên truyền cho người dân biết các văn bản pháp luật liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt; nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; hướng dẫn việc lưu giữ, chuyển giao, tập kết chất thải rắn sinh hoạt của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; các quy định liên quan đến việc chế tài, xử lý vi phạm trong công tác phân loại, chuyển giao, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Quá trình thực hiện phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; nguồn lực tài chính của địa phương.

Đối với việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng và quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, việc xử lý chất thải rắn xây dựng được áp dụng theo thứ tự ưu tiên như sau: Tái sử dụng sản phẩm thải bỏ; sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hoặc nâng cấp sản phẩm bị lỗi, sản phẩm cũ để kéo dài thời gian sử dụng; tận dụng thành phần, linh kiện của sản phẩm thải bỏ; tái chế chất thải rắn để thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật; xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật; chôn lấp chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

Chất thải rắn xây dựng phải được phân loại ngay tại nguồn phát sinh và quản lý; chất thải rắn xây dựng sau khi phân loại không được để lẫn với các chất thải khác và phải được giữ riêng theo quy định. Trong trường hợp chất thải rắn xây dựng thông thường có lẫn với chất thải nguy hại thì phải thực hiện việc bóc tách phần chất thải nguy hại riêng; nếu không thể bóc tách được thì toàn bộ hỗn hợp chất thải phải được quản lý như chất thải nguy hại.

Chất thải từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại đô thị phải được thu gom và chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải từ hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải phải được tái sử dụng hoặc đổ thải tại các vị trí theo hướng dẫn của UBND cấp xã; không được đổ chất thải ra đường, sông, suối, ao, hồ và các nguồn nước mặt khác làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

Sau khi phân loại chất thải rắn xây dựng phải tiến hành thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý. Việc vận chuyển phải tuân thủ về thời gian tuyến đường vận chuyển, an toàn giao thông trên các tuyến đường và tuân thủ các quy định khác của cơ quan có thẩm quyền. Các phương tiện vận chuyển chất thải rắn xây dựng phải là phương tiện bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn đã được kiểm định và được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành theo quy định.

Đối với chất thải rắn có thành phần chất thải nguy hại phải được thu gom, vận chuyển theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chủ nguồn thải hoặc chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn từ hoạt động xây dựng phải chuyển giao cho cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng theo quy định hoặc chủ mặt bằng cần san lấp có phương án san lấp được cơ quan có thẩm quyền về môi trường chấp thuận.

Việc tái sử dụng chất thải rắn xây dựng phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Đối với chất thải rắn xây dựng có khả năng tái chế, tái sử dụng được thu gom, vận chuyển đến các cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng để tái chế, tái sử dụng. Các loại chất thải rắn xây dựng được tái chế sử dụng làm vật liệu sản xuất gạch, tấm tường, gạch lát nền, các sản phẩm vật liệu xây dựng khác hoặc san nền;  làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, gỗ và nhiên liệu đốt; tái chế thành vật liệu bê tông nhựa…

Theo quy định của UBND tỉnh, các cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng phải đầu tư xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khuyến khích xử lý chất thải rắn xây dựng tại nơi phát sinh chất thải với quy trình, công nghệ phù hợp, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường.

Công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng phải phù hợp với quy mô, công suất đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế - xã hội. Việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng phải tuân theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

Địa điểm quy hoạch đổ chất thải rắn từ hoạt động xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh thực hiện theo phương án quy hoạch các khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch tỉnh được phê duyệt./.

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Đến năm 2025 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 90%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đi Chùa sớm
Đôi chim sẻ nô đùa rất rõ///Cỏ treo mặt trời trong giọt sương tơi//Nắng thơm quá //Tơ xanh non màu lá,
Bài thơ: Yêu...!
Cứ mỗi độ hạ về rưng rưng nhớ ///Một người thương… thương lắm… đến ngây khờ///Từng gặp gỡ chớm mùa hoa Phượng nở///Ánh mắt người … vừa chạm … đã ngẩn ngơ !